Nguyễn Hoàng Văn
Thông tin về số lượng “nghệ sĩ nhân dân /ưu tú” của Việt Nam, rồi tin về sự ra đi của Nữ hoàng Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị làm tôi nghĩ đến ca sĩ Mick Jagger: Nếu sinh ra làm người Việt Nam, liệu ca sĩ này có được phong “nghệ sĩ nhân dân” hay không?
Mười chín năm trước ca sĩ này từng được Nữ hoàng tặng cho tước hiệu hiệp sĩ tại Ðiện Buckingham. Trong khi từ “hiệp sĩ” nhắc đến mẫu người trọng nghĩa khinh tài, bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng ra tay cứu khổn phò nguy, luôn tỏ ra mã thượng với phái yếu thì Mick không phải như vậy.
Jagger khét tiếng là kẹo vì cưới vợ mấy lần và lần nào cũng bắt vợ phải ký thoả thuận tiền hôn nhân: tôi bằng lòng lấy anh và khi ly dị thì tôi chỉ đòi chừng đó tiền thôi.
Ký thì Jagger mới cưới, không ký thì… tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi.
Cũng có khi Jagger gài thế để mảnh giấy hôn thú trở nên vô giá trị, thí dụ hôn thú với người mẫu Mỹ Jerry Hall: trong lễ cưới tại Indonesia theo nghi thức Ấn Độ giáo anh ta chỉ mặc quần xà lỏn và áo thun ba lỗ, hôn lễ diễn ra bãi biển Bali, lại do một ông thầy tế không có nhà thờ hành lễ. Khi ly dị năm 2002, trước khi được phong hiệp sĩ có một năm, anh ta viện lý rằng hôn thú và hôn lễ này hoàn toàn vô giá trị theo cả luật Anh lẫn luật Indonesia để giành lợi thế mà cò kè bớt một thêm hai trong việc phân chia tài sản, chỉ cho cô ta hưởng đâu từ 5 đến 7% phần trăm của tài sản trị giá đến 325 triệu đô của mình vào lúc đó.
Jagger chẳng… mã thượng chút nào và khi phong hiệp sĩ cho một tên đàn ông như thế, Nữ hoàng đã chấp nhận sự xuống giá của tước hiệu hoàng gia này hay sao?
Trước đó, năm 1997, ca sĩ Paul McCartney cũng được phong hiệp sĩ. Dù ít tai tiếng hơn Jagger, cựu thành viên nhóm Beatles này lại bị báo chí Ăng-lê sỉ vả về tính bần tiện: gia tài hàng mấy trăm triệu nhưng khi phạm luật, đậu xe ẩu, bị nhân viên hội đồng thành phố phạt vài chục bạc đã làm ầm ĩ, chửi thề, tiếng nặng tiếng nhẹ, inh ỏi cả một khu phố!
Thế nhưng dù bần tiện, McCartney hay Jagger vẫn có hàng triệu hay thậm chí hàng chục triệu fan hết mình ủng hộ, và đó là cái mà Hoàng gia Anh nhắm tới. Đây chẳng qua là một trò mua bán, đổi chác. Muốn tồn tại thì Hoàng gia Anh phải được lòng công chúng, mà mấy anh ca sĩ này lại được nhiều người hâm mộ, sao không lôi kéo họ về phía mình?
Phong mấy ca sĩ là “Knight”, phong mấy tài tử là “Dame”, như “Dame Elizabeth Taylor”, thì Hoàng gia Anh chẳng mất cái gì cả. Nhưng nếu lỡ mai này bọn cộng hoà đòi trưng cầu dân ý để ném hoàng gia vào bãi chứa đồ phế thải của lịch sử, ít ra họ còn có thể lôi kéo sự ủng hộ của những kẻ mê tiếng hát Jagger hay McCarthny.
Phần mấy anh ca sĩ này, sau mấy năm làm thứ dân, nay được mời vô điện vàng, được diện kiến nữ hoàng, cảm thấy đời mình đã lên hương một bậc. Tiền và danh thì kể ra họ không thiếu, tuy nhiên bao nhiêu mới vừa, nhất là cái danh? Hát cho người ta vỗ tay mãi cũng chán, tạo tai tiếng cho báo chí đào bới mãi cũng chán, bây giờ đi đâu cũng được thiên hạ cúi đầu chào: “Thưa hiệp sĩ”, cảm thấy quý phái hẳn ra.
Nhớ năm 1999, xem tin tức trên tivi, cảnh Elizabeth Taylor được Nữ hoàng Anh phong tước Nữ hiệp sĩ “Dame”, bà được một ký giả cám ơn: “Thanks, Dame Elizabeth”; nghe thế bà khoái trá quá muốn nghe lần nữa nên giả điếc, nghiêm mặt hỏi lại: “Sorry, please speak again!”, sau khi nghe mấy chữ “Dame Elizabeth” lần nữa, bà già từng rất đẹp này cười híp mắt, “Thank you”.
Lợi và danh là hai miếng mồi quyến rũ con người nên nhà cầm quyền nào cũng biết dùng cái bã lợi danh này để cai trị.
Xưa, vì thiếu tiền mấy ông vua đời Nguyễn bán phẩm hàm, coi như một công đôi chuyện: vừa có tiền vừa được an dân.
Muốn được phẩm hàm thì mấy anh hám danh phải bỏ tiền ra, triều đình có tiền mà chẳng mất gì cả trong khi những kẻ tốn tiền mua danh còn tỏ ra trung thành với triều đình hơn.
Một làng nhỏ có chừng 10 nhà bá hộ và anh nào cũng thòm thèm cái ghế lý trưởng, nhưng để 10 anh tranh nhau mãi thì làm sao trị nước? Một làng có 10 anh, cả nước có bao nhiêu làng, thế thì làm sao để an dân?
Thế nên mới có chuyện bán phẩm hàm: trong khi chờ đợi ngày tên lý trưởng kia… trúng gió chết dịch, 9 bá hộ thiếu may mắn cũng có thể tự bằng lòng khi đem vài mẫu ruộng ra bán kiếm tiền mua cái hàm: nếu không được cái danh ông lý thì đi đâu cũng được người ta thưa ông “cửu” hay ông “bát”.
Dĩ nhiên các ông “cửu”, ông “bát” này phải trung thành với triều đình: triều đình mà sụp đi thì mấy phẩm hàm của mấy ông cũng bay theo và khi có việc làng chẳng được ăn trên ngồi trước. Mà mỗi ông cửu hay ông bát như vậy nắm trong tay cuộc sống của hàng chục tá điền, khi những bá hộ trung thành với triều đình thì quan quân chẳng lo gì chuyện những thường dân này.
Dân Ăng-lê mơ làm hiệp sĩ, nông dân ở ta ngày xưa mơ làm ông chánh, ông lý, ông “cửu” hay ông “bát” và, sống trong một cái làng chật hẹp, người ta thường lấy làm hãnh hiện khi mình con cháu của ông bát hay ông cửu nào đó, con ông Bát Ngẫu, cháu ông Cửu Hường, v.v.
Bây giờ không còn danh hiệu này nhưng trong “làng nghệ sĩ” thì, thay cho “bát” và “cửu”, đã có “nghệ sĩ nhân dân”, “nghệ sĩ ưu tú”.
Đó, có lẽ, cũng là lý do khiến họ bon chen, vận động, thậm chí còn khiếu nại, kiện tụng để kiếm cho bằng được cái “tước” hay cái “phẩm hàm” này!
Tham khảo:
Tuổi Trẻ, 3/9/2022, “Riêng lĩnh vực sân khấu có 229 nghệ sĩ nhân dân, 1.208 nghệ sĩ ưu tú”