Tin thế giới trưa thứ Bảy: Trung Quốc đang ‘chen chân’ vào Bắc Cực

Chuyên gia: Trung Quốc đang ‘chen chân’ vào Bắc Cực

Chuyên gia: Trung Quốc đang 'chen chân' vào Bắc Cực
Tàu nghiên cứu và tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc, khởi hành đến Bắc Cực, từ Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, miền nam Trung Quốc, vào ngày 27/6/2010. Bắc Cực vốn khiến Bắc Kinh thèm khát vì trữ lượng dầu và khí đốt tự nhiên khổng lồ. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Bằng cách đảm bảo các tuyến đường thương mại mới và tiếp cận quân sự ở Bắc Cực, ĐCSTQ đang tìm cách mở rộng năng lực của mình trong việc “phóng chiếu sức mạnh toàn cầu”, ông Rick Fisher, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế nhận định hôm 15/9.

“Đối với Trung Quốc, Bắc Cực mang đến một cơ hội chiến lược và chiến thuật”, ông Fisher nói trong cuộc phỏng vấn với đài NTD, một kênh truyền thông chị em của The Epoch Times, phát sóng vào ngày 15/9.

“Băng đang tan chảy nhanh chóng, mở ra các tuyến đường biển vùng cực mới, cho phép Nga và Trung Quốc khai thác một trữ lượng lớn hydrocacbon. Tài nguyên này trở nên vô cùng hấp dẫn khi đi kèm với tính kinh tế của vận tải đường biển”, ông Fisher cho hay.

Bắc Cực có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên rộng lớn, bao gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, kim loại đất hiếm, kim cương và các ngư trường hoang sơ. Do đó, khu vực trước đây vốn không bị kiểm soát có thể sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng đối với địa chính trị toàn cầu trong những năm tới, đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng tài nguyên toàn cầu tiếp tục diễn ra.

ĐCSTQ đã tuyên bố Trung Quốc là một “quốc gia cận Bắc Cực” vào năm 2012, với hy vọng tạo ra một số dấu hiệu về tính hợp pháp cho những nỗ lực của họ để thúc đẩy việc họ tiến vào khu vực này. Trong số những nỗ lực đó có cái gọi là Con đường Tơ lụa Địa cực (Polar Silk Road-PSR), một tuyến đường được cho là sẽ kết nối châu Á và châu Âu thông qua các tuyến đường thủy mở ra của Bắc Cực.

Tuy nhiên, để có thể tiến vào Bắc Cực và đảm bảo các tuyến đường thương mại như vậy, ĐCSTQ cần phải xoa dịu người chơi quyền lực nhất trong khu vực: Nga. Tàu phá băng Tor tại cảng Sabetta trên bờ biển Kara tại Bán đảo Yamal trong vòng Bắc Cực, cách Moscow khoảng 2.450 km, hôm 16/4/2015. Dự án Yamal LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) nhằm khai thác và hóa lỏng khí từ mỏ khí đốt Yuzhno-Tambeyskoye bắt đầu sản xuất vào năm 2017. Novatek của Nga nắm giữ 60% cổ phần trong liên doanh. Total của Pháp và CNPC của Trung Quốc, mỗi bên nắm giữ 20%. (Ảnh: Kirill Kudryavtsev/AFP/Getty Images)

Ông Fisher nói: “Một Con đường Tơ lụa Bắc Cực thành công sẽ kéo theo các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào Nga”.

“Cùng với đó, sẽ có sự gia tăng các tàu tuần dương, tàu phá băng, tàu vận tải dầu khí của Trung Quốc, hợp tác với hải quân Nga, và nó cũng sẽ biện minh cho việc Trung Quốc điều động lực lượng hải quân của mình vào khu vực Bắc Cực”.

Để đạt được mục tiêu đó, ông Fisher nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển lực lượng hải quân – vốn đã lớn mạnh nhất thế giới – để chuẩn bị cho sự hiện diện ngày càng tăng ở Bắc Cực.

“Hải quân của Trung Quốc đang phát triển”, ông Fisher nói. “Lực lượng này sẽ sở hữu thêm nhiều tàu hơn nữa để dự phòng cho các hoạt động ở Bắc Cực”.

Cổ phần ‘rất lớn’

Ông Bruce Jones, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings, cho biết trong một cuộc phỏng vấn riêng với đài NTD rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ đang bước vào giai đoạn cạnh tranh hải quân kéo dài và nguy cơ xung đột leo thang. Ông nói, Bắc Cực sẽ là tâm điểm chính của cả hai quốc gia trong cuộc cạnh tranh đó.

Ông Jones nói: “Bắc Cực đang trở thành một trong những khu vực cạnh tranh nóng nhất”.

“Vấn đề lớn nhất là biến đổi khí hậu đang thay đổi nhanh chóng khả năng di chuyển qua Bắc Cực hàng  năm”.

Ông Jones cho biết hiện tại chỉ có thể đi qua Bắc Cực từ 5 đến 6 tháng một năm nếu không có tàu phá băng hạng nặng. Tuy nhiên, do sự tan chảy của các chỏm băng ở hai cực, việc đi lại hàng năm qua Bắc Cực có thể có thể sẽ đươc hiện thực hóa trong vòng 10 đến 15 năm tới.

Ông Jones nói rằng sự thay đổi trên sẽ mang lại ý nghĩa sâu sắc trong lĩnh vực thương mại và chiến lược toàn cầu, vì nó sẽ giảm một nửa khoảng cách giữa phương Đông sang phương Tây.

“Nếu nhìn nhận vấn đề từ góc độ thương mại, khoảng cách từ Thượng Hải tới New York sẽ bằng một nửa khoảng cách từ Kênh đào Suez qua Địa Trung Hải và sau đó qua Đại Tây Dương”, ông Jones nói.

“Bản chất của nó tương tự như những gì Kênh đào Suez đã làm trong việc giao thương giữa châu Á và châu Âu kể từ khi nó ra đời. Nó có tiềm năng trở thành một sự thay đổi lớn trong các tuyến đường thương mại toàn cầu”.

Đối với ông Jones, sự bùng nổ của giao thông hàng hải ở Bắc Cực dường như đang diễn ra ở đường chân trời cũng mang lại rủi ro lớn – thương mại đi đâu cũng vậy, quân sự cũng vậy.

Ông Jones nói: “Đây là nơi mà Nga hiện có sự tập trung lớn nhất về sức mạnh hải quân của mình”.

“Hoa Kỳ đã bắt đầu đưa tàu ngầm hạt nhân trở lại Bắc Cực lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”.

“Trung Quốc đang triển khai các sứ mệnh khoa học lặp đi lặp lại, có tính chất lưỡng dụng. Vì vậy, đây thực sự đang trở thành một khu vực xây dựng quân sự căng thẳng”.

Ông Jones nói rằng rủi ro và phần thưởng của việc đạt được sự thống trị ở Bắc Cực sẽ là vô cùng to lớn đối với bất kỳ quốc gia nào theo đuổi mục tiêu này.

Ông nhận định rằng, Bắc Cực sẽ mang lại cổ phần thương mại, cổ phần năng lượng cũng như cổ phần chiến lược vô cùng to lớn.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Ukraina thông báo phá hủy ba sở chỉ huy của quân đội Nga trong ngày mùng 9

Ukranews cho biết vào ngày 8 tháng 9, hơn 20 khu định cư đã được giải phóng ở vùng Kharkiv.

Theo Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, trong ngày mùng 9/9 theo giờ địa phương, các đơn vị của Lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công ba sở chỉ huy, một cầu vượt phao và gần 30 mục tiêu tập trung nhân lực và xe bọc thép của quân đội Nga

Bộ chỉ huy ghi nhận công việc của các đơn vị pháo binh và tên lửa. Họ tiếp tục gây thiệt hại về nhân lực và thiết bị của đối phương, tiến hành các cuộc chiến phản công và phá vỡ hệ thống kiểm soát và tiếp tế của quân Nga.

Thông báo của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine viết: “3 sở chỉ huy của đối phương, một cầu phao, 28 cơ sở tập trung nhân lực và trang thiết bị quân sự đã bị hỏa lực phá hủy. Các kho đạn và các vị trí bắn pháo của đối phương đã rơi vào vùng bị phá hủy”

Trong ngày, lực lượng không quân Ukraine đã thực hiện hơn 10 cuộc không kích vào các mục tiêu của quân đội Nga ở khu vực Donetsk và Yuzhno-Buz.

Trước đó Bộ Tổng tham mưu Ukraine đã thông báo rằng Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đẩy lùi thành công cuộc tấn công của quân Nga tại các khu vực của 10 khu định cư ở phía đông và nam của đất nước.

Cũng trong ngày, Bộ tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine lần đầu tiên báo cáo về cuộc phản công của quân đội Ukraine tại khu vực Kharkiv. Nó đã diễn ra trong ba ngày.

Ukranews cho biết vào ngày 8 tháng 9, hơn 20 khu định cư đã được giải phóng ở vùng Kharkiv. Theo Bộ tổng tham mưu Ukraina, cuộc phản công ở hướng Kharkiv đã gây bất ngờ cho lực lượng Nga. Một số lượng đáng kể quân Nga đã bị vô hiệu hóa hoặc bị bắt.

Trần Phong

TT Zelensky nói quân đội Ukraine đã giải phóng hơn 30 địa khu

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết các lực lượng Ukraine đã giải phóng hơn 30 địa khu ở khu vực Kharkiv trong khuôn khổ chiến dịch phản công chống lại Nga.

Trong một bài phát biểu trên video, ông cũng cho biết các lực lượng của Kyiv đang tiếp tục thành công các hoạt động quân sự ở một số khu vực.

“Quân đội của chúng tôi, các đơn vị tình báo và an ninh đang tiến hành các cuộc giao tranh tích cực trong một số khu vực hoạt động. Họ đang rất thành công”, ông nói.

Nga cũng đã phải thừa nhận rằng một phần chiến tuyến của họ đã sụp đổ ở phía đông nam thành phố Kharkiv.

“Kẻ thù đang bị kiềm chân hết mức có thể, nhưng một số địa khu đã nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng vũ trang Ukraine”, Vitaly Ganchev, người đứng đầu chính quyền do Nga hậu thuẫn ở khu vực Kharkiv, cho biết trên truyền hình nhà nước.

Ganchev cho biết chính quyền của ông đang cố gắng sơ tán dân thường khỏi các thành phố bao gồm Izium, thành trì chính của Nga và là căn cứ hậu cần trong tỉnh.

Cố vấn của TT Zelensky, Oleksiy Arestovych, trong một video đăng trên YouTube, cho biết các lực lượng phòng thủ Nga ở Izium gần như bị cô lập, hàng trăm người Nga đã chết cho đến nay và vài trăm người khác bị bắt làm tù binh.

Nga đã giành quyền kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine kể từ khi quân đội của họ xâm lược vào ngày 24 tháng 2 trong cái mà Moscow gọi là một “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm “giải giáp” Ukraine. Chính phủ Kyiv và các đồng minh phương Tây cáo buộc Nga tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược kiểu đế quốc.

Lê Vy

Ấn Độ, Trung Quốc đồng ý rút khỏi khu vực biên giới tranh chấp trước ngày 12/9

Các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc sẽ rút khỏi một khu vực tranh chấp dọc theo biên giới phía tây của dãy Himalaya vào ngày 12/9, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết vào thứ Sáu (9/9), sau hơn hai năm đàm phán bế tắc.

Việc đồng ý rút quân diễn ra sau một số vòng đàm phán giữa các quan chức quân sự cấp cao. Đây là một phần trong nỗ lực của New Delhi và Bắc Kinh nhằm tránh leo thang căng thẳng giữa các cường quốc châu Á có vũ khí hạt nhân. Việc rút lui cũng được xác nhận bởi Trung Quốc.

Vào tuần tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến ​​sẽ tham dự một cuộc họp ở Uzbekistan.

Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã bắt đầu rút khỏi khu vực Gogra-Hot Springs ở Ladakh ở phía tây Himalayas vào thứ Năm và quá trình này sẽ hoàn tất vào đầu tuần tới.

Tất cả các công trình tạm thời trong khu vực do quân đội cả hai dựng lên cũng sẽ bị tháo dỡ như một phần của thỏa thuận.

Mặc dù chi tiết của thỏa thuận mới nhất chưa được công khai, quân đội hai nước nhiều khả năng sẽ tạo ra một vùng đệm và ngừng tuần tra trong khu vực, một chuyên gia quốc phòng nói với hãng tin Reuters.

Ấn Độ và Trung Quốc có chung đường biên giới dài 3.800 km không phân giới, nơi quân đội của hai bên trước đây đã tuân thủ các quy định tránh sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào dọc theo biên giới trên thực tế được gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC).

Ngân Hà

Hải quân Hoa Kỳ: Công bố tất cả video về UFO gây hại cho an ninh quốc gia

Trang web của một cơ quan giám sát cho biết yêu cầu của họ về việc áp dụng Đạo luật Tự do Thông tin đối với tất cả video về UFO (vật thể bay không xác định) do Hải quân Hoa Kỳ (Navy) nắm giữ đã bị từ chối vì lý do an ninh quốc gia.

Theo tổ chức Black Vault, kể từ tháng 4/2020, họ đã cố gắng lấy tất cả video về UFO mà Navy sở hữu thông qua yêu cầu áp dụng Đạo luật Tự do Thông tin.

Black Vault nhận được phản hồi từ chối đối với việc cung cấp “thông tin nhạy cảm”. Tuy nhiên Navy không xác nhận cũng không phủ nhận sự tồn tại của các video.

“Các video được yêu cầu chứa thông tin nhạy cảm liên quan đến Hiện tượng trên không không xác định (UAP) đang được phân loại và miễn tiết lộ. Việc tiết lộ thông tin này sẽ gây tổn hại đến an ninh quốc gia.”

Trong khi từ chối yêu cầu của Black Vault, Navy cũng đề cập đến 3 video về UFO được công bố vào cuối năm 2017 – đầu năm 2018, nói rằng bối cảnh của những video đó khác biệt so với các video mà Navy sở hữu.

Black Vault tiết lộ họ sẽ lên kế hoạch kháng cáo lời từ chối của Navy.

Gần đây chủ đề về UFO đã được thảo luận nhiều hơn sau khi Lầu Năm Góc công bốđoạn phim mới về UFO trong phiên điều trần quốc hội vào tháng Năm.

Vy An (Theo Washington Examiner)

Related posts