Ngày 13/9, Bloomberg đưa tin, New York, Tokyo và vùng Vịnh San Francisco là nơi có nhiều triệu phú nhất, theo báo cáo của công ty tư vấn Henley & Partners Group. Báo cáo cho biết, “triệu phú” là người có ít nhất 1 triệu USD tài sản có thể đầu tư.
5 trong số 10 thành phố có nhiều triệu phú nhất là tại Hoa Kỳ, nhưng số lượng triệu phú ở các thành phố khác nhau ở Hoa Kỳ cũng đang thay đổi. Ví dụ, dữ liệu cho thấy, thành phố New York đã mất 12% triệu phú trong nửa đầu năm 2022, trong khi khu vực Vịnh San Francisco tăng 4%. London với số triệu phú ở vị trí thứ 4 đã giảm 9%.
Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, Thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út và Sharjah – thành phố đông dân thứ 3 ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), có tốc độ tăng triệu phú nhanh nhất, theo dữ liệu do công ty tình báo New World Wealth thu thập.
Abu Dhabi và Dubai cũng là một trong những thành phố có số triệu phú phát triển nhanh nhất, do chế độ thuế thấp và các chương trình cư trú mới của UAE đã thu hút giới siêu giàu. Những người nhập cư Nga giàu có cũng góp phần vào sự tăng trưởng kỷ lục về số lượng những người giàu có của UAE.
Henley & Partners cũng dự kiến, có khoảng 10.000 triệu phú Trung Quốc có giá trị ròng cao sẽ di cư ra khỏi Trung Quốc vào năm 2022. Bình quân mỗi người sẽ mang theo khoảng 4,8 triệu USD, tổng cộng 48 tỷ USD sẽ được rút khỏi Trung Quốc. Người giàu rời khỏi Trung Quốc đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Nga.
Hiện Bắc Kinh và Thượng Hải lần lượt xếp thứ 9 và thứ 10 trong danh sách các thành phố có nhiều triệu phú nhất, nhưng số lượng triệu phú ở cả 2 thành phố này đang mất dần. Các chuyên gia cho rằng việc di cư của người dân và thất thoát tiền bạc sẽ đẩy nhanh cuộc khủng hoảng xã hội của Trung Quốc.
Trên thực tế, trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) áp dụng chính sách “zero COVID”, làn sóng người giàu Trung Quốc nhập cư vào phương Tây đã âm thầm nổi lên.
Năm 2017, tổng số tỷ phú Trung Quốc di cư ra nước ngoài là khoảng 10.000 người; năm 2018, con số này lên tới 15.000 người, tăng 50%. Năm 2019, số người Trung Quốc di cư đến các nước phương Tây như Hoa Kỳ, Canada, Úc và Vương quốc Anh là 15.000 người, đứng đầu thế giới.
Giáo sư Tạ Điền từ Trường Kinh doanh Aiken, thuộc Đại học Nam Carolina, nói với The Epoch Times: “Ngay sau khi chính sách zero COVID tại Thượng Hải kết thúc, sân bay đã chật kín người chạy trốn khỏi Thượng Hải.”
“Bởi vì họ nhận ra rằng tài sản của họ mong manh như thế nào khi đối mặt với quyền lực. ĐCSTQ có thể tước bỏ quyền tự do cá nhân, sinh kế cơ bản và quyền con người của họ, chỉ đơn giản bằng một chính sách phòng chống dịch. Nhiều người sẽ thực sự chạy trốn khỏi Trung Quốc vì chính sách zero COVID.”
Ông Đường Tịnh Viễn, chuyên gia về Trung Quốc tại Hoa Kỳ, cũng nói với Epoch Times rằng: “Để tăng cường an ninh cho chế độ, ĐCSTQ bắt đầu thực hiện một cơn bão giám sát kiểu cướp đoạt đối với những ‘gã khổng lồ’ tư nhân, như Alibaba và Didi (Taxi). Kỳ thực, họ đã phá hủy hoàn toàn đường đua của nền kinh tế thị trường.”
“ĐCSTQ còn thúc đẩy sự thịnh vượng chung, tức là sử dụng luật pháp, thuế và các phương pháp khác để ‘thu hoạch’ tiền của người giàu, gồm cả tầng lớp trung lưu. Điều này khiến toàn bộ tầng lớp giàu có và trung lưu cảm thấy hoảng sợ chưa từng có, nghĩa là họ cảm thấy sự an toàn và tài sản của mình không còn được đảm bảo.”
Ông Đường Tịnh Viễn cho rằng cuộc “đại đào thoát” này (làn sóng di cư quy mô lớn) là do yếu tố thể chế. “Trừ khi toàn bộ thể chế của xã hội thay đổi đáng kể, nếu không, rất nhiều việc về căn bản là không thể giải quyết.”
Bình Minh