Chỉ trong hai ngày 21 và 22 tháng 9, Trung Quốc đã kết án nặng 5 thành viên thuộc băng đảng chính trị Tôn Lực Quân. Phân tích chỉ ra rằng, ông Tập Cận Bình đang đẩy mạnh thanh trừng phe Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng, nhằm tăng tốc độ làm chủ hệ thống công an và tư pháp.
Hiện tại, “băng đảng chính trị Tôn Lực Quân” – thế lực được cho là chống phá ông Tập – có 7 thành viên bị công khai danh tính. Họ đều là các quan chức cấp cao trong hệ thống công an và tư pháp, bao gồm:
- Tôn Lực Quân – cựu Thứ trưởng Bộ Công an;
- Lưu Ngạn Bình – cựu Thứ trưởng Bộ Công an, cựu Bí thư Ủy ban Kỷ luật thuộc Bộ An ninh Quốc gia;
- Phó Chính Hoa – cựu Thứ trưởng Bộ Công an, cựu Bộ trưởng Tư Pháp;
- Vương Lập Khoa – cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Giang Tô;
- Cung Đạo An – cựu Phó thị trưởng, cựu Giám đốc Công an Thượng Hải;
- Đặng Khôi Lâm – cựu Phó thị trưởng, cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh;
- Lưu Tân Vân – cựu Phó tỉnh trưởng, cựu Giám đốc Công an tỉnh Sơn Tây.
Từ trái sang phải: hàng trên là các ông Tôn Lực Quân, Lưu Ngạn Bình, Phó Chính Hoa, Vương Lập Khoa; hàng dưới là các ông Cung Đạo An, Đặng Khôi Lâm, Lưu Tân Vân. (Ảnh tổng hợp)
Cả 7 người này đều đã bị khai trừ đảng và cách mọi chức vụ, chỉ còn Tôn Lực Quân và Lưu Ngạn Bình chưa bị kết án. Tôn Lực Quân bị xét xử vào tháng 7/2022, còn Lưu Ngạn Bình bị bắt vào ngày 9/9/2022.
Hôm 22/9, Phó Chính Hoa và Vương Lập Khoa cùng bị kết án tử hình treo với tội danh chính là nhận hối lộ. Cả hai đều được hưởng án treo 2 năm và bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân. Sau 2 năm này sẽ được giảm xuống mức án tù chung thân, không được tiếp tục giảm án hay tạm tha.
Tòa án cho biết, theo điều tra, từ năm 2005-2021, Phó Chính Hoa đã thu nhận phi pháp số tài sản hơn 117 triệu nhân dân tệ (hơn 390 tỷ VNĐ); từ năm 1993-2020, Vương Lập Khoa đã nhận hối lộ hơn 440 triệu nhân dân tệ (hơn 1.467 tỷ VNĐ). Không chỉ vậy, Vương Lập Khoa còn hối lộ Tôn Lực Quân hơn 97,31 triệu nhân dân tệ (hơn 320 tỷ VNĐ) nhằm trục lợi bất chính.
Một ngày trước đó, ngày 21/9, Cung Đạo An, Đặng Khôi Lâm và Lưu Tân Vân lần lượt bị kết án tù chung thân, 15 năm tù và 14 năm tù.
Hãng thông tấn Trung ương (CNA) ngày 22/9 đưa tin rằng, việc kết án nặng 5 quan chức trên trước thềm Đại hội 20 cho thấy, có thể chế độ Bắc Kinh đang muốn chấn nhiếp hệ thống chính trị pháp luật và thậm chí là toàn đảng từ trên xuống dưới, đây là động thái hiếm thấy trong hơn 40 năm sau khi kết thúc Cách mạng Văn hóa.
Ngoài ra, theo điều tra của “Tổ chức quốc tế điều tra về cuộc đàn áp Pháp Luân Công” ở nước ngoài, cả 7 người trên đều tham gia tích cực vào cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công do Giang Trạch Dân đứng đầu.
Truyền thông ĐCSTQ: Trong việc chống tham nhũng, không ai có kim bài miễn tội
Tạp chí Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật Trung Quốc là cơ quan ngôn luận của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc.
Bài báo “Chống tham nhũng là cách mạng tự thân triệt để nhất” đăng trên số mới nhất của tạp chí này có đề cập rằng, kể từ sau Đại hội 18 tính đến cuối tháng 4/2022, các cơ quan kiểm tra và giám sát kỷ luật trên toàn quốc đã lập án, thẩm tra và điều tra tổng cộng 4,388 triệu vụ và 4,709 triệu người.
Theo bài báo, chỉ trong nửa đầu năm 2022, các cơ quan hữu trách trên toàn Trung Quốc đã xử lý 739.000 đầu mối, lập án 322.000 vụ và xử phạt 273.000 người. Trong đó có 21 cán bộ cấp tỉnh và cấp bộ, 1.237 cán bộ cấp sở, cục và 10.000 cán bộ cấp quận, huyện.
Thậm chí, bài báo còn nêu đích danh 6 con “hổ lớn” đã ngã ngựa là Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Tôn Chính Tài và Lệnh Kế Hoạch, đồng thời nhấn mạnh rằng:
“Không ai có kim bài miễn tội, không ai là Thiết mạo tử vương (ý chỉ tước vị được giữ nguyên khi truyền lại cho con), bất kể là khu vực hoặc lĩnh vực nào, bất kể là còn tại chức hay đã nghỉ hưu, cần khai đao sẽ khai đao, cần thanh trừ sẽ thanh trừ”.
Về vấn đề này, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản ngày 18/9 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm kiểm soát hoàn toàn hệ thống công an và tư pháp, bởi vì cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân vẫn có một số ảnh hưởng nhất định.
Truyền thông Nhật chỉ ra rằng, sở dĩ ông Tập vội vàng kiểm soát hai hệ thống này là vì trước khi ông lên nắm quyền vào năm 2012, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương khi đó là Chu Vĩnh Khang, người thân cận với Giang Trạch Dân, từng mưu đồ nhằm cản trở ông kế thừa quyền lực. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, ông Tập sẽ cố gắng hết sức kiểm soát công an và các hệ thống khác để nắm được hành động của các nhân vật quan trọng. Phó Chính Hoa từng bị nghi ngờ vì mang súng bên người.
Hiện tại, công an và tư pháp dường như đóng vai trò rất quan trọng trong việc ông Tập tái đắc cử tại Đại hội 20. Ông cũng có thể bổ nhiệm một quan chức cấp cao thân cận vào vị trí Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương để bản thân có thể nắm giữ nhiều thực quyền hơn.
Đông Phương