Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, bão Noru đã làm 57 người bị thương, chủ yếu ở tâm bão Quảng Nam, hơn 3.000 nhà bị hư hỏng, tốc mái.
Báo VnExpress đưa tin, tối 28/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết tâm bão Quảng Nam thiệt hại nặng nhất với 41 người bị thương, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế mỗi nơi 8 người. Tại Quảng Trị, 8 người bị thương do lốc xoáy trước bão. Ở Quảng Nam, đa số do ngã, chấn thương khi chằng chống nhà cửa, nhà sập.
Gió bão giật sập 94 ngôi nhà, trong đó Quảng Nam 65 nhà, Quảng Ngãi 21, Thừa Thiên Huế 6, Quảng Trị 2. Hơn 3.200 ngôi nhà khác bị tốc mái, nhiều nhất là Quảng Ngãi gần 1.300, Quảng Nam 1.150, Thừa Thiên Huế hơn 220 và Quảng Trị gần 140 nhà.
Về nông nghiệp, gần 300 ha lúa, hơn 1.000 ha hoa màu, hơn 5.200 cây xanh bị đổ, hư hại. Hơn 1.600 gia súc, gần 1.500 gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Giao thông sau bão bị gián đoạn với 65 vị trí bị ngập, sạt lở tại các tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 49B, 15D, 9D, 14E, 24, 24B, 24C, một số tuyến tỉnh lộ. 4 cầu treo, cầu tạm bị cuốn trôi. Đến tối nay, cơ bản các quốc lộ đã thông xe.
Ngoài ra, có một ghe (Quảng Nam), 8 tàu nhỏ ở Đà Nẵng và Quảng Nam bị hư hại, chìm tại khu neo đậu.
Bão với sức gió cấp 10-11 cũng khiến hơn 10.500 trạm biến áp mất điện tạm thời. Đến tối nay, ngành điện đã khôi phục hơn 6.800 trạm, riêng hơn 3.700 trạm của Đà Nẵng sẽ cấp điện trở lại trước 17h ngày mai.
Mưa lớn chồng mưa bão Noru, cảnh báo sạt lở đất, lũ quét
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cơn bão Noru đã gây ra mưa rất lớn ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam. Hơn nữa, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết ngay sau đợt mưa do ảnh hưởng bão Noru, miền Trung tiếp tục đón thêm một đợt mưa lớn kéo dài đến ngày 30/9. Theo ông Hưởng, nguyên nhân của đợt mưa này là do tác động của dải hội tụ nhiệt đới được hình thành từ chính cơn bão Noru. Nó kết hợp với đới gió đông sau bão và không khí lạnh để hình thành dải hội tụ nhiệt đới gây ra mưa lớn trên toàn khu vực miền Trung và tỉnh Kon Tum. Đợt mưa này bắt đầu từ 28/9 và kéo dài cho đến hết ngày 30/9, với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 – 200mm, có nơi trên 300mm. Vùng núi phía tây miền Trung có nguy cơ cao đến rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo mưa lớn trong những ngày tới ở miền Trung sẽ khiến lũ trên các sông ở Quảng Trị; sông Thu Bồn (Quảng Nam) lên mức báo động (BĐ) 1- BĐ 2, sông Vu Gia (Quảng Nam) lên trên BĐ 2. Các sông ở Kon Tum lên mức BĐ 2 – BĐ 3 và trên BĐ 3. Các sông ở Bắc Trung bộ xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông nhỏ thượng nguồn sông Mã, sông Cả lên mức BĐ 1 và trên BĐ 1. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu (Nghệ An) và Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh).