Văn Long
Các nước thắt chặt chính sách tiền tệ để ứng phó với lạm phát, cuộc chiến Nga – Ukraine làm gián đoạn thị trường năng lượng, cuộc khủng hoảng chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng, v.v., đã trở thành những dấu hiệu của suy thoái kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới và FedEx đã đưa ra những tiếng nói cảnh báo mới nhất về suy thoái kinh tế.
Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với một cuộc suy thoái vào năm tới do chính sách thắt chặt mạnh tay của các nước, điều này có thể vẫn chưa đủ để kiềm chế lạm phát. Trong một báo cáo công bố ngày 15/9 nói rằng các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đang thắt chặt hỗ trợ tiền tệ và tài chính ở mức đồng bộ chưa từng thấy trong 50 năm qua. Điều này sẽ tạo ra tác động vượt quá dự đoán ở phương diện làm yếu điều kiện tài chính và làm trầm trọng thêm tốc độ tăng trưởng toàn cầu vốn đang chững lại.
Ngân hàng Thế giới ước tính rằng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ chậm lại 0,5% vào năm tới và GDP bình quân đầu người sẽ giảm 0,4%. Điều này phù hợp với định nghĩa kỹ thuật về suy thoái toàn cầu.
Các nhà đầu tư kỳ vọng các ngân hàng trung ương duy trì lạm phát cơ bản ở mức 5%, năm 2023 sẽ nâng lãi suất chính sách tiền tệ toàn cầu lên gần 4%, tức gấp đôi mức trung bình năm 2021. Theo mô hình trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nếu các ngân hàng trung ương muốn giữ lạm phát trong phạm vi mục tiêu của mình, lãi suất có thể cao tới 6%.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết, nền kinh tế toàn cầu có thể chững lại hơn nữa khi nhiều quốc gia rơi vào suy thoái. Ông lo ngại xu hướng này sẽ tiếp tục và sẽ có tác động nguy hại lâu dài đối với người dân ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
Ngoài ra, vào ngày giao dịch cuối cùng của tuần, cổ phiếu FedEx giảm 21% và là ngày tồi tệ nhất từ trước đến nay được ghi nhận. Điều đáng chú ý là vào ngày 16/9, FedEx đã bất ngờ rút lại triển vọng hoạt động năm tài chính đã công bố trước đó do điều kiện hoạt động xấu đi, đồng thời cho biết nhu cầu toàn cầu chững lại một cách nhanh chóng vào cuối tháng Tám và sẽ còn xấu đi trong quý tài chính tiếp theo. Bị ảnh hưởng bởi tin tức này, giá cổ phiếu của công ty đã lao dốc.
FedEx trước đó cho biết, nhu cầu toàn cầu vốn đã chững lại và nhanh chóng giảm hơn nữa vào cuối tháng Tám, dự đoán tình hình sẽ tồi tệ hơn vào tháng Mười Một.
FedEx cho biết doanh thu thực tế ít hơn 500 triệu đô la so với mục tiêu đã đặt ra, đây là mức giảm mạnh nhất ít nhất kể từ năm 1980. Do vai trò của FedEx như một công ty vận chuyển toàn cầu, một số người tin rằng nhu cầu toàn cầu đang chậm lại, điều này có thể báo hiệu một cuộc suy thoái.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, Giám đốc điều hành FedEx – ông Raj Subramaniam được hỏi liệu có xem tình hình kinh doanh chậm lại gần đây của FedEx là một dấu hiệu cho thấy một cuộc suy thoái toàn cầu đang hình thành. Ông Subramaniam nói, “Tôi nghĩ đúng vậy, mọi người biết đấy, các con số không mang lại điềm báo tốt. Tôi rất thất vọng với kết quả mà chúng tôi vừa công bố, và đó thực sự là tình hình vĩ mô mà chúng ta đang đối mặt.”
Trong một tuyên bố, ông Subramaniam lưu ý rằng “do xu hướng kinh tế vĩ mô xấu đi vào cuối quý một cách rõ rệt, nên lượng tiêu thụ toàn cầu cũng giảm theo”, hơn nữa “xét theo tốc độ thay đổi của tình hình, kết quả kinh doanh quý đầu tiên thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi.”
Sau khi FedEx công bố báo cáo, các ngân hàng lớn bao gồm KeyBanc, JPMorgan, Stifel và Bank of America đều đã hạ cấp đánh giá của công ty này. Các nhà phân tích tại Credit Suisse, Citi và Morgan Stanley cũng bắt đầu cắt giảm dự báo thu nhập của FedEx.
Đồng thời, FedEx, với tư cách là một ‘gã khổng lồ’ trong lĩnh vực hậu cần, từng được coi là “chong chóng chỉ hướng” của nền kinh tế Mỹ, và thị trường thường coi báo cáo tài chính của công ty như một thước đo sức sống của nền kinh tế Mỹ.
“Cảnh báo của FedEx là một cú bạt tai”. Bà Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cấp cao tại Swissquote, nói với Bloomberg rằng đây là một dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy nền kinh tế đang bắt đầu chậm lại. “Đây chắc chắn là cảnh báo đầu tiên trong một loạt các cảnh báo mà chúng ta có thể thấy trong những quý tới”.
Văn Long, Vision Times