Bảo Nguyên
Theo báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, giới trung lưu Mỹ là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất do lạm phát tăng vọt vào năm 2022. Trong khi đó, cuộc chiến chống lạm phát của Fed được thừa nhận sẽ mang tới nỗi đau cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Lạm phát đánh mạnh nhất vào giới trung lưu Mỹ
Lạm phát đã cắt giảm tài chính của tầng lớp trung lưu nhiều hơn so với các hộ gia đình có thu nhập thấp và cao, theo một báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) từ ngày 22/09.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Mỹ đã dao động trong khoảng mức hơn 8% kể từ khi mùa hè bắt đầu, với các tỷ lệ cao nhất trong khoảng 40 năm.
Đã có sự tăng giá lớn đối với ba khoản chi tiêu chính của hộ gia đình trong năm nay — thực phẩm, nhà ở và năng lượng.
Báo cáo của CBO đã phân tích mức mua hàng hóa và dịch vụ trung bình của 5 nhóm hộ gia đình Mỹ theo phân bổ thu nhập vào năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch tấn công tỷ lệ chi tiêu bình thường.
Các hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập thứ hai, trung bình và thứ tư, cùng tạo nên tầng lớp trung lưu Mỹ, đã chứng kiến giá trị thu nhập chung của họ giảm sút trong năm qua.
Báo cáo phản ánh rằng giá cả đối với các hộ gia đình có thu nhập trung bình tăng nhanh hơn thu nhập của họ trong năm nay.
Các gia đình thuộc tầng lớp thấp và thượng lưu đã chứng kiến thu nhập của họ tăng nhanh hơn so với giá cả.
Báo cáo của CBO cũng cho thấy thói quen chi tiêu giữa các mức thu nhập từ năm 2019 đến năm 2022 đã đảo ngược. Các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn đã chứng kiến tỷ lệ cần thiết trong thu nhập để mua hàng của họ trong năm 2019 tăng lên, trong khi các nhóm thu nhập khác lại giảm.
Cuộc chiến chống lạm phát của Fed
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cố gắng giảm lạm phát bằng cách mạnh tay tăng lãi suất để đạt mục tiêu lạm phát 2%.
Ngân hàng Trung ương Mỹ đã tăng lãi suất cơ bản lên 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp lên 3 đến 3,25% tại cuộc họp chính sách hồi đầu tuần này. Đây là mức chưa từng thấy kể từ đầu năm 2008.
Hầu hết các nhà kinh tế dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất lên mức từ 4 đến 4,5% vào cuối năm nay thông qua các đợt tăng lãi suất khá lớn tại các cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 11 và tháng 12.
Tuy nhiên, việc tăng lãi suất có thể sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, khiến thị trường nhà đất lao đốc, và dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.
Theo như ông Ryan Sweet, giám đốc cấp cao của bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Moody’s Analytics, nói với The Wall Street Journal, trong tháng 8, các hộ gia đình trung bình đã chi thêm 460 USD cho các mặt hàng giống hệt như năm ngoái.
“Đó là một gánh nặng lớn, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn. Đó là một lý do khiến Fed tập trung hết sức vào việc giảm lạm phát”, ông Sweet nói.
“Họ còn cả một chặng đường dài trước khi đưa nó trở lại nơi họ muốn, nhưng chúng ta đã thấy những bước nhỏ theo đúng hướng”.
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, thừa nhận vào cuối tháng 8 rằng trong khi tăng lãi suất sẽ làm giảm lạm phát, “chúng cũng sẽ mang lại một số nỗi đau cho các hộ gia đình và doanh nghiệp”.
Cho đến nay, tỷ lệ thất nghiệp dường như vẫn ở mức tương đối thấp, theo thống kê của chính phủ, nhưng có xuất hiện các dấu hiệu suy yếu trong lĩnh vực này và nhiều người đã rời bỏ hoàn toàn lực lượng lao động.
Người lao động đã thấy một số lợi ích từ thị trường lao động thắt chặt, vì nhiều nhà tuyển dụng đang tuyệt vọng để lấp đầy hàng trăm nghìn vị trí đang trống hiện có.
Những người lao động có thu nhập thấp hơn đã được hưởng lợi nhiều hơn, vì nhiều vị trí yêu cầu kỹ năng thấp hơn.
Nền kinh tế Mỹ đã có thêm trung bình 380.000 việc làm mỗi tháng trong 6 tháng qua, cao hơn nhiều so với những gì mà Chủ tịch Fed đã mong đợi.
“Chúng tôi chắc chắn vẫn chưa từ bỏ ý tưởng rằng chúng ta có thể có mức tăng tỷ lệ thất nghiệp tương đối khiêm tốn. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hoàn thành nhiệm vụ này”, ông Powell nói. Ông Powell là người tin rằng thị trường lao động nóng đang kéo dài lạm phát.
Bảo Nguyên