TGĐ Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn bị cáo buộc ‘rút ruột’ quỹ khen thưởng
Ông Chu Tiến Dũng – nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) cùng Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), Phó tổng giám đốc… bị cáo buộc đã chi trái luật 17,3 tỷ đồng từ quỹ khen thưởng, liên tiếp thoái vốn đầu tư gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Ngày 23/9, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra vụ sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn.
Cơ quan điều tra chuyển toàn bộ hồ sơ và đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố hàng loạt lãnh đạo của công ty này gồm: ông Nguyễn Hoành Hoa – nguyên Chủ tịch HĐTV; ông Chu Tiến Dũng – nguyên Tổng giám đốc, ông Nguyễn Hoàng Anh – Chánh văn phòng, Phó tổng giám đốc, Chủ tịch HĐTV; cùng 7 đồng phạm về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo kết luận điều tra, ngày 15/1/2019, Cục An ninh kinh tế Bộ Công an tiếp nhận đơn tố cáo đề ngày 21/9/2018 của tập thể cán bộ, công nhân viên Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn tố cáo ông Dũng có một số hành vi vi phạm pháp luật.
Nội dung tố cáo ông Dũng gồm 6 vấn đề: Rút tiền từ quỹ khen thưởng người lao động 21,8 tỷ đồng; Chỉ đạo thoái vốn của CNS tại Sagel và TIE, gây thiệt hại tài sản Nhà nước 1,7 tỷ đồng; Thông qua việc góp vốn hợp tác đầu tư kinh doanh ngoài ngành với Công ty TNHH TM-DV Hoa Mai bằng quyền sử dụng đất được định giá thấp hơn so với giá trị thị trường, gây thiệt hại 1.461,6 tỷ đồng;
Rút tiền của công ty thông qua thanh toán bằng thẻ tín dụng, số tiền 1,2 tỷ đồng; Sử dụng tiền của công ty để chi cho mục đích cá nhân được hợp thức dưới danh nghĩa đi công tác nước ngoài với số tiền 1 tỷ đồng; Rút tiền 3,6 tỷ đồng thông qua việc yêu cầu CNS mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động trái quy định Nhà nước để nhận tiền “chăm sóc khách hàng” từ công ty bảo hiểm.
Theo kết quả điều tra vụ án, CNS là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM. Theo luật, việc quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng tại doanh nghiệp phải ban hành quy chế phù hợp với quy định. Tổng Giám đốc quyết định mức chi thưởng cho cá nhân phải theo đúng mục đích.
Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an xác định từ ngày 20/1/2015 đến ngày 4/12/2015, CNS đã chi 4,3 tỷ đồng tiền thưởng cho cá nhân, đơn vị ngoài CNS từ quỹ khen thưởng của tổng công ty, không có đầy đủ chứng từ chứng minh việc chi thưởng. Nhưng việc này không trái với quy định tại Nghị định số 71/2013 của Chính phủ .
Từ ngày 27/4/2016 đến ngày 29/6/2018, CNS tiếp tục chi tổng cộng 17,3 tỷ đồng từ quỹ khen thưởng của CNS cho cá nhân, đơn vị ngoài CNS, trái Nghị định số 91/2015 của Chính phủ (thay thế Nghị định số 71/2013).
Ông Dũng với vai trò là Tổng giám đốc, thành viên HĐTV đã trực tiếp duyệt chi số tiền khen thưởng trên theo 106 tờ trình đề xuất của các phòng, ban (tất cả đề xuất không có danh sách cá nhân được khen thưởng, ký nhận, không nêu rõ thành tích để được khen thưởng). Cơ quan điều tra xác định ông Dũng “có vai trò chủ mưu, cầm đầu” trong việc duyệt ký các tờ trình và phiếu chi để chi tiền từ quỹ khen thưởng của CNS, gây thất thoát số tiền này.
Ngoài ra, ông Dũng còn bị cáo buộc có vai trò đồng phạm trong 2 lần thoái vốn đầu tư của CNS tại TIE (công ty con của CNS) gây thiệt hại 4,6 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2015, ông Dũng được báo cáo về việc TIE có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là hơn 12 tỷ đồng (70% vốn). Nhưng ông Dũng vẫn ký tờ trình đề xuất HĐTV công ty chấp thuận phương án thoái vốn tại TIE mà không đề xuất việc điều chỉnh phương án, lộ trình thoái vốn để bảo vệ lợi ích của CNS.
Tháng 2/2016, trên cơ sở tờ trình của ông Dũng ký, ông Nguyễn Hoành Hoa – Chủ tịch HĐTV CNS quyết định chấp thuận phương án thoái vốn của CNS tại TIE và giao ông Dũng thực hiện mà không triệu tập, tổ chức họp HĐTV hoặc lấy phiếu ý kiến của các thành viên theo quy định của pháp luật và Điều lệ tổng công ty.
Một tháng sau, từ ủy quyền của ông Dũng, người đại diện vốn của CNS bán gần 5 triệu cổ phiếu TIE để thoái vốn (tương đương 50% vốn điều lệ TIE). Việc này dẫn đến CNS đã mất quyền nhận cổ tức năm 2015, tương ứng hơn 3,3 tỷ đồng.
Sáu tháng sau, tháng 8/2016, ông Dũng tiếp tục ký tờ trình đề xuất HĐTV CNS chấp thuận phương án thoái vốn lần hai của CNS tại TIE, bán gần 2 triệu cổ phiếu TIE để thoái phần vốn góp còn lại. Việc này khiến CNS thiệt hại tiếp 1,3 tỷ đồng do không được nhận cổ tức năm 2015.
Cơ quan điều tra cho rằng trong việc thoái vốn tại TIE, ông Hoa “có vai trò chủ mưu”.
Theo kết luận điều tra của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an, đây là vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, trong đó bị can là người giữ vị trí cao trong doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được Nhà nước trả lương nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thất thoát tài sản với giá trị đặc biệt lớn.
Khánh Vy
Làm ‘dịch vụ nhanh’ thẻ luồng xanh, một cán bộ Tổng cục Đường bộ bị tuyên 2 năm tù
Trục lợi từ việc cấp “thẻ luồng xanh” trong dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), một nguyên cán bộ Vụ Vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam bị tuyên án 2 năm tù.
TAND TP. Hà Nội vừa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Hoàng Thị Thanh Nga (SN 1976, trú phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) – nguyên cán bộ Vụ Vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam – 2 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đồng phạm với bà Nga, bị cáo Nguyễn Đức Nam (SN 1979) – Giám đốc HTX Vận tải hàng hóa và hành khách Nam Cường GT bị tuyên 20 tháng tù và bị cáo Nguyễn Văn Tú (SN 1993, ngụ xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội) 18 tháng tù vì tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Theo nội dung cáo trạng, thời điểm tháng 7/2021, “luồng xanh” vận tải là tuyến đường lưu thông giữa các khu vực đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với các khu vực khác.
Do số lượng hồ sơ gửi Sở GTVT Hà Nội xin cấp thẻ luồng xanh quá lớn nên Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tăng cường thêm 8 cán bộ của Vụ Vận tải hỗ trợ sở này xét duyệt hồ sơ để cấp thẻ luồng xanh, trong đó có bà Nga.
Bà Nga được cấp 1 tài khoản để xét duyệt cấp thẻ luồng xanh trên trang web của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Lợi dụng vị trí được giao, bà Nga nói với ông Nam và anh Tú việc mình có thẩm quyền duyệt cấp thẻ luồng xanh nhanh để hai người này gom các xe có nhu cầu nhằm hưởng lợi bất chính.
Do quen biết nhiều chủ xe, ông Nam thống nhất với bà Nga sẽ duyệt nhanh những hồ sơ do ông này gửi qua trong khoảng từ 1-3 tiếng với giá 100.000 đồng/xe. Anh Tú cũng tìm bà Nga nhờ duyệt cấp thẻ cho xe đi vào Hà Giang, gom hồ sơ của nhiều cá nhân, đơn vị để bà Nga cấp nhanh thẻ luồng xanh với giá 200.000 đồng/xe.
(Thời gian để Sở GTVT phê duyệt, cấp thẻ luồng xanh là trong 24 giờ kể từ khi doanh nghiệp gửi hồ sơ, theo thông tin từ ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Thực tế, nhiều doanh nghiệp, đơn vị vận tải phản ánh thời gian để làm các thủ tục đăng ký xin cấp mã nhận diện, chờ cấp thẻ kéo dài nhiều ngày.)
Nội dung cáo trạng cho hay ông Nam đã chuyển thông tin của 1.252 xe và hơn 125 triệu đồng cho bà Nga để cấp thẻ luồng xanh nhanh (nhiều xe xin cấp lại lần 2, lần 3). Anh Tú đã chuyển thông tin của 244 xe và hơn 97 triệu đồng cho bà Nga để cấp thẻ luồng xanh.
Tổng cộng, bà Nga đã lợi dụng nhiệm vụ, sử dụng trái phép tài khoản được giao, duyệt cấp thẻ luồng xanh cho 1.741 hồ sơ xe ô tô, hưởng lợi hơn 222 triệu đồng.
Bảo Khánh
Kiên Giang tiếp nhận 226 công dân Việt Nam từ Campuchia về nước
Trong 226 công dân về Việt Nam có 50 công dân nữ; 36 công dân có hộ chiếu; phần lớn có giấy tờ tùy thân hoặc bản sao, hình ảnh giấy tùy thân.
Chiều 23/9, tại cột mốc 313, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tổ chức tiếp nhận 226 công dân Việt Nam từ lực lượng Campuchia về nước.
226 công dân Việt Nam được tiếp nhận về nước lần này là những công dân được Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Preah Sihanouk giải cứu trong chiến dịch kiểm tra người nước ngoài và trấn áp tội phạm buôn bán người ở 3 công ty nước ngoài tại Campuchia.
Những công dân này đã được lực lượng chức năng Vương quốc Campuchia hoàn tất thủ tục xử lý theo pháp luật và bàn giao cho Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên vào khoảng 17h30 ngày 23/9.
Thông tin ban đầu, trong 226 công dân có 50 công dân nữ, 36 công dân có hộ chiếu, phần lớn có giấy tờ tùy thân hoặc bản sao, hình ảnh giấy tùy thân.
Đối với công dân xuất cảnh bằng hộ chiếu, lực lượng chức năng giải quyết cho nhập cảnh theo quy định. Những công dân xuất cảnh trái phép sẽ cho làm bản tường trình, lấy lời khai để làm rõ các hành vi xuất cảnh trái phép như xuất cảnh ở khu vực nào, bằng đường nào, có bị lừa hay mua bán qua biên giới hay không.
Theo Trung tá Nguyễn Hữu Việt, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên Liên, lực lượng chức năng sẽ liên hệ với công an, chính quyền ở địa phương của công dân để xác minh nhân thân và sẽ xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài ra, trong quá trình xử lý, sàng lọc, khi phát hiện một số công dân là nạn nhân trong đường dây mua bán người sẽ có quy trình 6 bước đối với nạn nhân mua bán người.
Trước đó, 8h30 sáng 21/9, tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh tổ chức tiếp nhận 92 công dân Việt Nam trở về từ Campuchia.
Ngày 23/9, Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, Long An) đã tiếp nhận 34 công dân Việt Nam trở về từ Campuchia.
Minh Long