Tin thế giới chiều thứ Năm: Tập Cận Bình thăm Uzbekistan trước cuộc gặp Putin

Ông Tập Cận Bình thăm Uzbekistan trước cuộc gặp TT Vladimir Putin

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự lễ ký tuyên bố chung nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Kazakhstan và Trung Quốc tại Nur Sultan, Kazakhstan vào ngày 14/9/2022 (Ảnh minh họa: Getty Images)

Truyền thông nhà nước cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Uzbekistan hôm 14/9, trước cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.

“Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Uzbekistan ở đây (Samarkand) tối thứ Tư (ngày 14/9) và tham dự cuộc họp lần thứ 22 của Hội đồng Nguyên thủ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO),” hãng thông tấn Tân Hoa xã cho biết.

SCO được thành lập vào năm 2001 với tư cách là một tổ chức chính trị, kinh tế và an ninh để cạnh tranh với các thể chế phương Tây – có sự tham gia của Chủ tịch Tập Cận bình, Tổng thống Putin, cũng như các nhà lãnh đạo từ Ấn Độ, Pakistan, Kazakhstan và các quốc gia Trung Á ngoài Liên Xô khác.

Tân Hoa xã cho hay, ông Tập đã gặp gỡ các quan chức, bao gồm Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev và Thủ tướng Abdulla Aripov tại sân bay.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ hội đàm với ông Mirziyoyev về việc “tăng cường hợp tác song phương về mối quan tâm chung trước các vấn đề trong khu vực và quốc tế”. Hãng thông tấn còn lưu ý, ông Tập “mong muốn được tham dự Hội nghị thượng đỉnh SCO tại Samarkand và phối hợp với tất cả các đối tác để tiến tới Tinh thần Thượng Hải. “

Ông Tập đã bay đến Samarkand từ Nur-Sultan ở Kazakhstan, tại đây ông đã gặp Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ những ngày đầu của đại dịch COVID-19. Trong cuộc gặp gỡ, Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố sẽ ủng hộ hoàn toàn quốc gia Trung Á này.

Kazakhstan cũng tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh, một nỗ lực hàng nghìn tỷ đô la của chính quyền Trung Quốc nhằm cải thiện các liên kết thương mại trên toàn cầu bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng mang tính bước ngoặt.

Nhật Minh (Theo AFP)

Đồng minh ông Putin chết đột ngột ở vùng Viễn Đông của Nga

Vladimir Sungorkin, một đồng minh của Tổng thống Nga Putin, đồng thời là Tổng biên tập tờ báo ủng hộ Điện Kremlin Komsomolskaya Pravda (Ảnh: Kremlin.ru)

Vladimir Sungorkin, Tổng biên tập tờ báo ủng hộ Điện Kremlin Komsomolskaya Pravda, đã qua đời ở tuổi 68.

Ông Sungorkin, một đồng minh của Tổng thống Vladimir Putin, được cho là đã bị đột quỵ khi đang đi công tác tới vùng lãnh thổ Khabarovsk ở vùng Viễn đông của Nga, một người phụ trách chuyên mục của tờ báo nói với hãng thông tấn Interfax của nhà nước.

“Vladimir Sungorkin đã qua đời. Nghi ngờ bị đột quỵ. Ông ấy đang đi công tác ở Lãnh thổ Khabarovsk. Hiện chúng tôi đang tổ chức đưa ông ấy về Moscow”, Alexander Gamov nói.

Tờ Komsomolskaya Pravda đã đăng một tuyên bố trên tài khoản Telegram của mình cho biết ông Sungorkin đã “đột ngột qua đời” trong chuyến đi với mục đích “thu thập tài liệu cho một cuốn sách về nhà tiên phong vĩ đại của Viễn Đông, Vladimir Arseniev.”

Tờ báo Komsomolskaya Pravda được coi là “tờ báo yêu thích” của Tổng thống Putin. Nó được thành lập vào năm 1925 và là tiếng nói chính thức của Ủy ban Trung ương của Komsomol, hay liên đoàn thanh niên cộng sản.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã đưa ra tuyên bố về cái chết của ông Sungorkin vào hôm thứ Tư.

“Đây là một mất mát to lớn”, ông Peskov nói với các phóng viên và nói thêm rằng Điện Kremlin đã gửi lời chia buồn của mình. “Hôm nay là một tin buồn, thật không may, ông Sungorkin đã qua đời”, ông nói.

Phát ngôn viên của Tổng thống nói thêm rằng ông Putin sẽ gửi một thông điệp cá nhân tới bạn bè và gia đình của ông Sungorkin.

Ông Sungorkin, sinh ngày 16 tháng 6 năm 1954 tại Khabarovsk, từng là Tổng biên tập và Tổng giám đốc của tờ báo từ năm 1997.

Theo Interfax, ông Sungorkin đã được trao tặng Huân chương Vì Tổ quốc hạng IV vào năm 2014. Năm 2018, ông được phong tặng danh hiệu “Nhà báo danh dự của Liên bang Nga.”

Ông Sungorkin là một trong những nhân vật Nga bị Ủy ban châu Âu trừng phạt vào tháng 4, sau khi Moscow tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine hồi tháng 2.

Danh sách trừng phạt mô tả nhà báo này là “một trong những tác nhân chính trong các hoạt động thao túng và can thiệp thông tin nước ngoài hoặc tuyên truyền viên thường xuyên lên tiếng về Ukraine, tạo ra thông tin sai lệch và thao túng sự thật.”

Tài liệu của ủy ban cho biết thêm: “Vladimir Sungorkin đang phổ biến và hợp pháp hóa các tuyên truyền chống Ukraine và chống phương Tây tích cực của chế độ Putin dưới quyền trực tiếp của Điện Kremlin tại một trong những phương tiện truyền thông phổ biến nhất của Nga.”

“Tờ Komsomolskaya Pravda cũng được Tổng thống Vladimir Putin mô tả là tờ báo yêu thích của ông. Vì vậy, Vladimir Sungorkin có trách nhiệm ủng hộ các hành động và chính sách làm suy yếu sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine.”

Ngân Hà (theo Newsweek)

Tổng thư ký LHQ nói cơ hội cho hòa bình ở Ukraine còn “rất xa”

Hôm 14/9, người đứng đầu Liên Hợp Quốc sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết “còn rất xa mới đến hòa bình.”

Tổng thư ký Antonio Guterres cho biết ông và ông Putin đã thảo luận về những nỗ lực để vượt qua những trở ngại liên quan đến xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga, nhưng cảnh báo rằng còn xa mới đến việc kết thúc nhanh chóng cuộc chiến ở Ukraine.

“Tôi có cảm giác chúng ta vẫn còn cách hòa bình rất xa,” ông Guterres nói trong một cuộc họp báo.

“Tôi không ảo tưởng; vào thời điểm hiện tại, cơ hội đạt được một thỏa thuận hòa bình là rất ít,” ông nói thêm, lưu ý rằng ngay cả một lệnh ngừng bắn cũng “không có trong tầm tay”.

Bất chấp đánh giá ảm đạm về cuộc chiến, ông Guterres nhấn mạnh ông đang duy trì liên lạc với cả hai bên [Nga và Ukraine] và bày tỏ hy vọng rằng “một ngày nào đó sẽ có thể đi đến một cấp độ thảo luận cao hơn”.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại trong 90 phút với ông Putin, sau đó nói rằng “thật đáng tiếc” là Tổng thống Nga vẫn không cho rằng cuộc xâm lược của ông là một sai lầm.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục về xuất khẩu của Nga.

Trong khi khoảng 3 triệu tấn ngũ cốc đã được phép rời khỏi Ukraine, Nga cho biết hoạt động xuất khẩu thực phẩm và phân bón của nước này tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ông Guterres nói: “Vẫn một số mặt hàng thực phẩm và phân bón của Nga được xuất khẩu, nhưng chúng thấp hơn nhiều so với mức mong muốn và cần thiết”, đồng thời cho biết thêm rằng đang có cuộc thảo luận về khả năng xuất khẩu amoniac của Nga qua Biển Đen.

Amoniac là một thành phần chính quan trọng trong phân bón. Một số nhà sản xuất phân bón châu Âu đã ngừng sản xuất amoniac do giá khí đốt tăng cao.

Ông Guterres cảnh báo cuộc khủng hoảng phân bón đã lên đến mức “kịch tính”, lặp lại lo ngại của ông về tình trạng thiếu lương thực toàn cầu vào năm tới.

Nhật Minh (theo AFP)

EU đề xuất cấm nhập khẩu hàng hóa sử dụng lao động cưỡng bức

Ngày 14/9, Ủy ban châu Âu đã đề xuất ban hành lệnh cấm của EU với các sản phẩm sử dụng lao động cưỡng bức, theo đó sẽ làm tăng thêm áp lực hiện có của Mỹ đối với Trung Quốc.

Cơ quan điều hành EU không nêu tên bất kỳ quốc gia nào trong đề xuất của mình, nhưng họ thực hiện theo lời kêu gọi của Nghị viện châu Âu về một đạo luật như vậy hồi tháng 6, trong đó nêu rõ những lo ngại về nhân quyền ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Các nhóm nhân quyền cáo buộc Bắc Kinh có những hành vi lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi ở Tân Cương, bao gồm cả lao động cưỡng bức và giam giữ hàng triệu người trong các trại tập trung.

Hoa Kỳ, quốc gia cáo buộc Trung Quốc phạm tội diệt chủng, đã ban hành luật vào năm 2021, trong đó quy định cấm nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương.

Trung Quốc vẫn luôn phủ nhận các hành vi lạm dụng nhân quyền của mình tại khu vực này.

Đề xuất của EU cũng nêu thực tế, theo Tổ chức Lao động Quốc tế, có tới 27,6 triệu người đã bị buộc tham gia lao động cưỡng bức vào năm 2021, nhiều hơn 11% so với năm 2016. Trong số đó, có hơn một nửa là ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Lệnh cấm của Châu Âu sẽ áp dụng cho mọi sản phẩm sử dụng lao động cưỡng bức, bất kể ở công đoạn khai thác, thu hoạch, sản xuất hay xuất khẩu.

Luật mới có thể không dẫn đến những thay đổi lớn trong dòng chảy thương mại, nhưng sẽ làm tăng áp lực lên các công ty trong việc giám sát chuỗi cung ứng.

Dù vậy, dự luật sẽ còn phải được điều chỉnh và thông qua ở Nghị Viện Châu Âu và các chính phủ thành viên EU trước khi có hiệu lực.

Minh Ngọc (Theo Reuters)

Ukraine có thể bãi bỏ nghĩa vụ quân sự bắt buộc khi Nga thiếu hụt lực lượng

Ukraine đang cân nhắc việc chấm dứt nghĩa vụ quân sự bắt buộc khi Nga đang gặp khó khăn trong việc tuyển mộ binh sĩ để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân lực trong cuộc chiến đang diễn ra.

Theo Forbes, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nói với các nhà báo trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư rằng mô hình nghĩa vụ bắt buộc của Liên Xô nên được “bãi bỏ” ở Ukraine, cựu thành viên thuộc Liên Xô.

“Dành hai năm để học cách hành quân không có ý nghĩa gì”, ông nói. “Tình hình hiện tại cho thấy nam giới ở một độ tuổi nhất định nên trải qua các khóa học dự bị ngắn hạn từ hai đến ba tháng. Chúng tôi đang thảo luận điều này với quân đội của chúng tôi, cuộc thảo luận này đang diễn ra.”

Trong khi Ukraine cân nhắc việc chấm dứt chế độ nhập ngũ bắt buộc, Nga vẫn đang vật lộn để khắc phục tình trạng thiếu quân nhân trong cuộc chiến kéo dài hơn 200 ngày của mình. Việc thúc đẩy tuyển dụng ở Nga được cho là bao gồm các ưu đãi như tiền thưởng bằng tiền mặt. Họ thậm chí còn quảng cáo trực tuyến kêu gọi tình nguyện viên trên trang web của phòng chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Các nhà chức trách Nga được cho là đã đến thăm một nơi trú ẩn dành cho người vô gia cư ở St.Petersburg trong nỗ lực chiêu mộ các tân binh. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đang phải đối mặt với các vấn đề về tinh thần quân đội và kỷ luật ở Ukraine, theo Bộ Quốc phòng Anh.

Tại Ukraine, trong thời bình, nam giới từ 18 đến 27 tuổi phải tham gia nhập ngũ, mặc dù luật của nước này cho phép một số người hoãn nghĩa vụ quân sự, cũng như có những điều khoản miễn trừ cho các trường hợp khác.

Phụ nữ từ 18 đến 60 tuổi, cũng phải đăng ký nhập ngũ. Họ cũng có thể được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời kỳ chiến tranh, mặc dù có các trường hợp miễn trừ.

Trong thời bình, thời gian nhập ngũ là 18 tháng đối với lính nghĩa vụ thông thường và 12 tháng đối với người có bằng thạc sĩ.

Khi Nga phát động chiến tranh, tất cả nam giới từ 18 đến 60 tuổi tại Ukraine phải đăng ký với các điểm tuyển dụng địa phương và được kiểm tra y tế để có thể được điều ra chiến trận.

Thay vì bắt buộc phải nhập ngũ, ông Shmyhal nói rằng nam giới Ukraine nên tham gia các khóa học dự bị cứ 10 năm 1 lần. Khóa học này sẽ tập trung vào cách sử dụng vũ khí để họ có thể bảo vệ đất nước khi cần thiết.

Hiện vẫn chưa rõ khi nào một sự thay đổi như vậy có thể diễn ra hoặc liệu quân đội Ukraine có ủng hộ việc này hay không.

Ông Shmyhal cũng nói về tầm quan trọng của việc cải tổ quân đội và chuyển đổi sang các tiêu chuẩn của NATO, theo thông cáo trong cuộc họp báo từ chính phủ Ukraine.

“Chúng tôi nhận thức rõ rằng sau chiến tranh, quân đội không thể hoạt động theo các tiêu chuẩn của Liên Xô. Quân đội phải trở nên chuyên nghiệp”, ông nói.

Lê Vy (theo Newsweek)

Related posts