Tin thế giới sáng thứ Tư: Mỹ chuẩn bị mở rộng lệnh cấm xuất khẩu chip cao cấp sang Trung Quốc

Reuters: Mỹ chuẩn bị mở rộng lệnh cấm xuất khẩu chip cao cấp sang Trung Quốc

(Nguồn: William Potter/ Shutterstock)

Hoa Kỳ đã yêu cầu các công ty AMD và NVIDIA ngừng xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo (AI) cao cấp cho Trung Quốc, thúc đẩy Trung Quốc và Hoa Kỳ tách biệt hơn nữa về công nghệ. Thông tin mới nhất cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ có ý định mở rộng phạm vi của lệnh cấm.

Theo Reuters đưa tin hôm ngày 12/9, nhiều nguồn tin tiết lộ rằng Bộ Thương mại Hoa Kỳ dự định mở rộng phạm vi của lệnh cấm xuất khẩu. Tham chiếu từ lệnh cấm xuất khẩu trước đó được ban hành cho NVIDIA và AMD, Bộ Thương mại có thể gửi thông báo cho 3 công ty khác của Mỹ là KLA, Lam Research, Applied Materials, cấm các công ty này xuất khẩu chip cao cấp và thiết bị sản xuất liên quan đến chip dưới 14 nanomet sang Trung Quốc, trừ khi nhận được giấy phép xuất khẩu từ Bộ.

Các nguồn tin cho hay, chỉ thị mới có thể biến các lệnh cấm tạm thời trước đây đối với các công ty thành các quy định, do đó có thể bao gồm phạm vi hạn chế rộng hơn, khiến các công ty không nhận được lệnh cấm cũng nằm trong danh sách hạn chế.

Trong đó, một nguồn tin cho biết các thành phẩm có chứa chip cao cấp bị cấm cũng có thể phải yêu cầu giấy phép xuất khẩu mới được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hiện tại, Dell Technologies, Hewlett-Packard và Supermicro Computer sản xuất các máy chủ trung tâm dữ liệu sử dụng chip A100 của NVIDIA.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ từ chối bình luận về các hành động cụ thể tiếp theo, nhưng một quan chức Bộ Thương mại cho biết, “Nói chung, chúng tôi sẽ chính thức hóa các thông báo hạn chế mà chúng tôi gửi cho các công ty và có những điều chỉnh về quy tắc.”

Trước đó vào ngày 31/8, nhà thiết kế chip NVIDIA của Mỹ cho biết, họ đã nhận được lệnh ngừng xuất khẩu 2 chip máy tính hàng đầu sang Trung Quốc để phục vụ công việc trí tuệ nhân tạo, cản trở một trong những nỗ lực của công ty trong quý này với doanh thu lên tới 400 triệu USD. Cùng ngày, một phát ngôn viên của AMD cũng cho biết, nhà chức trách Mỹ đã thông báo cho công ty ngừng xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo cấp cao nhất sang Trung Quốc.

Dư luận cho rằng điều này báo trước một sự leo thang lớn trong căng thẳng công nghệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nếu không có chip của Mỹ từ các công ty như NVIDIA và AMD, các tổ chức Trung Quốc sẽ không thể thực hiện các phép tính nhanh được sử dụng cho nhiều công việc như nhận dạng hình ảnh, video và giọng nói một cách hiệu quả về chi phí.

Ông Ô Lăng Tường (Ling-Hsiang Wu), một nhà bình luận chính trị tại Đài Bắc (Đài Loan), người sắp nhậm chức tổng biên tập của Digitimes, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng động thái của Hoa Kỳ là đúng đắn, vì nhận dạng hình ảnh hiệu quả cao có thể được sử dụng trong hệ thống AI “Học sâu” [Deep Learning]. Nó đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập. Hiện các chip liên quan đến NVIDIA chiếm hơn 70% thị trường toàn cầu, các sản phẩm tương tự của Intel hay Google rất khó thay thế.

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc Thư Giác Đình (Shu Jueting) cho biết, Bắc Kinh không hài lòng về lệnh cấm này. Bà cho biết động thái của Hoa Kỳ “không chỉ gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc, mà còn có những tác động nghiêm trọng đối với các công ty Mỹ”.

Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo (AI) được chính quyền Bắc Kinh sử dụng rộng rãi trong các trường hợp như thực thi việc giám sát người dân, xâm phạm nhân quyền, … Trong kế hoạch “Made in China 2025″ và “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, trí tuệ nhân tạo đã được đề cập ở một tầm cao chưa từng có, nhấn mạnh rằng trí tuệ nhân tạo giúp ích rất nhiều cho chính phủ để hiểu và kiểm soát xã hội.

Vào ngày 3/9, “Hội nghị trí tuệ nhân tạo thế giới” thường niên được tổ chức tại Thượng Hải đã kết thúc với chủ đề “Đa vũ trụ vô hạn kết nối thông minh”. Mặc dù hội nghị này được biết đến là tầm cỡ thế giới, các nhà phân tích nhận thấy rằng số lượng các nhà sản xuất và học giả châu Âu và Mỹ tham dự hội nghị ít hơn đáng kể so với những năm trước. Họ nói rằng khi cuộc chiến công nghệ Trung – Mỹ ngày càng kịch liệt, chuỗi ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc có khả năng sẽ ngày càng xa rời phần còn lại của thế giới.

Văn Long, Vision Times

Canada hỗ trợ lạm phát 4.5 tỷ CAD cho người thu nhập thấp

(Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau/Nguồn ảnh: Getty Images)

Ngày 13/9, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công bố gói giải pháp trị giá 4,5 tỷ CAD (gần 81.000 tỷ VND) nhằm giảm bớt gánh nặng do ảnh hưởng của lạm phát đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Theo ông Trudeau, gói giải pháp bao gồm việc tăng gấp đôi khoản tín dụng thuế hàng quý dành cho các cá nhân và gia đình có thu nhập thấp để bù đắp mức thuế thương vụ, đồng thời cấp 500 CAD (khoảng 9 triệu VND) cho những người thu nhập thấp cần hỗ trợ thuê nhà ở.

Chính phủ thuộc Đảng Tự do của ông Trudeau cũng sẽ cung cấp lên đến 650 CAD (gần 12 triệu VND) mỗi năm để chăm sóc răng miệng cho các trẻ em dưới 12 tuổi không có bảo hiểm nha khoa.

Ông Trudeau trả lời các phóng viên: “Điều này sẽ tạo khác biệt trong cuộc sống của mọi người ngay lập tức, đồng thời cũng đáp ứng mục tiêu mà chúng tôi tin tưởng rằng chúng sẽ không góp phần làm tăng lạm phát.”

Mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt một ít vào tháng Bảy, từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ là 8,1%, tuy nhiên Ngân hàng Trung ương Canada vẫn lo ngại về vấn đề giá cả leo thang và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng lãi suất sau khi đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm qua vào tuần trước.

Ông Derek Holt, người đứng đầu Phòng Kinh tế Thị trường Vốn tại Scotiabank, dự kiến ​​gói giải pháp của ông Trudeau sẽ bắt đầu được chi vào quý I và quý II năm 2023. Ông Holt phân tích: “Tôi dự đoán điều này sẽ làm tăng thêm áp lực lạm phát vào đầu năm”, “làm tăng áp lực lên Ngân hàng Trung ương Canada phải nâng mức lãi suất chính sách vượt quá 4%.”

Việc trả tiền cho những người thuê nhà có thu nhập thấp và kế hoạch chăm sóc răng miệng cho trẻ em là một phần trong thỏa thuận mà ông Trudeau đã thực hiện với đảng đối lập là Đảng Dân chủ Mới (New Democrats Party) vào tháng Ba để đổi lấy sự ủng hộ của đảng này, từ đó giúp chính phủ thiểu số của ông nắm quyền cho đến năm 2025.

Việc thiết lập hệ thống chăm sóc răng miệng quốc gia là một trong những nền tảng quan trọng của thỏa thuận, và Thủ tướng Trudeau cho biết chính phủ của ông đang có kế hoạch mở rộng quyền lợi nha khoa cho nhiều người hơn vào cuối năm tới, trong đó chương trình đầy đủ sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Lãnh đạo Đảng Dân chủ Mới, ông Jagmeet Singh, lên tiếng sau công bố của ông Trudeau: “Tôi biết có rất nhiều gia đình đang bị choáng ngợp bởi chi phí hàng hóa, tiền thuê nhà và giá xăng tăng cao, vì vậy một sự hỗ trợ ngay lập tức là rất quan trọng.”

Vy An (Theo Reuters)

Cựu giám đốc an ninh Twitter: Có đặc vụ ĐCSTQ trong hàng ngũ nhân viên Twitter

Cựu giám đốc an ninh Twitter, ông Zatko điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ vào ngày 13/9/2022. (Ảnh chụp màn hình video)

Ngày 13/9, Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã triệu tập cựu giám đốc an ninh Peiter Zatko của Twitter để làm chứng về cáo buộc liên quan Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Thượng nghị sĩ Chuck Grassley cho biết trong phát biểu khai mạc buổi điều trần rằng cáo buộc của người tố giác Zatko chỉ ra, Twitter đã biết về ít nhất 1 điệp viên ĐCSTQ đang làm việc cho công ty truyền thông xã hội này.

Ông Zatko, người đã bị Twitter sa thải vào năm ngoái, nói trong phiên điều trần rằng một số nhân viên Twitter lo ngại người của ĐCSTQ có thể thu thập dữ liệu về người dùng của công ty. Ông đã đề cập đến một nguồn tin của Reuters hôm thứ Ba (14/9), nêu chi tiết xung đột nội bộ giữa các nhóm trong công ty, một số tìm cách tối đa hóa doanh thu quảng cáo từ các nhà quảng cáo Trung Quốc, trong khi nhóm khác lo ngại về việc ĐCSTQ cài cắm người trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Ông Zatko cho hay trong cáo buộc rằng FBI đã thông báo cho Twitter về việc có ít nhất 1 đặc vụ ĐCSTQ đang làm việc trong công ty.

Ông Zatko cũng làm chứng rằng một tuần trước khi bị sa thải, ông đã biết rằng 1 đặc vụ của Bộ An ninh ĐCSTQ (MSS) đang thuộc biên chế của Twitter. Tuy nhiên hiện ông không rõ liệu người này còn làm việc tại Twitter hay không.

Trong lời khai của mình, Zatko nói rằng ông nhớ lại cuộc trò chuyện với một giám đốc điều hành khác về mối lo ngại có “đại diện nước ngoài” làm việc trong công ty. Người đó nói rằng: “Chà, đã có rồi thì có thêm có sao đâu?”

Theo Reuters, vào chiều thứ Ba (13/9), đa số cổ đông của Twitter đã bỏ phiếu chấp nhận lời đề nghị mua lại của tỷ phú Elon Musk. Thỏa thuận ban đầu trị giá 44 tỷ USD của ông Musk với Twitter bao gồm việc mua cổ phiếu với giá 54,20 USD/cổ phiếu, nhưng cổ phiếu của Twitter hiện đã giảm xuống còn khoảng 41 USD.

Chính quyền địa phương ĐCSTQ mua nhiều quảng cáo của Twitter

Ngày 13/9, Reuters đã có bài chỉ ra rằng sau khi xem xét các tài liệu như đấu thầu của cơ quan chức năng từ năm 2020 – 2022, nhận thấy rằng bất chấp lệnh cấm quảng cáo cho các phương tiện truyền thông nhà nước, Twitter vẫn đặc biệt miễn trừ cho chính quyền địa phương ĐCSTQ. Công ty này đã cho phép các công ty truyền thông của nhà nước Trung Quốc thoải mái mua quảng cáo Twitter để quảng bá cho các danh lam thắng cảnh và các thành tựu kinh tế văn hóa của Trung Quốc. Tuy vấn đề miễn trừ này đã được Twitter dỡ bỏ vào tháng Ba, nhưng các quảng cáo liên quan vẫn tiếp tục xuất hiện trên Twitter.

Nguồn tin nói với Reuters rằng do vấn đề cạnh tranh với Google và Facebook trong lĩnh vực kinh doanh quảng cáo, nên nhóm phụ trách thị trường Trung Quốc của Twitter “đã thân thiện” với phía đối tác nhà chức trách địa phương của ĐCSTQ. Ngoài ra, các công ty game, thương mại điện tử và công nghệ Trung Quốc cũng là những khách hàng lớn của Twitter.

Doanh số quảng cáo ở nước ngoài của Twitter liên quan nguồn khách hàng Trung Quốc ước tính đạt “hàng trăm triệu USD mỗi năm”. Hồ sơ LinkedIn của Alan Lan (hiện đã bị xóa) – giám đốc điều hành phụ trách thị trường Trung Quốc của Twitter – cho thấy kể từ năm 2014 đến nay, doanh thu khu vực Trung Quốc của Twitter đã tăng lên gấp 800 lần, là khu vực có mức tăng nhanh nhất trong các khu vực trên toàn cầu.

Trong điều trần hôm thứ Ba, ông Zatko đã làm chứng rằng Twitter không muốn từ bỏ thị trường Trung Quốc, vốn là thị trường nước ngoài phát triển nhanh nhất về doanh thu quảng cáo của họ. Trước đó hồi tháng Bảy, ông nói trong một khiếu nại với cơ quan quản lý rằng giám đốc điều hành Twitter biết việc nhận tiền của Trung Quốc có thể đe dọa người dùng Trung Quốc.

Có nguồn tin cho thấy, song song với việc mua quảng cáo Twitter số lượng lớn là thời điểm nhà chức trách ĐCSTQ tăng cường bắt giữ những người bất đồng chính kiến ​​trên Twitter. Trong 3 năm qua, các tòa án Trung Quốc đã kết án hàng chục công dân Trung Quốc vì sử dụng các nền tảng nước ngoài như Twitter để chỉ trích nhà cầm quyền.

Về vụ kiện nhắm vào thương vụ của ông Elon Musk

Thượng nghị sĩ Grassley lưu ý rằng Giám đốc điều hành Agrawal của Twitter đã từ chối xuất hiện tại phiên điều trần, vì lo ngại điều đó có thể ảnh hưởng đến vụ kiện mua Twitter của tỷ phú Elon Musk. Ngày 17/10, Twitter và ông Musk sẽ cùng ra tòa đối chất.

Cuối ngày thứ Ba, Twitter cũng công bố kết quả cuộc bỏ phiếu của cổ đông về việc mua lại của ông Musk. Nguồn tin nói với Reuters rằng hầu hết các cổ đông đã thông qua thương vụ này.

Twitter trước đó đã kiện nhà điều hành Tesla, trong khi ông Musk phản đối Twitter vì đã trình bày sai số lượng tài khoản giả mạo và spam.

Một thẩm phán của bang Delaware đã ra phán quyết vào tuần trước rằng ông Musk có thể đưa cả cáo buộc của người tố giác Zatko vào vụ kiện, nhưng từ chối yêu cầu đình chỉ vụ kiện.

Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã đặt câu hỏi về cáo buộc của ông Zatko rằng trong hòa giải năm 2011 với Ủy ban Thương mại Liên bang về vấn đề xử lý chưa thỏa đáng dữ liệu người dùng, Twitter đã đánh lừa cơ quan quản lý. Kể từ đó, Twitter đã thực hiện “những cải tiến nhỏ có ý nghĩa trong hệ thống bảo mật, tính toàn vẹn và quyền riêng tư”, theo cáo buộc của ông Zatko với cơ quan quản lý vào tháng Bảy.

Twitter cho biết ông Zatko đã bị sa thải vì “khả năng lãnh đạo kém và thái độ làm việc không tốt”, cho rằng các cáo buộc của ông Zatko là nhằm làm tổn hại cho Twitter.

Tiêu Nhiên, Vision Times

Ukraine đặt mục tiêu chiếm lại toàn bộ lãnh thổ từ tay Nga, kêu gọi phương Tây gửi nhiều vũ khí hơn

Một tòa nhà bị phá hủy ở Izyum, vùng Kharkiv, miền đông Ukraine, trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, hôm 11/9/2022. (Ảnh: Juan Barreto/AFP/Getty Images)

Chính phủ Ukraine hôm thứ 3 (13/09) cho biết họ đặt mục tiêu thu hồi lại tất cả các vùng lãnh thổ sau khi đã đẩy lùi các lực lượng Nga ở miền đông bắc nước này nhờ một cuộc tấn công chớp nhoáng.

Trong một bài phát biểu qua video vào cuối ngày thứ 2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã kêu gọi châu Âu và Mỹ cung cấp thêm các hệ thống vũ khí. 

Ông Zelenskyy nói: “Từ đầu tháng 9 cho đến nay, các chiến binh của chúng ta đã giải phóng hơn 6.000 km2 lãnh thổ Ukraine – ở phía đông và nam. Quân đội của chúng ta vẫn tiếp tục di chuyển”.

Tổng thống Ukraine nói thêm rằng phương Tây cần cung cấp thêm các hệ thống vũ khí cho Ukraine để “tăng cường hợp tác nhằm đánh bại” các lực lượng Nga tại nước này.

Chủ nhật vừa qua đã đánh dấu ngày thứ 200 của cuộc xung đột Nga – Ukraine. Lực lượng Nga đang kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine (ở phía nam và phía đông) nhưng Ukraine hiện cố gắng tấn công để tái chiếm cả hai khu vực.

Kể từ cuộc xâm lược ngày 24/02 của Nga, Washington và các đồng minh của họ đã cung cấp cho Ukraine hàng tỷ USD vũ khí mà Kyiv nói rằng đã giúp hạn chế các bước tiến của Moscow. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ riêng Mỹ đã viện trợ quân sự hơn 13,5 tỷ USD cho Ukraine.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết các lực lượng Ukraine “đang tiếp tục đạt được những thành tựu đáng kể” và họ đang “làm suy giảm dần tinh thần và khả năng chiến đấu của các lực lượng Nga”, theo một bản cập nhật của Viện vào hôm thứ 2.

Thứ trưởng Quốc phòng Hanna Malyar của Ukraine nói với Reuters vào hôm thứ 3 rằng các lực lượng của Ukraine đang hoạt động tốt vì họ có động cơ cao cả và các bước đi đã được lên kế hoạch tốt.

Ông Hanna Malyar nói thêm: “Mục đích là giải phóng khu vực Kharkiv và xa hơn nữa… tất cả các vùng lãnh thổ do Liên bang Nga chiếm đóng”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với các phóng viên vào hôm thứ 2 rằng các lực lượng Ukraine đã đạt được “tiến triển đáng kể” trong những ngày gần đây nhưng còn quá sớm để đưa ra dự đoán.

“Người Nga duy trì ở Ukraine nhiều lực lượng có tầm quan trọng cao cũng như các thiết bị, vũ khí và đạn dược. Họ tiếp tục sử dụng chúng một cách bừa bãi không chỉ để chống lại các lực lượng vũ trang Ukraine mà còn cả dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự như chúng ta đã thấy”, ông Blinken nói.

Trong khi đó, vào hôm thứ 3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng của họ đã tiêu diệt hoặc làm bị thương hơn 800 binh lính Ukraine và “các chiến binh nước ngoài” trong 24 giờ qua, theo truyền thông nhà nước Nga.

Xuân Hoa

Theo Jack Phillips – The Epoch Times

Mỹ tiếp tục từ chối đề nghị gửi hoả tiễn tầm xa, binh sĩ Ukraina vẫn đang tiếp tục tiến lên

Tổng thống Ukraina trong bài phát biểu quan video hôm 12/9

Theo trang Kyiv Independent của Ukraina hôm 13 tháng 9, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã từ chối lời đề nghị vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga.

Ukraina yêu cầu Mỹ và các đồng minh bổ sung vũ khí, bao gồm Hệ thống Hỏa tiễn Chiến thuật Quân đội (ATACMS), có tầm bắn 300 km.

Vào tháng 7, cố vấn an ninh quốc gia Toà Bạch Ốc, ông Jake Sullivan cũng nói Mỹ sẽ không chuyển hoả tiễn ATACMS tầm bắn 300 km cho Ukraina vì lo ngại chiến tranh sẽ leo thang.

Ông Sullivan phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở bang Colorado hôm 22/7 rằng: “Có những khí tài mà Tổng thống Mỹ tuyên bố không sẵn lòng cung cấp cho Ukraina, trong đó có hoả tiễn tầm xa ATACMS với tầm bắn 300 km. Ông ấy tin rằng mục tiêu then chốt của Mỹ là hỗ trợ Ukraina tự vệ, đồng thời tránh để đất nước đối mặt nguy cơ bị cuốn vào Đệ tam Thế chiến”.

Cố vấn Sullivan còn nói ông bày tỏ thông cảm với những đề nghị của Ukraina nhằm tăng lượng vũ khí viện trợ và rút ngắn tối đa thời gian bàn giao, nhưng khẳng định Washington đang cung cấp đầy đủ khí tài cần thiết cho Kyiv.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Ukraina, ông Volodymyr Zelenskyy hôm 12 tháng 9 cho biết các lực lượng vũ trang Ukraina đã giải phóng hơn 6.000 kilomet vuông lãnh thổ và đang tiếp tục tiến lên, theo pravda.

Trong bài phát biểu qua video, ông Zelenskyy nói: “Kể từ đầu tháng 9, các chiến binh của chúng tôi đã giải phóng hơn 6.000 km vuông lãnh thổ Ukraina ở phía đông và nam [của đất nước]. Quân đội của chúng tôi vẫn đang tiếp tục tiến lên.”

Ông Zelenskyy cũng gửi lời cảm ơn đến các lực lượng vũ trang Ukraina đang anh dũng chiến đấu chống lại lực lượng chiếm đóng Nga.h

Trước đà tiến của Ukraina, Nga vẫn tuyên bố một cách tự tin. Ngày 12 tháng 9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói Nga vẫn sẽ đạt mục tiêu ở Ukraina, và hiện không có thảo luận về việc phi quân sự hóa tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Về đàm phán, ông Peskov nói vào thời điểm này giữa Nga và Ukraina không có triển vọng đàm phán nào.

Trần Phong

5 ẩn số trong “mùa đông không khí đốt Nga” ở châu Âu

Châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ

Các chính phủ châu Âu đang lên kế hoạch thực hiện một loạt biện pháp quyết liệt để giảm nhu cầu năng lượng và vượt qua mùa đông mà không có khí đốt Nga. Tuy nhiên, đây là một thách thức lớn…

Theo Bloomberg, giá khí đốt ở châu Âu đã hạ nhiệt từ các mức kỷ lục, tuy nhiên vẫn đang ở mức cao ngất ngưởng. Thiệt hại do đóng cửa các nhà máy công nghiệp đang ngày càng lớn. Châu lục này đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ.

Nga đã giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu xuống mức tối thiểu – động thái mà châu Âu cáo buộc Nga “vũ khí hóa” năng lượng để trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Trong khi đó, điện Kremlin phủ nhận cáo buộc này và nói rằng việc giảm cung khí đốt là do các lệnh trừng phạt quốc tế với Matxcova gây cản trở và nguyên nhân kỹ thuật.

Gần đây, việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống huyết mạch Nord Stream 1 đang gây áp lực lớn cho toàn khu vực.

Theo các nhà phân tích, kể cả trong trường hợp châu Âu thành công trong việc giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt như mục tiêu đặt ra, một câu hỏi lớn là liệu các nguồn năng lượng thay thế, bao gồm thủy điện và hạt nhân, có thể lấp đầy khoảng trống mà khí đốt Nga để lại? Hiện chưa rõ liệu hoạt động nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) – một nguồn thay thế quan trọng cho khí đốt Nga – sẽ tiếp tục dồi dào hay không.

Dưới đây là 5 yếu tố sẽ quyết định liệu châu u có thể vượt qua các tháng mùa đông khi không có khí đốt Nga:

Đầu tiên là ‘Hiệu quả của chính sách tiết kiệm khí đốt’

Theo Fitch Ratings, nếu mục tiêu cắt giảm tiêu thụ 15% thành công và thời tiết thuận lợi, châu Âu có thể vượt qua mùa đông một cách suôn sẻ kể cả khi Nga cắt hoàn toàn khí đốt. Tuy nhiên, sự cân bằng cung-cầu đang gây thách thức cho Đức – nền kinh tế lớn nhất khu vực, khi dự trữ khí đốt của nước này được dự báo sẽ giảm, đồng nghĩa rằng gần như không có bệ đỡ nào để chống lại một mùa đông lạnh bất thường.

“Không có chỗ cho sự sai lầm”, bà Angelina Valavina, người đứng đầu bộ phận tài nguyên thiên nhiên và hàng hóa khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi (EMEA) tại Fitch, nhận định.

Các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức đã tích trữ ở mức 87%. Tuy nhiên, việc Nga cắt khí đốt đe dọa nghiêm trọng mục tiêu đạt mức tích trữ 95% của Berlin vào đầu tháng 11.

Kể cả ở mức tích trữ này, Đức cũng chỉ đủ khí đốt để dùng trong 2,5 tháng nếu như Nga tiếp tục cắt khí đốt – theo cảnh báo tháng trước của ông Klaus Mueller, chủ tịch cơ quan quản lý năng lượng Federal Network Agency của Đức.

Thứ hai là ‘Thách thức về nguồn điện’

Trong khi các ngành công nghiệp ở châu Âu đã cắt giảm tiêu thụ khí đốt, nhu cầu đối với nhiên liệu này trong ngành sản xuất điện lại cao hơn dự báo. Sóng nhiệt và hạn hán đã làm tê liệt hoạt động của các nhà máy thủy điện ở châu Âu, trong khi nước sông ấm lên và sự cố điện hạt nhân ở Pháp đang làm hạn chế nguồn năng lượng nguyên tử.

“Sự cân bằng trong cung cầu điện ở châu Âu đang bị thách thức nghiêm trọng vì châu lục này không đủ linh hoạt để tăng đáng kể sản lượng từ các nguồn khác”, các nhà phân tích tại Rystad Energy nhận định. “Thời tiết lạnh khắc nghiệt và gió ít có thể dẫn tới việc châu Âu phải phân bổ điện theo định mức và cắt điện”.

Thứ ba là ‘Cạnh tranh với châu Á’

Chính sách Zero Covid cộng với giá giao ngay tăng cao đã khiến lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc giảm trong năm nay, để lại nguồn cung dồi dào cho châu Âu.

Theo dự báo của Bloomberg NEF, từ nay tới tháng 12, Trung Quốc – nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới năm ngoái – sẽ tăng nhập khẩu LNG, dù lượng mua vẫn thấp hơn so với năm 2021. Tuy nhiên, nếu nhu cầu khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở châu Á bất ngờ tăng lên, thế giới sẽ rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung.

Thứ tư là ‘Những sự cố ngoài ý muốn’

Một rủi ro lớn khác là những sự cố nằm ngoài dự kiến, đặc biệt là một sự kiện nào đó xảy ra ở một cơ sở quy mô lớn như nhà máy LNG Freeport ở Mỹ – nơi xảy ra một vụ nổ nghiêm trọng hồi tháng 6. Vụ việc đã làm giảm đáng kể tổng kim ngạch xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ.

Theo các nhà phân tích, châu u có thể chống chịu được một sự kiện như vậy trong mùa hè này khi nhu cầu của Trung Quốc ở mức thấp, nhưng có thể phải chịu tác động lớn nếu xảy ra vào mùa đông. Nhà máy trên của Mỹ dự kiến trở lại hoạt động vào giữa tháng 11, nhưng nhiều nhà phân tích lo sợ rằng ảnh hưởng của sự cố có thể kéo dài.

Cuối cùng là ‘Yếu tố thời tiết’

Thời tiết là yếu tố khó dự báo nhất. Mùa đông năm ngoái khá ôn hòa đã giúp châu Âu giữ được dự trữ nhiên liệu ở mức cao hơn dự báo. Dự báo tháng 10 năm nay, nhiệt độ tại châu u sẽ ở mức cao hơn bình thường. Tuy nhiên, nếu châu Âu phải trải qua một mùa đông tương tự như năm 2012 – mùa đông lạnh nhất trong 10 năm qua, thì nhu cầu khí đốt của khu vực này sẽ là cao hơn khoảng 20 tỷ mét khối so với dự báo và tương đương 5% mức tiêu thụ của các năm bình thường.

“Điều này đồng nghĩa cân bằng cung-cầu khí đốt năm 2023 sẽ gặp thách thức lớn hơn nhiều”, bà Valavina của Fitch nhận xét.

Trần Phong

Hải quân Hoa Kỳ thừa nhận đang nắm giữ nhiều video UFO hơn những gì đã tiết lộ công khai

Hình ảnh một UAP chụp từ video đã được giải mật do các phi công Hải quân Hoa Kỳ ghi lại. (Ảnh: DoD)

Ngoài những video đã giải mật, Hải quân Hoa Kỳ vẫn đang nắm giữ các video chưa tiết lộ về các vật thể bay không xác định (UFO) – hoặc theo cách gọi của Bộ Quốc phòng (DoD) là các hiện tượng trên không không xác định (UAP) – nhưng sẽ không công bố các đoạn phim này vì nó sẽ “gây hại cho an ninh quốc gia”, một người phát ngôn của Hải quân cho biết.

Trước đó, với viêc chấp nhận yêu cầu của Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA) do trang web minh bạch của chính phủ The Black Vault đệ trình, cơ quan này đã chia sẻ hàng nghìn trang tài liệu liên quan đến UFO nhận được cho CIA và các cơ quan chính phủ khác.

Vào tháng 4/2020, The Black Vault đã đệ trình yêu cầu FOIA cho Hải quân Hoa Kỳ – chỉ một ngày sau khi Hải quân giải mật ba đoạn video nổi tiếng do các phi công Hải quân quay cho thấy máy bay công nghệ cao di chuyển theo những cách dường như không thể.

Trong đó, trang web này đã yêu cầu Hải quân công khai tất cả các video đang có liên quan đến UAP.

Hơn hai năm sau, Hải quân Hoa Kỳ đã trả lời bằng một lá thư xác nhận rằng có nhiều video UAP tồn tại hơn và từ chối yêu cầu công khai chúng do lo ngại về an ninh quốc gia.

Theo Science Alert, viết trong một bức thư phản hồi, Gregory Cason, phó giám đốc văn phòng FOIA của Hải quân cho biết: “Việc tiết lộ thông tin này sẽ gây tổn hại đến an ninh quốc gia vì nó có thể cung cấp cho đối phương những thông tin có giá trị liên quan đến hoạt động, các nhược điểm và/hoặc khả năng của Bộ Quốc phòng/Hải quân. Không có phần nào của các video có thể được tách ra để phát hành”.

Cason nói thêm rằng Hải quân chỉ có thể giải mật ba video UAP được phát hành vào tháng 4/2020 vì các video này đã bị rò rỉ trước đó trên các phương tiện truyền thông và đã được “thảo luận rộng rãi trong phạm vi công cộng”.

Hải quân cho rằng có thể chính thức phát hành đoạn phim “mà không gây thiệt hại thêm cho an ninh quốc gia”, Cason viết.

Điều thú vị là để đáp ứng yêu cầu của The Black Vault, Hải quân đã không thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để che giấu sự tồn tại của các video UAP bổ sung.

Rõ ràng là kho lưu trữ của Hải quân có nhiều video hơn về các cuộc gặp gỡ UFO không thể giải thích được, nhưng số lượng và những gì các video này mô tả sẽ vẫn là một bí ẩn cho đến nay.

Tuy nhiên, rõ ràng là quân đội Hoa Kỳ rất coi trọng mối đe dọa tiềm tàng của UAP.

Vào tháng 5/2022, DoD tổ chức buổi điều trần công khai đầu tiên về UFO kể từ những năm 1960. Phiên điều trần chủ yếu thảo luận về một báo cáo của Lầu Năm Góc vào tháng 6/2021 tiết lộ các phi công Hải quân Hoa Kỳ đã báo cáo 144 lần nhìn thấy UAP kể từ năm 2004.

Gần đây hơn, DoD thông báo rằng họ sẽ nhận được tài trợ của liên bang để mở một văn phòng mới chỉ tập trung vào việc quản lý các báo cáo về việc nhìn thấy UFO của Quân đội, Hải quân và Không quân Hoa Kỳ.

Văn Thiện

Trung Quốc phát hiện được một loại khoáng chất quý trên Mặt trăng

Helium-3 được đánh giá như một nguồn năng lượng nhiệt hạch trong tương lai; nó có khả năng giải phóng một lượng lớn năng lượng mà không làm cho vật chất xung quanh trở nên bị nhiễm phóng xạ. (Ảnh minh hoạ: WikiImages/Pixabay)

Helium-3 là khoáng chất mới được Trung Quốc phát hiện trên Mặt trăng, nó cũng có thể được xem như là nguồn năng lượng nhiệt hạch trong tương lai.

Vào thứ Sáu tuần trước, Trung Quốc thông báo họ đã phát hiện ra một loại khoáng chất cho đến nay chưa được biết đến trong các mẫu được lấy về từ Mặt Trăng.

Khoáng chất quý này được đặt tên là “Changesite- (Y)”, theo tên của sứ mệnh Chang’e-5 đã lấy một lượng mẫu vật là bụi mặt trăng vào năm 2020 để mang về Trái đất.

Mẫu vật được lấy về từ Mặt trăng của Trung Quốc nặng khoảng 1,73kg (3,8lbs) trên Trái đất. Nó được thu thập từ cả trên bề mặt của Mặt trăng và dưới bề mặt khoảng 6,5 mét, trong một khu vực được cho là nơi hoạt động của núi lửa. Mẫu vật được chia cho 33 tổ chức nghiên cứu.

Một thông báo chung từ Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc (CAEA) mô tả các mẫu này là “một khoáng chất phốt phát ở dạng tinh thể, được tìm thấy trong các hạt bazan mặt trăng.”

Cấu trúc tinh thể được các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Địa chất Uranium Bắc Kinh, một công ty con của Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC), phân tách và kiểm tra thông qua nhiễu xạ tia X. Họ đã tìm thấy một hạt đơn tinh thể trong số 140.000 hạt mẫu vật từ mặt trăng có đường kính khoảng 10 micron.

Hạt tinh thể đáng quý này, theo phương tiện truyền thông của nhà nước TQ, có kích thước bằng một phần mười sợi tóc người.

Trước đây, cả Hoa Kỳ và Nga cũng vẫn luôn tìm thấy các khoáng chất trên Mặt trăng. Changesite– (Y) là khoáng chất mặt trăng được phát hiện hôm thứ Sáu, đã nhận được sự chấp thuận của tổ chức giám sát những khám phá như thế này – Ủy ban về Khoáng sản mới.

Mẫu vật Mặt trăng của Trung Quốc cũng đã được đo thấy có nồng độ Helium-3.

Việc tìm thấy Helium-3 trên Mặt trăng không phải là tin tức đột phá: từ lâu người ta đã biết rằng nó tồn tại trên bề mặt của Mặt trăng với số lượng dồi dào hơn so với trên Trái đất, nơi nó cực kỳ hiếm khi được tìm thấy. Nhưng điều khiến các nhà nghiên cứu thích thú là tiềm năng của nó có thể được đánh giá như một nguồn năng lượng nhiệt hạch trong tương lai; nó có khả năng giải phóng một lượng lớn năng lượng mà không làm cho vật chất xung quanh trở nên bị nhiễm phóng xạ.

Loại khí có giá trị cao này cũng cực kỳ hữu ích để làm mát các hệ thống máy tính lượng tử; điều mà các nhà khoa học đang rất cần. Khi hệ thống máy tính lượng tử có thể được sử dụng rộng rãi, đó chắc chắn là một cuộc cách mạng khác đối với công nghệ của nhân loại trong nhiều lĩnh vực về khả năng và tốc độ xử lý thông tin.

CNSA và CAEA cho biết họ “tuân thủ khái niệm sử dụng không gian vì mục đích hòa bình và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình”, khi họ tiếp tục làm việc để tích hợp hai công nghệ này.

Hai tổ chức cũng tuyên bố rằng “với tư cách là các cơ quan chính phủ có thẩm quyền trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và hạt nhân ở Trung Quốc”, bộ đôi này đã tiếp tục đóng góp vào các khám phá khoa học và hợp tác quốc tế.

Nhưng hợp tác quốc tế diễn ra như thế nào vẫn còn phải được nhìn nhận trong bối cảnh địa chính trị ngày càng căng thẳng. Trường Đại học Hoàng gia của Vương quốc Anh được cho là đã quyết định đóng cửa hai trung tâm nghiên cứu hàng không vũ trụ do Trung Quốc tài trợ, sau khi có cảnh báo rằng họ có thể vô tình viện trợ cho quân đội Trung Quốc.

Các tổ chức như MI5 của Anh và FBI của Mỹ thường xuyên đưa ra cảnh báo về hoạt động gián điệp của Trung Quốc và trò chơi lâu dài do ĐCSTQ tiến hành.

Ánh Dương

Related posts