Mua chứng nhận VietGAP dễ như mua rau
Tiêu chuẩn VietGAP – “thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam” – sản phẩm an toàn – do Bộ NN&PTNT ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Để lấy chứng nhận này tưởng khó nhưng thực tế lại dễ như… mua rau.
Trong vai người có nhu cầu sở hữu chứng nhận VietGAP, PV Tuổi Trẻ tới văn phòng Công ty CP công nghệ và công bố chất lượng VietPAT (đường Nguyễn Sỹ Sách, quận Tân Bình, TP.HCM), trụ sở chính đặt tại Đà Nẵng.
Ngoài dịch vụ hỗ trợ khách hàng có chứng nhận VietGAP trồng trọt – thủy sản – chăn nuôi, doanh nghiệp này còn hỗ trợ để khách có chứng nhận hữu cơ, sản phẩm thân thiện môi trường, nhãn xanh…
Sau khi trao đổi một lúc, L. (nhân viên kinh doanh) cho biết chỉ cần nộp hồ sơ gồm giấy phép kinh doanh, số liệu về quy mô vườn rau củ và gửi tới văn phòng này mẫu đất, nước, cây rau củ để thử nghiệm là có thể được cấp giấy chứng nhận VietGAP. “Thủ tục đơn giản, giấy chứng nhận nhanh, không qua đào tạo”, L. nói. Khi nghe chúng tôi bày tỏ lo lắng về nguy cơ mẫu rau của vườn trồng không đạt tiêu chuẩn VietGAP, L. cho biết: “Bên em cố gắng hỗ trợ trong khả năng cho phép, điều chỉnh xê dịch một chút xíu”.
Nhận thấy vẫn chưa yên tâm, một người tên Tr. (trưởng phòng kinh doanh) tới trấn an và chỉ cách “lách luật”: “Những khách hàng mà bọn em làm trước, về đất với nước, mình lấy kiểm nghiệm hầu như kết quả không bao giờ rớt. Còn rau, tụi em hay bày họ vô trong siêu thị mua loại rau đã có trong đó, mình đi kiểm nghiệm, nó đạt”.
Khi nghe (PV) trình bày cần có giấy chứng nhận gấp để đưa rau vào bán trong siêu thị, nếu phải gửi mẫu (nước, đất, rau) tới công ty này để bộ phận kỹ thuật thử nghiệm sẽ tốn thêm thời gian, anh L. đồng ý sẽ tự lo khâu này.
Theo đó, chỉ cần chuyển phí tổng cộng 25 triệu đồng, gồm 20 triệu đồng giấy chứng nhận, 2 triệu đồng phí thử nghiệm đất, nước và 3 triệu đồng phí thử nghiệm hai mẫu rau củ. Như vậy chỉ cần gửi giấy phép kinh doanh và khai thông tin, còn lại kể cả mẫu để thử nghiệm công ty cũng lo cho.
Nhân viên tư vấn cũng cho biết khi được cấp giấy chứng nhận VietGap rồi cứ yên tâm đưa hàng vào bán trong siêu thị, vì siêu thị không kiểm lại, chỉ khi lô rau củ xuất đi nước ngoài mới bị kiểm lại. Giấy chứng nhận VietGAP có giá trị ba năm kể từ ngày cấp.
Theo quy định, mỗi năm sẽ có bộ phận xuống vườn kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, nếu phát hiện sai phạm nặng sẽ bị cắt giấy chứng nhận. Tuy nhiên, nhân viên L. trấn an rằng: “Thật sự họ không có xuống”, “không tới vườn”.
Theo đó, khoảng 2 – 3 ngày trước khi đến thời gian giám sát, cơ sở sẽ được công ty thông báo, sau đó “khai online” và nộp phí giám sát khoảng 6 triệu đồng. “Cái đầu khó như thế này mà mình cũng làm được thì cái đó (việc giám sát – PV) nó chỉ mang hình thức thôi”, L. nhấn mạnh.
Ngỏ ý cũng có nhiều người quen có nhu cầu làm giấy chứng nhận VietGAP, nhân viên của công ty này cho biết người giới thiệu sẽ được chiết khấu 5% trên giá trị hợp đồng cho lần đầu hợp tác, những lần sau áp dụng 7%, đồng thời cho biết mỗi tháng có tới cả trăm đơn vị đến làm giấy chứng nhận tại công ty này.
Tại một đơn vị khác là Công ty CP chứng nhận quản lý và chất lượng sản phẩm GreenCert (chi nhánh Yên Thế, quận Tân Bình), sau khi nghe chúng tôi trình bày nhu cầu cần có giấy chứng nhận VietGAP gấp, một người tên Th. – xưng là giám đốc chi nhánh cho biết sẽ hỗ trợ bằng cách “đánh giá online cho nhanh”.
Theo đó, chỉ cần gửi mẫu (đất, nước, rau của vườn) tới văn phòng này, chứ đơn vị không cử nhân viên đến vườn vì “mất thời gian xử lý”.
Dù khẳng định “mình đánh giá chứng nhận, nói thẳng không phải mua bán giấy” nhưng ông Th. cho biết sẽ được rút ngắn quy trình hồ sơ, đào tạo để được cấp chứng nhận VietGAP.
Sự việc một số chuỗi siêu thị, cửa hàng bị phanh phui thực phẩm giả danh VietGAP vừa qua đang gây xôn xao dư luận trong nước.
Tại cuộc họp báo ngày 22/9, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM – cho biết, sự việc một số chuỗi siêu thị, cửa hàng bị phanh phui thực phẩm giả danh VietGAP vừa qua là “hết sức nhạy cảm”.
Liên quan tới sự việc các hệ thống phân phối đã đồng loạt có động thái xin lỗi người tiêu dùng, rút hàng của nhà cung cấp Trình Nhi, HugoFarm, Đông A khi các đơn vị này đã “phù phép” rau, nấm ngoài chợ thành sản phẩm VietGAP bán tại siêu thị, cửa hàng, một DN cho hay sẽ phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ các hành vi đánh tráo, gian lận nhãn hiệu và hàng hóa của đối tác cung cấp.
Trao đổi với PV VietNamNet, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM – ông Trương Văn Ba cho biết, ngày 21/9 Cục này đã ký công văn khẩn gửi các đội QLTT trên địa bàn, yêu cầu các đội trực thuộc rà soát, phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nhà chức trách sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tập kết, phân loại, đóng gói, kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc hoặc gian lận về nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác – văn bản nêu rõ.
Hội An
Bình Dương: Nam thanh niên đập tủ kính ném vàng ra đường vì muốn đi tù
Nghi phạm trong vụ đập tủ kính ném vàng ra đường tại Bình Dương khai định tự sát nhưng sợ nên đi cướp tiệm vàng để bị bắt đi tù.
Ngày 22/9, Công an thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết đang tạm giữ anh Trần Ngọc Sơn (sinh năm 1994, quê Hà Tĩnh) để điều tra làm rõ vụ cướp tiệm vàng xảy ra trên địa bàn.
Vào khoảng 20h ngày 20/9, nghi phạm đi bộ đến trước tiệm vàng Kim Huyền, số 101 đường Nguyễn Trãi, phường Dĩ An, bất ngờ nhặt cục đá lao vào đập nhiều phát vào tủ kính đựng vàng rồi hốt vàng ném ra đường.
Khi chủ tiệm vàng tri hô, người này chạy ra ngoài, đứng trước cửa tiệm vàng chứ không bỏ chạy và bị những người dân xung quanh lao vào đánh, bắt giữ, rồi giao cho cơ quan công an.
Nhận được tin báo, Công an phường Dĩ An phối hợp với Đội điều tra Tổng hợp Công an TP. Dĩ An tới phong tỏa hiện trường, đưa nghi phạm về Công an phường Dĩ An làm việc.
Tại cơ quan công an, nghi phạm khai tối ngày 20/9 đã có ý định tự sát, nhưng sợ nên tiếp tục đi bộ, cho đến khi đi gần đến tiệm vàng Kim Huyền, chợt nảy sinh ý định vào cướp tiệm vàng để bị bắt đi tù. Sơn cũng cho biết anh ta sống bằng nghề buôn bán trái cây.
Chủ tiệm vàng Kim Huyền cho biết tài sản bị chiếm đoạt là 18 chiếc nhẫn vàng đã qua chế tác có giá trị khoảng 57 triệu đồng. Hiện tiệm vàng chỉ thu lại được 8 chiếc giá trị khoảng 25 triệu đồng, còn 10 chiếc chưa tìm được.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.
Thạch Lam
Việt Nam bác bỏ cáo buộc của quốc tế về vi phạm nhân quyền
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 22/9 đã lên tiếng bác bỏ những nội dung “sai sự thật, không khách quan với định kiến xấu” mà một số tổ chức nước ngoài đã đưa ra về tình hình Việt Nam.
“Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Điều này đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật khác có liên quan”, bà Hằng nói tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 22/9.
Bà Hằng cho biết Việt Nam luôn tích cực thể hiện tinh thần hợp tác với các thủ tục đặc biệt của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đồng thời cũng thường xuyên duy trì các cơ chế đối thoại nhân quyền song phương với một số nước, sẵn sàng cung cấp, trao đổi các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau…
“Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người trong thời gian vừa qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao”, bà Hằng khẳng định.
Trước đó, tại khóa họp thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneve, Thụy Sĩ hôm 12/9, nói về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, bà Nada Al-Nashif, Quyền Cao ủy Nhân quyền LHQ, cho rằng “ở Việt Nam, việc chính phủ ngày càng gia tăng những hạn chế đối với quyền công dân và các quyền tự do cơ bản, cũng như việc kết án người dân về các tội danh liên quan đến công tác nhân quyền và nỗ lực thúc đẩy một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững là điều đáng lo ngại”.
“Tôi kêu gọi chính phủ đảm bảo sự tham gia đa dạng và mạnh mẽ của xã hội dân sự, bao gồm cả những người bảo vệ nhân quyền, và trả tự do cho những người đã bị bắt giữ hoặc bị bỏ tù một cách tùy tiện vì các hoạt động nhân quyền”, bà nói, theo VOA.
Hôm 14/9, 52 khôi nguyên của Giải Môi trường Goldman đã gửi thư đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, thúc giục tổ chức này từ chối Việt Nam làm thành viên của Hội đồng trong nhiệm kỳ 2023 – 2025.
Các khôi nguyên đến từ 42 quốc gia trong thư gửi Hội đồng Nhân quyền lên án việc bỏ tù các nhà hoạt động môi trường ở Việt Nam trong năm nay với các báo buộc liên quan đến tội danh trốn thuế vốn đã bị quốc tế chỉ trích, theo RFA.
Thời gian qua, công an Việt Nam thực hiện khởi tố, bắt tạm giam nhiều trường hợp như ông Bùi Tuấn Lâm, ông Nguyễn Lân Thắng, bà Phạm Đoan Trang, ông Lê Dũng VOVA, ông Đỗ Nam Trung, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm… Họ bị cơ quan công quyền khép vào tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Minh Long
Giám đốc Ban quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên bị khiển trách vì để mất rừng
Hội đồng kỷ luật viên chức của UBND tỉnh Quảng Trị hôm 21/9 cho biết, đã kỷ luật khiển trách đối với ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.
Theo TTXVN, ông Hà Văn Hoan bị kỷ luật do để xảy ra tình trạng phá rừng trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn có tính chất đặc biệt nghiêm trọng vào cuối năm 2021, rừng tự nhiên do Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa quản lý bị chặt hạ trái phép. 115 cây bị chặt hạ, ước tính khối lượng gỗ quý hiếm hơn 100m3.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, vụ phá rừng xảy ra trong lâm phần quản lý của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Ngoài trách nhiệm chính, trực tiếp thuộc về viên chức bảo vệ rừng chuyên trách thuộc các Trạm bảo vệ rừng, ông Hà Văn Hoan với vai trò là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới…
Theo báo chí trong nước đưa tin, để phục vụ cho hoạt động điều tra, khởi tố vụ án, cơ quan chức năng phải bỏ ra khoản kinh phí gần 400 triệu đồng gồm chi phí giám định mẫu gỗ, chi phí khám nghiệm hiện trường và trưng cầu giám định.
Mỹ An
Nghệ An: Một chủ tịch huyện ‘lười’ tiếp dân
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Nghệ An, năm 2020-2021, Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên không tiếp dân đầy đủ.
Báo Dân Trí đưa tin, Thanh tra tỉnh Nghệ An vừa có kết luận về “Công tác điều hành, quản lý Ngân sách tại huyện Hưng Nguyên, trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại huyện Hưng Nguyên”.
Theo kết luận, năm 2020-2021, ông Lê Phạm Hùng, Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên chưa sắp xếp thời gian hợp lý để thực hiện đầy đủ số kỳ tiếp dân định kỳ theo quy định mà ủy quyền cho Phó Chủ tịch huyện (năm 2020 ủy quyền 2 kỳ, năm 2021 ủy quyền 6 kỳ).
Ngoài ra, kết luận thanh tra cũng nêu, việc xử lý đơn khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh của huyện Hưng Nguyên chưa thực sự chính xác, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình giải quyết không đúng quy trình, công dân không đồng ý với kết quả giải quyết và tiếp tục gửi đơn kéo dài.
Việc theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Ban tiếp công dân huyện và một số phòng, ban còn lúng túng, có lúc chưa phân định rõ ràng về nội dung đơn khiếu nại, tranh chấp đất đai, dẫn đến kết quả giải quyết ở một số đơn vị còn chậm theo quy định.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, UBND huyện Hưng Nguyên không xây dựng kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 là chưa chấp hành tốt Luật Phòng, chống tham nhũng; về chế độ thông tin báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng có lúc còn thực hiện chậm thời gian…
Liên quan đến việc tiếp dân, trước đó, theo thông tin báo chí, ngày 13/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ 2016 – 2021”.
Tại cuộc họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết có 4 tỉnh gồm Bắc Ninh, Đồng Nai, Kiên Giang, Nghệ An không có số liệu tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh.
Mỹ An
Buộc thôi việc Giám đốc Sở Y tế Hải Dương
Chiều 22/9, một lãnh đạo tỉnh Hải Dương xác nhận thông tin chủ tịch tỉnh Hải Dương quyết định buộc thôi việc Giám đốc Sở Y tế Phạm Mạnh Cường do có vi phạm, khuyết điểm trong công tác.
Theo VnExpres, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, tạm giam ông Thăng và ông Cường để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Hai ông bị cơ quan điều tra cáo buộc chỉ đạo làm trái trong đấu thầu để Công ty Việt Á thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn.
Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng và tiến hành rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các bị can để đảm bảo thu hồi.
Trước đó, Bộ Công an cho biết Công ty Việt Á đã thổi giá kit xét nghiệm COVID-19 lên thêm khoảng 45% và đưa hối lộ cho các “đối tác” 800 tỷ đồng.
Mỹ An
Ca sĩ Duy Mạnh: Khi cầm tiền của người khác để làm từ thiện thì phải có trách nhiệm
Mới đây, ca sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Duy Mạnh (sinh năm 1975) đã có những chia sẻ về quan điểm của mình về nhiều câu chuyện trong cuộc sống, trong có có vấn đề làm từ thiện của giới nghệ sĩ. Theo anh, việc làm từ thiện bằng cái tâm thì làm bằng tiền của mình, không làm thì thôi, còn khi cầm tiền của người khác để làm thì phải có trách nhiệm.
Ngoài việc nổi tiếng qua những bản “hit” đình đám như Kiếp đỏ đen, Hãy về đây bên anh… thì nhạc sĩ kiêm ca sĩ gốc Hải Phòng còn được biết đến với những phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội.
Trong buổi phỏng vấn với tờ SAOstar, ca sĩ này đã có những chia sẻ liên quan đến vấn đề từ thiện. Anh nói: “Làm từ thiện, họ [nghệ sĩ] bỏ tiền túi làm cũng được, cái đấy là chuyện của họ, nhưng khi lấy tiền của người khác làm thì làm với một trách nhiệm rất lớn. Nghệ sĩ rất hay lập lờ trong vấn đề làm từ thiện. Khi làm từ thiện mà cầm tiền của người khác, họ bảo tôi làm vì cái tâm, nói như vậy là hoàn toàn sai, làm vì cái tâm thì làm bằng tiền của mình, đấy mới là cái tâm, không làm thì thôi, còn khi cầm tiền của người khác để làm thì phải có trách nhiệm”.
Nam ca sĩ đưa ra ví dụ: “Có một đứa trẻ em con ông bác mình, giao cho mình trông hộ, thì cái trách nhiệm của mình phải trông đứa bé ấy cho đúng, phải giữ gìn sức khỏe cho nó, chứ mình để xảy ra cái gì thì bố mẹ nó sẽ kiện. Chứ không thể bảo là tôi trông vì cái tâm, nhưng nếu để xảy ra đứa bé làm sao thì mình vẫn bị xử lý hình sự pháp luật như thường”.
Ca sĩ Duy Mạnh tiếp tục chia sẻ: “Khi có một người giao tiền cho mình, mình cầm số tiền đó giữ cho người ta, thì bắt buộc mình phải bảo đảm sao cho giữ số tiền ấy cho người ta, mất mình phải đền, chứ đến lúc mất thì không thể nói là làm vì cái tâm chứ không có trách nhiệm gì được”.
Phan Anh
Bình Thuận quyết thu hồi dự án nuôi bò công nghệ cao ngàn tỷ đồng
Chủ tịch tỉnh Bình Thuận vừa có thông báo kiên quyết thu hồi, không chấp nhận xem xét lại dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao ở xã Sông Bình, huyện Bắc Bình.
Dự án trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình của Công ty Cổ phần sữa Thông Thuận (Công ty Thông Thuận) được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 4/2017, với diện tích 479ha (trong đó 368ha là đất do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận quản lý và 111ha là đất của các hộ dân canh tác sản xuất), kinh phí đầu tư trên 3.000 tỷ đồng.
Tham vọng của dự án là tạo ra sản phẩm thịt sạch, nước uống và sữa “ThongThuan Milk”.
Theo tiến độ thực hiện mà chủ đầu tư cam kết, quý II/2017, dự án sẽ thực hiện các thủ tục đầu tư. Từ tháng 6/2017 đến tháng 6/2019 sẽ khởi công xây dựng và đưa dự án đi vào hoạt động.
Thế nhưng, đến năm 2021, sau gần 5 năm được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án bò sữa công nghệ cao và nhà máy chế biến sữa lớn nhất khu vực vẫn “án binh bất động”.
Theo ghi nhận, dự án có mức đầu tư lên tới 3.000 tỷ đồng này giờ lâm cảnh hoang tàn, chỉ còn lại một khối chuồng trại ngổn ngang với hơn 200 con bò ốm đói trơ xương.
Ngày 21/10/2021, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn yêu cầu chấm dứt hoạt động của dự án này dù đã gia hạn cho chủ đầu tư nhiều lần.
Sau đó, công ty Thông Thuận kiến nghị xem xét cho tiếp tục thực hiện dự án trên phần diện tích đã thực hiện giải phóng mặt bằng.
Hồi tháng 6/2022, công ty Thông Thuận có công văn xin điều chỉnh quy mô dự án từ 479 ha xuống còn 368 ha; chăn nuôi 13.600 con bò xuống còn 3.000 con và giảm vốn đầu tư xuống còn 312 tỷ đồng. Lý do là chỉ thực hiện được trên phần diện tích đất (368 ha) nhận bàn giao từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận, phần còn lại (111 ha) không tự thỏa thuận được với các hộ dân.
Đồng thời, công ty này còn cho rằng khí hậu, thổ nhưỡng tại khu vực làm dự án không thuận lợi cho việc trồng cỏ, bắp nên không thể đủ thức ăn cho việc chăn nuôi hơn 23.600 con bò như quy mô ban đầu của dự án.
Tuy nhiên, qua đánh giá, Sở KH&ĐT xét thấy các đề nghị điều chỉnh của công ty là không phù hợp. Đồng thời, công ty đề nghị điều chỉnh dự án nhưng không chứng minh được tính khả thi của dự án cũng như năng lực thực hiện tại thời điểm hiện nay.
Lý do, công ty vẫn còn 2 dự án khác tại xã, gồm dự án trồng cỏ nuôi bò nhưng cũng chăn nuôi kém hiệu quả và dự án Nhà máy chế biến sữa từ năm 2017 đến nay cũng chỉ mới xây dựng cổng, tường rào rồi ngừng thi công, chưa biết khi nào mới đưa vào hoạt động.
Từ đánh giá và kiến nghị của Sở KH&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong vừa ký công văn số 3024 yêu cầu “không xem xét lại” quyết định thu hồi dự án.
Minh Long