Nga sẽ sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine vào ngày 30/9

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong sự kiện kỷ niệm 1160 năm ngày thành lập nhà nước Nga tại thành phố Veliky Novgorod, Tây Bắc nước Nga, hôm 21/9/2022. (Ảnh: Ilya Pitalev/Sputnik/AFP/Getty Images)

Điện Kremlin tuyên bố sẽ chính thức sáp nhập 4 khu vực của Ukraine vào ngày 30/9, trong bối cảnh phương Tây đẩy mạnh chuẩn bị cho vòng trừng phạt thứ tám đối với Nga. Cộng đồng quốc tế cáo buộc đây là các cuộc trưng cầu dân ý “giả mạo”.

“Vào lúc 15:00 (19:00 theo giờ Việt Nam) ngày 30/9 tại Sảnh đường George của Đại điện Kremlin sẽ diễn ra lễ ký kết sáp nhập các vùng lãnh thổ mới vào Liên bang Nga. Tổng thống Putin sẽ có một bài phát biểu thú vị tại sự kiện này”, phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, theo truyền thông nhà nước Nga RIA Novosti.

Các cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề gia nhập Nga đã được tổ chức từ ngày 23/9 đến ngày 27/9 ở bốn tỉnh thuộc Ukraine gồm: Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk (DPR và LPR), Kherson và Zaporozhye. Theo kết quả xử lý 100% số phiếu bầu ở DP, 99,23% cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ việc gia nhập Nga, 98,42% ở LPR, 87,05% ở vùng Kherson và 93,11% ở vùng Zaporozhye.

Quyết định sáp nhập các vùng lãnh thổ của ông Putin được đưa ra sau khi quân đội Nga vấp phải tổn thất đáng kể trên chiến trường Ukraine, cùng với việc Điện Kremlin phải đối mặt với phản ứng dữ dội sau lệnh động viên một phần của ông Putin, theo tờ Financial Times.

Các quan chức do Nga hậu thuẫn ở bốn khu vực cho biết, các cử tri ủng hộ hoàn toàn việc gia nhập Nga. Tuy nhiên, các cuộc bỏ phiếu đã bị Ukraine, các chính phủ phương Tây và Liên Hợp Quốc bác bỏ và cáo buộc là bất hợp pháp, theo tờ RFERL.

Các cuộc bỏ phiếu được tổ chức trong bối cảnh một số quan chức địa phương tuyên bố rằng các cử tri đã bị đe dọa và ép buộc bỏ phiếu. Các quan chức bầu cử đã mang các thùng phiếu đến từng nhà, trong nhiều trường hợp có cả lực lượng vũ trang của Nga đi cùng, theo Financial Times.

Bốn vùng lãnh thổ này rộng 90.000 km2, chiếm 15% diện tích Ukraine với dân số ước tính khoảng 4 triệu người. Bốn khu vực này tạo thành một liên kết trọng yếu đối với Điện Kremlin, nối Nga và bán đảo Crimea, nơi được Moscow sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014 và chỉ được kết nối với đất liền bằng một cây cầu.

Phản ứng của phương Tây

Động thái của Điện Kremlin được công bố chỉ vài giờ sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố, Châu Âu đang tiến hành một gói trừng phạt thứ tám nhằm “khiến Điện Kremlin phải trả giá” vì làm leo thang xung đột ở Ukraine.

Bà nói với các phóng viên tại Brussels ở Bỉ rằng: “Chúng tôi không chấp nhận cuộc trưng cầu dân ý giả mạo cũng như bất kỳ hình thức thôn tính nào ở Ukraine, và chúng tôi quyết tâm khiến Điện Kremlin phải trả giá cho sự leo thang hơn nữa”.

Bà Von der Leyen cho biết, lệnh cấm nhập khẩu mới sẽ thổi bay 7 tỷ euro (6,7 tỷ USD) doanh thu của Nga. EU cũng sẽ mở rộng danh sách các mặt hàng bị cấm xuất khẩu “nhằm tước đoạt các công nghệ chủ chốt cho cỗ máy chiến tranh của Điện Kremlin”.

Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết Hoa Kỳ sẽ “không bao giờ” công nhận các nỗ lực của Nga nhằm thôn tính các vùng lãnh thổ của Ukraine và đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Moscow, vốn sẽ áp đặt “trừng phạt kinh tế nặng nề hơn nữa nếu Nga tiến tới sáp nhập”.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận những nỗ lực thôn tính bất hợp pháp này”, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên vào ngày 28/9.

“Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác của mình để áp đặt trừng phạt kinh tế bổ sung đối với Nga cũng như các cá nhân và thực thể bên trong và bên ngoài nước Nga”.

Xuất khẩu hàng hóa do EU sản xuất, đặc biệt là công nghệ quan trọng được sử dụng trong quân đội Nga như hàng không, linh kiện điện tử và hóa chất, cũng sẽ bị cấm.

“Các lệnh cấm xuất khẩu mới này sẽ làm suy yếu thêm nền tảng kinh tế của Nga và tiến tới làm suy yếu năng lực hiện đại hóa của nước này”, Chủ tịch EC nói, song chưa đưa ra các lệnh cấm cụ thể.

Theo đó, các công ty châu Âu không được phép cung cấp thêm dịch vụ cho Nga. Các biện pháp trừng phạt cũng sẽ cấm công dân EU trở thành thành viên ban điều hành các công ty nhà nước của Nga, với lý do “Nga không nên hưởng lợi từ kiến ​​thức và chuyên môn của châu Âu”.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết trong một bài phát biểu rằng, EU cũng sẽ bổ sung thêm nhiều cá nhân trong lĩnh vực quốc phòng của Nga, những người liên quan đến việc Moscow tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tại lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, những người bị phương Tây cáo buộc tuyên truyền cho Nga và những người hỗ trợ Moscow vượt qua các biện pháp trừng phạt.

Ukraine cho hay, họ không chấp nhận hành vi đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga, đồng thời tuyên bố Kyiv sẽ giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng kể từ đầu cuộc chiến. Các quan chức phương Tây đồng tình và nói rằng họ đã đưa ra những cảnh báo rất nghiêm khắc đối với Điện Kremlin về việc không leo thang xung đột thông qua việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Lam Giang

Related posts