Jackhammer Nguyễn
27-9-2022
Tôi đi dự một đám cưới Việt Nam tại California. Chú rể là H.; cô dâu là T., cả hai đều là người Việt, ở độ tuổi trên dưới 30. Thực khách vào khoảng 150 người, với gia đình và bạn bè hai bên. Ba phần tư trong số này là người Việt, phần còn lại là người Philippines, có một số người Caucasian (người da trắng).
Nhà hàng khá lớn, trang hoàng cầu kỳ với thảm màu, kính có khắc chìm hoa văn, với thực đơn là… Chinese food. Nhà hàng tọa lạc trong một … “sân ẩm thực” (food court), với các quán bánh xèo Việt Nam, mì Nhật Bản, bò nướng Hàn Quốc. Cạnh bên các quán ăn là các tiệm làm đẹp (tóc, móng tay, da mặt). Tiệm nào cũng có bảng hiệu bằng tiếng Anh, nhưng đôi khi các chữ tượng hình Hán, Hàn, Nhật nổi bật lên, làm cho người ta đôi khi ngỡ rằng đây không phải là nước Mỹ.
Các món ăn đều ngon, chương trình khá vui nhộn và trẻ trung.
Người em xi (điều khiển chương trình), là một người đàn ông cũng trạc 30 tuổi như cô dâu chú rể, nói tiếng Việt bằng một giọng rất… Việt Nam, mang một chiếc ba lô hiệu Louis Vuitton (người Việt hay gọi là Eo-vi).
Ngay trước khi nhập tiệc, người em xi giới thiệu ngay chương trình karaoke của buổi tiệc và kêu gọi mọi người hãy đến… đăng ký. Tôi chột dạ, sao dám nói “đăng ký”, một từ khá nhạy cảm trong cộng đồng người Việt hải ngoại?
Tôi dáo dác nhìn quanh, quả là tôi lo bò trắng răng, mọi người vui vẻ chuyện vãn nhau, có người chú ý nhìn lên sân khấu, và tuyệt nhiên không ai có phản ứng gì. Tôi hướng ánh mắt về phía một ông anh, người thường rất nhạy cảm về chuyện này. Anh này chạy khỏi Sài Gòn vào ngày 30/4/1975 trên một trong số các con tàu rời cảng trong những ngày hỗn loạn ấy. Suốt 47 năm qua, anh không hề về lại Việt Nam, thề rằng, nếu còn cộng sản là anh không về. Anh cũng không có phản ứng gì trước chữ “đăng ký” của người em xi cả. Có lẽ anh không nghe, hơn 80 tuổi đầu rồi còn gì, mà không khí lại ồn ào.
Ngoài cái từ “đăng ký” làm tôi bé cái nhầm thế kia, tôi cũng thấy anh em xi dùng một loại tiếng Việt rất đặc trưng cho tiếng Việt hiện nay, mà ta có thể nghe ở Hà Nội, Sài Gòn, California, Houston… Ngoài ra, trên góc cạnh ngôn ngữ công cộng, thì anh em xi này cũng trình diễn một loại ngôn ngữ y hệt như các anh chị em xi khác trong các đám cưới ở Sài Gòn, Hà Nội, Texas, Virginia,…hay là các chương trình gêm sô của … VTV, một kiểu nói rất dài, rất nhiều từ, và đặc biệt có rất nhiều từ tiếng Anh được chêm vào. Tôi tự hỏi không rõ mấy người em xi này có … lưu diễn từ Hà Nội sang Phước Lộc Thọ (Orange County), hay từ Sài Gòn sang San Jose chăng!?
Chương trình karaoke có vẻ không hấp dẫn các bạn trẻ lắm mà đám trung niên lại tham gia khá hăng hái, với hai ba người liên tục, thuộc nhóm bạn bè của bố chú rể, trong độ tuổi 60-70. Họ hát những bản nhạc tình, trong đó có cả những bài do tác giả trong nước sáng tác sau năm 1975.
Cũng nên nói qua về thân thế cô dâu chú rể mà tôi biết. Có lẽ họ là một cặp trẻ tuổi người Việt rất tiêu biểu ở Mỹ hiện nay. Ông nội của chú rể là một sĩ quan cấp tá quân đội Việt Nam Cộng hòa, sang Mỹ theo chương trình HO sau gần chục năm bị cầm tù. Từ đó gia đình lục tục kéo sang Mỹ. Chú rể sang Mỹ lúc 18 tuổi, học xong đại học, rồi đi làm cho một công ty kỹ thuật ở California.
Người chị ruột của cô dâu là người đầu tiên trong gia đình đến Mỹ, tôi không rõ là theo dạng nào, nhưng bà sống khá vất vả với nghề làm nail, rồi bảo lãnh cha mẹ, anh chị em sang Mỹ. Cô em học xong, đi làm cho một hãng sản xuất thiết bị y khoa ở California, đồng nghiệp của cô có một nửa là người Việt, một nửa là người Philippines, rất tiêu biểu cho miền duyên hải California.
***
Gần nửa đêm, buổi tiệc bước vào màn cuối cùng với âm nhạc techno vang rền, có khoảng 30 bạn trẻ, vung tay vung chân, đầu lắc lư, vô cùng vui nhộn và… vô tư.
Tôi ra về mà không rõ tại sao trong đầu tôi lại ám ảnh cái ba lô hiệu Eo-vi của người em xi!
À phải rồi, vì tôi thấy hình như nó ở bất cứ nơi đâu có người nói tiếng Việt sinh sống, dù là Hà Nội hay Houston, Sài Gòn hay Orange County, và dĩ nhiên ở cả cái đám cưới Việt Nam tại California, nơi mà bạn bè cô dâu chú rể có tới hơn phân nửa là những người không phải Việt Nam.
Đám đông người Việt trong cái đám cưới ấy có phải là đặc trưng của cộng đồng người Việt ở Mỹ, hay ít nhất là California?
Tôi cũng không biết nữa, nhưng chắc chắn cái đám đông này và những đám đông khác ở Việt Nam lại có chung một mẫu số rất thú vị là người em xi với chiếc ba lô Eo-vi và hay chêm tiếng Anh.