Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ bị bắt, bị khởi tố
Bộ Công an khởi tố bị can Nguyễn Thanh Hải để điều tra về tội “Nhận hối lộ”.
Bộ Công an hôm 20/9 đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Thanh Hải (SN 1971, trú Hà Nội) để làm rõ tội “nhận hối lộ”, quy định tại điều 354 Bộ luật Hình sự.
Ông Hải là Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế thuộc Văn phòng Chính phủ.
Đây là diễn biến mới nhất trong vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh thành phố.
Liên quan đến vụ án, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam gần 20 bị can để làm rõ các tội “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong đó, ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bị bắt về tội “nhận hối lộ”.
Theo Bộ Công an, vụ nhận hối lộ của các bị can tại Cục Lãnh sự liên quan đến việc xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.
Bộ Công an cho biết số tiền đưa và nhận hối lộ đang được xác minh. Bước đầu, Bộ Công an xác định số tiền đưa, nhận hối lộ lên đến hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn USD.
Phạm Toàn
Vụ Việt Á: Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh bị cảnh cáo
Ông Phạm Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021-2026, bị cảnh cáo do có vi phạm, khuyết điểm trong công tác.
Quyết định kỷ luật được Phó thủ tướng Phạm Bình Minh ký ngày 20/9.
Hồi cuối tháng 8, ông Thành bị Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh Quảng Ninh cảnh cáo do vi phạm liên quan đấu thầu, mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á trong thời gian làm lãnh đạo thị xã Đông Triều.
Ông Thành từng công tác tại Ban Quản lý đầu tư và xây dựng công trình trọng điểm, Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, Văn phòng Tỉnh ủy, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều… Năm 2021, ông Thành giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Cũng liên quan đến vụ việc, hồi tháng 6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh đã họp và có những quyết định kỷ luật đối với cán bộ thị xã Đông Triều vì những sai phạm liên quan.
Một loạt cán bộ dưới ông Phạm Văn Thành bị khai trừ khỏi Đảng gồm bà Nguyễn Thị Thanh Hảo, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch thị xã Đông Triều; Đào Thị Kim Dung, Trưởng phòng Y tế thị xã Đông Triều; ông Nguyễn Xuân Tiến, nguyên Bí thư đảng ủy, nguyên giám đốc Trung tâm Y tế Thị xã Đông Triều và ông Nguyễn Thành Định, Phó bí thư, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế Thị xã Đông Triều.
Sau đó, Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các cán bộ trên.
Theo cơ quan điều tra, các bị can đã có hành vi làm trái công vụ, ký hồ sơ đấu thầu, nghiệm thu không đúng số lượng kit xét nghiệm và kit tách chiết đã sử dụng trên thực tế để thanh toán cho Công ty Việt Á, gây thất thoát cho Ngân sách Nhà nước.
Minh Long
Vụ bán rẻ 149 nền đất: Ông Tề Trí Dũng lãnh 12 năm tù
Bị cáo Tề Trí Dũng bị tuyên phạt 12 năm tù do sai phạm bán 149 nền đất ở dự án khu tái định cư An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Chiều 20/9, sau gần 2 ngày xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với bị cáo Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận – IPC) và 6 đồng phạm cùng về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
7 bị cáo bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử do sai phạm bán nền đất ở dự án khu tái định cư An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Theo đó, HĐXX tuyên phạt Tề Trí Dũng 12 năm tù, tổng hợp với hình phạt 30 năm tù của 2 bản án trước, HĐXX buộc bị cáo phải chấp hành 30 năm tù.
6 bị cáo còn lại, tùy vai trò, tính chất, mức độ phạm tội, HĐXX tuyên: Trần Đăng Linh (cựu Tổng giám đốc IPC) và Hồ Thị Thanh Phúc (cựu Trưởng phòng phát triển kinh doanh IPC) cùng 5 năm tù; 2 bị cáo Phạm Xuân Trung (cựu Phó tổng giám đốc IPC), Vũ Xuân Đức (cựu thành viên (Hội đồng thành viên) HĐTV IPC) cùng 4 năm tù; 2 bị cáo Mai Văn Đường (Cựu Chủ tịch HĐTV IPC), Mai Bửu Tâm (cựu chuyên viên Phòng phát triển kinh doanh IPC) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Tề Trí Dũng bồi thường hơn 40 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, công ty IPC là doanh nghiệp 100% vốn của UBND TP.HCM. Còn Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) là công ty con của IPC.
Dự án khu định cư An Phú Tây có diện tích gần 47 ha, vào năm 2001 đã được UBND TP.HCM giao cho Sadeco làm chủ đầu tư thay cho Công ty đầu tư và xây dựng Bình Chánh nhằm phục vụ tái định cư cho người dân bị giải tỏa xây dựng tuyến đường Bắc Bình Chánh – Nam Nhà Bè và khu đô thị Nam TP.HCM. Sau đó, IPC góp vốn đầu tư vào dự án cùng với Sadeco.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án, bị cáo Tề Trí Dũng và các đồng phạm khác trong vụ án đã không kiểm tra giá bán của Sadeco, thực hiện tham mưu đề xuất, đồng thuận chủ trương và trực tiếp ký các hợp đồng chuyển nhượng 149/151 đất nền khu tái định cư An Phú Tây (đã được chuyển đổi sang hình thức kinh doanh) cho 4 cá nhân với giá thấp hơn thị trường, thu được 186,1 tỷ đồng.
Kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản xác định tổng trị giá thị trường của 149 nền đất hơn 313 tỷ đồng. Như vậy, Công ty IPC đã bán 149 nền đất nêu trên với giá thấp hơn thị trường, gây thất thoát 127,6 tỷ đồng.
Minh Long
Đồng hồ nước vẫn quay khi không sử dụng
“Cách đây hơn 2 tháng, tức là khoảng tháng 6/2022, một lần ngồi chơi trước cửa nhà ngay gần vị trí đặt đồng hồ đo lường nước, tôi vô tình lật nắp hộp bảo vệ đồng hồ nước thì phát hiện đồng hồ đang quay đều đều, trong khi đó nhà tôi không có ai xả vòi nước” – anh Thái Văn Vinh ở số nhà 26 đường Vĩnh Yên, (phường Hưng Bình, thành phố Vinh Nghệ An) cho Báo Nghệ An biết tại hiện trường.
Anh Thái Văn Vinh cho biết thêm, thấy hiện tượng khó hiểu như vậy, anh tò mò xem đồng hồ của các hộ dân xung quanh thì cũng thấy hiện tượng tương tự. Thông báo tình trạng này đến các hộ gia đình, các hộ đã kiểm tra và nhận ra một tình trạng nữa, đó là khi hộ dân liền kề sử dụng nước thì hộ bên cạnh dù không xả nước thì đồng hồ vẫn quay theo.
Để kiểm chứng phản ánh của người dân, sáng 19/9, chúng tôi đã cùng với các hộ dân ở đường Vĩnh Yên thực hiện “thí nghiệm” xả nước và quan sát tình trạng hoạt động của đồng hồ nước.
Tại đồng hồ nước nhà số 26, sau khi đã khoá toàn bộ vòi xả nước của gia đình này, chúng tôi cùng với chủ hộ số 28 xả van nước của hộ số 28 thì đồng hồ nước của cả 2 hộ cùng quay. Tuy nhiên, đồng hồ nước của hộ số 28 (đang xả nước) thì quay với tốc độ nhanh, còn đồng hồ của hộ số 26 liền kề (nhà không xả nước) thì vẫn quay với tốc độ chậm hơn.
Tiếp tục “làm thí nghiệm” với đồng hồ của hộ số 51 đối diện hộ số 26 có PV Báo Nghệ An chưngs kiến cũng có kết quả tương tự. Vì vậy, việc người dân phường Hưng Bình phản ánh tình trạng không xả vòi nước nhưng đồng hồ đo lường nước vẫn quay là có thật.
Anh Vinh nói khi phát hiện sự việc trước đó đã gọi điện báo cho nhân viên thu tiền nước nhưng chờ lâu không thấy có sự khắc phục, anh đã đến tận Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An để trình bày. Sau đó, “Công ty cũng đã cử cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra, xác nhận có tình trạng này xảy ra, và có biên bản khẳng định “sự cố kỹ thuật”. Để khắc phục, nhân viên Nhà máy nước đã lắp thêm 1 van khoá 1 chiều trên đường ống nước của gia đình anh Thái Văn Vinh. Tuy nhiên, tình trạng “tự quay” của đồng hồ thì vẫn chưa chấm dứt, dù tốc độ tự quay có giảm hơn so với trước” – anh Thái Văn Vinh trình bày.
Một số hộ dân dọc đường Vĩnh Yên cũng bày tỏ đồng tình và khẳng định tình trạng dù không xả nước nhưng đồng hồ đo lường vẫn quay như anh Thái Văn Vinh phản ánh là có thật.
Liên quan đến sự việc trên, ngày 20/9, đại diện Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An cho biết trên báo Lao Động, đã tiếp nhận phản ánh của người dân ở phường Hưng Bình (TP. Vinh) về hiện tượng đồng hồ nước vẫn quay khi khách hàng không sử dụng nước.
Theo Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An, sau khi nhận được thông tin, Công ty đã cử cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra và giải thích nguyên nhân với các hộ dân. “Nguyên nhân của hiện tượng này là do khi một hộ liền kề sử dụng nước xong, khóa van đột ngột sẽ tạo ra hiện tượng nước va, tạo ra một áp lực tác động đến đồng hồ nước của hộ bên cạnh, làm kim đồng hồ xoay một số vòng. Tuy nhiên những vòng quay này không làm thay đổi khối lượng nước tính toán để thanh toán hóa đơn với đơn vị cấp nước” – ông Kiều Ngọc Bình – Phó Phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An giải thích.
Ông Kiều nói đồng hồ nước của Công ty lắp cho khách hàng đều đã qua kiểm định bảo đảm chính xác, được kiểm định đúng định kỳ. Trường hợp đồng hồ nước bị lỗi Công ty sẽ thay thế cho khách hàng. Ngoài ra, các trường hợp phản ánh, khiếu nại về chất lượng nước, sai số đồng hồ đều được Công ty tiếp nhận, xử lý kịp thời.
“Thông tin khách hàng không sử dụng nước nhưng đồng hồ vẫn quay nếu không có sự tìm hiểu và giải thích rõ ràng sẽ dẫn đến hiểu nhầm là có sự khuất tất trong tính toán khối lượng nước cho khách hàng. Đây là điều tuyệt đối không tồn tại trong hoạt động của Công ty. Công ty luôn hướng tới mục tiêu phục vụ khách hàng tốt nhất, kinh doanh đúng pháp luật, văn minh” – đại diện Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An khẳng định.