Tháng 8/2022, ngành dệt may Việt Nam lần đầu xuất khẩu đạt 4 tỷ USD

Tính chung 8 tháng đầu năm, ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu tăng hơn 24%, nhưng phụ thuộc nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc gần 52%. (Ảnh: moit.gov.vn)

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 8/2022, giá trị xuất khẩu hàng dệt may lần đầu đạt 4 tỷ USD. Các thị trường chính đều tăng trưởng trên 20% như: Mỹ, châu Âu (EU), Nhật, Hàn,… Bên cạnh đó, Việt Nam chủ yếu phụ thuộc nguồn nguyên liệu đầu vào khi gần 52% nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo đó, lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt gần 26,3 tỷ USD (+24,3%) so với cùng kỳ, tương ứng tăng 5,1 tỷ USD.

Riêng trong tháng 8, lần đầu tiên xuất khẩu dệt may đạt 4 tỷ USD và đóng góp lớn thứ 2 vào tăng xuất khẩu của Việt Nam, chỉ sau nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.

Các thị trường chủ lực của ngành dệt may đều tăng trưởng trên 20%, như: Mỹ đạt gần 12,3 tỷ USD (+22,6%) so với cùng kỳ năm 2021; EU đạt 3 tỷ USD (+41,1%); Nhật Bản đạt 2,5 tỷ USD (+22%),…

Về nguồn nguyên liệu phục vụ ngành dệt may, gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt,… Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Theo đó, trong tháng 8, trị giá nhập khẩu nguyên liệu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 7,2% so với tháng trước.

Lũy kế 8 tháng, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng tới gần 52%, với 10 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với mặt hàng giày dép xuất khẩu, tính đến hết tháng 8/2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 16,37 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, trị giá xuất khẩu giày dép các loại sang Mỹ đạt 7 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước; sang EU đạt 3,96 tỷ USD, tăng 36%; sang Trung Quốc đạt 1,13 tỷ USD, giảm 4%.

Tuấn Minh

Related posts