Tổng thống Putin đã trao quyền công dân Nga cho Edward Snowden
Chính phủ Nga hôm thứ Hai (26/9) loan báo rằng Tổng thống Vladimir Putin đã trao quyền công dân Nga cho Edward Snowden, nhân vật bị giới chức Mỹ buộc tội gián điệp.
Edward Snowden, 39 tuổi, bị cáo buộc làm gián điệp và đánh cắp tài liệu của chính phủ Mỹ, rò rỉ cho truyền thông hàng loạt thông tin tình báo Mỹ và các chương trình giám sát công chúng của chính phủ Mỹ.
Ông Snowden đầu tiên đã trốn chạy đến Hồng Kông vào năm 2013 sau khi rò rỉ thông tin mật và tiếp đó đã tới Moscow, Nga.
Theo CNN, ông Snowden phải đối mặt với án tù 30 năm tại Mỹ.
Vào tháng 11/2020, ông Snowden và vợ Lindsay Mills đã nộp đơn xin được cấp quốc tịch Nga. Trước đó, ông đã được cấp quyền cư trú vĩnh viện tại Nga.
Cũng trong năm 2020, một tòa án phúc thẩm liên bang Mỹ đã kết luận chương trình mà ông Snowden phơi bày là trái pháp luật và rằng các lãnh đạo tình báo Mỹ vốn công khai bảo vệ chương trình này đã nói sai sự thật, theo Reuters.
Tổng thống Putin vốn là điệp viên Nga hồi năm 2017 nói rằng ông Snowden đã sai khi rò rỉ tin mật của Mỹ nhưng ông ta không phải là kẻ phản quốc.
Trước đó, năm 2016, Quốc hội Mỹ đã công bố một cáo báo tuyên bố rằng ông Snowden đã liên lạc với các quan chức tình báo Nga từ khi ông trốn chạy đến Moscow, theo các báo cáo của CNN.
Ông Snowden đã bác bỏ cáo buộc nêu trên nhưng đã nộp đơn xin được cấp quốc tịch Nga vào năm 2020. Giới chức Nga thông qua cổng thông tin chính phủ xác nhận ông Snowden đã được cấp quốc tịch nước này.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói rằng ông không biết về bất kỳ thay đổi nào liên quan đến tình trạng quốc tịch Mỹ của ông Snowden, theo Reuters.
“Tôi biết rõ thực tế rằng ông [Snowden] theo một số cách nào đó đã coi khinh quốc tịch Mỹ. [Nhưng] tôi không biết ông ta đã từ bỏ nó”, ông Price nói trong buổi họp báo hôm 26/9.
Hải Đăng
Apple thông báo bắt đầu sản xuất iPhone 14 tại Ấn Độ
Ngày 26/9, hãng công nghệ Apple của Mỹ thông báo đã bắt đầu sản xuất dòng điện thoại iPhone 14 mới ra mắt tại Ấn Độ, theo hãng tin Reuters.
Thông báo trên được đưa ra chưa đầy 3 tuần sau khi hãng “táo khuyết” ra mắt các dòng sản phẩm mới. Sáng ngày 8/9 (theo giờ Việt Nam), hãng công nghệ này chính thức trình làng các sản phẩm mới của mình trong năm nay, bao gồm điện thoại iPhone 14, iPhone 14 Plus, iPhone 14 Pro, iPhone 14 Pro Max; đồng hồ Apple Watch Series 8, Apple Watch Ultra, Apple Watch SE và tai nghe AirPods Pro thế hệ 2.
Được biết, Apple đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng cường sản xuất ở Ấn Độ. Đây được xem là một động thái nhằm chuyển dịch hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
“Dòng sản phẩm iPhone 14 mới giới thiệu các công nghệ mới đột phá và các tính năng an toàn quan trọng. Chúng tôi rất vui mừng được sản xuất iPhone 14 tại Ấn Độ”, Apple cho hay trong một tuyên bố.
Apple (vốn sản xuất phần lớn sản phẩm iPhone ở Trung Quốc) đang tìm kiếm các giải pháp thay thế. Tập đoàn công nghệ Foxconn (nhà sản xuất chính của iPhone) đã nghiên cứu quy trình vận chuyển linh kiện từ Trung Quốc, cũng như lắp ráp iPhone 14 tại nhà máy ở thành phố Chennai thuộc khu vực miền nam Ấn Độ.
Các nhà phân tích tại J.P.Morgan dự đoán rằng Apple sẽ chuyển khoảng 5% sản lượng iPhone 14 từ cuối năm 2022 sang Ấn Độ – thị trường điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc. Đến năm 2025, hãng này dự kiến có thể sản xuất 25% điện thoại iPhone ở Ấn Độ.
Phan Anh
TNS Lindsey Graham: ‘Những ngày của Putin chẳng còn là bao’
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Đảng Cộng hòa, bang Nam Carolina) hôm thứ Hai (26/9) tuyên bố mỉa mai Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng những ngày của ông ta “chẳng còn là bao”.
Ông Lindsey Graham đưa ra tuyên bố nêu trên sau khi giới chức Nga loan báo Tổng thống Putin đã trao quyền công dân Nga cho Edward Snowden, nhân vật bị Mỹ cáo buộc phạm tội gián điệp.
“Bây giờ khi mà Edward Snowden đã được trao quyền công dân Nga đầy đủ, tôi hy vọng ông ta sẽ sớm tham gia chiến trường tại Ukraine để chiến đấu cho Putin”, ông Graham viết trên Twitter hôm 26/9.
“Hoặc có thể là ông ta sẽ được miễn trừ [nghĩa vụ quân sự] trong khi những công dân Nga khác được kêu gọi phải chiến đấu trong một cuốn chiến tranh xâm lược theo chủ ý của Putin?”, ông Graham viết thêm.
Thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Nam Carolina cũng tuyên bố trong phần bình luận của đoạn tweet trên rằng: “Bây giờ hơn lúc nào hết, tôi tin rằng những ngày của Putin chẳng còn là bao”.
Đầu năm nay, ông Graham đã bị nhiều người chỉ trích sau khi ông công khai bày tỏ hy vọng rằng ai đó sẽ “loại bỏ” Putin và xác nhận rằng tổng thống Nga đương nhiệm cần phải bị vô hiệu hóa.
“Tôi hy vọng ông ta sẽ bị loại bỏ, bằng cách này hay cách khác”, ông Graham nói khi ông được một phóng viên của CNN hỏi rằng liệu ông vẫn bảo lưu quan điểm trước đây của ông về việc kêu gọi ám sát ông Putin.
“Tôi không quan tâm đến cách thức họ loại bỏ ông ta. Tôi không quan tâm đến việc liệu chúng ta có đưa ông ta tới tòa án Hague và xét xử ông hay không, tôi chỉ muốn ông ta ra đi”, ông Graham nói với CNN.
Trong cuộc phỏng vấn với Newsmax tuần trước, ông Graham cũng chỉ trích ông Putin khi ông ta đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để “bảo vệ” lãnh thổ Ukraine mà ông đang cố gắng sáp nhập vào Nga.
“Ông ta đang thua. Ông ta đang thua trên chiến trường, và khoảng 20 chính trị gia tại Nga đang kêu gọi ông từ chức”, ông Graham nói với Newsmax.
Hải Đăng
Đại diện đối ngoại EU: Cuộc chiến Nga-Ukraine đã đến “thời khắc nguy hiểm”
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell gần đây nói với BBC rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã đến “thời khắc nguy hiểm”. EU phải nghiêm túc xem xét lời đe dọa của ông Putin.
Chiến tranh Nga-Ukraine leo thang vào thời khắc nguy hiểm
Tổng thống Nga Putin cho biết trong một bài phát biểu gần đây khi ra lệnh “tổng động viên một phần” rằng đất nước của ông ta “có tất cả các loại vũ khí hủy diệt” và sẽ “sử dụng tất cả các cách chúng tôi có thể”, đồng thời nói thêm rằng “đây không phải là lời đe dọa khoa trương”.
Ông Josep Borrell cho biết phải thực sự xem xét nghiêm túc tuyên bố đó của ông Putin.
Ông Borrell nói: “Đây tất nhiên là thời khắc nguy hiểm, bởi vì quân đội Nga đã bị dồn vào đường cùng, và phản ứng đe dọa vũ khí hạt nhân của Putin là rất tồi tệ”;
“Chúng ta có thể kết thúc cuộc chiến này, nhưng chúng ta sẽ không có hòa bình, chúng ta sẽ có một cuộc chiến khác”.
Ông Borrell cũng bác bỏ lo ngại về việc EU cung cấp vũ khí không đủ. Ông nói rằng sẽ tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời có thêm biện pháp trừng phạt kinh tế đối với ông Putin và các đồng minh của ông ta nhưng cũng vẫn phải tiếp tục các hoạt động ngoại giao. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận rằng chi phí giá năng lượng leo thang gây ra bởi cuộc chiến này khiến mọi người lo lắng.
“Người dân đất nước tôi đang nói với tôi rằng giá khí đốt kiến chúng tôi không thể tiếp tục làm việc, không thể tiếp tục kinh doanh”. Ông Borrell đến từ Tây Ban Nha, nói thêm rằng ông đã nghe những lo ngại tương tự từ các nhà lãnh đạo ở châu Phi, Nam Mỹ và Đông Nam Á.
Ông cũng kêu gọi ông Putin nỗ lực cho một giải pháp thương lượng, “để nhảy điệu tango cần phải có hai phía”. “Tất cả những ai đến Moscow, đến Điện Kremlin để nói chuyện với ông Putin đều có được câu trả lời giống nhau, ‘Tôi (Putin) có những mục tiêu quân sự, và nếu tôi không đạt được những mục tiêu quân sự đó, tôi sẽ tiếp tục chiến đấu’. Đó chắc chắn là hướng đi nguy hiểm, nhưng chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine”.
Ngoại trưởng Nga dịu giọng về khả năng chiến tranh hạt nhân
Tuy nhiên, sau lời đe dọa của ông Putin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 23/9 đã xuất hiện để xoa dịu rằng Nga không có ý định này, xung đột với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không phù hợp lợi ích của Nga.
Reuters dẫn lời ông Ryabkov nói trong một cuộc họp: “Chúng tôi không đe dọa bất kỳ ai bằng vũ khí hạt nhân. Các quy tắc sử dụng vũ khí hạt nhân được nêu trong lý luận quân sự của Nga”.
Thông tin chỉ ra rằng trên lý thuyết của Nga, nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân khi Điện Kremlin thấy rằng “phải đối mặt với mối đe dọa sinh tồn”. Trong khi đó, các vùng phía đông và nam của Ukraine hiện đang được trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga, các quan chức như cựu Tổng thống Nga Medvedev nói rằng sau cuộc trưng cầu dân ý, nếu Ukraine tiến hành các hoạt động quân sự trên các địa điểm này thì đó sẽ được coi là một cuộc tấn công vào nước Nga.
Trong bài phát biểu, ông Ryabkov chỉ ra rằng Nga không tìm kiếm “xung đột công khai” với Mỹ hoặc NATO, cũng như không muốn thấy tình hình leo thang hơn nữa. Ông Ryabkov nói: “Chúng tôi hy vọng rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Biden cũng nhận thức được nguy hiểm trong cuộc xung đột ở Ukraine sẽ như thế nào nếu tình hình mất kiểm soát”.
Cựu Thủ tướng Ý phải cải chính vì nói “ông Putin không có lựa chọn khác”
BBC đưa tin, cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đã biện hộ cho cuộc chiến xâm lược Ukraine của ông Putin rằng ông ta bị “đẩy vào” cuộc xung đột, quân đội Nga muốn dùng “nhân vật chính thống” để thay thế ông Zelensky.
Ông Berlusconi nói với truyền thông Ý rằng việc tuyên truyền Chính phủ Ukraine thảm sát những người nói tiếng Nga ở Đông Ukraine là do truyền thông Moscow tạo ra. Sau đó, thông tin này được thúc đẩy bởi các lực lượng ly khai và các chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc trong Chính phủ Nga. Điều này khiến ông Putin phát động một cuộc chiến xâm lược hạn chế.
Ông Berlusconi nói, “ông Putin đã được người dân Nga, đảng của ông ấy cùng các bộ trưởng của ông ấy thúc đẩy để khởi động chiến dịch đặc biệt này”. Cựu thủ tướng Ý nói thêm rằng vốn dĩ quân đội Nga nghĩ trong vòng một tuần sẽ tiến vào Kyiv và thay thế ông Zelensky bằng một “nhân vật chính thống” rồi rút quân. Tuy nhiên, vấn đề ngoài dự liệu của họ là sức kháng cự phi thường của người dân Ukraine và sau đó Ukraine được cung cấp vũ khí đủ loại từ phương Tây.
Ông Berlusconi năm nay 85 tuổi, từng là Thủ tướng Ý trong 3 lần nhiệm kỳ, cũng là đồng minh lâu năm của ông Putin. Nước Ý mới tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 25/9 và đảng Sức mạnh nước Ý (Forza Italia) của ông Berlusconi dự kiến sẽ nắm quyền với một thành viên của liên minh cánh hữu.
Reuters đưa tin, phát ngôn của ông Berlusconi đã phải chịu làn sóng lên án rộng rãi. Hệ quả vào ngày 23/9 ông đã tự nhận quan điểm của ông là “đơn giản hóa quá mức”. Ông nói: “Hành vi xâm lược Ukraine một cách vô đạo như vậy là không thể dung thứ được, [Đảng Forza Italia] ý thức rõ rằng sẽ luôn đồng hành cùng EU và NATO”.
Thiên Tư, Vision Times