Hôm 28/9, Mỹ đã đạt được sự đồng thuận với các quốc đảo Thái Bình Dương về ‘mối quan hệ đối tác trong tương lai’, đồng thời hứa hẹn đầu tư mạnh tay cho khu vực này trong thời gian tới. Đây được coi là nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương đã chính thức khai mạc tại thủ đô Washington ngày 28/9.
Sự kiện này quy tụ các nhà lãnh đạo và đại diện từ 14 quốc đảo Thái Bình Dương, trong bối cảnh Washington đẩy mạnh các cam kết trong khu vực. Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày tại Nhà Trắng.
Tờ Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, chính quyền ông Biden sẽ sớm công bố khoản đầu tư hơn 860 triệu USD vào các chương trình mở rộng để hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày. Đây là mức đầu tư bên cạnh 1,5 tỷ USD được cung cấp trong suốt thập kỷ qua.
Nhà Trắng chưa có bình luận ngay lập tức về con số tài trợ, nhưng một quan chức Mỹ cho biết, tất cả các nhà lãnh đạo trong chuyến thăm đã tán thành một bản tuyên bố tầm nhìn 11 điểm, trong đó cam kết “tầm nhìn chung vì tương lai và quyết tâm cùng nhau xây dựng tương lai”.
Tham dự sự kiện còn có Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare. Trước đó chính phủ Mỹ lo ngại rằng, Solomon sẽ xích lại gần Trung Quốc. Người phát ngôn của ông Sogavare không có bình luận ngay lập tức về vấn đề này.
Dự thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, cũng như quyền tự do hàng hải và hàng không, đồng thời lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Theo đó, Hoa Kỳ vẫn cam kết giải quyết các mối quan tâm về môi trường và sức khỏe của Quần đảo Marshall, mà không đề cập cụ thể đến di sản của vụ thử hạt nhân của Hoa Kỳ ở quần đảo này vào những năm 1940 và 1950.
Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ tiếp đón nhiều nhà lãnh đạo của một khu vực mà nước này coi là sân sau hàng hải kể từ Thế chiến thứ II, trong bối cảnh Trung Quốc đã và đang đạt được những bước tiến vững chắc trong khu vực. Một số quốc gia đã phàn nàn về việc bị mắc kẹt giữa cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường.
Điều phối viên Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell tuần trước cho biết, hội nghị thượng đỉnh sẽ tập trung vào các vấn đề như biến đổi khí hậu và sức khỏe. Washington và các đồng minh muốn tăng cường an ninh hàng hải và liên kết thông tin liên lạc của các quốc đảo với các nước như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, theo Reuters.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh này phản ánh quan hệ đối tác sâu sắc và lâu dài của Mỹ với các quần đảo Thái Bình Dương, được củng cố bởi lịch sử, giá trị chung và mối quan hệ bền vững giữa người dân hai bên.
Ông nêu rõ: “Chúng ta sẽ cùng thảo luận về những thách thức đang phải đối mặt, trao đổi ý tưởng và quan điểm, đồng thời đề ra hướng đi để giải quyết những vấn đề quan trọng nhất đối với người dân”.
Ông trích dẫn cuộc khủng hoảng khí hậu, các trường hợp khẩn cấp về y tế, thúc đẩy cơ hội kinh tế và duy trì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi mọi quốc gia bất kể quy mô đều có quyền lựa chọn con đường riêng của mình.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Blinken thông báo Mỹ cam kết tài trợ 4,8 triệu USD để củng cố “các nền kinh tế xanh”, qua đó góp phần bảo vệ môi trường biển với việc thúc đẩy hoạt động đánh bắt thủy, hải sản mang tính bền vững hơn.
Solomon xích lại gần Trung Quốc
Trong một tuyên bố vào ngày đầu tiên của cuộc hội đàm, ông Henry Puna, Tổng thư ký Diễn đàn các Đảo quốc Thái Bình Dương cho biết, ông tin tưởng các hòn đảo và Hoa Kỳ sẽ “đảm bảo và xây dựng quan hệ đối tác”.
Ông cho biết, kết quả dự kiến sẽ được công bố sau cuộc thảo luận trực tiếp với Tổng thống Mỹ Biden.
Cạnh tranh chiến lược ở Thái Bình Dương đã gia tăng đáng kể trong năm nay sau khi Trung Quốc ký một thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon, làm dấy lên cảnh báo về việc quân sự hóa khu vực này.
Ông Sogavare đã nhiều lần tỏ ra dè bỉu Hoa Kỳ, một động thái làm tăng thêm lo ngại của Washington.
Các cuộc đàm phán hôm thứ Tư (28/9) bao gồm một phiên họp do đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry chủ trì, người đã ca ngợi các nhà lãnh đạo các đảo Thái Bình Dương về một mục tiêu khí hậu toàn cầu tham vọng hơn so với thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu Paris năm 2015.
Một nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận cho biết, Nhà Trắng đang làm việc với khu vực tư nhân để đưa ra một thỏa thuận về các tuyến cáp dưới biển trong khu vực, gọi đây là “phản ứng đối với hoạt động ngoại giao và mở rộng quân sự của Trung Quốc”.
Các quốc đảo Thái Bình Dương mong muốn kết nối nhiều hơn với các đồng minh. Tuy nhiên, họ đã nhiều lần nhấn mạnh Washington nên chấp nhận các ưu tiên của họ, coi biến đổi khí hậu – chứ không phải cạnh tranh giữa các siêu cường – là nhiệm vụ an ninh cấp bách nhất.
Chủ tịch Micronesian David Panuelo hôm thứ Ba (27/9) cho biết, những người tham gia đã thống nhất trong tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh về 5 vấn đề, trọng tâm là phát triển con người, giải quyết biến đổi khí hậu, địa chính trị và an ninh, cũng như thương mại và phát triển công nghiệp.
Các nhà lãnh đạo từ Liên bang Micronesia, Quần đảo Marshall, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Samoa, Tuvalu, Tonga, Fiji, Quần đảo Cook, Polynesia thuộc Pháp và New Caledonia đã tham dự hội nghị thượng đỉnh cũng như đại diện từ Vanuatu, Nauru và Palau.
Huyền Anh