Schubert nhỏ bé! Ông cao không quá năm 1.5m, người đậm, giản dị, và chỉ sống được 31 năm. Một số lá thư ông để lại cho thấy một tâm hồn hiền lành, nhiệt thành, không biết giận hờn và cũng chẳng hề giả tạo. Ông là sứ giả của vẻ đẹp và lòng tốt vô bờ của âm nhạc, trong vòng 18 năm ông đã sáng tác vô số bản giao hưởng, sonate, tác phẩm thính phòng và bài hát với sự phong phú độc nhất vô nhị. Bạn bè gọi ông là “Schwammerl” (Cây Nấm Nhỏ) và kể rằng ông đeo kính khi ngủ để có thể bắt đầu sáng tác ngay khi thức giấc.
Schubert (1797–1828) tuy không nổi tiếng vào thời đại đó như Beethoven – người chỉ sống cách đó vài dãy nhà, nhưng ông có một nhóm bạn bè đẳng cấp bao gồm các nhạc sĩ, nhà thơ và họa sĩ danh tiếng của Vienna.
Nhóm người này chỉ chú tâm vào công việc của riêng họ, và dường như không để ý đến những sự kiện lịch sử đầy biến động đang diễn ra xung quanh. Việc quân đội của Napoléon chiếm đóng thành phố, Đại hội Vienna xảy ra sau đó và chính phủ đàn áp Metternich dường như không có bất kỳ ý nghĩa hay mối quan tâm nào với họ, vì họ dồn hết tâm trí vào tranh ảnh, thơ ca và âm nhạc của mình. Điều đó khiến người ta đặt câu hỏi về tính trọng yếu của các sự kiện quan trọng này. Có ít người biết nhiều về chiến tranh Napoléon, Đại hội Vienna, hay Klemens von Metternich, nhưng hầu hết người ta đều biết đến tác phẩm “Ave Maria” của Schubert!
Chúng ta chỉ biết đến một số sự kiện về cuộc đời của nhà soạn nhạc, nhưng trên dưới 700 bài hát và các tác phẩm thanh nhạc khác của người đàn ông vĩ đại và khiêm tốn này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ về những điều ngự trị trong trái tim ông hơn bất kỳ tiểu sử nào ghi chép. Sự trong sáng, rạng rỡ, vẻ đẹp chắc chắn đã lấp đầy trái tim ông, cũng như lòng tốt và sự khao khát những điều cao cả hơn. “Ôi, Mozart! Anh đã để lại bao nhiêu thông điệp về một thế giới tốt đẹp hơn trong tâm hồn chúng tôi!” ông đã viết như vậy trong nhật ký của mình.
Đề tài âm nhạc của Schubert
Bốn chủ đề nổi bật trong thể loại “lieder” của Schubert, những chủ đề dường như đã liên tục chiếm lấy tâm trí ông là: số phận con người, con đường của trái tim nhân loại, sức mạnh của vẻ đẹp, và cuối cùng là mối quan hệ của linh hồn với Chúa. Tuy nhiên, người ta nhìn thấy sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong tất cả các tác phẩm của ông.
(*lieder: một loại bài hát của Đức, đặc biệt là trong thời kỳ lãng mạn, thường dành cho giọng độc diễn với phần đệm piano).
Từ năm 19 đến 24 tuổi, Schubert quan tâm đến chủ đề số phận của con người, bằng chứng là ông đã sáng tác lấy bối cảnh dựa trên bài thơ tuyệt vời của Goethe “Song of the Spirits Over the Waters” (tạm dịch: Bài Hát của Các Linh Hồn Trên Mặt Nước”. Schubert tin rằng linh hồn của ông đến từ thiên thượng và ông sẽ quay trở lại đó, và rằng số phận của ông trên Trái Đất là không thể tiên lượng trước, nó có thể thay đổi như gió. Goethe viết: “Linh hồn của con người, giống như nước, nó đến từ thiên đường và rồi lại trở về thiên đường. Số phận của con người, sao mà giống như gió!”
Khi vẫn còn là một thiếu niên, Schubert đã sáng tác về chủ đề tình yêu, về những đam mê cháy bỏng, và về việc tình yêu dễ dàng đưa chúng ta đến những xúc cảm cao cả và sâu thẳm như thế nào. Trong “Gretchen at the Spinning Wheel” (tạm dịch: Gretchen tại Guồng Quay Tơ), từ tác phẩm kịch “Faust” của Goethe, Gretchen – người đã bị Faust trẻ trung dũng cảm bỏ rơi – hát: “Tôi đã đánh mất sự bình yên của mình và sẽ không bao giờ tìm lại được nữa. Trái tim tôi khao khát anh ấy biết bao! Giá như tôi có thể ôm anh ấy và hôn anh ấy như tôi hằng mong muốn!” Người ta ngạc nhiên về sự hiểu biết của Schubert về những câu thơ, cũng như tự hỏi người mà chàng thanh niên đầy nhiệt huyết này đang nghĩ đến là ai.
Phần lớn các bài hát của Schubert, thường được đặt theo lời của các nhà thơ nhỏ, tôn vinh các hiện tượng bí ẩn và không xác định được mà chúng ta gọi là vẻ đẹp. Vẻ đẹp tự thân, họ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như những tác phẩm của chính bàn tay con người mà chúng ta gọi là nghệ thuật. “Nghệ thuật yêu dấu, trong rất nhiều thời điểm tăm tối, bạn đã sưởi ấm trái tim tôi và mang tôi đến một thế giới tốt đẹp hơn!” lời hát trong tác phẩm của ông “To Music” (tạm dịch: Gửi Âm Nhạc).
Tư duy sâu lắng về thiên nhiên dẫn đến việc suy ngẫm về Đấng Tạo Hóa. “The Almighty” (tạm dịch: Đấng Toàn Năng), có lẽ là bài hát hay nhất của Schubert, nó là một bức chân dung kỳ diệu lột tả tâm hồn của Schubert về cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Đó là một bài ca về sự kỳ diệu, đức tin tự nhiên và tình yêu thương vô bờ bến dành cho Đấng Sáng Tạo: “Đức Giê-hô-va Vĩ Đại! Trời đất chứng thực quyền năng của Ngài! Quý vị nghe thấy điều đó trong sấm sét, nhìn thấy điều đó trên bầu trời đầy sao, cảm nhận điều đó trong nhịp đập của trái tim mình!”
Bài hát “The Infinite One” đề cập trực tiếp đến Chúa. “Trái tim tôi thăng hoa biết bao khi nghĩ về Người, Đấng Tối Cao! Những cơn gió ào qua khu rừng, sấm sét vang dội trên tầng trời — chính là Đức Chúa Trời mà quý vị ngợi ca!”
Người trình diễn xuất sắc của Schubert
Sự chân thành đáng chú ý của Schubert – nghĩa là, sự trung thực của ông – là một đức tính cần có ở người ca sĩ. Nếu sự trung thực không có ở đó, thì giọng hát là giả: giống như việc vẻ đẹp có thể được miêu chân thực đến từng chi tiết trên bản nhạc, nhưng lại vô hồn như một trong những hình nộm bằng sáp của Madame Tussauds. Tiểu thuyết gia vĩ đại người Mỹ Willa Cather đã viết rằng “nghệ thuật là sự tinh luyện của đức tính trung thực. Chỉ có kẻ ngu ngốc mới tin rằng trở nên trung thực là điều dễ dàng; chỉ có nghệ sĩ vĩ đại mới biết nó khó khăn đến nhường nào”.
Bạn không thể hát về thiên nhiên nếu bạn không có sự gắn kết cá nhân với nó. Bạn không thể hát về trái tim con người nếu bạn chưa từng đau khổ sâu sắc, hoặc là chưa từng ngập tràn niềm hân hoan. Bạn không thể hát về Chúa nếu bạn không tìm kiếm Ngài và yêu mến Ngài.
Ngày nay, người trình diễn tốt nhất các bản nhạc của Schubert là giọng nam cao người Hà Lan Peter Gijsbertsen. Tôi biết đến anh từ bản thu âm của anh “Nacht und Träume” (Đêm và những giấc mơ), nó là một bản độc diễn các bài hát của Schubert. Gijsbertsen chia sẻ với những người yêu thích âm nhạc sự hiểu biết của anh về mặt nội dung cũng như cảm xúc của bài hát.
Gijsbertsen đem đến một cảm giác của sự tự nhiên và bộc trực trong các tác phẩm, của niềm vui khi hát và khiến người nghe cảm nhận rằng bài hát của anh đã được bắt gặp, được đón nhận và trở thành của riêng anh ấy. Giọng của anh rất hay, có sự cao quý và nhẹ nhàng trong âm sắc. Có vẻ như bất cứ bài nào anh trình diễn đều là bài hát anh yêu thích nhất, giống như thể là lần đầu tiên anh được trải nghiệm sức mạnh và vẻ đẹp của nó vậy.
Gijsbertsen đứng chung hàng ngũ với những nghệ sĩ vĩ đại được liệt kê dưới đây, mỗi người trong số họ đều là những người kể sự thật chân thành, những người khiến chúng ta phải thay đổi một số từ trong nhật ký của nhà soạn nhạc được trích dẫn ở trên thành: “Ôi Schubert! Ông đã để lại bao nhiêu thông điệp về một thế giới tốt đẹp hơn trong tâm hồn chúng tôi. ”
Lotte Lehmann (1888–1976) “Im Abendroth” (“In the Glow of the Evening”) (tạm dịch: Trong Ánh Sáng Rực Rỡ của Buổi Tối)
Elisabeth Rethberg (1894–1976) “Wiegenlied” (“Cradle Song”) (tạm dịch: Bài Hát Đưa Nôi)
Heinrich Rehkemper (1894–1949) “Der Lindenbaum” (“The Linden Tree”) (tạm dịch: Cây Linden)
Hans Hotter (1909–2003) “An die Musik” (“To Music”) (tạm dịch: Gửi Âm Nhạc)
Birgit Nilsson (1918–2005) “Dem Uncndlichen” (“To the Infinite One”) (tạm dịch: Gửi đến Đấng Tối Cao)
Christa Ludwig (sinh năm 1928) “Die Allmacht” (“The Almighty”) (tạm dịch: Đấng Toàn Năng)
Peter Gijsbertsen (sinh năm 1983) “Lied eines Schiffers an die Dioskuren” (“Song of the Sailor to the Dioskuren” (tạm dịch: Bài Hát của Thủy Thủ đến Dioskuren), “Frühlingsglaube” (Faith in Spring”) (tạm dịch: Niềm Tin Vào Mùa Xuân”)
Dàn hợp xướng của đài phát thanh Munich “Gesang der Geister über den Wassern” (“Song of the Spirits Over the Waters”) (tạm dịch: Bài Hát của Các Linh Hồn Trên Mặt Nước”
Raymond Beegle biểu diễn với tư cách là một nghệ sĩ dương cầm cộng tác trong các phòng hòa nhạc lớn của Hoa Kỳ, Âu Châu và Nam Mỹ; ông đã viết cho The Opera Quarterly, Classical Voice, Fanfare Magazine, Classic Record Collector (Anh) và New York Observer. Beegle đã phục vụ với tư cách là giảng viên của Đại học Tiểu Bang New York – Stony Brook, Học viện Âm nhạc Phương Tây, và Viện Nghiên cứu Âm nhạc Hoa Kỳ ở Graz, Áo. Ông đã giảng dạy trong bộ phận âm nhạc thính phòng của Trường Âm nhạc Manhattan trong 28 năm qua.
Ngọc Anh biên dịch