Tin thế giới trưa thứ Hai

Bão Noru đổ bộ, Philippines đóng cửa trường học và cắt điện

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã tuyên bố tạm dừng các công việc hành chính của chính phủ và đóng cửa trường học vào thứ Hai (26/9) do một cơn bão nhiệt đới cấp 3 di chuyển qua hòn đảo Luzon, sau khi đổ bộ vào phía Đông Bắc thủ đô Manila.

Cơ quan Khí tượng Philippines cho biết gần 8.400 người đã được sơ tán theo hướng di chuyển của siêu bão Noru.

Theo thông báo của Cơ quan Dịch vụ khí quyển, địa vật lý, khí tượng Philippines (PAGASA) vào 5 giờ ngày 26/9, bão Noru đã suy yếu với sức gió duy trì 140 km/h tại vùng gần tâm bão và gió giật 170 km/h. Mắt bão đã di chuyển ra vùng bờ biển phía bắc tỉnh Zambales ở miền Tây đảo Luzon, đi về hướng Tây, hướng vào Biển Đông, với vận tốc 30 km/h.

Mặc dù suy yếu nhưng bão Noru được dự báo tiếp tục gây mưa lớn tại các tỉnh miền Tây đảo Luzon như Zambales, Bataan hay Tarlac cho đến trưa ngày 26/9.

Các chuyến bay đã bị hủy, các chuyến phà tạm dừng, các tuyến xe buýt đóng cửa do mưa lớn và gió mạnh làm đổ cây và đường dây điện.

Tổng thống Marcos tuyên bố tạm dừng công việc hành chính và đóng cửa các trường học tại Luzon, nơi sinh sống của khoảng một nửa dân số 110 triệu người của đất nước và cũng đóng góp hơn 2/3 cho nền kinh tế.

Bộ năng lượng đã đặt tất cả các cơ sở liên quan đến năng lượng ở các khu vực bị ảnh hưởng vào tình trạng báo động cao độ, ông Marcos cho biết trên Facebook.

Sở giao dịch chứng khoán Philippines cho hay, các giao dịch chứng khoán cũng sẽ tạm đình chỉ vào ngày 26/9 do mưa lớn làm ngập vùng thủ đô và các tỉnh lân cận.

“Các cột tiện ích bị đổ và những ngôi nhà làm bằng vật liệu nhẹ gần bờ biển bị hư hại,” ông Nelson Egargue, người đứng đầu cơ quan thiên tai tỉnh Aurora nơi Noru đổ bộ, nói với đài phát thanh DZRH.

Những con sóng lớn đã tấn công vào các cảng, hình ảnh và video trên mạng xã hội cho thấy, nhiều khu vực trũng thấp đã bị ngập lụt.

Ông Eliseo Ruzol, thị trưởng thị trấn ven biển General Nakar, gần vị trí đổ bộ của Noru, nói với DZRH: “Hiện tại gió đã dịu hơn nhưng trời rất tối vì chúng tôi không có nguồn cung cấp điện.”

Philippines, một quần đảo gồm hơn 7.600 hòn đảo, được xếp hạng trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu – phải hứng chịu trung bình 20 cơn bão mỗi năm. Vào năm 2013, cơn bão Haiyan, một trong những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất từng được ghi nhận, đã khiến 6.300 người thiệt mạng.

Noru là cơn bão số 11 và là cơn bão mạnh nhất đổ bộ Philippines từ đầu năm tới nay. Siêu bão Noru dự kiến ra khỏi Khu vực trách nhiệm của Philippines (PAR) vào tối 26/9, đi vào biển Đông và hướng tới Việt Nam.

Minh Ngọc

Khảo sát: Hầu hết đảng viên Dân chủ không ủng hộ ông Biden ứng cử năm 2024

Các Đảng viên Dân chủ mong chờ một người khác trở thành ứng cử viên tổng thống năm 2024 của đảng này, mà không phải ông Joe Biden.

Một cuộc thăm dò từ ABC News và Washington Post cho thấy, 56% cử tri đăng ký thuộc Đảng Dân chủ và cử tri nghiêng về Đảng Dân chủ mong muốn một ứng cử viên khác đứng đầu, chỉ 35% chọn ông Biden là ứng cử viên của Đảng Dân chủ năm 2024.

Mức độ tán thành ông Biden giữa những người theo chủ nghĩa tự do đạt 68%, người miền nam đạt 33%, người có mức thu nhập trung bình đến trên trung bình đạt 34%. Số lượng người da đen tán thành ông Biden cũng đạt mức thấp nhất là 31%.

Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào cuối tuần trước, Tổng thống Biden cho biết ông sẽ quyết định có tiếp tục theo đuổi nhiệm kỳ thứ 2 hay không sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11. “Hãy nhìn xem, ý định của tôi, như tôi đã nói lúc đầu, là tôi sẽ tái tranh cử. Nhưng đó chỉ là một ý định. Việc tôi tái tranh cử có phải là một quyết định chắc chắn không? Điều đó vẫn còn phải xem xét,” ông Biden phát biểu trong chương trình CBS’s 60 Minutes.

Cuộc thăm dò mới cũng cho thấy mức độ tán thành với tổng thể công việc của Tổng thống Biden đạt 39%, trong khi có 53% phản đối. Theo ABC, trong lịch sử, khi một tổng thống có tỷ lệ tán thành chỉ hơn 50%, đảng của ông ấy sẽ mất trung bình 14 ghế trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, tính từ năm 1946. Khi mức độ tán thành giảm xuống dưới 50%, đảng của ông sẽ mất trung bình 37 vị trí.

Số lượng các cử tri đăng ký thuộc Đảng Cộng hòa và các cử tri nghiêng về Đảng Cộng hòa ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump trở thành ứng cử viên năm 2024 của Đảng lần lượt là 47% và 46%. Con số này thấp hơn 20 điểm so với cuộc thăm dò được thực hiện trong lần đề cử năm 2020.

Cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 18/9 đến ngày 21/9 với sự tham gia của 1.006 người, bao gồm 908 cử tri đã đăng ký, biên độ sai số là 3,5%.

Vy An (Theo Washington Examiner)

Mỹ cảnh báo hậu quả thảm khốc nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan (AP)

Hôm Chủ nhật (25/9), Mỹ đã cảnh báo về “hậu quả thảm khốc” nếu Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, sau khi Ngoại trưởng Nga cho biết các khu vực đang tổ chức trưng cầu dân ý sẽ được bảo vệ nếu chúng được sáp nhập vào Nga.

Các cuộc bỏ phiếu ở bốn khu vực miền đông Ukraine – gồm Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia – nhằm sát nhập lãnh thổ mà Nga đã chiếm đoạt bằng vũ lực, đã tiếp tục được tổ chức. Quốc hội Nga có thể tiến tới chính thức hóa việc sáp nhập những khu vực này trong vòng vài ngày.

Bằng cách nhập các khu vực trên vào Nga, Moscow có thể mô tả nỗ lực chiếm lại chúng như một cuộc tấn công vào chính lãnh thổ Nga, một lời cảnh báo đối với Kyiv và các đồng minh phương Tây.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan hôm Chủ nhật cho biết Hoa Kỳ sẽ đáp trả bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào của Nga nhằm vào Ukraine và nước này đã thông báo cho Moscow những “hậu quả thảm khốc” mà nước này sẽ phải đối mặt.

“Nếu Nga vượt qua ranh giới này, sẽ có những hậu quả thảm khốc đối với Nga. Hoa Kỳ sẽ đáp trả một cách dứt khoát”, ông Sullivan nói với chương trình truyền hình Meet the Press của NBC.

Cảnh báo mới nhất của Hoa Kỳ được đưa ra sau lời đe dọa hạt nhân của Tổng thống Vladimir Putin, khi ông nói rằng Nga sẽ sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào để bảo vệ lãnh thổ của mình.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã đưa ra quan điểm trực tiếp hơn tại một cuộc họp báo hôm thứ Bảy sau bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, trong đó ông lặp lại những tuyên bố của Moscow để biện minh cho cuộc xâm lược, ví dụ như chính phủ được bầu ở Kyiv một cách bất hợp pháp và là những người theo chủ nghĩa phát xít mới.

Khi được hỏi liệu Nga có cơ sở sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ các khu vực bị sáp nhập hay không, Ngoại trưởng Lavrov cho biết lãnh thổ Nga, bao gồm cả lãnh thổ “được ghi trong hiến pháp của Nga trong tương lai,” sẽ được nhà nước bảo vệ hoàn toàn.

Ukraine và các đồng minh đã bác bỏ “các cuộc trưng cầu dân ý giả” được thiết kế để biện minh cho sự leo thang của chiến tranh và động thái huy động quân sự của Moscow sau những tổn thất gần đây trên chiến trường.

Các hãng thông tấn Nga dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Quốc hội Nga có thể tranh luận về các dự luật sáp nhập các vùng lãnh thổ mới vào ngày thứ Năm, và ông Putin có thể phát biểu trước quốc hội vào thứ Sáu.

Nga cho biết các cuộc trưng cầu dân ý, được tổ chức vội vàng sau khi Ukraine tái chiếm lãnh thổ trong một cuộc phản công vào tháng này, cho phép người dân ở các khu vực đó bày tỏ quan điểm của họ.

Hiện các lực lượng Ukraine vẫn kiểm soát một số lãnh thổ ở mỗi khu vực, bao gồm khoảng 40% thủ phủ của Donetsk và Zaporizhzhia. Giao tranh ác liệt tiếp tục diễn ra dọc theo toàn bộ mặt trận, đặc biệt là ở phía bắc Donetsk và ở Kherson.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tiếp tục khẳng định Ukraine sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ của mình. Hôm Chủ nhật, ông cho biết Kyiv đã giành được “kết quả tích cực” trong một số cuộc đụng độ.

Lê Vy (theo Reuters)

Liz Cheney nói bà sẽ bỏ Đảng Cộng hòa nếu ông Trump tái tranh cử

Bà Liz Cheney (Reuteurs)

Dân biểu Liz Cheney mới đây nói rằng bà sẽ bỏ Đảng Cộng hòa nếu ông Donald Trump được đề cử là ứng viên của đảng này tham gia tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Trao đối tại lễ hội Texas Tribune hôm thứ Bảy (24/9), bà Liz Cheney nói: “Tôi sẽ làm mọi thứ tôi có thể để đảm bảo Donald Trump không là ứng viên tổng thống. Và nếu ông ta được là ứng viên, tôi sẽ bỏ Đảng Cộng hòa”.

Bà Cheney đã bị Đảng Cộng hòa Wyoming và Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa khiển trách sau khi bà tự ý tham gia vào Ủy ban 6/1 của Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát nhằm điều tra vụ hỗn loạn tại Điện Capitol ngày 6/1/2021. Đảng Cộng hòa tại Hạ viện không công nhận ủy ban này và không cử người tham gia.

Bà Cheney vừa qua cũng đã thất cử trước ứng viên Harriet Hageman trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa cho vị trí dân biểu liên bang nhiệm kỳ mới.

Con gái của cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney hôm 24/9 cũng nói với đám đông người ủng hộ rằng bà sẽ vận động cho các thành viên Đảng Dân chủ trong một số cuộc đua với một số ứng viên Đảng Cộng hòa đang dấy lên các câu hỏi về toàn vẹn bầu cử, chẳng hạn như ứng viên thống đốc Arizona Kari Lake.

“Tôi sẽ làm mọi thứ tôi có thể để đảm bảo Karri Lake không đắc cử”, bà Cheney nói.

Trong một diễn biến liên quan, cựu Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu (23/9) đã tiếp tục ám chỉ rằng ông có kế hoạch tái tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2024.

“Chúng tôi có thể làm lại nó”, ông Trump nói với đám đông người ủng hộ tại cuộc vận động cho ứng viên Thượng viện Ted Budd và ứng viên Hạ viện Bo Hines ở Wilmington, tiểu bang Bắc Carolina.

Ông Trump liên tục xuất hiện trong các cuộc vận động chiến dịch cho các ứng viên Đảng Cộng hòa, duy trì sự hiện diện trong đảng này hơn 18 tháng sau khi ông rời nhiệm sở.

Cựu tổng thống thường sử dụng những sự kiện chính trị đó để vừa lên án các chính trị gia Đảng Dân chủ, vừa chỉ trích gian lận bầu cử 2020, đồng thời ám chỉ về khả năng ông sẽ tái tranh cử.

Xuân Thành

Ukraine xuất 211 tàu chở hàng với 4,7 triệu tấn nông sản qua Biển Đen

Từ lúc chiến tranh diễn ra, việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đã bị ít nhiều gián đoạn và ảnh hưởng nguồn cung thế giới. (Ảnh: Elena Larina/Shutterstock)

Cơ quan Ukraine cho biết hôm thứ Bảy (24/9), tính từ lúc Nga xâm lược từ cuối tháng 2, có tổng cộng 211 tàu với khối lượng 4,7 triệu tấn nông sản đã rời Ukraine theo một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Trước đó, quốc gia này cung cấp ngũ cốc với sản lượng 6 triệu tấn mỗi tháng.

Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết có 8 tàu với khối lượng 131.300 tấn nông sản đã rời khỏi các cảng Biển Đen của Ukraine vào thứ Bảy vừa qua. Tính đến nay đã có 211 tàu với khối lượng 4,7 triệu tấn rời khỏi cảng.

Việc này được thực hiện nhằm tăng nguồn cung lương thực khi Ukraine là một nhà sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc lớn trên thế giới, vốn đã xuất khẩu tới 6 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng trước khi Nga xâm lược vào cuối tháng 2/2022.

Chiến tranh đã gây gián đoạn nguồn cung lương thực từ Ukraine và khiến giá cả thực phẩm ở một số nơi tăng cao khi phụ thuộc vào lúa mì và ngũ cốc.

Ba cảng Biển Đen đã được mở cửa trở lại theo một thỏa thuận được ký kết vào ngày 22/7 bởi Moscow và Kyiv. Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine đã cho biết các cảng này có thể bốc xếp và gửi ra nước ngoài 100-150 tàu chở hàng mỗi tháng.

Trước đó, vào đầu tháng 5/2022, Bộ Ngoại giao Ukraine đã cáo buộc Nga ăn cắp ngũ cốc trong các khu vực mà nước này đã chiếm đóng, một hành động mà họ cho là làm gia tăng mối đe dọa đối với an ninh lương thực toàn cầu.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mykola Solskyi cho biết nạn ăn trộm ngũ cốc đã gia tăng. Bộ này dẫn lời ông Solskyi cho biết: “Cá nhân tôi nghe điều này từ nhiều chủ lưu trữ ngũ cốc trong các lãnh thổ bị chiếm đóng. Đây hoàn toàn là hành vi cướp. Và điều này đang diễn ra khắp nơi.”

Ông cho biết tình trạng như vậy có thể tạo ra vấn đề lương thực ở những khu vực hiện chưa được kiểm soát.

Đến đầu tháng 8/2022, Nga đã tấn công thành phố cảng Mykolaiv, miền nam Ukraine vào đêm và đầu ngày Chủ nhật (31/7), giết chết chủ sở hữu của một trong những công ty sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất nước này, thống đốc địa phương cho biết.

Nhất Tín

CIA giới thiệu podcast, tập đầu tiên nói ĐCSTQ là thách thức cốt lõi của Mỹ

Giám đốc CIA William Burns (Ảnh: UNHCR / Jean-Marc Ferré / Flickr)

Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã phát hành podcast “Langley Files” vào ngày 22/9. Trong tập đầu tiên, Giám đốc CIA William J. Burns nói rằng Nga là một cường quốc “đang suy yếu”, và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là “thách thức địa chính trị cốt lõi của Mỹ”.

Podcast được phát hành nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập CIA, Giám đốc Burns cho biết cơ quan này cần “suy nghĩ lại cách tổ chức của mình để điều hướng thành công tình hình chính trị quốc tế vô cùng phức tạp.”

Ông Burns cảnh báo rằng tình hình quốc tế hiện nay là “một cuộc cạnh tranh với các cường quốc mới nổi như Trung Quốc (ĐCSTQ)”. Ông gọi đó là “thách thức địa chính trị cốt lõi”.

Ông lưu ý rằng CIA đã thành lập Trung tâm Nhiệm vụ Trung Quốc để đối kháng lại Bắc Kinh và cung cấp cho CIA “vị trí tốt nhất” để ứng phó với các thách thức an ninh quốc gia hiện tại và tương lai của ĐCSTQ.

Đầu năm nay, ông Burns cảnh báo rằng ông Tập đã hành động như một “đối tác thầm lặng” trong hành động gây xâm lược của Nga đối với Ukraine. Ông Burns nói: “Chúng ta phải đối phó với những cường quốc đang suy yếu, không chỉ những cường quốc đang trỗi dậy như Nga, và mỗi ngày ông Putin đang chứng minh rằng những cường quốc suy yếu cũng có sức hủy diệt tương đương với những cường quốc đang trỗi dậy.”

Ông Burns nhấn mạnh tầm quan trọng của tình báo của CIA. “Chúng tôi đã vẽ ra một bức tranh rõ ràng về kế hoạch của ông Putin cho một cuộc xâm lược lớn vào mùa thu năm ngoái, vài tháng trước cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24/2. Nó cho phép chúng tôi giúp người dân Ukraine tự bảo vệ mình và nó giúp chúng tôi xây dựng sự đoàn kết đồng minh.”

Ông đề cập đến thông tin tình báo do Tổng thống Biden giải mật hồi đầu năm nay tiết lộ ông Putin đã lên kế hoạch tấn công ‘cờ giả’ làm cớ cho việc xâm lược Ukraine.

Ông Burns cũng nói về một hoạt động chống khủng bố của Mỹ ở Afghanistan đã giết chết thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri vào tháng trước, làm suy yếu khả năng hoạt động của mạng lưới khủng bố này.

Ông cũng cho biết Mỹ vẫn phải đối mặt với “thách thức liên tục của chủ nghĩa khủng bố”. “Cơ quan này vẫn có năng lực mạnh mẽ để hợp tác với các đối tác Chính phủ Mỹ, đây sẽ là một trong những ưu tiên quan trọng nhất khác của chúng tôi.”

Ông tiếp tục nói rằng “tính sáng tạo độc đáo và tinh thần cống hiến” là yếu tố then chốt đối với công việc của CIA, “tính phi chính trị” cũng rất quan trọng.

“Công việc của chúng tôi không phải là bóp méo thông tin tình báo để phù hợp với sở thích chính sách hoặc chương trình nghị sự của chính đảng. Mà là dùng phương thức thành thật và chính trực để cung cấp tình báo tốt nhất mà chúng tôi có thể thu thập được, chúng tôi có thể tổng hợp phân tích tốt nhất.” Ông Burns nói, “công việc của chúng tôi là nói với các nhà hoạch định chính sách những gì họ cần nghe, chứ không phải những gì họ muốn nghe.”

Ông cũng giải thích dự định ban đầu khi CIA đưa ra podcast: “Trong chế độ dân chủ của chúng ta, nơi mà sự tín nhiệm vào chế độ giảm sút như thế này, điều quan trọng là cần phải làm mọi thứ có thể để giải thích bản thân và làm sáng tỏ những gì chúng tôi làm.”

Tiêu Nhiên, Vision Times

Tổng thống Ukraine ‘sốc’ vì Israel không chuyển giao hệ thống Vòm Sắt

Tổng thống Ukraine 'sốc' vì Israel không chuyển giao hệ thống Vòm Sắt
Thủ tướng Ukraine Volodymyr Zelenskyy phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sau cuộc hội đàm của họ tại Kyiv vào ngày 28/4/2022. (Ảnh: Sergei Supinsky/AFP/Getty Images)

Tổng thống Ukraine cho biết ông ‘bị sốc’ trước việc Israel không cung cấp hệ thống chống tên lửa cho Kyiv để giúp đối phó các cuộc tấn công của Nga, theo một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Bảy (24/9).

Ông Zelenskyy đã yêu cầu Israel cung cấp vũ khí này ngay sau khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng Hai và đặc biệt đề cập đến hệ thống Vòm Sắt của Israel.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn Mái Vòm Sắt (Iron Dome) được phát triển bởi Hệ thống Phòng thủ Tiên tiến Rafael của Israel và được triển khai với sự trợ giúp từ nguồn tài trợ của Hoa Kỳ. Quân đội Hoa Kỳ đã mua các khẩu pháo của Mái Vòm Sắt để sử dụng trong việc bảo vệ quân đội Hoa Kỳ khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa tương tự.

Hệ thống phòng thủ này đã đánh chặn nhiều tên lửa do quân khủng bố Hamas của Palestine bắn từ Dải Gaza, vốn là một phần trong loạt bắn khoảng 150 tên lửa hướng vào dân thường ở Jerusalem và miền nam Israel.

“Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với Israel. Thành thật mà nói, tôi thực sự sốc, tôi không hiểu tại sao họ không thể cung cấp cho chúng tôi hệ thống phòng không”, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói, Reuters đưa tin.

Phát ngôn của ông Zelenskyy được đưa ra trong cuộc phỏng vấn với các phóng viên Pháp hôm 21/9. Văn phòng của ông đã phát hành một đoạn ghi âm cuộc phỏng vấn vào ngày 24/9.

Ukraine ‘chế nhạo’ Israel

Những bình luận của ông Zelenskyy gay gắt hơn những bình luận mà ông đưa ra hồi tháng 3, khi ông chế nhạo Israel vì nước này “miễn cưỡng” gửi vũ khí viện trợ cho Ukraine. Vào thời điểm đó, Israel không cam kết hỗ trợ vũ khí mà chỉ nói rằng họ sẽ giúp Ukraine nhiều nhất có thể.

Hôm 20/3, Tổng thống Ukraine đã chỉ trích Israel trong bài phát biểu trước quốc hội, hỏi tại sao nước này không cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa cho đất nước của ông hay tiến hành trừng phạt Nga về cuộc xâm lược của họ trên lãnh thổ Ukraine.

Đáp lại, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid không cam kết mà chỉ nói trong một tuyên bố rằng Israel, quốc gia đã gửi một bệnh viện dã chiến và các viện trợ nhân đạo khác đến Ukraine, sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân của mình “hết sức có thể”.

Một nhà hòa giải Israel đã lên án cuộc xâm lược của Nga. Tuy nhiên, phía Israel đã rất cảnh giác với mối quan hệ căng thẳng với Moscow.

“Mọi người đều biết rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel là tốt nhất và quý vị chắc chắn có thể giúp người dân của chúng tôi, cứu mạng người Ukraine, người Do Thái Ukraine”, ông Zelenskyy, người gốc Do Thái, nói với đài Knesset trong một cuộc gọi video hồi tháng 3.

“Chúng tôi có thể hỏi tại sao chúng tôi không thể nhận vũ khí từ quý vị, tại sao Israel không áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Nga hoặc không gây áp lực lên hoạt động kinh doanh của Nga”, ông cho hay.

Trong bài phát biểu hồi tháng 3 của mình, ông Zelenskyy đã so sánh giữa cuộc tấn công của Nga và kế hoạch tiêu diệt người Do Thái ở châu Âu của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ II.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã không đưa ra bình luận ngay sau những phát biểu của nhà lãnh đạo Ukraine.

Trước đó hai tuần, ông Bennett đã hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow và cũng thường xuyên trao đổi với ông Zelenskyy.

Israel cảnh giác về căng thẳng với Moscow

Israel, quốc gia đã lên án cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine, đang cảnh giác về căng thẳng quan hệ với Nga, quốc gia có hiện diện quân sự ở Syria. Tại đây, các lực lượng Israel thường xuyên tấn công lực lượng dân quân thân Iran bằng các cuộc không kích xuyên biên giới.

“Tôi hiểu rằng họ đang vấp phải một tình huống khó khăn, liên quan đến tình hình với Syria và Nga”, ôny Zelenskyy nói và cho biết thêm rằng ông không đưa ra cáo buộc đối với Israel.

“Tôi đang nói rõ sự thật. Các cuộc trò chuyện của tôi với giới lãnh đạo Israel không giúp ích được gì cho Ukraine”, ông cho biết.

Lam Giang

Related posts