Liên minh Châu Âu hôm thứ Tư (28/9) đã đề xuất vòng trừng phạt thứ tám chống lại Nga vì cuộc xâm lược Ukraine, bao gồm các hạn chế thương mại chặt chẽ hơn, mở rộng danh sách đen các cá nhân bị trừng phạt và giới hạn giá dầu ở các nước thứ ba.
Tờ Reuters đưa tin rằng đề xuất hiện sẽ được đệ trình lên 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) để thảo luận. EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow bảy lần kể từ khi quân đội Nga bắt đầu cuộc tấn công chống lại Ukraine vào ngày 24/2.
Vòng trừng phạt thứ tám
Tuần trước, Tổng thống Nga Putin tuyên bố huy động thêm 300.000 quân dự bị, cho thấy giao tranh sắp leo thang. Đồng thời, một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức tại bốn khu vực do quân đội Nga chiếm đóng ở Ukraine, bao gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia, để mở đường cho việc thôn tính lãnh thổ. Bên cạnh đó, các đồng minh của ông Putin cũng đưa ra một loạt lời đe dọa hạt nhân mới để thể hiện quyết tâm thôn tính.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) von der Leyen nói với các phóng viên: “Chúng tôi không chấp nhận các cuộc trưng cầu dân ý giả (ở Ukraine do Nga chiếm đóng) cũng như bất kỳ hình thức thôn tính nào … và chúng tôi quyết tâm khiến Điện Kremlin phải trả giá cho sự leo thang hơn nữa”.
Bà nói: “Chúng tôi đã đưa ra một gói trừng phạt cứng rắn mới”.
Nhóm bảy cường quốc công nghiệp (G7), bao gồm các nước EU, Ý, Pháp và Đức, đã đồng thuận áp đặt giới hạn giá dầu thông qua các công ty bảo hiểm.
Cũng hôm 28/9, ông Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã kêu gọi Liên minh châu Âu cắt giảm hơn nữa dòng tiền chảy vào Nga từ việc bán nhiên liệu hóa thạch.
“Nếu quý vị không làm gì, đồng nghĩa với việc quý vị đang kéo dài cuộc chiến này ở Ukraine. Điều đó thật nực cười”, ông Ustenko nói. “Cả thế giới văn minh phải xích lại gần nhau vào thời điểm này”.
Liên minh châu Âu đã đồng ý ngừng nhập khẩu dầu của Nga bắt đầu từ cuối năm nay. Tuy nhiên, ông Ustenko cho biết “đồng tiền xương máu” sẽ tiếp tục đổ về Moscow trừ khi các công ty châu Âu ngừng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của Nga đến các quốc gia khác.
Vòng trừng phạt cần có sự nhất quán
Vòng trừng phạt mới cần có sự đồng thuận nhất trí của các nước EU.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người có quan hệ mật thiết với Tổng thống Nga Putin, đã phản đối gay gắt việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow.
Ông Ustenko hy vọng rằng Hungary cuối cùng sẽ đồng ý và các nước EU có đội tàu lớn – Hy Lạp, Malta và Síp – cũng sẽ hỗ trợ nhiều biện pháp hơn để đạt được nguồn thu từ dầu mỏ của Nga.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết trong một bài phát biểu rằng, EU cũng sẽ bổ sung thêm nhiều cá nhân trong lĩnh vực quốc phòng của Nga, những người liên quan đến việc Moscow tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tại lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, những người bị phương Tây cáo buộc tuyên truyền cho Nga và những người giúp vượt qua các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow.
Đại sứ Ba Lan tại EU cho biết các biện pháp trừng phạt cá nhân được đề xuất sẽ bao gồm Thượng phụ Kirill I, người đứng đầu Nhà thờ Chính thống giáo Nga có trụ sở tại Moscow. Trước đây, EU đã cố gắng đưa ông vào danh sách đen, nhưng Hungary đã ngăn cản quyết định này.
“Nga đã leo thang chiến sự Ukraine lên một cấp độ mới”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói trong buổi họp báo chiều 28/9.
Bà Von der Leyen cho biết, lệnh cấm nhập khẩu mới sẽ khiến thổi bay 7 tỷ euro doanh thu của Nga. EU cũng sẽ mở rộng danh sách các mặt hàng bị cấm xuất khẩu “nhằm tước đoạt các công nghệ chủ chốt cho cỗ máy chiến tranh của Điện Kremlin”.
Xuất khẩu hàng hóa do EU sản xuất, đặc biệt là công nghệ quan trọng được sử dụng trong quân đội Nga như hàng không, linh kiện điện tử và hóa chất, cũng sẽ bị cấm.
“Các lệnh cấm xuất khẩu mới này sẽ làm suy yếu thêm nền tảng kinh tế của Nga và sẽ làm suy yếu năng lực hiện đại hóa của nước này”, Chủ tịch EC nói, song chưa đưa ra các lệnh cấm cụ thể.
Theo đề xuất, các công ty châu Âu không được phép cung cấp thêm dịch vụ cho Nga. Các biện pháp trừng phạt cũng sẽ cấm công dân EU trở thành thành viên ban điều hành các công ty nhà nước của Nga, với lý do “Nga không nên hưởng lợi từ kiến thức và chuyên môn của châu Âu”.
Kim cương Nga rơi vào “tầm ngắm”
Theo tờ Reuters, các quốc gia thành viên EU, bao gồm Ba Lan, Ireland, Litva, Estonia và Latvia đã đề xuất đưa ra lệnh cấm đối với việc nhập khẩu kim cương từ Moscow, nơi “gã khổng lồ” khai thác kim cương Alrosa PJSC của Nga là nhà sản xuất đá quý thô lớn nhất thế giới.
Đây không phải lần đầu tiên kim cương Nga bị EU đưa vào “tầm ngắm”. Tuy nhiên, trải qua 7 gói trừng phạt, mặt hàng này vẫn nằm ngoài danh sách nhờ sự vận động hành lang từ Bỉ, quốc gia sở hữu trung tâm buôn bán kim cương lớn nhất thế giới Antwerp.
Trong khi một số chuyên gia dự đoán Bỉ sẽ tiếp tục phản đối và giúp kim cương Nga một lần nữa thoát vòng trừng phạt, một quan chức EU và một nhà ngoại giao liên quan đến việc chuẩn bị các biện pháp mới chống lại Nga cho biết Brussels có thể sẽ dỡ bỏ quyền phủ quyết của mình.
Trừng phạt hạt nhân, giới hạn giá dầu khó có thể xảy ra
Vì G7 đã loại bỏ dần dầu của Nga, giới hạn giá được cho là sẽ áp dụng đối với các sản phẩm thô và tinh chế được bán cho các thị trường quốc tế khác. Tuy nhiên, mức giá trần vẫn chưa được xác định.
“Mức giới hạn dầu này sẽ giúp giảm doanh thu của Nga và giữ cho thị trường năng lượng toàn cầu ổn định”, Bà Von der Leyen cho biết.
Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu quốc gia ngoài G7 sẽ sẵn sàng tham gia vào kế hoạch này, trong bối cảnh Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng cường mua dầu của Moscow với mức giá chiết khấu cao.
Theo Reuters, Ủy ban châu Âu đã cảnh báo các nước EU rằng mức trần giá khí đốt có thể gây ra rủi ro cho an ninh năng lượng. Trong đó, mức trần giá bán buôn cho các giao dịch, bao gồm cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và nguồn cung cấp đường ống, có thể làm gián đoạn dòng chảy nhiên liệu giữa các nước EU.
Giới hạn giá khí bán buôn cũng sẽ gây ra “rủi ro gián đoạn nguồn cung” từ các nhà cung cấp nước ngoài lớn hơn so với giới hạn chỉ đối với việc giao hàng theo đường ống, Reuters cho hay.
EU cũng sẽ cần “nguồn lực tài chính đáng kể” để đảm bảo các nước có thể tiếp tục thu hút nguồn cung khí đốt từ các thị trường toàn cầu cạnh tranh, nơi những người mua khác có thể sẵn sàng trả giá cao hơn mức giới hạn của EU, Ủy ban Châu Âu cho biết.
Theo Reuters, Ủy ban châu Âu sẽ trình bày chi tiết về đề xuất này với các quốc gia thành viên tại một cuộc họp kín vào tối 28/9. 27 quốc gia dự kiến sẽ tổ chức các cuộc thảo luận đầu tiên vào thứ Sáu (30/9).
Huyền Anh