Truyền thông Anh đưa tin rằng Chính phủ của bà Liz Truss sẽ áp dụng một chính sách cứng rắn đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và loại bỏ các Viện Khổng Tử được hỗ trợ bởi Chính phủ ĐCSTQ. Hiện tại, một số nghị sĩ liên đảng ở Anh đang đàm phán với Đài Loan, với hy vọng cung cấp giáo viên tiếng Trung cho Vương quốc Anh.
Theo The Guardian đưa tin hôm 18/9, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã đóng cửa các Viện Khổng Tử, thì ở Anh vẫn còn ít nhất 30 viện, truyền bá cái gọi là “văn hóa Trung Hoa” của ĐCSTQ. Những Viện Khổng Tử này là sự hợp tác giữa các trường đại học của Anh, các trường đại học Trung Quốc và Quỹ Giáo dục Quốc tế Trung Quốc (CIEF) có trụ sở tại Bắc Kinh.
Trước khi nhậm chức Thủ tướng Anh, bà Truss cho biết bà sẵn sàng tuyên bố Trung Quốc là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với an ninh quốc gia của Anh, xếp nước này vào cùng loại với Nga. Các chương trình dạy và học ngôn ngữ của Viện Khổng Tử đã bị giám sát chặt chẽ khi quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Anh tiếp tục xấu đi.
Năm nay, hơn 20 nghị sĩ lưỡng đảng ở Vương quốc Anh đã kêu gọi sửa đổi “Dự luật [Tự do ngôn luận] Giáo dục bậc cao” (Higher Education(Freedom of Speech)Bill). Họ yêu cầu các trường giáo dục bậc cao ở Vương quốc Anh tiết lộ nguồn tiền tài trợ và quan hệ đối tác với các Viện Khổng Tử, chính phủ cũng có quyền yêu cầu các tổ chức liên quan chấm dứt hợp tác của họ với các Viện Khổng Tử. Luật này có nghĩa là các Viện Khổng Tử sẽ khó tồn tại ở Vương quốc Anh.
Theo một nghiên cứu hồi tháng Sáu, hầu như toàn bộ chi tiêu của Chính phủ Anh cho việc giảng dạy tiếng Trung trong trường học được phân bổ cho các Viện Khổng Tử. Từ năm 2015 đến năm 2024, Chính phủ Anh đã đầu tư ít nhất 28 triệu bảng Anh vào giáo dục tiếng Trung, phần lớn các Viện Khổng Tử đều hưởng lợi từ chương trình này.
The Guardian tiết lộ rằng Nghị sĩ đảng Bảo thủ Alicia Kearns đã tham gia vào các cuộc đàm phán giữa Vương quốc Anh và Đài Loan. Theo các đề án mới mà các nghị sĩ thấy được, tiền tài trợ giáo dục của Vương quốc Anh sẽ được phân bổ lại cho các chương trình khác, ví dụ như các dự án giáo dục đến từ Đài Loan.
Mỹ cũng đang phát triển các chương trình giáo dục tiếng Trung đến từ Đài Loan. Vào tháng 12/2020, Mỹ và Đài Loan đã khởi động “Sáng kiến Giáo dục Mỹ – Đài Loan” (US-Taiwan Education Initiative). Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan nói, trong bối cảnh Mỹ và các nơi trên toàn thế giới liên tiếp đóng cửa các Viện Khổng Tử, sáng kiến mới này có thể mở rộng cơ hội giảng dạy tiếng Anh, tiếng Trung tại Mỹ và Đài Loan, duy trì và bảo vệ tự do học thuật, đồng thời bảo tồn quyền tự do học thuật và “củng cố vai trò của Đài Loan trong việc cung cấp giảng dạy tiếng Trung ở Mỹ và trên toàn thế giới.”
Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu từ bỏ Viện Khổng Tử vào năm 2020, nhưng giáo dục tiếng Trung của Thụy Điển không hề bị dừng lại, số lượng người học tiếng Trung trong các trường đại học thậm chí còn tăng lên vào năm 2020. Trung tâm Học tập Hoa ngữ Đài Loan, một tổ chức giáo dục ngôn ngữ được tài trợ bởi Chính phủ Đài Loan, đã bắt đầu thành lập các văn phòng ở các nước như Mỹ, Vương quốc Anh, Đức, Pháp, v.v, từ năm 2021.
Theo Từ Giản, Epoch Times