Trung Hòa
Có một cuốn sách đem lại những diệu kỳ của thế giới cho châu Âu thời Trung Cổ, vì vậy đã chấn động châu Âu, đó chính là “Marco Polo du ký”.
Quyển sách thuật lại cuộc sống của Trung Quốc và châu Á mà tác giả đích thân trải nghiệm, được người châu Âu đương thời gọi là quyển sách kỳ lạ nhất thế giới. Chính vì lập chí quyết tâm tìm ra thế giới được miêu tả trong sách, Christopher Columbus đã phát hiện ra châu Mỹ.
Tuy nhiên, Marco Polo đương thời bị rất nhiều người châu Âu cho là ‘thần nói dối’, là người thêu dệt chuyện giật gân để lấy danh tiếng. Tại sao lại như vậy?
Ngài Triệu phú
Năm 1295, vào một buổi hoàng hôn, 3 người đàn ông phong trần từ một chiếc tàu bước lên bờ tại bến cảng Venice, Ý. Họ đi những đôi giày da bẩn thỉu ống cao đến đầu gối, mặc áo bào lụa kiểu Mông Cổ, chất liệu tuy rất tinh tế, nhưng đã lộ ra một số chỗ rách to bằng cái bát, trông rách rưới nhếch nhác. Họ vừa trải qua cuộc sống lênh đênh trên biển, hai chân vẫn chưa thích nghi được với mặt đất cứng rắn, bước đi xiêu xiêu vẹo vẹo. Đó chính là Marco Polo và người cha Niccolo, cùng với người chú Maffeo.
Sau 25 năm ly biệt quê hương, họ đã đặt chân lên mảnh đất Venice. Khó khăn lắm họ mới vào được ngôi nhà của mình, ngôi nhà đã bị họ hàng chiếm, bởi vì họ hàng cho rằng họ đã nhiều năm không trở về, đã rời khỏi cõi đời rồi.
Hai ngày sau, 3 vị lữ khách mới trở về này tổ chức bữa tiệc linh đình ở nhà để chiêu đãi thân bằng cố hữu. Sau bữa tiệc thịnh soạn, 3 người lệnh cho tất cả người hầu lui ra, sau đó đem ra những bộ y phục cũ rách mà họ mặc lúc đặt chân lên bến cảng, dùng dao rạch theo đường chỉ và nếp gấp. Đột nhiên hồng ngọc, lam ngọc, kim cương, thủy phí, trân châu… tới tấp rơi ra, chất đầu mặt bàn. Khách khứa nhìn thấy những báu vật rực rỡ chói mắt thì ngây người ra nhìn.
Từ đó, gia đình Polo trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của những người dân Venice. Ngôi nhà họ ở được đặt tên là “Nhà triệu phú”, còn Marco Polo được gọi là “Ngài triệu phú”. Những câu chuyện kỳ lạ mà họ kể về phương Đông lại càng hấp dẫn hơn nữa.
3 năm sau, Venice và Genova do tranh chấp thương mại đã nổ ra chiến tranh. Gia đình Marco Polo có một chiến thuyền với 250 thủy thủ, bình thường dùng để bảo vệ các thương thuyền của gia đình họ trước những cuộc tấn công của hải tặc. Lúc này, đương nhiên là gia nhập vào hạm đội của Venice. Kết quả cuộc chiến là Venice thất bại, Marco trở thành tù binh, bị giam trong nhà tù Genova.
Xem ra, người đàn ông biết nhiều hiểu rộng, gia tài bạc tỷ, và còn rất kiêu dũng này, lúc này cũng bất giác cảm khái, cuộc đời lại đầy những kịch tính như thế này. Ông không ngờ lại có ngày bị giam trong tù, nhưng kịch tính của cuộc đời ông vẫn còn lâu mới kết thúc.
Ở trong tù, ông đã gặp một người khiến ông lưu danh sử sách. Cuộc sống trong tù buồn tẻ, khiến ông có thời gian nhớ lại quá khứ. Một tù binh tên là Rustichello da Pisa đã từng viết tiểu thuyết và tinh thông tiếng Pháp, ông nghe những câu chuyện mà Marco Polo kể, hai mắt ông sáng bừng. Thế là hai huynh đệ trong hoạn nạn này, người kể người ghi chép.
Năm 1299, cuốn sách “Marco Polo du ký”, khi đó tên là “Quyển sách về những Kỳ quan của Thế giới” (tiếng Pháp: Livre des Merveilles du Monde)”, đã chào đời. Khi đó ở châu Âu vẫn chưa phổ biến giấy, sách vẫn là chép tay lên những tấm da dê. Do đó việc viết sách, xem sách là rất khó khăn. Chính vì thế “Quyển sách về những Kỳ quan của Thế giới” đã rất nhanh chóng chấn động châu Âu. Khi đó, ở châu Âu, nó được gọi là cuốn sách kỳ lạ nhất thế giới. Cho đến nay sách đã được xuất bản với trên 100 ngôn ngữ, vậy cuốn sách này rốt cuộc viết những gì mà khiến cho người châu Âu khi đó yêu thích đến vậy?
Chuyến đi Trung Quốc
Thời đại trong sách là thời kỳ thống trị của Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt. Khi đó, Trung Quốc trải qua sự phồn hoa của 2 triều Tống, và vừa bước vào triều nhà Nguyên. Đối với rất nhiều người Hoa hiện nay, đối với triều đại mà người Hoa Hạ bị người Mông Cổ chinh phục này, có thể cảm thấy hơi xa cách, và hiểu biết về nó khá ít. Thực ra, đây chính là thời đại vĩ đại để phương Đông và phương Tây lần đầu tiên có tiếp xúc trực tiếp, là một chương đặc sắc trong lịch sử thế giới.
Khi đó, Đế quốc Mông Cổ hùng mạnh đã 3 lần xuất chinh sang phương Tây, khai thông con đường giữa châu Á và châu Âu, khiến hàng hóa và văn hóa của phương Đông và phương Tây lần đầu tiên có cơ hội tiếp xúc trực tiếp.
Với bối cảnh như thế, cha và chú của Marco đã tiến hành chuyến đi Trung Quốc. Hai vị đại thương gia thành Venice này vào năm 1260 đã đi trên một con tàu hàng của gia đình chở đầy hàng hóa đi về phía Đông. Trong “Marco Polo du ký” có ghi chép rằng, họ đã mua bán châu báu ở Khâm Sát Hãn quốc – một trong Tứ đại hãn quốc. Nhưng vì chiến sự nên bị lưu lại thành Bukhara (thuộc Uzbekistan ngày nay) 3 năm.
Ở đó, họ gặp sứ thần của Hốt Tất Liệt. Vị sứ thần này thấy cử chỉ của họ rất hợp lễ nghi, lại có thể nói tiếng Mông Cổ trôi chảy, thì vui mừng đề nghị họ đi cùng sứ thần đến gặp Đại hãn Hốt Tất Liệt – người chưa từng gặp người Ý bao giờ, đồng thời đảm bảo rằng, sau khi đến kinh thành, họ nhất định sẽ được Đại hãn đón tiếp long trọng và ban thưởng hậu hĩnh. Thế là hai anh em nhà Polo đồng hành cùng sứ thần, và phải mất trọn một năm trên đường mới đến cung đình của Hốt Tất Liệt.
Quả nhiên, Hốt Tất Liệt vô cùng vui mừng, mở tiệc lớn nghênh tiếp, đồng thời rất hứng thú về rất nhiều chuyện của châu Âu như phong thổ, nhân tình thế thái, quân chủ trị quốc, giáo hoàng, giáo hội v.v.
Anh em nhà Polo trả lời trôi chảy, hợp lễ nghi, khiến Hốt Tất Liệt rất sủng ái và tín nhiệm. Hốt Tất Liệt thường vời họ vào trong cung trò chuyện. Sau này Hốt Tất Liệt lại bổ nhiệm họ làm đại sứ đặc biệt đem thư tín trao cho Giáo hoàng La Mã, thịnh tình mời Giáo hoàng phái người đến triều Nguyên làm việc và sinh sống, và giới thiệu Cơ đốc giáo cùng với văn học nghệ thuật của châu Âu.
Trải qua hơn 3 năm rong ruổi dặm trường, hai người đã trở về đến Venice. Họ phát hiện ra mọi thứ đã thay đổi. Vợ của Niccolo đã bị bệnh qua đời, để lại Marco Polo tuổi niên thiếu. Qua câu chuyện của cha và chú, anh tràn đầy mong muốn đến Trung Quốc.
Năm 1271, hai anh em đem theo thư phúc đáp cùng lễ vật của Giáo hoàng lại lên đường, lúc này có thêm chàng Marco Polo trẻ tuổi. Họ trèo đèo lội suối, khắc phục khó khăn chồng chất, cuối cùng đến Tân Cương.
Hốt Tất Liệt trong con mắt của Marco Polo
Vùng Kashgar tươi đẹp phồn hoa, vùng Hòa Điền có nhiều ngọc đẹp, và khắp nơi là vườn trái cây hoa thơm ngát. Tất cả những điều này khiến chàng trai trẻ Marco Polo 1 tuổi say mê.
Đi tiếp, họ phát hiện ra rằng, mỗi con đường lớn của Đế quốc to lớn này đều trồng những hàng cây hai bên đường để che nắng chắn gió cát, khiến người đi đường cảm giác thoải mái dễ chịu. Tất cả những điều này khiến Marco Polo cảm thấy mới mẻ, vui vẻ trong lòng.
Mùa hè năm 1275, cuối cùng họ cũng đã đến Thượng Đô, đô thành miền Bắc của triều Nguyên. Hốt Tất Liệt triệu tập văn võ bá quan cử hành triều hội long trọng để nghênh đón họ. Cả nhà Polo đến trước ngai vàng của Đại hãn, quỳ xuống khấu đầu kính lễ.
Trong con mắt của Marco Polo, Hốt Tất Liệt là người tuấn tú, có cặp mắt đen sáng, mũi cao chính trực, phong độ phi phàm, khiến người ta trong lòng cảm thấy yêu thích. Trong cung đình của Hốt Tất Liệt, cả nhà của Marco Polo được sủng ái và tín nhiệm.
Trong sách, Marco Polo viết về cung đình Đại hãn hùng vĩ, trang sức bởi những chiếc bát và đồ vàng và bạc, và những con voi bằng đá quý, các hoạt động khánh tiết, yến tiệc và săn bắn trong cung, những con báo hoa và sư tử dùng để săn bắn, thậm chí còn có những chuyện thâm cung bí sử cung đình, truyền thống và tập tục của người Mông Cổ. Ông miêu tả Thượng Đô gồm những cung điện đá hoa cương sơn son thiếp vàng, thảo nguyên, rừng rậm, và những con suối cấu thành.
Đây là Hạ Đô của Hốt Tất Liệt. Sau này phương Tây gọi là Xanadu. Các nhà thiên văn châu Âu sau này còn dùng cái tên này để đặt tên cho hành tinh thứ 6 của sao Thổ. Xanadu trở thành đại danh từ với nghĩa là chốn đào nguyên (cõi Tiên).
Thành Hãn Bát Lý rộng lớn trang nghiêm, chính là Bắc Kinh ngày nay, là Đông Đô của Hốt Tất Liệt. Trong con mắt của Marco Polo, đó là nơi thương mại phát triển, dân cư đông đúc, trong thành, ngoài thành có rất nhiều tòa nhà lớn hoa lệ. Những người ngoại quốc từ khắp nơi trên thế giới đến tiến công, kinh doanh nườm nượp như nước chảy. Trên con sông đào Bắc Kinh – Hàng Châu mới hoàn thành, những thương thuyền khổng lồ đi lại không ngớt. Tất cả các tòa thành trên thế giới đều kém xa.
Trên con sông Vĩnh Định có một trong 4 cây cầu lớn nhất thời cổ đại của Trung Quốc – cầu Lô Câu, cũng khiến Marco Polo say mê. Ông ca ngợi vẻ đẹp và công nghệ kiến trúc cao siêu của cây cầu đá này, không cây cầu nào trên thế giới có thể sánh nổi. Người phương Tây sau này gọi cây cầu này là cầu Marco Polo.
Trong con mắt người Trung Quốc, sự hoành tráng của Hoàng thất triều Nguyên và sự phồn hoa của kinh thành còn kém xa sự huy hoàng của các triều Đường, Tống, nhưng trong con mắt Marco Polo, thì đây quả là Thiên đường rồi. Còn có rất nhiều điều trong cuộc sống mà người Trung Quốc cho là bình thường, quen thuộc, thì trong con mắt của Marco Polo lại là chuyện thần kỳ. Ví như, người Trung Quốc thời đó đã phổ biến dùng than làm chất đốt, Marco Polo viết rằng, khai thác những hòn đá đen dưới lòng đất dùng làm chất đốt.
Triều Nguyên đã sử dụng những đồng tiền giấy được in ấn tinh tế đẹp mắt và lưu hành ở phạm vi rộng. Khi đó, ở châu Âu vẫn còn chưa sử dụng giấy. Mãi năm 1454, kỹ thuật in ấn mới được một người Đức là Johannes Gutenberg phát minh ra.
Vị quân vương vĩ đại nhất thế giới
Trong con mắt của Marco Polo, Hốt Tất Liệt là vị quân vương vĩ đại nhất thế giới. Ông nói rằng: “Tất cả những mục cai quản nhân dân, bộ máy quan chức khổng lồ và thu nhập khổng lồ, đều vượt qua tất cả các bậc quân vương trong quá khứ và hiện nay trên thế giới”.
Điều này hoàn toàn xác thực. Mặc dù Hốt Tất Liệt là người Mông Cổ, nhưng ông hùng tài đại lược, tôn trọng tôn giáo tín ngưỡng của các dân tộc, vui thích tiếp thu văn hóa Hán. Thời kỳ ông thống trị, triều Nguyên đã kế thừa sự phồn hoa của Đại Tống, vừa có phong thái cương kiện của triều Đại Nguyên, lại có tấm lòng bi mẫn của Phật gia, Đạo gia và Nho gia. Về văn hóa, thu thập tích tụ rộng rãi, về vật chất, giàu có phồn vinh, về lãnh thổ, rộng lớn không gì sánh nổi.
Là quốc gia lớn mạnh nhất, giàu có nhất thế giới, Đế quốc Đại Nguyên về mọi phương diện đều khiến người châu Âu tán thán tột bậc. Đối với người Trung Quốc hiện nay, thì những cảnh tượng triều Nguyên đó cũng rất mới lạ và thú vị.
Mỗi năm, Hốt Tất Liệt đều sai sứ giả đến các nơi trong toàn quốc khảo sát, miễn thuế cho bách tính bị mất mùa do thiên tai nhân họa, ngoài ra còn cung cấp cho lương thực và hạt giống. Thời đó, triều Nguyên có chế độ kho dự trữ, và có cơ cấu chuyên môn để cứu tế người nghèo khó. Marco Polo cảm thán rằng: “Tất cả những người yêu cầu triều đình cấp lương thực, không ai bị từ chối. Mỗi ngày đều có quan lại phân phát 2 vạn thùng thóc, lúa, gạo”.
Marco Polo thông minh hiếu học, rất nhanh chóng, ông đã tinh thông 4 loại ngôn ngữ. Hốt Tất Liệt rất yêu thích Marco Polo, phong cho ông làm quan, đến các nơi thực thi công vụ. Dấn chân Marco Polo in khắp mọi miền Trung Quốc và các quốc gia xung quanh. Trong quá trình này, hệ thống trạm dịch và chế độ thông tin liên lạc thông suốt của quốc gia vĩ đại này lại khiến Marco Polo tán thán tột bậc.
Ông thuật lại rằng: “Trên mỗi con đường lớn từ Bắc Kinh đến các tỉnh, cứ cách khoảng 25 hay 30 dặm Anh (tức khoảng 40-50 km) là có một trạm dịch, bên trong có phòng trang trí hoa lệ, cho dù là vương hầu trú ở trong trạm dịch này cũng không bị mất thể diện. Trái cây hái ở Đại Đô thì đến tối ngày thứ 2 đã được đưa đến Thượng Đô rồi, mặc dù khoảng cách 2 kinh đô này bằng một hành trình 10 ngày”.
Mỗi lần đi thực thi công vụ trở về, Marco Polo thuật lại phong thổ nhân tình thế thái các địa phương cho Hốt Tất Liệt một cách sống động.
Hàng Châu
Dân gian thường nói: “Trên có Thiên đàng, dưới có Tô, Hàng”. Hàng Châu được hiệu xưng là Thiên đàng, là nơi mà Marco Polo yêu thích nhất. Ông đã nhiều lần đến đây. Thời đó Hàng Châu dân cư sầm uất, có tới 1,6 triệu ngôi nhà. Cùng thời, thành phố lớn nhất châu Âu có dân số mấy vạn người đã là ghê gớm lắm rồi. Là đế đô của triều Nam Tống, Hàng Châu tươi đẹp phồn hoa, dân phong thuần phác. Ông miêu tả: “Người dân Hàng Châu đều mặc tơ lụa, dung mạo thanh tú, phong độ trang nhã. Nhà ở đều là xà điêu khắc trạm trổ, cột sơn son vẽ tranh. Trong hồ nước có những con thuyền vẽ hoa văn đẹp đi đi lại lại. Những cửa hàng trên phố san sát, hàng hóa không thiếu thứ gì. Cư dân địa phương buôn bán kinh doanh sản xuất với phẩm đức công bằng trung hậu”.
Chân thực và dối trá
3 người nhà Marco Polo ở Trung Quốc 17 năm, nỗi niềm nhớ quê hương ngày càng da diết. Cuối cùng, nhân cơ hội hộ tống Công chúa Khoát Khoát Chân được gả cho Y Nhi Hãn quốc (tức vùng Trung Đông và Trung Á hiện nay), họ từ biệt Hốt Tất Liệt trở về Venice.
“Marco Polo du ký” là quyển sách đầu tiên miêu tả tường tận về các thành phố, lịch sử, văn hóa, chính trị, phong tục, và nghệ thuật của Trung Quốc do người châu Âu viết. Khi đó, châu Âu vào thời Trung cổ cực kỳ đè nén, bí bách và đen tối, những hình ảnh phương Đông triển hiện trong sách đối với người châu Âu khi đó quả là tốt đẹp như Thiên đường, khiến người châu Âu vô cùng ái mộ và ngưỡng vọng.
Tuy nhiên khi đó, rất ít người tin vào tính chân thực của cuốn sách. Mọi người đều coi là xem chuyện Thần thoại. Thậm chí bạn bè của Marco Polo trước sau vẫn không thể nào tin vào những chuyện lạ phương Đông mà Marco Polo kể.
Năm 1324, Marco Polo qua đời, trước lúc lâm chung, bạn bè ở bên có yêu cầu ông, để linh hồn có thể được lên Thiên đường, hãy xóa bỏ những câu chuyện khiến người ta khó tin trong sách của ông. Marco Polo đã trả lời rằng: “Tôi chưa nói ra được một nửa những sự việc mà tôi tận mắt chứng kiến”.
Không lâu sau khi ông qua đời, có một người hóa trang dạng chú hề xuất hiện trong lễ hội chúc mừng năm mới mỗi năm một lần ở Venice, tự xưng là Marco Triệu phú. Đối bất kỳ sự vật gì anh ta đều nói khoa trương phóng đại, và dùng điệu bộ để mua vui cho mọi người. Thậm chí cho đến thế kỷ này thời hiện đại, trẻ em nước Anh vẫn thường dùng câu nói: “Đây là một Marco Polo” để hình dung một sự tình hư ảo giả dối.
Mãi cho đến mấy trăm năm sau, cùng với việc phát hiện ra những vùng đất mới, tri thức của người châu Âu về phương Đông mới dần phong phú, và những sự việc mà cuốn du ký thuật lại mới dần dần được chứng thực, thì những nội dung trong đó mới dần dần không bị coi là Thần thoại hoang đường nữa.
Học giả Maurice Collis nói: “Đây là tác phẩm có tính chất khai sáng. Đối với người châu Âu bị đóng kín khi đó mà nói, không khác gì tiếng sét đánh ngang tai. Cuốn sách đã triển hiện cho người châu Âu lĩnh vực tri thức và tầm nhìn hoàn toàn mới. Ý nghĩa của cuốn sách này là, nó đã dẫn đến sự phục hưng rộng lớn của khoa học nhân văn của châu Âu”.
Không thể không nói là, tất cả những gì xảy ra xung quanh cuốn sách này, đối với bản thân người Trung Quốc hiện đại ngày nay, cũng giống như tiếng sét ngang tai. Những cảnh tượng tốt đẹp khó tin, mà trong mắt người châu Âu như là Thiên đường đó, tại sao hiện nay rất nhiều người Trung Quốc hiện nay cho là đen tối? Đối với lịch sử và văn hóa thực sự của họ, người Trung Quốc ngày nay hiểu được bao nhiêu?
Và còn đáng buồn hơn khi những người các nước khác lại dùng những kiến thức khiếm khuyết của người Trung Quốc hiện đại để nghiên cứu lịch sử và văn hóa Trung Quốc cổ xưa. Thế nên, ngày này tìm được những chuyên gia thực sự am hiểu về lịch sử và văn hóa phương Đông cổ đại chân thực thì quả là hiếm có khó tìm.
Trung Hòa
Theo Vườn văn sử