Tin thế giới trưa thứ Ba: Các quan chức Nga yêu cầu ông Putin từ chức trong bối cảnh tổn thất ở Ukraine

Các quan chức Nga yêu cầu ông Putin từ chức trong bối cảnh tổn thất ở Ukraine

Các quan chức tại nhiều thành phố Nga đang kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin từ chức trong bối cảnh Nga đang phải hứng chịu những tổn thất ngày càng gia tăng trong cuộc xâm lược Ukraine. Đây được xem như một dấu hiệu bất mãn hiếm hoi ở Nga bất chấp việc Điện Kremlin trấn áp bất đồng chính kiến.

Nhà lãnh đạo Nga đã phát động cuộc xâm lược quốc gia Đông Âu hơn sáu tháng trước vào ngày 24 tháng 2. Các quan chức Nga hy vọng sẽ có một chiến thắng nhanh chóng, nhưng Ukraine đã đáp trả bằng những nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ được hỗ trợ từ các đồng minh. Điều này đã ngăn cản Điện Kremlin đạt được các mục tiêu lớn của mình.

Trong những tuần gần đây, Ukraine đã tiến hành các cuộc phản công ở gần Kherson và Kharkiv, giành lại hơn 1.000 dặm lãnh thổ bị chiếm đóng trước đây. Đặc biệt, cuộc phản công ở Kharkiv đã khiến Moscow bất ngờ và chiến thắng của Ukraine đã buộc các lực lượng Nga phải rút lui khỏi các thành phố quan trọng như Izyum vào cuối tuần – diễn biến được một số người ủng hộ Nga mô tả là ngày “khó khăn” nhất trong cuộc chiến.

Những tổn thất này dường như đang dẫn đến việc gia tăng bất đồng chống lại ông Putin. Ba mươi lăm đại biểu các thành phố tại Nga đã ký đơn yêu cầu ông từ chức do “những tổn hại” gây ra cho nước Nga do cuộc xâm lược. Yêu cầu trên đã được Ksenia Tortstrem, người giữ chức vụ phó chính quyền thành phố tại Smolninskoye của St.Petersburg đăng trên Twitter hôm thứ Hai.

Cho đến nay, các nhà lãnh đạo thành phố từ một số thành phố quan trọng của Nga, chẳng hạn như Moscow, đã ký vào yêu cầu.

Duma Quốc gia Nga đã thông qua luật vào tháng 3 cấm người Nga tung “tin giả” về các lực lượng vũ trang của nước này. Luật này đã được chính quyền sử dụng để đàn áp những người chỉ trích chiến tranh và khiến việc lên tiếng phản đối chiến tranh có thể trở nên nguy hiểm.

Tuy nhiên, nhóm các nhà lập pháp chỉ lên án hành động của ông Putin, mà không đề cập cụ thể đến cuộc chiến, trong một thông điệp ngắn được đăng cùng với bản kiến ​​nghị.

“Chúng tôi, các đại biểu chính quyền của Nga, tin rằng các hành động của Tổng thống Vladimir Putin gây tổn hại cho tương lai của nước Nga và các công dân”, bản kiến ​​nghị viết. “Chúng tôi yêu cầu Vladimir Putin từ chức Tổng thống Liên bang Nga!”

Đây không phải là bản kiến ​​nghị đầu tiên mà các quan chức Smolninskoye chỉ trích ông Putin trong bối cảnh chiến tranh, nhưng nó đã được ký bởi các nhà lãnh đạo từ các thành phố khác bao gồm cả Moscow, cho thấy sự thất vọng ngày càng tăng của giới chức Nga khi tổn thất chồng chất ở Ukraine.

Tuần trước, hội đồng Quận thành phố Smolninskoye đề xuất rằng ông Putin nên bị cách chức “dựa trên cáo buộc phản quốc mức độ cao”. Nikita Yurefev, một phó lãnh đạo thành phố khác của Smolninskoye ở St.Petersburg, viết rằng “hoạt động quân sự đặc biệt” đã dẫn đến cái chết của binh lính Nga, các vấn đề kinh tế và sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Các thành viên của hội đồng sau đó đã bị cảnh sát triệu tập vì “làm mất uy tín” của chính phủ Nga.

Nhật Minh (theo Newsweek)

Ukraine nói Nga đình chỉ việc gửi các đơn vị, binh lính mới ra chiến trường

Sau chiến bại quân sự đáng kể, các báo cáo mới cho thấy Nga đã ngừng kế hoạch gửi thêm quân và các đơn vị đến Ukraine.

Báo cáo trên đến từ Bộ Tổng tham mưu các lực lượng Vũ trang Ukraine trong một bài đăng chính thức trên Facebook hôm thứ Hai. Bài đăng cho biết lý do của việc Nga tạm dừng là do sự gia tăng thương vong của binh lính Nga và số lượng lớn các tình nguyện viên đã từ chối phục vụ.

“Bộ chỉ huy quân sự của Liên bang Nga ngừng gửi các đơn vị mới đã được thành lập đến lãnh thổ của Ukraine”, bài đăng trên Facebook cho hay. “Tình hình hiện tại trong quân đội và sự mất lòng tin vào chỉ huy hàng đầu đã buộc một số lượng lớn tình nguyện viên từ bỏ triển vọng phục vụ chiến đấu.”

“Tình hình nói trên bị ảnh hưởng bởi thông tin về con số thương vong thực tế, không bao gồm tổn thất từ ​​các công ty quân sự tư nhân và được huy động từ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời. Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn vì thái độ chung đối với những người bị thương của chính họ. Đặc biệt, tại các bệnh viện Nga, các chẩn đoán và chấn thương đều bị làm nhẹ đi một cách có chủ ý, không có thời gian phục hồi, với mục đích để đưa binh sĩ trở lại khu vực chiến đấu nhanh hơn.”

Báo cáo này chưa được xác minh bởi các nguồn khác.

Theo Ukraine Pravda, các lực lượng của nước này đã tiêu diệt khoảng 300 binh sĩ Nga trong ngày qua, hạ một máy bay và phá hủy một máy bay không người lái. Tổng số thương vong cho Nga hiện là 53.000 người, theo báo cáo của hãng tin.

Báo cáo từ quân đội Ukraine được đưa ra sau cuộc phản công lớn ở khu vực đông bắc Kharkiv, đánh bật lính Nga khỏi một số khu vực chiến lược quan trọng. Các binh sĩ Nga được cho là đã bỏ chạy nhanh chóng khỏi các khu vực này và để lại nhiều thiết bị quân sự

Các lực lượng Nga đã gửi thêm binh sĩ về phía nam để để đối phó với cuộc tấn công ở miền nam Kherson, nhưng điều này lại khiến các tuyến phòng thủ của họ ở Kharkiv yếu đi và nhanh chóng tan vỡ trước sự tấn công bất ngờ của Ukraine.

Trong bài phát biểu hôm thứ Hai (12/9), Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố các lực lượng Ukraine đã phản công mạnh mẽ và giành lại được 6.000 km2 lãnh thổ do Nga nắm giữ.

Các chuyên gia quân sự nhận định, con số này tương đương với khoảng 10% diện tích do Nga kiểm soát kể từ khi chiến dịch đặc biệt bắt đầu.

Trước đó, chỉ huy trưởng Ukraine, Tướng Valeriy Zaluzhnyi hôm 11/9 cho biết, quân đội của ông đã giành lại hơn 3.000 km2 lãnh thổ bị chiếm đóng trong tháng này, CNN đưa tin. Con số 3.000 km2 được cho là nhiều hơn cả phần lãnh thổ mà Nga đã kiểm soát được tại Ukraine kể từ tháng Tư.

The Guardian dẫn lời ông Roman Semenukha, lãnh đạo chính quyền quân sự tỉnh Kharkiv cho hay, quân đội Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát hơn 40 khu dân cư ở tỉnh này trong chiến dịch phản công chớp nhoáng những ngày qua.

Các lực lượng Ukraine hiện đang kiểm soát các ngôi làng tại khu vực xung quanh Kupyansk và Izyum – hai thành phố thuộc tỉnh Kharkiv mà lực lượng Nga rút khỏi vào cuối tuần qua khi các đơn vị Ukraine tiến vào. Hai thành phố này từng đóng vai trò trung tâm trong chiến lược của Tổng thống Putin nhằm giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk và Lugansk.

Phía Nga cuối tuần qua cũng thông báo, các lực lượng nước này đang rút khỏi Kupyansk và Izyum và tái tập trung bảo vệ Donetsk, tăng cường khả năng ứng phó hỏa lực đối phương. Việc Nga bị đẩy lùi khỏi Kupyansk đồng nghĩa họ đánh mất một chốt trung chuyển hậu cần quan trọng phía Đông Bắc Ukraine.

Ngân Hà

EU đề xuất các quy định bắt buộc để giảm bớt tình trạng thiếu năng lượng

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Chủ tịch Ủy ban Châu Âu. (Ảnh STEPHANIE LECOCQ/POOL/AFP qua Getty)

Trong ‘cuộc chiến năng lượng’ với Nga, phương Tây ngày càng phải trả giá nhiều hơn. Để giảm áp lực cho các hộ gia đình và doanh nghiệp châu Âu từ hóa đơn năng lượng tăng vọt, Liên minh Châu Âu (EU) sẽ đề xuất một quy định bắt buộc áp thuế đối với ‘lợi nhuận từ gió’ khổng lồ của các công ty nhiên liệu hóa thạch, cũng như đánh thuế đối với các công ty sản xuất điện như năng lượng mới và điện hạt nhân.

Trong một dự thảo luật mới được công bố tại Brussels ngày 12/9, 27 quốc gia thành viên đã đề xuất đánh thuế “đặc biệt và tạm thời” đối với các công ty trong ngành dầu khí, than và lọc dầu dựa trên lợi nhuận thặng dư chịu thuế trong năm tài chính 2022.

Đề xuất cũng sẽ hạn chế doanh thu vượt mức cho các công ty sản xuất điện từ các nguồn không phải khí tự nhiên bằng cách giới hạn giá điện từ các công nghệ như năng lượng tái tạo, than non hoặc năng lượng hạt nhân. Nhưng thuế thu được sẽ áp dụng đối với lợi nhuận tích lũy của các công ty năng lượng không dựa vào khí đốt tự nhiên để sản xuất điện, chẳng hạn như các trang trại gió và nhà máy điện hạt nhân.

Theo Reuters, “một số lợi nhuận nhất định không phù hợp với lợi nhuận thông thường mà các thực thể này thường kiếm được hoặc mong đợi kiếm được”.

Về vấn đề này, BP, Shell và TotalEnergies chưa đưa ra bình luận.

Các công ty và chính phủ trên khắp châu Âu hiện đang nhăm nhe tìm cách đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng .

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết giới hạn giá năng lượng hiện tại sẽ hết hạn vào mùa đông năm nay, lúc đó người tiêu dùng sẽ được bảo vệ bởi mức trần giá năng lượng mới. Tuy nhiên, giới hạn trên sẽ được nâng lên một chút, vì “không đúng nếu đặt gánh nặng năng lượng hoàn toàn vào ngân sách quốc gia”.

Tại nước láng giềng Tây Ban Nha, doanh nghiệp Iberdrola cho biết họ sẽ đảm bảo cung cấp khí đốt và điện cho những khách hàng bị Hội Chữ thập đỏ coi là dễ bị tổn thương trong 5 tháng, sau đó tất cả các hóa đơn chưa thanh toán sẽ phải được xử lý.

Liên đoàn Công nghiệp Ý đang đàm phán với chính phủ về cách phân phối khí đốt tự nhiên. Khi EU tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của mình, công ty nhà nước Gasgrid của Phần Lan cho biết họ đặt mục tiêu bắt đầu nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) thông qua một nhà ga nổi đã được lên kế hoạch vào tháng Giêng. Tại Anh, lạm phát đã đạt mức cao nhất trong 40 năm với con số trên 10%, tỷ lệ lạm phát tiếp tục tăng thêm 0,2% so với tháng 7, thấp hơn kỳ vọng là 0,4%. Chi phí năng lượng tăng mạnh đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng điện, kéo theo chi phí vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng đến ngành xây dựng.

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) cũng sẽ đề xuất các biện pháp bắt buộc để giảm tiêu thụ điện trong giờ cao điểm.

Theo tờ Guardian, EU dự kiến ​​đề xuất các biện pháp bắt buộc nhằm đặt mục tiêu tiết kiệm điện là 5%. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen tuyên bố thêm rằng mức thuế này sẽ giảm tiêu thụ điện trong thời gian cao điểm bằng cách chuyển các quy trình sản xuất công nghiệp sang những thời điểm ít sử dụng điện hơn, chẳng hạn như cuối tuần và buổi tối. Điều này diễn ra sau khi các nước thành viên EU đồng ý về kế hoạch tự nguyện cắt giảm nhu cầu khí đốt xuống 15% vào mùa hè này.

Theo tờ Reuters, dự thảo kế hoạch này cần được thông qua vào thứ Ba (13/9) và phải được thảo luận tại Nghị viện châu Âu cũng như được các quốc gia thành viên thông qua trước khi trở thành luật chính thức. Sau đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen sẽ tiết lộ thông tin chi tiết của mình trong thông điệp liên minh tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp) vào ngày 14/9.

Tuy nhiên, tại một cuộc họp của Liên minh châu Âu vào tuần trước, vẫn có những chia rẽ nghiêm trọng ở nội bộ tổ chức này. Không rõ kế hoạch của bà Von der Leyen sẽ có thể đàm phán ở mức độ nào.

Huyền Anh

Theo Visiontimes

Nhật Bản dự tính miễn thị thực du lịch đối với nhiều quốc gia

Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch miễn thị thực du lịch đối với một số quốc gia như một phần của việc nới lỏng hơn nữa các biện pháp kiểm soát biên giới được ban hành để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, Fuji News Network (FNN) đưa tin hôm thứ Hai (12/9).

Theo FNN, Thủ tướng Fumio Kishida có thể trong tuần này sẽ đưa ra quyết định về việc nới lỏng, điều này cũng sẽ cho phép du khách cá nhân đến thăm Nhật Bản mà không cần đặt chỗ của công ty du lịch.

Nhật Bản không yêu cầu thị thực du lịch cho 68 quốc gia và khu vực trước đại dịch.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ này bao gồm: Các nước thuộc liên minh châu Âu, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan, Israel, Singapore, Thái Lan, Brunei, Malaysia v.v.

Tờ Nikkei đưa tin hôm Chủ nhật rằng chính phủ có thể bỏ giới hạn hàng ngày về lượng khách đến vào tháng 10.

Phó Chánh văn phòng Nội các Seiji Kihara cho biết trên một chương trình truyền hình hôm Chủ nhật rằng “đồng yên yếu có hiệu quả nhất trong việc thu hút du lịch trong nước”, đồng thời nói thêm rằng cần phải thực hiện các bước tiếp theo để thu hút du khách nước ngoài.

Nhật Bản tuần trước đã nâng mức trần hàng ngày của khách du lịch nội địa lên 50.000 từ 20.000 và loại bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành, tuy nhiên khách du lịch phải đăng ký đi trong các chuyến du lịch được tổ chức bởi công ty lữ hành, dù không cần hướng dẫn viên.

Theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam, du khách Việt Nam nếu tiêm đủ ba mũi vắc-xin sẽ không cần cách ly, làm xét nghiệm trước và sau khi đến. Chính phủ Nhật Bản chỉ chấp nhận các loại vaccine của các hãng: Pfizer, AstraZeneca, Moderna, Janssen, Bharat Biotech và Nonavax.

Nếu du khách tiêm vắc-xin các loại khác, hoặc chưa đủ 3 mũi các loại vắc-xin nêu trên, phải thực hiện làm xét nghiệm ngay khi nhập cảnh. Nếu dương tính, khách phải đi điều trị. Nếu âm tính, khách phải tự cách ly tại khách sạn nơi mình đặt phòng trước đó. Đến ngày thứ ba, làm xét nghiệm lại tại nơi mình ở. Nếu âm tính sẽ được tự do đi du lịch.

Dịch vụ tối thiểu cần đặt qua công ty du lịch là chuyến bay hai chiều Việt Nam – Nhật Bản và toàn bộ các khách sạn lưu trú tại Nhật Bản.

Thanh Thủy

Related posts