Kyrgyzstan và Uzbekistan dọa bỏ tù công dân tham gia cùng Nga chiến đấu ở Ukraine
Các nước láng giềng của Nga là Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan đều đã đe dọa công dân của họ sẽ bị bỏ tù nếu họ tham gia cuộc chiến Ukraine, vài giờ sau khi Moscow tuyên bố mở trung tâm tuyển quân cho các chiến binh nước ngoài.
Đại sứ quán Kyrgyzstan tại Nga đã cảnh báo trong một tuyên bố hôm thứ Tư rằng công dân của họ hiện đang sinh sống tại Nga sẽ phải đối mặt với án hình sự nếu tham gia chiến đấu ở Ukraine và có thể bị trừng phạt 10 năm tù giam.
“Việc công dân của Cộng hòa Kyrgyzstan tham gia vào các hoạt động thù địch trên lãnh thổ của các quốc gia nước ngoài có thể bị phạt tù tới 10 năm cùng với việc tịch thu tài sản”, thông báo từ Đại sứ quán cho biết.
Đại sứ quán Uzbekistan tại Nga cũng cảnh báo công dân nước này không được thành lập các tiểu đoàn tình nguyện hoặc tham gia chiến tranh, đồng thời nói rằng những người làm như vậy có thể phải đối mặt với án tù 10 năm.
Hôm thứ Tư, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi 300.000 quân dự bị chiến đấu tại Ukraine trong đợt tổng động viên một phần đầu tiên của đất nước kể từ Thế chiến thứ hai. Trong bài phát biểu, ông Putin nói rằng những người dự bị và cựu quân nhân có “một số chuyên môn quân sự nhất định và kinh nghiệm liên quan” sẽ là các đối tượng được tuyển.
Các chính trị gia ở Nga đã thông qua một đạo luật hôm thứ Ba mà theo đó, những công dân và người mang hai quốc tịch đào ngũ trong thời chiến có thể phải đối mặt với án tù 10 năm.
Theo nhóm giám sát biểu tình độc lập OVD-Info, thông báo này đã làm dấy lên hàng chục cuộc biểu tình ở các thành phố của Nga, dẫn đến hơn 1.300 vụ bắt giữ vì phản đối chiến tranh. Tổ chức này cho biết hơn 1.311 người đã bị giam giữ tại 38 thành phố của Nga vào tối thứ Tư, bao gồm ít nhất 502 người ở Moscow và 524 người ở St Petersburg, thành phố đông dân thứ hai của Nga.
Đây là các cuộc biểu tình phản chiến có quy mô toàn quốc đầu tiên kể từ khi giao tranh ở Ukraine bắt đầu vào cuối tháng Hai. Văn phòng công tố Moscow đã cảnh báo rằng việc tổ chức hoặc tham gia các cuộc biểu tình có thể dẫn đến án tù 15 năm.
Sau khi TT Putin tuyên bố huy động viên một phần, các đoạn phim trên mạng xã hội xuất hiện cho thấy hàng nghìn người Nga tại biên giới Phần Lan đang cố gắng chạy trốn khỏi đất nước.
Các chuyến bay từ Nga đến Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ và Gruzia đã bán hết veo trong vòng vài phút sau khi ông Putin đưa ra thông báo, tờ báo mạng Lenta của Nga đưa tin.
“Tất cả vé cho các chuyến bay thẳng đến Istanbul và Yerevan đã được bán hết trong vài phút sau bài phát biểu của Putin”, ấn phẩm viết trên Twitter, chia sẻ ảnh chụp màn hình của các trang cho thấy không còn vé máy bay nào.
Lê Vy (theo Newsweek)
Thái Lan hủy thị thực của hoa hậu Han Lay sau phát biểu chỉ trích quân đội Myanmar
Hoa hậu Han Lay, người từng có bài phát biểu chỉ trích quân đội Myanmar hồi năm 2021, đã bị Thái Lan hủy thị thực nhập cảnh khi cô làm thủ tục ở sân bay Bangkok, theo hãng tin Reuters.
Theo Cục Di trú Thái Lan, hoa hậu Han Lay (từng giành Á hậu 1 Miss Universe Myanmar 2020) không bị bắt. Giới chức trách đã sắp xếp một chuyến bay để đưa cô rời khỏi Thái Lan.
Được biết, Han Lay còn tham gia cuộc thi Hoa hậu hòa bình quốc tế 2021 tổ chức ở Thái Lan. Trên sân khấu cuộc thi, cô đã khóc và kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp người dân Myanmar khi bị quân đội nước này tiến hành đàn áp.
Nawit Itsaragrisil, người đại diện của Han Lay, cho biết rằng cô đã ở trong khu vực quá cảnh tại sân bay Bangkok từ ngày 21/9. Theo Nawit, nguyên nhân Han Lay bị cấm nhập cảnh vào Thái Lan do cô là đối tượng trong một thông báo của Interpol (Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế).
“Han Lay không muốn đi đâu hết, cô ấy chỉ muốn sống ở Thái Lan. Chúng tôi đang chờ một giải pháp để cô ấy có thể ở lại nước này”, Nawit nói.
Ở một diễn biến khác, chính quyền quân đội của Myanmar hôm 20/9 vừa qua đã cảnh báo công chúng không nên thể hiện sự ủng hộ về mặt tinh thần đối với phong trào phản kháng được họ gọi là “khủng bố”, đe dọa phạt tù lên đến 10 năm nếu người dân thích hoặc chia sẻ những nội dung đối lập trên mạng xã hội.
Myanmar đã chìm trong khủng hoảng và bạo lực kể từ khi quân đội nắm chính quyền vào đầu năm ngoái, với các cuộc đụng độ trên nhiều mặt trận giữa các lực lượng quân đội và dân quân liên minh – bao gồm một chính phủ bóng tối và các nhóm ủng hộ dân chủ.
Bộ trưởng Thông tin và người phát ngôn của quân đội Zaw Min Tin cho biết “những kẻ khủng bố” đang tìm kiếm nguồn tiền để giết những người vô tội trong chiến dịch gây bất ổn đất nước của chúng, vì vậy việc hỗ trợ cho chúng sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Ông cho biết sự tán thành trên mạng xã hội đối với Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) hoặc các chi nhánh vũ trang của nó, như Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF), có thể dẫn đến án tù từ 3 đến 10 năm và sẽ còn nặng hơn nữa đối với những người cung cấp hỗ trợ tài chính cho họ, thậm chí chỉ là số nhỏ.
Phan Anh
Các nước đồng minh của Nga tỏ vẻ mất kiên nhẫn với ông Putin
Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc đồng thanh phản ứng trước kế hoạch trưng cầu dân ý ở các khu vực của Ukraine bị Nga chiếm đóng.
Có dấu hiệu cho thấy một số quốc gia từng đồng thuận với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine nhưng nay đang mất đi sự kiên nhẫn. Mới đây Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc cùng phản ứng trước thông báo rằng bốn khu vực Ukraine bị Nga chiếm đóng đang lên kế hoạch trưng cầu dân ý về việc gia nhập Liên bang Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là trung tâm hòa giải giữa phương Tây và Nga, đã đưa ra lời chỉ trích gay gắt. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng họ lo ngại về động thái đơn phương này của Nga.
“Hành vi phạm tội bất hợp pháp như vậy sẽ không được cộng đồng quốc tế công nhận. Ngược lại, chúng sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực nhằm phục hồi tiến trình ngoại giao và khiến tình hình thêm bất ổn”, tuyên bố viết.
“Chúng tôi tiếp tục ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập và chủ quyền của Ukraine, điều mà chúng tôi đã nhấn mạnh kể từ khi Crimea sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014 và nhắc lại sự sẵn sàng mở rộng mọi hỗ trợ cần thiết để giải quyết cuộc chiến đang diễn ra… thông qua các cuộc đàm phán hòa bình”.
Tại một cuộc họp ở New York, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdoğan, cho biết ông luôn ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Thậm chí Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn cho rằng ông Putin đang có xu hướng nhượng bộ trong cuộc chiến.
Tổng thống Erdogan nói với hãng tin PBS về cuộc gặp gần đây với ông Putin: “Putin thực sự cho thấy ông ấy sẵn sàng kết thúc điều này càng sớm càng tốt. Đó là ấn tượng của tôi vì mọi thứ đang diễn ra khá có vấn đề”.
Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, cũng nói thẳng với ông Putin rằng đây không phải là thời điểm cho chiến tranh, theo hãng tin Reuters.
Ấn Độ từng thể hiện thái độ trung lập về cuộc chiến Nga – Ukraine, nhưng gần đây họ có những động thái khác. Ấn Độ đã liên tục đề cập đến việc tôn trọng hiến chương LHQ, lên án tội ác chiến tranh ở Bucha và bỏ phiếu cho tổng thống Ukraine được phép phát biểu trước hội đồng bảo an LHQ.
Động thái của Trung Quốc khó nhận biết hơn vì Bắc Kinh thường có những tuyên bố không rõ ràng hoặc có những diễn giải trái ngược nhau. Có thể họ vẫn nghĩ rằng liên minh với Nga là cần thiết để đối phó với Mỹ. Nhưng những tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tuần này hầu như không tán thành canh bạc của Putin.
Ngay sau khi Nga phát lệnh huy động lực lượng dự bị cho cuộc chiến, Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan đến xung đột ở Ukraine đàm phán ngừng bắn và tìm kiếm giải pháp hòa bình.
“Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan đạt được thỏa thuận ngừng bắn và chấm dứt xung đột thông qua đàm phán và đối thoại, cũng như tìm kiếm một giải pháp để xét đến quan ngại an ninh của mỗi bên sớm nhất có thể. Chúng tôi cũng hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ tạo điều kiện và cơ hội cho điều này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phát biểu tại cuộc họp báo ngày 21/9.
Thậm chí sau cuộc họp cấp cao Nga-Trung hôm 15/9, Tổng thống Putin đã thừa nhận rằng Trung Quốc có “nghi vấn và lo ngại” về cuộc chiến tranh ở Ukraine, theo Business Insider.
Tổng thống Hoa Kỳ và Philippines thảo luận về căng thẳng ở Biển Đông
Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại New York hôm 22/5, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trước những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng tại đây.
Hai vị tổng thống đã có cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. “Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông và nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với tự do hàng hải và hàng không cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp,” Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố sau cuộc hội đàm.
Ngay khi bắt đầu cuộc nói chuyện, ông Biden bày tỏ rằng ông muốn nói về Biển Đông, COVID-19 và năng lượng tái tạo. Ông cũng cảm ơn Tổng thống Marcos vì đã phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Hoa Kỳ đã cáo buộc Trung Quốc gia tăng “các hành động khiêu khích” nhằm vào các bên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và các quốc gia khác đang hoạt động ở đó.
Trong khi đó, ông Marcos cũng nhận định: “Vai trò của Hoa Kỳ trong việc duy trì hòa bình ở khu vực của chúng ta là điều được tất cả các nước trong khu vực và đặc biệt là Philippines đánh giá cao.”
Philippines là đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ và còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong trường hợp Hoa Kỳ bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự trước cuộc tấn công của Trung Quốc, dựa trên vị trí địa lý của nước này.
Hoa Kỳ mong muốn có khả năng tiếp cận nhiều hơn tới các căn cứ ở Philippines do cần phải chuẩn bị cho tình huống bất ngờ đó.
Nhà Trắng cũng cho hay: “Hai nhà lãnh đạo đã phản ánh về tầm quan trọng của liên minh Hoa Kỳ-Philippines. Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết chắc chắn của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ Philippines.”
Đại sứ của Manila tại Hoa Kỳ (cũng là một người họ hàng của Tổng thống Marcos) nói với tờ Nikkei của Nhật Bản trong tháng này rằng, Philippines sẽ cho phép lực lượng Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ quân sự của mình trong trường hợp xảy ra xung đột Đài Loan “nếu điều đó là quan trọng đối với chúng tôi, đối với an ninh của chính chúng tôi.”
Nhật Minh (Theo Reuters)
Ukraina bắn hạ một lúc 4 máy bay không người lái của Nga do Iran sản xuất
Vào tối ngày 22 tháng 9 theo giờ địa phương, Lực lượng vũ trang Ukraine đã bắn hạ cùng lúc 4 máy bay không người lái Shahed-136 kamikaze do Iran sản xuất tại khu vực Mykolaiv, theo Lực lượng Không quân Ukraine.
Các binh sĩ của lữ đoàn tên lửa phòng không Odessa đã bắn hạ các máy bay không người lái bằng hai tên lửa dẫn đường phòng không tầm trung.
Trước đó, tờ Washington Post dẫn nguồn từ các quan chức Mỹ giấu tên viết rằng vào giữa tháng 8, Nga đã nhận được lô máy bay không người lái tấn công đầu tiên từ Iran để sử dụng trong các cuộc chiến ở Ukraine.
Tờ báo lưu ý rằng việc cung cấp máy bay không người lái Mohajer-6 và Shahed cho Matxcova được coi là phần đầu tiên của kế hoạch chuyển giao hàng trăm máy bay không người lái các loại của Iran.
Washington Post viết: “Sự xuất hiện của máy bay không người lái Iran có thể giúp lấp đầy khoảng trống quan trọng trong cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine”.
Do đó, người phát ngôn Tòa Bạch Ốc, Karin Jean-Pierre, xác nhận rằng, theo Mỹ, Nga đã nhận được máy bay không người lái chiến đấu từ Iran. Sau đó, Kyiv đã xác nhận rằng người Nga đã sử dụng máy bay không người lái của Iran trong cuộc chiến chống Ukraine.
Từ ngày 30/9, du khách không bắt buộc tiêm vắc-xin COVID-19 khi nhập cảnh Canada
Mới đây, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã ký ban hành quy định bãi bỏ yêu cầu tiêm vắc-xin COVID-19 với những du khách nhập cảnh vào nước này từ ngày 30/9, theo tờ AP đưa tin hôm 22/9 vừa qua.
Tương tự như Mỹ, tính đến thời điểm hiện tại, Canada yêu cầu những công dân nước ngoài phải tiêm vắc-xin COVID-19 trước khi nhập cảnh vào đất nước này.
Những du khách nước ngoài chưa thực hiện việc tiêm chủng sẽ được phép nhập cảnh vào Canada nhưng phải tiến hành xét nghiệm COVID-19 bắt buộc khi đến và cách ly trong thời gian là 14 ngày.
Theo hãng tin AP, Thủ tướng Justin Trudeau đã chấp thuận rằng yêu cầu bắt buộc phải tiêm vắc-xin COVID-19 sẽ được gỡ bỏ vào ngày 30/9 tới đây.
Bên cạnh đó, chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau vẫn đang quyết định xem liệu có tiếp tục quy định yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang trên tàu hỏa và máy bay hay không.
Trước đó, chính phủ Canada từng quy định rằng hành khách đã tiêm chủng đầy đủ sẽ không còn phải cung cấp kế hoạch cách ly khi nhập cảnh và trẻ em từ 5-11 tuổi chưa tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đầy đủ, đi cùng với cha mẹ hoặc người giám hộ đã tiêm chủng đầy đủ, sẽ không còn phải làm xét nghiệm COVID-19 để được nhập cảnh vào nước này. Ngoài ra, chính phủ Canada sẽ không còn yêu cầu những khách du lịch đã tiêm phòng đầy đủ phải đeo khẩu trang trong không gian công cộng trong 14 ngày sau khi đến, đồng thời cũng không phải cung cấp danh sách những người tiếp xúc gần và những địa điểm đã đến.
Phan Anh
Hoa Kỳ hỗ trợ nhân đạo hơn 170 triệu USD cho người Hồi giáo Rohingya
Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken cho hay, ngày 22/9 Hoa Kỳ đã công bố hơn hỗ trợ nhân đạo bổ sung thêm 170 triệu USD cho người Hồi giáo Rohingya của Myanmar, bao gồm cả những người bên ngoài nước này, chẳng hạn như ở Bangladesh.
Ông Blinken nêu rõ trong một tuyên bố: “Với khoản tài trợ mới này, tổng số hỗ trợ của chúng tôi nhằm đối phó với Khủng hoảng Người tị nạn Rohingya đã đạt gần 1,9 tỷ USD kể từ tháng 8/2017, khi hơn 740.000 người Rohingya buộc phải chạy trốn đến nơi an toàn ở Cox’s Bazar, Bangladesh.”
Khoản hỗ trợ được đưa ra khoảng một tháng sau khi cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết, nguồn tài trợ để giúp đỡ những người tị nạn Rohingya ở Bangladesh đang ở trong tình trạng không đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Hơn 1 triệu người Rohingya đang phải sống trong các khu trại tồi tàn ở miền Nam Bangladesh, với rất ít triển vọng quay trở lại Myanmar, nơi họ hầu như bị từ chối quyền công dân và các quyền khác.
Ông Blinken lưu ý, gói hỗ trợ nhân đạo mới của Hoa Kỳ bao gồm hơn 93 triệu USD thông qua Bộ Ngoại giao và hơn 77 triệu USD thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ. Trong số đó, khoảng 138 triệu USD đã được phân bổ đặc biệt cho các chương trình ở Bangladesh.
Ông nói thêm, Hoa Kỳ đang làm việc với chính phủ Bangladesh và với những người Hồi giáo Rohingya để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Đại đa số người Hồi giáo Rohingya đã chạy trốn khỏi Mynamar đến nước láng giềng Bangladesh trong một cuộc đàn áp quân sự vào năm 2017 mà Liên Hợp Quốc cho rằng được thực hiện với ý định diệt chủng.
Trong tuyên bố của mình hôm 22/9, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh, nhiều người tị nạn Rohinya chính là “những nạn nhân sống sót sau một chiến dịch diệt chủng, tội ác chống lại loài người và thanh lọc sắc tộc”.
Myanmar vẫn luôn phủ nhận hành vi diệt chủng, nói rằng họ đang tiến hành một chiến dịch hợp pháp chống lại những kẻ nổi dậy tấn công các đồn cảnh sát. Myanmar hiện cũng đang phải đối mặt với cáo buộc diệt chủng tại Tòa án Công lý Quốc tế ở La Hay vì vấn đề bạo lực.
Minh Ngọc (Theo Reuters)