Cùng với trận chiến khốc liệt trên chiến trường Ukraine, Nga đang vật lộn với vấn đề tài chính trong nước. Rủi ro tăng cao và tương lai bất định khiến lãi suất trái phiếu chính phủ Nga tăng vọt. Ngân hàng trung ương Nga cũng liên tiếp cắt giảm lãi suất điều hành lần thứ 6 liên tiếp. Thống đốc NHTW Nga cho biết họ không còn nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ trong tương lai. Việc phát hành TPCP cũng không mấy thành công…
Trên thị trường tài chính của Nga, lợi suất với trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Nga (viết tắt là OFZ) đã tăng lên mức 9,6% trong tháng 9, mức cao nhất kể từ cuối tháng Năm.
Động thái này diễn ra khi các nhà đầu tư xem xét quyết định chính sách của Ngân hàng Trung ương (NHTW) Nga. NHTW vừa ra thông báo cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản lãi suất; đẩy mức lãi suất điều hành xuống còn 7,5%.
Đây là lần cắt giảm lãi suất điều hành thứ 6 liên tiếp của NHTW nước này kể từ khi Nga tuyên chiến với Ukraine. Thiếu thanh khoản trong hệ thống tài chính, tăng trưởng trì trệ luôn là nguyên nhân khiến NHTW cắt giảm mạnh lãi suất. Đây cũng là điều mà đồng minh thân cận của Nga lúc này là Trung Quốc đang thực thi: cắt giảm lãi suất, cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tất cả nhằm đẩy nhiều tiền hơn nữa vào hệ thống tài chính có thể đang ách tắc bởi nợ xấu hoặc niềm tin của nhà đầu tư, hoặc cả hai.
Thống đốc NHTW Nga, bà Elvira Nabiullina, báo hiệu rằng NHTW nước này không còn nhiều dư địa cho việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ trong tương lai (theo Trading Economics). Lạm phát (theo năm) của Nga dù đã giảm từ mức trên 17% khi bắt đầu xâm lược Ukraine về mức 14,1% như hiện nay nhưng vẫn đang ở mức rất cao. NHTW Nga không dễ dàng tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát toàn cầu bùng phát và lạm phát của Nga đang bất ổn và cao ở mức trên hai con số như hiện nay.
Chính sách tiền tệ và tuyên bố như vậy của Thống đốc NHTW Nga gây thêm áp lực lên lợi suất OFZ. Nga đã tổ chức đấu giá OFZ lần đầu tiên kể từ khi xâm lược Ukraine (24/2/2022), đấu giá chỉ thu về được 10 tỷ rúp TPCP trong tổng nhu cầu 25 tỷ rúp.
Những lo lắng gần đây liên quan đến sự ổn định tài khóa của Nga nổi lên khi giá năng lượng giảm, kim ngạch xuất khẩu năng lượng sang châu Âu của Nga sụt giảm (do Nga trừng phạt châu Âu) đã gây ra sự đột ngột dẫn đến thâm hụt ngân sách mạnh. Trước đây, Điện Kremlin đã thông qua sắc lệnh phân bổ một nửa trong số 210 tỷ USD của quỹ dự trữ dành cho những ngày khó khăn (rainy day fund) cho việc mua trái phiếu OFZ, một động thái chưa từng được thực hiện trong quá khứ (theo Trading Economics).
Có vẻ như việc vay nợ (bằng cách phát hành TPCP trên thị trường vốn không hiệu quả) khiến chính phủ của ông Putin phải viện tới dự trữ hiếm hoi. Đáng tiếc, khoản tiền mua TPCP kỳ hạn 10 năm ở Nga hiện chủ yếu từ khoản này, trở thành nguồn tài chính chính cho ngân sách của Nga trong năm nay.
Quang Nhật