Văn Sơn
Trong tháng Bảy, doanh số bán nhà của Trung Quốc đã giảm gần 30% so với tháng Sáu, điều này làm cho nền kinh tế nước này tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Mặc dù có những dấu hiệu lạc quan khi mà doanh số bán nhà tăng lên trong tháng Năm và tháng Sáu (khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng), nhưng gần đây lại có những thông tin không mấy tươi sáng cho lĩnh vực bất động sản của nước này.
Vì nhà ở chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, và điều này đặt ra một câu hỏi về quyết tâm đạt được mức tăng trưởng 5,5% của nước này trong năm 2022. Một thực tế là 5,5% đã là mục tiêu được điều chỉnh giảm so với ban đầu. Mặt khác điều vô cùng rõ ràng tại thời điểm này là Bộ Chính trị, cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc, không có ý định thực hiện bất kỳ hành động nào. Và tình hình sẽ chưa thể cải thiện được.
Việc gã khổng lồ Evergrande tuyên bố phá sản vào năm ngoái đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc. Sự việc đó đã đặt ra một dấu chấm hỏi lớn về khoản nợ 300 tỷ đô la của Evergrande. Và vì những thực thể khác – cá nhân, ngân hàng và các tổ chức khác – coi các khoản nợ đó như tài sản, nên độ tin cậy về tài chính của những thực thể này cũng cần được thẩm định lại.
Luôn có khách hàng trả trước cho các khoản vay mua nhà từ các công trình xây dựng của Evergrande, nên họ chắc chắn phải gánh chịu các khoản vay thế chấp này. Nói cách khác thì cuộc khủng hoảng này không chỉ giới hạn ở Evergrande, mà còn lan rộng hơn nữa khi các công ty bất động sản khác cũng tuyên bố phá sản. Cũng giống như bất kỳ một cuộc khủng hoảng tài chính nào khác, dẫu xảy ra ở đâu trên thế giới, thì khả năng tín dụng tài chính của bất kỳ một thực thể nào cũng là một vấn đề nghiêm trọng cần được xem xét.
Nếu Bắc Kinh hành động kịp thời, không phải là để giúp Evergrande mà là để bảo vệ niềm tin trong toàn bộ hệ thống tài chính của Trung Quốc, thì rất có thể đã ngăn chặn được các vấn đề tiếp theo, bao gồm cả sự sụt giảm gần đây về doanh số bán nhà. Ví dụ, bằng cách cung cấp tín dụng rẻ và sẵn có, thậm chí có thể từ các nguồn của chính phủ, thì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể đã trấn an được dư luận xã hội về một tình huống rằng những thực thể khác có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính và do đó, khôi phục được niềm tin của người dân; điều này có thể thực hiện được ngay cả khi các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn.
Bắc Kinh cũng có thể đã đảm bảo rằng người mua sẽ không bị mất nhà hoặc căn hộ mà họ đã đặt cọc và thanh toán trả góp. Nhưng chính quyền trung ương đã không thực hiện bất kỳ hành động nào. Thực tế là cuộc khủng hoảng bùng phát và lan rộng.
Sự sụt giảm doanh số bán nhà của tháng Bảy chỉ là giai đoạn mới nhất cho một cuộc khủng hoảng kéo dài và cho đến nay vẫn chưa được kiểm soát. Trước đó, các tổ chức tài chính đã phải cắt giảm các hoạt động nhằm đánh giá lại những vấn đề mà họ dễ bị ảnh hưởng nhất từ các hoạt động của các nhà phát triển bất động sản bị phá sản, và những thực thể khác có liên quan trực tiếp hoặc thông qua các bên thứ ba.
Những thông tin đó cuối cùng đã khiến các ngân hàng lo lắng. Đồng thời, người dân Trung Quốc bắt đầu hoảng sợ và rút tiền gửi. Chuỗi những vấn đề này làm cho các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Trung Quốc phải đưa ra biện pháp tự bảo vệ mình bằng cách giới hạn người dân rút tiền. Khi người dân không thể lấy được tiền, các cuộc biểu tình đã nổ ra, nghiêm trọng đến mức các đơn vị Quân Giải phóng Nhân dân đã xuống đường để duy trì trật tự.
Trong khi những sự kiện tiêu cực này đang diễn ra, những người đã mua căn hộ trả góp từ các chủ đầu tư như Evergrande nhận ra rằng họ sẽ không được nhận bất kỳ khoản ưu đãi nào từ các nguồn cho vay của chính phủ. Để phản đối, họ dọa sẽ không tiếp tục thanh toán thế chấp đối với những căn nhà không tồn tại đó. Điều đó làm dấy lên khả năng không có thêm các bên cho vay mới, và tiếp tục làm xói mòn niềm tin tài chính của người dân đại lục. Và do đó người dân sẽ do dự khi cân nhắc ý định mua nhà mới.
Tuy nhiên, cho đến nay, Bắc Kinh đã không thực hiện bất kỳ biện pháp khắc phục trực tiếp nào ngoài việc PBOC giảm nhẹ lãi suất; điều đó xảy ra ngay cả khi cuộc khủng hoảng đã kéo dài, ngày càng lớn và trở nên nguy hiểm hơn. Mặt khác, Bộ Chính trị vẫn tiếp tục nhấn mạnh rằng giải pháp nằm ở chính quyền cấp tỉnh và địa phương, một kiểu ‘đá bóng’ thường thấy trong hệ thống chính phủ nước này.
Những tuyên bố như vậy là rất chung chung và vô trách nhiệm, đặc biệt hiện nay các đơn vị hành chính cấp dưới này đang trong tình trạng ‘chó cắn áo rách’ vì họ đang phải đối mặt với gánh nặng nợ nần do chính Bắc Kinh tiếp tục tạo sức ép đối với các dự án cơ sở hạ tầng. Kết quả là cuộc khủng hoảng này sẽ tiếp tục càn quét hệ thống tài chính và thổi bay triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, tất nhiên là cho đến khi Đảng có biện pháp khắc phục triệt để.
Nguồn: The Epochtimes
Văn Sơn biên dịch