Giá cước vận tải biển giảm hơn một nửa trong năm 2022

Bryan Jung

Vận chuyển container tại Cảng Oakland ở Oakland, California, hôm 21/07/2022. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Đầu quý 4 thường là mùa cao điểm của ngành, nhưng nhiều nhà nhập cảng đã gửi hàng hóa cho dịp lễ trước đó trong năm, trong khi tỷ lệ lạm phát gia tăng phản ánh sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng.

Chỉ số Freightos Baltic Index (FBX), đo lường chi phí vận chuyển một container ra ngoại quốc, hiện ở mức 5,286 USD, giảm từ mức 9,293 USD hồi tháng Một.

Theo chỉ số vận chuyển này, chi phí vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến Bờ Tây Thái Bình Dương của Hoa Kỳ hiện giảm 68% xuống còn 4,797 USD từ mức 14,977 USD trong tháng Một.

Một container vận chuyển từ Á Châu đến Âu Châu hiện có giá 9,142 USD, giảm hơn 40% so với đầu năm, nhưng giá cước cho cả hai tuyến chính vẫn cao hơn mức trước đại dịch.

Năm 2019, chi phí trung bình để gửi một container qua Thái Bình Dương đến Bờ Tây Hoa Kỳ là 1,500 USD.

Đây là một sự đảo ngược lớn so với xu hướng giá cả của năm ngoái (2021), khi các lô hàng từ Trung Quốc đến cả Hoa Kỳ và Âu châu đều đạt mức tổng cộng cao nhất, hơn 20,000 USD hồi tháng Chín năm ngoái.

10 hãng vận tải hàng hóa lớn nhất thế giới đã có lợi nhuận tăng mạnh trong hai năm qua.

Theo WSJ, thu nhập hàng quý mới nhất tại hãng vận tải đầu ngành AP Moeller-Maersk A/S là 8.59 tỷ USD, vượt xa những gì đại tập đoàn này thường thu được trong suốt một năm.

Bao thanh toán bùng nổ sau đại dịch

Những gián đoạn trong chuỗi cung ứng đối với các nhà nhập cảng vào năm 2021 đã trở thành một cuộc khủng hoảng, khi các nhà bán lẻ và các công ty phải đối mặt với tình trạng thiếu chỗ để container do gián đoạn chuỗi cung ứng, tồn đọng cảng, và lượng hàng hóa tăng vọt vì nhu cầu tiêu dùng bùng nổ do đại dịch.

Giá cước vận tải đã tăng khoảng 10 lần vào năm ngoái do tình trạng gián đoạn, buộc các nhà bán lẻ lớn như Walmart và Target phải thuê tàu của riêng họ để tránh các khâu tắc nghẽn lớn.

Sau khi giải quyết các đợt hàng hóa tắc nghẽn trong kỳ nghỉ lễ năm 2021, nhiều nhà bán lẻ đã cố gắng tránh tình trạng đó một lần nữa bằng cách nhập hàng sớm hơn bình thường.

Tuy nhiên, năm nay đã có ít sự chậm trễ hơn, trong khi nhu cầu đối với hàng tiêu dùng không thành hiện thực do giá thị trường cao hơn khiến nhiều người mua hàng không muốn mua, khiến chính các nhà bán lẻ lớn này bị dư thừa các mặt hàng và thiệt hại tài chính nghiêm trọng khi họ cố gắng giải quyết số hàng tồn kho của mình.

Các nhà sản xuất cũng chuyển hàng sớm hơn bình thường khi dự đoán nguồn cung bị khan hiếm, với nhiều cửa hàng cho biết đã nhận được lượng hàng tăng vọt quá sớm.

WSJ cho biết, nhiều công ty vận tải biển hiện đang cảnh báo về tình trạng suy yếu của thị trường trong nửa cuối năm 2022.

Maersk đã giảm triển vọng trước đó về tăng trưởng khối lượng container toàn cầu trong năm 2022 từ 1% xuống âm 1%, vì họ dự kiến ​​các tuyến vận tải sẽ dần trở lại bình thường trong quý 4, do giảm bớt tắc nghẽn và tăng công suất.

Ông Rodolphe Saade, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch CMA CGM, cho biết trong một tuyên bố: “Sự sụt giảm chi tiêu tiêu dùng trên toàn cầu, vốn đã có thể nhận thấy ngay trong mùa hè này, sẽ dẫn đến các điều kiện thương mại quốc tế bình thường hơn trong nửa cuối năm cũng như làm suy giảm nhu cầu vận tải.”

CMA nói với Reuters rằng trong quý 2 khối lượng container do công ty vận chuyển đã giảm 1.3% so với cùng thời kỳ năm ngoái do tình trạng tắc nghẽn kéo dài tại các cảng, mặc dù khối lượng tăng 6% so với quý 1.

Các nhà phân tích và các công ty vận tải dự đoán rằng giá vận tải biển sẽ tiếp tục giảm trong thời gian còn lại của năm 2023.

Các chuyên gia vận tải nói với WSJ rằng các tàu mới sẽ được khai triển trong hai năm tới, với tốc độ tăng trưởng đội tàu ròng ước tính hơn 9% từ năm 2023 đến năm 2024.

Trong khi đó, công ty tư vấn đầu tư vận tải biển Braemar nói với WSJ rằng tăng trưởng sản lượng container dự kiến ​​sẽ hơi tiêu cực vào năm 2023, với mức tăng trưởng khoảng 2% vào năm sau.

Hơn nữa, các nhà phân tích vận tải nói với WSJ rằng họ không mong đợi giá cước vận tải sẽ trở lại mức trước đại dịch, một phần là do chi phí nhiên liệu cao hơn.

Bryan Jung

Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với nền tảng về chính trị và ngành luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.
Nhật Thăng biên dịch

Related posts