Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố sẽ ‘dứt khoát đối phó’ với các cuộc biểu tình kéo dài khiến 41 người thiệt mạng tại 31 tỉnh thành, tờ Reuters đưa tin hôm thứ Bảy (24/9).
Truyền thông nhà nước Iran dẫn lời ông Raisi hôm thứ Bảy (24/9) nói rằng Iran phải “đối phó dứt khoát với những kẻ phản đối an ninh và sự yên bình của đất nước”.
Ông Raisi đưa ra tuyên bố sau khi nói chuyện qua điện thoại với gia đình một thành viên của lực lượng tình nguyện Basij. Người này đã bị thiệt mạng trong khi tham gia chiến dịch trấn áp tình trạng bất ổn ở thành phố Mashhad, miền đông bắc nước này.
Tổng thống “nhấn mạnh sự cần thiết phải phân biệt giữa biểu tình và gây rối trật tự an ninh công cộng, và gọi các sự kiện này là … bạo loạn”, truyền thông nhà nước đưa tin.
Tình trạng bất ổn kéo dài
Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở tây bắc Iran sau cái chết của cô Mahsa Amini, 22 tuổi người Kurd. Cô đã rơi vào trạng thái hôn mê sau khi bị giam giữ ở Tehran bởi cảnh sát đạo đức (morality police) nước này vì “trang phục không phù hợp”.
Cảnh sát đạo đức, trực thuộc cơ quan thực thi pháp luật của Iran, có nhiệm vụ đảm bảo tôn trọng các đạo đức Hồi giáo như mô tả của các cơ quan chức năng của nước này.
Cái chết của cô gái trẻ Amini đã làm dấy lên sự tức giận về các vấn đề bao gồm các hạn chế về quyền tự do cá nhân ở Iran, quy định nghiêm ngặt về trang phục đối với phụ nữ và một nền kinh tế quay cuồng với các lệnh trừng phạt.
Các nhà phân tích nhận định, các cuộc biểu tình chống chính phủ được cho là sẽ không gây ra mối đe dọa tức thì đối với giới cầm quyền của Iran. Chính quyền nước này đã sử dụng lực lượng an ninh để dập tắt hết cuộc biểu tình này đến cuộc biểu tình khác trong những năm gần đây.
Nhưng các cuộc biểu tình rõ ràng đã khiến các nhà chức trách lo lắng. Phụ nữ, những người đóng một vai trò nổi bật, đã thách thức quy tắc ăn mặc của người Hồi giáo của đất nước này. Họ vẫy tay và đốt mạng che mặt của mình.
Một số cô gái đã công khai cắt tóc khi đám đông giận dữ kêu gọi Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei thoái vị.
Đây là cuộc biểu tình lớn nhất càn quét đất nước kể từ cuộc biểu tình về giá nhiên liệu tăng vọt vào năm 2019. Đây cũng là sự kiện đẫm máu nhất trong lịch sử của Cộng hòa Hồi giáo. Tờ Reuters đưa tin, 1.500 người đã thiệt mạng trong sự kiện này hồi 2019.
Hôm thứ Sáu (23/9), các cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ diễn ra sau lời cảnh báo mạnh mẽ nhất từ các nhà chức trách khi quân đội nước này cho biết họ sẽ đối đầu với “những kẻ thù” đằng sau tình trạng bất ổn. Đây là một động thái có thể báo hiệu kiểu đàn áp đã đè bẹp các cuộc biểu tình trong quá khứ.
Tại quốc gia láng giềng Iraq, hàng chục người Kurd ở Iraq và Iran đã tập hợp bên ngoài khuôn viên Liên Hợp quốc ở thành phố Erbil, miền bắc nước này hôm 24/9, mang theo các tấm biểu ngữ có ảnh cô Amini và hô vang: “cái chết cho kẻ độc tài”, ám chỉ ông Khamenei.
Truyền hình nhà nước Iran cho biết Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã nã pháo vào các căn cứ của các nhóm bất đồng chính kiến người Kurd ở miền bắc Iraq.
‘Phản ứng chết người’
Dịch vụ giám sát Internet NetBlocks báo cáo, mạng Internet Iran đã bị ngắt ít nhất ba lần trong tuần này. Bên cạnh đó, một số mạng điện thoại di động cũng bị ngắt. Các nhà hoạt động nói rằng động thái này nhằm ngăn chặn các đoạn video về bạo lực lan ra khắp thế giới.
NetBlocks cho biết: “Iran hiện phải chịu những hạn chế nghiêm ngặt nhất về internet kể từ vụ thảm sát vào tháng 11/2019″.
Hôm 24/9, NetBlocks cho biết ứng dụng gọi điện video Skype của Microsoft hiện cũng đã bị hạn chế sau khi nối gót các nền tảng như Instagram, WhatsApp và LinkedIn.
Trong một nỗ lực để giúp duy trì kết nối Internet, Hoa Kỳ đang đưa ra những ngoại lệ đối với các chính sách trừng phạt của họ với Iran. Tehran cáo buộc động thái này là “phù hợp với lập trường thù địch” của Washington, theo Reuters.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết những người biểu tình phải đối mặt với “phản ứng chết người người từ các lực lượng an ninh” và kêu gọi một cuộc điều tra độc lập của Liên Hợp quốc.
‘Dấu hiệu đáng báo động’
Vào đêm 21/9, các vụ xả súng của lực lượng an ninh đã khiến ít nhất 19 người thiệt mạng, trong đó có 3 trẻ em.
Ông Amnesty nói: “Số người chết gia tăng là một dấu hiệu đáng báo động cho thấy cuộc tấn công tàn nhẫn của chính quyền đối với cuộc sống của người dân – nay đã chìm trong bóng tối”.
“Ở một số khu vực phía tây và phía bắc của Tehran, những kẻ bạo loạn đã phá hủy tài sản công cộng”, truyền thông nhà nước Iran cho biết, kèm theo video quay những người biểu tình ném đá, đốt các thùng rác và một chiếc ô tô trong quá trình tuần hành.
Tài khoản Twitter 1500tasvir, có 117.000 người theo dõi, đã đăng video về các cuộc biểu tình ở quận phía tây Sattarkhan của Tehran cho thấy những người biểu tình tập trung tại một quảng trường và hô vang “Đừng sợ, tất cả chúng ta cùng tham gia” vào cuối ngày 24/9.
Một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một cuộc biểu tình ở phía bắc thành phố Babol với những thanh niên cố gắng xé các bức chân dung của ông Khamenei và Ayatollah Ruhollah Khomeini, người sáng lập nước Cộng hòa Hồi giáo, tại cổng một trường đại học trong khi những người ngoài cuộc cổ vũ họ và hò hét “cái chết cho kẻ độc tài”.
Các video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy các cuộc biểu tình tiếp tục nổ ra ở Sanandaj, thủ phủ của tỉnh Kurdistan, vào hôm 24/9, bất chấp sự hiện diện đông đảo của cảnh sát.
Reuters không thể xác minh các video này.
Thanh Hải