Tin thế giới tối thứ Năm: Latvia nói sẽ không tiếp nhận người Nga chạy trốn khỏi việc huy động quân sự

Doanh nghiệp Trung Quốc mất dự án sân bay Philippines vào tay các công ty châu Âu và Hàn Quốc

Một máy bay Cebu Pacific cất cánh tại Sân bay Quốc tế Ninoy Aquino (NAIA) ở Manila vào ngày 26/10/2010. (Ảnh: NOEL CELIS / AFP qua Getty Images)

Dự án Sân bay Quốc tế Sangley Point của Philippines đã được trao cho tập thể các công ty Hàn Quốc, châu Âu và Philippines. Trước đó, các doanh nghiệp tới từ Trung Quốc và Philippines đã giành được dự án này vào năm 2019, nhưng thỏa thuận đã bị hủy bỏ do hai doanh nghiệp trên không nộp đủ giấy tờ hậu tuyển.

Dự án sân bay Philippines vào tay công ty châu Âu và Hàn Quốc

Một tập thể gồm có các công ty Hàn Quốc và châu Âu đã được trao một dự án sân bay trị giá 11 tỷ USD ở Philippines mà trước đó đã được dành cho một công ty nhà nước Trung Quốc.

Chính quyền tỉnh Cavite đã trao hợp đồng phát triển Sân bay Quốc tế Sangley Point (SPIA) cho một tập thể đa quốc gia bao gồm các công ty từ Philippines, Hàn Quốc và châu Âu vào hôm 14/09.

Nhóm này bao gồm các công ty địa phương Cavitex Holdings, House of Investments và MacroAsia Corporation – thuộc sở hữu của nhà tài phiệt người Philippines Lucio Tan – cũng như Samsung C&T Construction của Hàn Quốc, Sân bay Munich của Đức và Ove Arup & Partners Hong Kong Ltd (thuộc tập đoàn Arup có trụ sở chính ở Anh Quốc).

Trong một tuyên bố chung , tập thể các công ty cho biết dự án SPIA “ban đầu sẽ đóng vai trò là một giải pháp thay thế cho Sân bay Quốc tế Ninoy Aquino” và để đáp ứng “nhu cầu vận tải hàng không gia tăng dự kiến ​​trong vòng 30 [đến] 40 năm tới”.

Người dân đeo khẩu trang chờ đón du khách tại khu vực đến của Sân bay Quốc tế Ninoy Aquino vào ngày 10/03/2020 ở Manila, Philippines. (Ảnh: Ezra Acayan / Getty Images)

“Sân bay Quốc tế Sangley Point được hình dung như một sân bay hai đường băng với sức chứa 80 triệu hành khách mỗi năm, có thể mở rộng lên bốn đường băng để đón tới 130 triệu hành khách mỗi năm”.

Dự án cũng bao gồm việc xây dựng một con đường liên kết dài 4 km (2,5 dặm), cung cấp kết nối đường sắt, cũng như các cơ sở hỗ trợ hàng không và hậu cần được tích hợp đầy đủ.

Theo thông cáo chung, sự phát triển của dự án SPIA dự kiến ​​sẽ tạo ra 50.000 việc làm và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế của Philippines.

Trung Quốc đánh mất thỏa thuận SPIA

MacroAsia ban đầu hợp tác với Công ty TNHH Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC). Họ đã giành được dự án SPIA trị giá 10 tỷ USD vào tháng 12/2019, nhưng thỏa thuận sau đó đã bị chấm dứt vào năm ngoái do họ không nộp các thủ tục giấy tờ hậu tuyển.

Theo hãng tin địa phương Rappler đưa tin, điều này diễn ra bất chấp việc các công ty được cung cấp bốn lần gia hạn để nộp các tài liệu được yêu cầu. 

Thống đốc Cavite Juanito Victor nói trên Facebook hôm 26/01/2021: “Mặc dù nó hủy bỏ các cuộc đàm phán, dự án sẽ khởi động lại và hy vọng sẽ có một cuộc đàm phán tiến triển với một đối tác đủ điều kiện hơn vào tháng 10/2021”.

Các công ty con của CCCC nằm trong số các công ty Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen vào năm 2020 vì đã giúp Trung Quốc “xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông”.

Trước đó vào tháng 7, Philippines đã hủy đơn xin vay vốn với Trung Quốc sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “rút lui khỏi” 3 thỏa thuận đường sắt mà họ đã ký với cựu Tổng thống Rodrigo Duterte.

Các dự án bao gồm Dự án Bicol Đường sắt Quốc gia Philippines (PNR Bicol) trị giá 142 tỷ PHP (đồng peso Philippines) (khoảng 2,5 tỷ USD), dự án Đường sắt Mindanao trị giá 83 tỷ PHP (khoảng 1,47 tỷ USD), và dự án Đường sắt Subic-Clark trị giá 51 tỷ PHP (khoảng 906 triệu USD).

Cát Duyên

Latvia nói sẽ không tiếp nhận người Nga chạy trốn khỏi việc huy động quân sự

Một số quốc gia chung biên giới với Nga cho biết họ sẽ không cung cấp nơi tị nạn cho những người chạy trốn khỏi Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố huy động một phần lực lượng quân dự bị.

Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm thứ Tư, ông Putin đã cảnh báo các nước phương Tây rằng Nga sẽ sử dụng tất cả các phương tiện cần thiết theo ý mình để bảo vệ lãnh thổ. Ông cũng tuyên bố về lệnh tổng động viên một phần, với khoảng 300.000 lính sẽ được huy động để chiến đấu ở Ukraine.

Ngay sau tuyên bố này, nhiều chuyến bay ra khỏi Nga đã cháy vé, trong khi các cửa khẩu đường bộ ùn tắc bởi dòng người và phương tiện nối đuôi nhau chạy khỏi Nga.

Latvia, quốc gia có biên giới với Nga, cho biết họ sẽ không cung cấp nơi trú ẩn cho bất kỳ người Nga nào chạy trốn khỏi việc điều động quân của Moscow.

Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Edgars Rinkevics viết trên Twitter: “Vì lý do an ninh, Latvia sẽ không cấp thị thực nhân đạo hoặc các loại thị thực khác cho những công dân Nga chạy trốn việc điều động”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở nước láng giềng Nga, nói thêm rằng có cơ sở để thắt chặt chính sách thị thực của nước này đối với công dân Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen cho biết “Lực lượng quốc phòng của chúng tôi đã chuẩn bị tốt và tình hình được theo dõi chặt chẽ.”

Trước đó, hôm 8/9, Latvia đã cùng Ba Lan, Litva và Estonia cho biết sẽ tạm thời hạn chế nhập cảnh đối với các công dân Nga có thị thực EU kể từ ngày 19/9 vì lý do an ninh quốc gia.

Biên giới Nga – Phần Lan sau khi TT Putin thông báo về lệnh động viên quân sự:

Biên giới Nga – Georgia:

Ngân Hà

Trước sức ép từ châu Âu, người Nga chuyển sang mua bất động sản tại Thái Lan

Đảo PhuKet, Thái Lan. (Ảnh: OlTarakanov/Shutterstock)

Mất cơ hội mua bất động sản ở các nước châu Âu do cuộc tấn công mà Moscow thực hiện nhắm vào Ukraine, người Nga đang định hướng lại tại các thị trường mới, trong đó Thái Lan trở thành một trong những điểm đến với nhu cầu mua bất động sản cao nhất.

Cụ thể, hiện gần một nửa số bất động sản người Nga mua tại Thái Lan là để ở riêng. Thái Lan không cho phép nhập quốc tịch theo diện đầu tư, nhưng được coi là một điểm đến hấp dẫn do khí hậu và chi phí sinh hoạt tương đối phù hợp.

Tính từ tháng 1 đến tháng 8/2022, nhu cầu mua bất động sản của người Nga ở Thái Lan đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Prian.ru. Năm 2022, lần đầu tiên quốc gia này lọt vào Top 10 quốc gia có nhu cầu mua bất động sản cao nhất của người Nga. Năm 2021, Thái Lan được xếp hạng 20 về độ nổi tiếng đối với người Nga.

Theo ghi nhận của Intermark Real Estate, nhu cầu mua bất động sản của người Nga qua các năm tăng 50–60%. Trong đó, Thái Lan, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, lọt vào Top 3 quốc gia có sự quan tâm của người Nga trong việc mua bất động sản trong năm nay.

Intermark Real Estate, trích dẫn dữ liệu từ Trung tâm Thông tin Bất động sản của Ngân hàng Nhà nước Thái Lan (REIC), cho hay rằng người Nga đứng ở vị trí thứ 2 về sở hữu số lượng căn hộ và nhà ở mà người nước ngoài mua ở nước này. Trong quý đầu tiên của năm nay, người Nga chiếm 6,4% tổng số giao dịch. Vị trí đầu tiên về sở hữu bất động sản ở Thái Lan là người Trung Quốc (45%), trong khi người Mỹ là 5,4%; Anh là 4,3%; và Đức là 3,8%.

Theo Prian.ru, nếu như trước đại dịch COVID-19, khoảng 85% giao dịch ở Thái Lan là nhằm mục đích đầu tư và phần còn lại dành cho các lựa chọn về cư trú, thì giờ đây, tỷ lệ này đã thực sự cân bằng. Chuyên gia Irina Mosheva, nhà quản lý bất động sản của Intermark Real Estate, nhận định rằng rằng mối quan tâm ngày càng tăng của người Nga ở Thái Lan là do việc họ bị hạn chế các điểm đến giải trí và đầu tư ở châu Âu.

“Chính quyền Thái Lan có quan điểm chính trị trung lập, họ không áp đặt bất kỳ hạn chế nào đối với người Nga”, bà Mosheva nói. Ngoài ra, các giao dịch mua bán diễn ra suôn sẻ, vì Thái Lan không bị Moscow liệt vào danh sách các quốc gia “không thân thiện”, bà Mosheva cho biết thêm.

Về phần mình, Tổng biên tập của Prian.ru, Philip Berezin cho rằng có nhiều nguyên nhân thu hút sự chú ý của người Nga đến Thái Lan: “Quốc gia này cách xa cuộc xung đột ở Ukraine, cung cấp mức sống khá với chi phí tương đối thấp. Một yếu tố quan trọng khác đối với người Nga đó là sự hiện diện của cộng đồng nói tiếng Nga và các trường quốc tế ở Phuket”.

Ngoài ra, giá bất động sản ở Thái Lan vẫn tương đối phù hợp. Theo Intermark Real Estate, chi phí của một căn hộ nhỏ rộng khoảng 30-35 m2 có trang bị nội thất ở khu du lịch nổi tiếng của Phuket tầm khoảng 110.000 USD (6,62 triệu RUBLE). Các biệt thự riêng với 2 phòng ngủ có giá từ 200.000 USD (12,03 triệu RUBLE).

Người phát ngôn Polina Kuleshova của Henley & Partners cho biết không có chương trình nhập cư nào ở Thái Lan cho phép có được tình trạng thường trú theo quốc tịch. Tuy nhiên, theo bà Mosheva, có 2 hình thức sở hữu bất động sản cho người nước ngoài ở Thái Lan, đó là, sở hữu toàn bộ (freehold) và thuê dài hạn (thuê lại; trong 30 năm, có thể gia hạn đến 90 năm).

Phan Anh

Thượng viện Mỹ kêu gọi cải cách các cơ quan tình báo để ứng phó với các mối đe dọa

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio (Florida) phát biểu trong phiên điều trần xác nhận của Ủy ban Thượng viện về Thương mại, Khoa học và Giao thông vận tải trên Đồi Capitol ở Washington, vào ngày 21/4/2021. (ARnh: Graeme Jennings/AFP/Getty Images)

Một ủy ban của Thượng viện Mỹ đã khuyến nghị rằng các cơ quan tình báo của quốc gia cần phải tiến hành cải cách để chống lại các đối thủ của Hoa Kỳ, đặc biệt là Trung Quốc.

Ủy ban Chọn lọc về Tình báo Thượng viện Mỹ (United States Senate Select Committee on Intelligence – SSCI) đã ban hành báo cáo được biên soạn lại (pdf) vào ngày 20/9.

Tài liệu dựa trên hai năm nghiên cứu độc lập và phi đảng phái về các mối đe dọa tình báo nước ngoài mà Mỹ phải đối mặt, trong đó xác định những thách thức và đưa ra một loạt các giải pháp để đảm bảo định vị Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia (NCSC) để ứng phó với các mối đe dọa tình báo nước ngoài. Cuộc điều tra nhằm đánh giá sứ mệnh, nhiệm vụ và quyền hạn, nguồn lực và cấu trúc của NCSC.

NCSC là một bộ phận của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, cung cấp hỗ trợ phản gián cho Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ, chính phủ liên bang và các tổ chức tư nhân.

Phó Chủ tịch Ủy ban, Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng hòa-Florida) và Chủ tịch Ủy ban, Thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân chủ-Virginia) đưa ra đánh giá của lưỡng đảng, được biên soạn lại về các mối đe dọa tình báo nước ngoài mà Mỹ đang phải đối mặt

Ông Rubio cho biết, các quốc gia bên ngoài, bao gồm cả Trung Quốc, đang nhanh chóng phát triển các khả năng mới để nhắm mục tiêu vào Hoa Kỳ.

“Các chính phủ đối địch nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc, hiện đang nhắm mục tiêu vào tất cả các lĩnh vực của xã hội Hoa Kỳ”, ông Rubio nói.

“Ủy ban này nhằm mục đích đảm bảo rằng công chúng, ngành công nghiệp và giới học giả Hoa Kỳ nhận thức được điểm này và đảm bảo rằng Cộng đồng Tình báo có các cơ quan chức năng và nguồn lực cần thiết để đối đầu hiệu quả với những mối đe dọa phản gián mới này”.

Chủ tịch Ủy ban, Thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân chủ-Virginia) cho biết, Mỹ cần phải thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với vị thế phản gián của quốc gia nếu muốn bảo vệ an ninh và kinh tế của đất nước.

“Ngày nay Hoa Kỳ phải đối mặt với một bối cảnh đe dọa hoàn toàn khác so với cách đây vài thập kỷ. Các mối đe dọa mới và công nghệ mới có nghĩa là Mỹ phải thực hiện những điều chỉnh đáng kể đối với vị thế phản gián của mình nếu chúng ta muốn bảo vệ an ninh quốc gia và kinh tế của đất nước mình”, Chủ tịch Warner cho hay.

Báo cáo nói rằng, NCSC đã không được đảm bảo để đối đầu hiệu quả với các mối đe dọa mà toàn xã hội hiện đang phải đối mặt. Báo cáo lưu ý rằng cần phải làm rõ hơn về nhiệm vụ, cơ cấu và trách nhiệm của NCSC.

Báo cáo cũng khuyến nghị rằng cần phải phát triển một định nghĩa mới trong toàn chính phủ về phản gián để định vị và ứng phó tốt hơn với bối cảnh mối đe dọa hiện đại, các cuộc tấn công mạng và các hoạt động gây ảnh hưởng nhắm vào người dân Mỹ.

Hoa Kỳ phải đối mặt với các mối đe dọa từ nhiều đối thủ khác nhau, bao gồm các tổ chức nhà nước quyền lực như Trung Quốc và Nga, các đối thủ trong khu vực, các quốc gia nhỏ liên kết với các đối thủ của Hoa Kỳ, các thực thể có động cơ tư tưởng và các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, báo cáo cho hay.

Theo đó, các tổ chức tình báo nước ngoài đang nhắm mục tiêu vào các khu vực công và tư như nhau, bao gồm khu vực tài chính, cơ sở công nghiệp của Hoa Kỳ, các tổ chức học thuật, các cơ quan và bộ phận của chính phủ Hoa Kỳ không thuộc cộng đồng tình báo và các phòng thí nghiệm quốc gia.

Báo cáo nhấn mạnh rằng, những đối thủ ngày nay có quyền truy cập vào nhiều loại công cụ khác nhau để đánh cắp thông tin, gây ảnh hưởng đến các quan chức Hoa Kỳ hoặc gây căng thẳng chính trị và xã hội so với trước đây. Các hoạt động đó bao gồm cả hoạt động tình báo phi truyền thống, an ninh mạng, áp dụng kỹ thuật tiên tiến và mã nguồn mở để thu thập thông tin chống lại các kế hoạch và chính sách của Hoa Kỳ, sử dụng công nghệ nhạy cảm, thông tin nhận dạng cá nhân và tài sản trí tuệ, cũng như ảnh hưởng đến việc ra quyết định và quan điểm của công chúng Hoa Kỳ;

Báo cáo khuyến nghị rằng Quốc hội Mỹ, cùng với Chi nhánh điều hành và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, cần xây dựng một định nghĩa nhất quán trong toàn chính phủ Hoa Kỳ về phản gián, phản ánh bối cảnh mối đe dọa ngày nay, đồng thời ban hành các cải cách để làm rõ sứ mệnh, cơ cấu và trách nhiệm của NCSC và xác định vai trò của cơ quan này trong các hoạt động phản gián.

Trong số các kết luận của báo cáo là các cơ quan gián điệp Hoa Kỳ thường xuyên bị cản trở trong nỗ lực thực hiện phản gián vì thông tin sai lệch, các vấn đề kinh phí và sự không phối hợp giữa các cơ quan.

Báo cáo của Ủy ban được ban hành sau một năm đầy tranh cãi trong quan hệ Trung – Mỹ. Bộ Tư pháp trước đây đã liên kết với các cơ quan tình báo của Trung Quốc để âm mưu do thám, sách nhiễu, đe dọa, và thậm chí tấn công các công dân Hoa Kỳ chỉ trích chế độ.

Bất chấp áp lực liên tục từ ĐCSTQ, chính quyền ông Biden đã chấm dứt Sáng kiến chống gián điệp ​​Trung Quốc của Bộ Tư pháp vào tháng Hai và đến nay không thay thế nó bằng một chương trình mới.

Lam Giang

Theo The Epoch Times

TQ: 95% quận ở Giang Tây khô hạn nghiêm trọng, nông dân Hồ Nam chống hạn ngày lẫn đêm

95,7% các quận (gồm thành phố và huyện) ở tỉnh Giang Tây đã trải qua hạn hán nghiêm trọng do khí hậu. Nông dân trồng cam ở tỉnh Hồ Nam cho biết các con sông đã ngừng chảy và họ đang “chống hạn hán cả ngày lẫn đêm.”

Một lòng sông khô cạn dọc theo sông Trường Giang tại thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc ngày 19/8/2022. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)


Hạn hán tại tỉnh Giang Tây kéo dài 70 ngày, cuối tháng Chín hầu hết toàn tỉnh vẫn không có mưa

Theo thống kê của Đài quan sát khí tượng Giang Tây vào ngày 20/9, từ 8h ngày 11/9 đến 8h ngày 20/9, lượng mưa trung bình ở Giang Tây chỉ là 0,2 mm, ít thứ 3 so với cùng kỳ kể từ năm 1961 đến nay.

Theo Trung tâm Khí tượng Nông nghiệp Giang Tây và Văn phòng Quản lý Trồng trọt của Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Giang Tây, tính đến ngày 18/9, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở tỉnh Giang Tây là 9,256 triệu mẫu, diện tích thất thu là 4,07 triệu mẫu và diện tích thu hoạch là 1,009 triệu mẫu.

Tình trạng khô hạn ở tỉnh Giang Tây vẫn tiếp tục kéo dài. Đài quan sát khí tượng tỉnh Giang Tây dự báo, tỉnh này sẽ có nắng đến nhiều mây vào cuối tháng Chín, không có mưa ở hầu hết các khu vực; nhiệt độ tối đa ở tỉnh từ 35°C – 37°C.

Từ giữa tháng Bảy, các khu vực cục bộ của của tỉnh Giang Tây đã trải qua hạn hán nghiêm trọng, đến nay cũng gần 70 ngày. Ngày 20/9, “Haike News” đưa tin, hạn hán ở tỉnh Giang Tây đã khiến cho hầu hết các nhánh của sông Cám nổi tiếng bị lộ ra ngoài, cỏ dại mọc đầy. Đáy sông vốn đã trở thành đồng cỏ.

Đường cao tốc trên mặt nước ở Vĩnh Tu, Giang Tây đã trở thành đường cao tốc trên thảo nguyên. Video trực tuyến cho thấy, sau khi nước hồ Bà Dương rút, từng mảng đất lớn nứt toác, thậm chí có nơi còn có thể bị kẹt chân.

Đáy sông khô cằn của hồ Bà Dương lộ ra, phát hiện xác con cá heo không vây. (Nguồn: MXH)

Ngày 20/9, Mạng Thời tiết Trung Quốc đưa tin, mùa hè năm nay, miền nam Trung Quốc đã trải qua một đợt nhiệt độ cao liên tục hiếm gặp và ít mưa, đồng thời hạn hán ở lưu vực sông Trường Giang phát triển nhanh chóng.

Tính đến ngày 19/9, Đài quan sát Khí tượng Trung ương đã ban hành cảnh báo hạn hán do thời tiết trong vòng 33 ngày liên tục. Hầu hết tỉnh Hồ Nam và Giang Tây, cũng như vùng tây nam Chiết Giang, phía tây Phúc Kiến, đông nam Trùng Khánh và đông bắc Quý Châu đều bị hạn hán nghiêm trọng.

Nông dân tỉnh Hồ Nam bơm nước chống hạn

Theo Dịch vụ tin tức Trung Quốc (CNS) đưa tin ngày 20/9, Sở Tài nguyên nước tỉnh Hồ Nam đã phát hành một báo cáo đặc biệt về công tác phòng chống hạn hán và cứu trợ hạn hán vào ngày 20/9. Báo cáo cho thấy hiện tại, tất cả 122 quận, huyện, thị tỉnh Hồ Nam đã xuất hiện thời tiết hạn hạn mức trung bình trở lên; 116 quận, huyện, thị đã đạt mức hạn hán nghiêm trọng; 97 quận, huyện, thị đạt đến mức hạn hán đặc biệt.

Ngày 20/9, anh Lâm Xuân (bút danh) ở huyện Tân Ninh, thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam nói với Epoch Times, rằng địa phương này “khô đến chết, bụi cây trong thảm thực vật cạn trên núi đã chết, tương tự như hạn hán năm 2007.”

Anh cho biết, tại vùng nông thôn nơi anh ở, hầu hết chỉ trồng cam rốn được nhập khẩu từ Mỹ, giờ mọi người đang bơm nước chống hạn.

“Những người không có máy bơm nước có thể thuê máy bơm nước với giá 400 nhân dân tệ (khoảng 1,3 triệu VNĐ)/ giờ… Chống hạn cả ngày lẫn đêm. Ước tính cam năm nay không cho thu hoạch, một số đã khô héo, rụng hết,” anh nói.

Lâm Xuân cũng cho biết thêm, về cơ bản các sông đã cạn và khô hạn, nước ở nhiều ao đã bị rút kiệt. Ở quê không có nước để uống, nên họ chỉ có thể đến những vùng trũng xa xôi để gánh nước, hoặc dùng ống nhựa dẫn nước ra khỏi hang.

Anh nói: “Chúng tôi không có bất kỳ nguồn thu nhập nào ở đây. Chúng tôi chủ yếu dựa vào cam. Hạn hán ảnh hưởng lớn đến nông dân”.

Anh cũng cho biết, hạn hán năm nay kéo dài hơn năm 2007. Mùa hè năm 2007 cũng xảy ra hạn hán, mùa đông cùng năm có bão băng, đường xá bị đóng băng, nhiều ô tô rơi khỏi vách núi. “Không biết năm nay sẽ là một trận bão băng, hay lũ lụt. Thật khó nói vì thời tiết rất bất thường.”

Hạn hán ở Hồ Bắc tiếp tục diễn ra trong tuần tới

Tỉnh Hồ Bắc cũng góp mặt trong đợt hạn hán này. Chiều ngày 16/9, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã phát tín hiệu cảnh báo hạn hán màu da cam. 29 quận (thành phố, huyện) gồm huyện Phòng, thành phố Đan Giang Khẩu và thành phố Tương Dương đã đạt đến mức hạn hán nghiêm trọng và dự kiến ​​sẽ tiếp tục leo thang trong tuần tới.

Ngày 20/9, ông Lưu đến từ Vũ Hán, Hồ Bắc nói với phóng viên Epoch Times rằng: “Sông Trường Giang đã chạm đáy. Từ Hán Khẩu ở phía bắc sông Trường Giang, về cơ bản là có thể đi bộ đến huyện Thiên Hưng.”

Ông tiết lộ rằng trên thực tế, toàn bộ lưu vực sông Trường Giang đều khô hạn. Do nắng hạn, trước đó giá rau đã tăng mạnh.

Theo Luật Sinh và Dịch Hà / Epoch Times

Trung Quốc hủy hàng loạt chuyến bay

Aircrafts from Air China and Shanghai airlines wait to depart at the new International airport in Beijing on July 18, 2008. Flights to and from Beijing will be grounded during the opening ceremony of the Olympic Games on August 8, in the latest security measure to hit China’s capital. From 7:59 pm (1159 GMT) on August 8 to midnight, all flights to and from Beijing Capital Airport and Nanyuan airport in the south of the city would be grounded. AFP PHOTO/Mark RALSTON (Photo credit should read MARK RALSTON/AFP/Getty Images)

Hôm 21/09, các chuyến bay tại các phi trường trên khắp Trung Quốc đã bị hủy trên diện rộng. Theo số liệu chính thức, tỷ lệ hủy chuyến bay vào cùng ngày trên toàn Trung Quốc là gần 60%.

Tối hôm 21/09, thông tin về việc hủy chuyến bay tại các phi trường trên khắp Trung Quốc đã lan truyền trên mạng Internet. Khi một số cư dân mạng tại đại lục muốn đáp chuyến bay vào tối ngày 21/09, thì họ phát hiện chuyến bay có thông báo “hủy trên diện rộng”. Thậm chí một số cư dân mạng đã đến bốn phi trường nhưng vẫn không thể lên phi cơ để về nhà.

Có cư dân mạng đăng trên Weibo rằng các phi trường ở Nam Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hạ Môn và những nơi khác đã hủy ít nhất 1,228 chuyến bay hôm 21/09.

Một số cư dân mạng đặt câu hỏi trên Twitter rằng, “Phải chăng hoạt động phòng chống dịch đang leo thang? Hay là ở Bắc Kinh có chuyện lớn?”, “Có lẽ là vấn đề Đài Loan”, “Tôi cũng muốn biết tại sao”, “Chắc là một cơn bão”, “Hủy chuyến là bình thường mà, gần đây hủy chuyến nhiều lắm”. Ngoài ra, có nhiều tin nhắn đã bị ẩn.

Thông báo hủy các chuyến bay trên diện rộng. (Ảnh trên Weibo)
Thông báo hủy các chuyến bay, cả trên diện rộng và diện hẹp. (Ảnh trên Weibo)
(Ảnh trên Weibo)

Theo số liệu của nền tảng “Quản lý Chuyến bay”, tính đến 10 giờ ngày 21/09, phi trường Long Động Bảo Quý Dương đã hủy 539 chuyến bay, với tỷ lệ hủy chuyến là 99%; Phi trường Gonggar Lhasa hủy 157 chuyến bay, tỷ lệ hủy chuyến là 98%; Phi trường Thiên Phủ Thành Đô hủy 752 chuyến bay, tỷ lệ hủy chuyến là 87%; Phi trường Diwopu Ürümqi hủy 476 chuyến bay, tỷ lệ hủy chuyến là 79%.

Phi trường quốc tế Tân Hải Thiên Tân hủy 353 chuyến bay, với tỷ lệ 74%; phi trường Song Lưu Thành Đô hủy 397 chuyến, với tỷ lệ 65%; phi trường quốc tế Thủ đô Bắc Kinh hủy 622 chuyến, với tỷ lệ 60%; phi trường Thái Bình Cáp Nhĩ Tân hủy 275 chuyến, với tỷ lệ 56%; phi trường quốc tế Hàm Dương Tây An hủy 555 chuyến, với tỷ lệ 56%.

Phi trường quốc tế Phố Đông Thượng Hải hủy 652 chuyến bay, với tỷ lệ 54%; phi trường quốc tế Lộc Khẩu Nam Kinh hủy 378 chuyến, với tỷ lệ 54%; phi trường Bảo An Thâm Quyến hủy 542 chuyến bay, với tỷ lệ 51%; phi trường quốc tế Bạch Vân Quảng Châu hủy 560 chuyến, với tỷ lệ 40%.

Tính đến 22 giờ 35 phút ngày 21/09, Trung Quốc có 16,062 chuyến bay theo lịch trình, 6,251 chuyến bay đã thực hiện và 9,583 chuyến bay đã bị hủy, tỷ lệ hủy chuyến là 59.66%.

Lý Tịnh
Xuân Hoàng biên dịch

Giới trẻ Trung Quốc chuyển sang lối sống tằn tiện khi nền kinh tế suy thoái

Người trẻ Trung Quốc giờ đây cân nhắc rất kỹ trước khi chi tiêu. (Hình minh họa: Pixabay)

Nhiều người trẻ Trung Quốc đã từ bỏ lối sống phung phí trước đây và trở nên tiết kiệm hơn trong bối cảnh nền kinh tế thứ hai thế giới đang trải qua thời kỳ ảm đạm.

Trước đại dịch, Doris Fu, một nhà tư vấn tiếp thị 39 tuổi ở Thượng Hải, đã tưởng tượng ra một tương lai khác cho bản thân và gia đình: xe hơi mới, căn hộ lớn hơn, ăn ngon vào cuối tuần và các kỳ nghỉ trên các hòn đảo nhiệt đới.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, khi kinh tế Trung Quốc trở nên khó khăn vì các đợt phong tỏa Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao và thị trường bất động sản đang chững lại, Fu nằm trong số những người Trung Quốc ở độ tuổi 20 và 30 đang cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm tiền mặt hết mức có thể.

Fu nói với Reuters: “Tôi không còn làm móng tay, không làm tóc nữa. Tôi chuyển sang mua mỹ phẩm sản xuất ở Trung Quốc”.

Lối sống tiết kiệm mới này đã được khuếch đại bởi những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội chuyên quảng cáo lối sống chi phí thấp và chia sẻ các mẹo tiết kiệm tiền. Tuy nhiên, điều này lại là một mối đe dọa đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vì chi tiêu của người tiêu dùng chiếm hơn một nửa GDP của Trung Quốc.

Chính sách ‘zero-COVID’ của Trung Quốc – bao gồm khóa cửa nghiêm ngặt, hạn chế đi lại và xét nghiệm hàng loạt – đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế nước này. Cuộc đàn áp của chính phủ đối với các công ty công nghệ lớn cũng tác động lớn đến lực lượng lao động trẻ.

Theo số liệu của chính phủ, tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 16 đến 24 tuổi ở mức gần 19%, sau khi đạt mức kỷ lục 20% vào tháng Bảy. Theo hai cuộc khảo sát trong ngành, một số người trẻ đã bị buộc phải cắt giảm lương, ví dụ như trong lĩnh vực bán lẻ và thương mại điện tử. Mức lương trung bình ở 38 thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm 1% trong ba tháng đầu năm nay, dữ liệu do công ty tuyển dụng trực tuyến Zhilian Zhaopin cho thấy.

Do đó, một số người trẻ thích tiết kiệm hơn là phung phí.

“Tôi thường đi xem hai bộ phim mỗi tháng, nhưng tôi đã không bước vào rạp chiếu phim kể từ khi đại dịch xảy ra”, Fu, một người hâm mộ phim cuồng nhiệt cho biết.

Theo khảo sát hàng quý gần đây nhất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), gần 60% người dân có xu hướng tiết kiệm hơn là tiêu dùng hoặc đầu tư. Con số đó cách đây ba năm là 45%.

Các hộ gia đình Trung Quốc nói chung đã thêm 10,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,54 nghìn tỷ USD) vào khoản tiết kiệm ngân hàng mới trong 8 tháng đầu năm, tăng từ 6,4 nghìn tỷ nhân dân tệ trong cùng kỳ năm ngoái.

Đó là một vấn đề đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Trung Quốc, những người từ lâu đã dựa vào việc tăng tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng.

Trung Quốc là nền kinh tế hàng đầu duy nhất cắt giảm lãi suất trong năm nay, với nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng. Các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất tiền gửi cá nhân vào ngày 15 tháng 9, một động thái được thiết kế để không khuyến khích tiết kiệm và thúc đẩy tiêu dùng.

‘Bữa tối 10 tệ’

Sau nhiều năm chủ nghĩa tiêu dùng “lên ngôi” do được thúc đẩy bởi lương tăng, tín dụng dễ dàng và mua sắm trực tuyến, giờ đây xu hướng tiết kiệm đang đưa những người trẻ Trung Quốc đến gần hơn với những bậc cha mẹ thận trọng của họ. Những người lớn tuổi này đã luôn giữ vững xu hướng tiết kiệm do ký ức về những ngày tháng đói khổ trước khi nền kinh tế phát triển.

“Trong bối cảnh thị trường việc làm khó khăn và áp lực kinh tế suy thoái mạnh mẽ, cảm giác bất an và không chắc chắn của những người trẻ tuổi là điều họ chưa bao giờ trải qua”, Zhiwu Chen, giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Đại học Hong Kong, cho biết.

Một số người trẻ đang thể hiện tính tiết kiệm của họ trên mạng.

Một cô gái khoảng 20 tuổi ở thành phố Hàng Châu đã thu hút được hàng trăm nghìn người theo dõi khi đăng hơn 100 video về cách làm bữa tối trị giá 10 nhân dân tệ (33 nghìn đồng) trên ứng dụng phong cách sống Xiaohongshu và trang web phát trực tuyến Bilibili.

Trong video dài một phút có gần 400.000 lượt xem, cô ấy xào một món ăn làm từ phi lê cá ba sa trị giá 4 tệ, 5 tệ tôm đông lạnh và 2 tệ rau củ, sử dụng một chiếc thớt màu hồng và nồi cơm điện màu hồng.

Các cuộc thảo luận trên mạng xã hội đã xuất hiện để chia sẻ các mẹo tiết kiệm tiền, chẳng hạn như thử thách Sống ở Thượng Hải (một trong những thành phố đắt đỏ nhất ở Trung Quốc) trong một tháng chỉ với 1.600 nhân dân tệ (5,4 triệu đồng).

Yang Jun, một người từng ngập sâu trong nợ thẻ tín dụng trước đại dịch, đã thành lập một nhóm có tên Low Consumption Research Institute (Nghiên cứu chi tiêu ở mức thấp) trên trang mạng Douban vào năm 2019. Nhóm đã thu hút hơn 150.000 thành viên. Yang cho biết cô đang cắt giảm chi tiêu và bán một số đồ đạc của mình trên các trang bán đồ cũ để kiếm tiền.

Cô gái 28 tuổi nói: “COVID-19 khiến mọi người bi quan. Bạn không thể giống như trước đây, tiêu hết số tiền kiếm được, và kiếm lại vào tháng sau”. Cô ấy cho biết hiện tại cô ấy đã hết nợ.

Yang cho biết cô đã cắt bỏ cà phê Starbucks hàng ngày của mình. Fu cho biết cô đã chuyển nhãn hiệu phấn trang điểm của mình từ Givenchy sang một nhãn hiệu của Trung Quốc có tên là Florasis, với giá rẻ hơn khoảng 60%.

Fu cho biết cô đã hoãn kế hoạch bán hai căn hộ nhỏ của mình để mua một căn lớn hơn ở một khu trường học tốt hơn cho con trai mình, và hiện đã từ bỏ việc nâng cấp từ chiếc Volkswagen Golf của mình.

Cô nói: “Tại sao tôi không dám nâng cấp nhà và xe của mình, dù cho tôi có tiền? Đó là bởi vì hiện tại mọi thứ đều không chắc chắn”.

Thanh Hương

Cựu cầu thủ NBA: Trung Quốc là “mối đe dọa thực sự đối với thế giới”

Trong cuộc phỏng vấn với đài NTD, tại cuộc hội thảo trực tuyến trên web đặc biệt về đề tài “Trường hợp tách khỏi Trung Quốc” ở Điện Capitol (Quốc hội Mỹ), cựu cầu thủ NBA Enes Kanter Freedom lên án, chính quyền cộng sản Trung Quốc là “mối đe dọa thực sự đối với thế giới”.

Tại sự kiện trực tuyến hôm 20/9, anh Freedom cảnh báo: “Không ai có thể xâm lược Hoa Kỳ từ bên ngoài, nhưng họ [chính quyền cộng sản Trung Quốc] đang cố gắng xâm lược Hoa Kỳ từ bên trong bằng cách cố gắng chiếm lấy Phố Wall, cố gắng chiếm lấy thế giới thể thao, NBA, Hollywood, Big Tech, thậm chí cả Quốc hội [Mỹ].”

Trong buổi hội thảo trực tuyến trên web, nhà vận động nhân quyền này đã kể lại việc anh đã đánh mất sự nghiệp bóng rổ của mình như thế nào khi cố gắng nâng cao nhận thức cho mọi người về các vấn đề vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc, khi mang các đôi giày được trang trí các tác phẩm nghệ thuật khác nhau, bao gồm các câu khẩu hiệu như “Trung Quốc Tự do, Tây Tạng Tự do” trong các trận đấu của NBA (Giải bóng rổ Nhà nghề Mỹ).

Anh Freedom đã được đội Houston Rockets cho phép tự do ngay sau khi được chuyển nhượng từ đội Boston Celtics vào ngày 10/2. Anh là một trong những cầu thủ trung lộ dự phòng được đánh giá cao nhất theo thống kê của NBA. Anh tin rằng hoạt động ủng hộ nhân quyền của anh đã khiến anh phải trả giá bằng sự nghiệp của mình.

Hôm 20/9, khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị một lần nữa kêu gọi khôi phục lại hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, anh Freedom đã yêu cầu chính quyền Trung Quốc trước tiên cần phải chấn chỉnh lại hành vi vi phạm nhân quyền của mình.

Anh Freedom nhấn mạnh: “Trước tiên, họ [chính quyền Trung Quốc] cần phải hiểu rằng trong khi chúng ta đang đàm phán, nạn diệt chủng vẫn đang xảy ra… Họ cần phải trả tự do cho hàng triệu người. Và họ cũng cần phải ngừng quấy rối Quốc hội của chúng ta, cũng như những người Tây Tạng và những người Trung Quốc, tất cả những người này.”

“Nếu họ muốn làm bất cứ điều gì như vậy, trước tiên, họ cần phải biết cách hành động.”

Nhà vận động nhân quyền – vận động viên thể thao này lưu ý: “Cuộc sống của con người có trước mọi thứ.”

Theo anh Freedom, các đồng đội, huấn luyện viên, người hâm mộ của anh và mọi người ở NBA đã đối xử với anh lạnh nhạt chỉ vì thái độ thẳng thắn của anh đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Anh Freedom cho biết, điều đó khiến anh cảm thấy con đường đấu tranh chống lại chính quyền Trung Quốc của anh là một con đường rất đơn độc. Tuy nhiên, anh khẳng định rằng anh sẽ tiếp tục công việc vận động nhân quyền của mình.

Sinh ra ở Thụy Sĩ với cha mẹ là người Thổ Nhĩ Kỳ, anh Freedom lớn lên ở Thổ Nhĩ Kỳ và chuyển đến Hoa Kỳ khi còn là một thiếu niên. Gần đây, anh đã thành lập Quỹ Tự do Enes Kanter để giúp đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền trên toàn thế giới.

Khi nói về người dân Trung Quốc, anh bày tỏ: “Tôi thực sự cảm thấy tiếc cho người dân Trung Quốc, công dân Trung Quốc… họ phải đối phó với một những chế độ độc tài nhất trên thế giới.”

Anh lưu ý: “Tôi không có vấn đề với người dân Trung Quốc. Vấn đề của chúng ta là với chính phủ Trung Quốc bởi vì họ là mối đe dọa thực sự đối với thế giới.”

Anh Freedom kết luận: “Chúng ta phải làm bất cứ điều gì có thể để chống lại chế độ độc tài này.”

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Related posts