Một trở ngại lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế trong những thập kỷ tới mà chính quyền Trung Quốc nói riêng và Trung Quốc nói chung đang phải đối mặt là sự suy giảm dân số.
Nếu như trong năm 2020 độ tuổi trung bình tại Trung Quốc là khoảng 39 tuổi, thì vào năm 2035 thì tuổi trung bình sẽ là 45. Theo dự báo của Liên hợp quốc được công bố vào tháng trước thì dân số nước này dự kiến sẽ bắt đầu giảm mạnh vào đầu năm tới.
Thực ra có hai vấn đề mà chính quyền Trung Quốc ý thức được rất rõ ràng. Thứ nhất là sự già hoá của lực lượng lao động. Thứ hai là nguồn lực nhân tài của quốc gia ngày càng suy kiệt.
Khi Đặng Tiểu Bình khởi động nỗ lực hiện đại hóa nền kinh tế Trung Quốc vào năm 1979, nước này đang rất thiếu các nhà chính trị tài ba, các doanh nhân bản lĩnh, các nhà khoa học và kỹ sư hàng đầu, cũng như những nhân tài khác.
Được xem là một trong những biện pháp then chốt lúc bấy giờ, Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu nuôi dưỡng những nhà kỹ trị tài năng thay vì chỉ kêu gọi lòng trung thành. Điều này dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của các quan chức cấp thấp chuyển lên các cấp cao nhất của chính phủ, điển hình là việc Chu Dung Cơ trở thành thủ tướng và Chu Tiểu Xuyên trở thành thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Đồng thời, tự do hóa kinh tế đã tạo cơ hội cho các doanh nhân của khối tư nhân. Gần như tất cả các doanh nhân thành công nhất của Trung Quốc đã xây dựng doanh nghiệp của họ từ những hoạt động thương nghiệp nhỏ lẻ; chúng dần được phát triển thành những công ty toàn cầu trong suốt hai thập kỷ cải cách hoàng kim kéo dài đến năm 2000. Trong số đó phải kể đến Jack Ma của Alibaba Group Holding, Wang Chuanfu của BYD, Cao Dewang của Fuyao Glass, Zeng Yuqun của Công nghệ Amperex Đương đại và Zhang Yin của Nine Dragons Paper.
Để có được bí quyết khoa học và công nghệ tiên tiến, Bắc Kinh đã nới lỏng các hạn chế trong trao đổi học thuật để cho sinh viên và các nhà nghiên cứu trong nước có cơ hội đi học ở nước ngoài. Từ năm 1978 đến năm 2017, gần 5,2 triệu sinh viên và nghiên cứu sinh theo học ở nước ngoài, nhưng chỉ 3,1 triệu người là trở về nước.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, về mặt chính trị, ĐCSTQ đã đảo ngược lập trường: chuyển sang coi trọng lòng trung thành chính trị hơn là năng lực kỹ trị.
Lấy một phép so sánh đơn giản để chứng minh cho quan điểm này.
Cấu trúc của Bộ Chính trị hiện tại (được bổ nhiệm năm 2017), có sự khác biệt lớn so với Bộ Chính trị được bổ nhiệm cách đó 20 năm. Hồi ấy, trong số 25 thành viên thì có 16 người được coi là kỹ trị viên có trình độ đại học về khoa học và kỹ thuật cũng như kinh nghiệm dày dặn trong quản lý chính sách kinh tế.
Bộ Chính trị ngày nay không như vậy. Kể cả Chủ tịch Tập Cận Bình, chỉ có 8 trong số 25 thành viên là học kỹ thuật hoặc tích lũy kinh nghiệm đáng kể trong quản lý kinh tế.
Trong đó 15 người là những nhân vật tiêu biểu có kinh nghiệm trong công tác điều hành, tuyên giáo hoặc tổ chức đảng. Vì các quan chức như vậy thường có được vị trí bằng cách liên tục thể hiện lòng trung thành. Điều đó cho thấy tiêu chí này được đánh giá cao như thế nào trong Bộ Chính trị.
Sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức như vậy có thể sẽ có tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế tương lai của Trung Quốc. Các bộ máy chính quyền không chỉ kém khả năng quản lý nền kinh tế mà còn có nhiều khả năng thực hiện các chính sách phản tác dụng nhằm chỉ để thể hiện lòng trung thành.
Điều này có thể giải thích tại sao chính sách không COVID của Trung Quốc vẫn tiếp tục mặc dù có nhiều bằng chứng về sự thiếu căn cứ khoa học. Đồng thời, các nhà kỹ trị tài năng, hiện ít được đảng coi trọng hơn, sẽ khó được đề bạt vào các vị trí chính sách chủ chốt tại đại hội đảng sắp tới.
Đáng lo ngại hơn nữa là ‘sự đào tẩu’ của các doanh nhân năng động. Các chính sách không thân thiện của Bắc Kinh đối với khu vực tư nhân, đặc biệt là việc đàn áp lĩnh vực công nghệ, đã buộc các doanh nhân phải suy nghĩ lại về tương lai của họ. Gần đây, số lượng người Trung Quốc giàu sang tìm cách di cư đang tăng lên.
Những người ở lại dường như quá mất tinh thần để tham gia vào các hoạt động kinh tế đang bị suy thoái.
‘Nằm ngửa’ – một cụm từ tiếng Trung mô tả những người mất hết niềm tin và lý trí vào cuộc sống, chỉ muốn nằm đó và không làm gì cả – cũng đang được dùng để mô tả sự ra đi của một số công ty công nghệ lớn nhất của đất nước.
Jack Ma, người từ chức Chủ tịch Alibaba ba năm trước, đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng. Zhang Yiming, người sáng lập của ByteDance TikTok, đã từ bỏ vai trò điều hành vào năm ngoái cũng như Colin Huang, người đồng cấp của ông tại công ty thương mại điện tử Pinduoduo.
Đội ngũ nhân tài gồm các nhà khoa học và kỹ sư hàng đầu cũng có thể sẽ giảm xuống trong những năm tới. Tại nội địa, sự cô lập với thế giới bên ngoài ngày càng trở nên tồi tệ hơn vì lập trường không COVID của Bắc Kinh. Mặt khác các chính sách hạn chế trao đổi học thuật với phương Tây đang làm tổn hại đến khả năng cộng tác của các nhà nghiên cứu với các đồng nghiệp quốc tế.
Những hạn chế về thị thực do Mỹ đặt ra đối với các nghiên cứu sinh Trung Quốc trong một số lĩnh vực khoa học nhất định cũng sẽ làm suy yếu việc đào tạo thế hệ các nhà khoa học tiếp theo của nước này. Số lượng sinh viên trở về nước sau các khóa học tập và nghiên cứu nước ngoài có thể sẽ giảm trong những năm tới do các chính sách không thân thiện với thị trường lao động của chính phủ và căng thẳng địa chính trị làm ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Trung Quốc.
Một điều đáng chú ý là tình trạng thiếu hụt nhân tài đang ngày càng rõ rệt của Trung Quốc. Và đó là hệ quả của chính sách thiếu tư vấn của chính phủ. Tất cả những gì Bắc Kinh cần làm để giải quyết vấn đề này là đảo ngược các biện pháp trước đây. Để bắt đầu, các nhà chức trách có thể phải cân nhắc và thực thi chỉ thị của những chính khách được bổ nhiệm vào Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ và Bộ Chính trị tại đại hội đảng vào mùa thu năm nay.