Bà Giorgia Meloni, thủ tướng sắp nhậm chức của Ý, là một cái gai trong mắt Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Người phụ nữ thắng cử này ủng hộ Đài Loan và phản đối Vành đai và Con đường.
Chiến thắng bầu cử của đảng cánh hữu dưới sự lãnh đạo bà Giorgia Meloni ở Ý đang vấp phải phản ứng ngờ vực không chỉ tại các khu vực của Liên minh Âu Châu (EU), mà còn khiến nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc cảm thấy không hài lòng. Rốt cuộc, bà Meloni đã nhiều lần lên tiếng phản đối chính sách gây ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Âu Châu. Bà được xem là người ủng hộ nhiệt thành cho một Đài Loan tự do — và là người phản đối mạnh mẽ các dự án “Vành đai và Con đường” (Con đường Tơ lụa Mới).
Khi còn là một bộ trưởng, bà Meloni đã kêu gọi tẩy chay lễ khai mạc Thế vận hội
Đại sứ quán Trung Quốc tại Rome đã đưa ra một tuyên bố ngay sau cuộc bầu cử, phàn nàn về “một số nhận xét tiêu cực liên quan đến Đài Loan”. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cảnh báo người đứng đầu chính phủ Ý vừa đắc cử này về “phản ứng bất mãn mạnh mẽ và phản đối kiên quyết” trong vấn đề đó.
Từ khi còn là Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao trong nội các đương thời của Thủ tướng Berlusconi, bà Meloni đã gây khó chịu cho ĐCSTQ. Bà đã kêu gọi các vận động viên Ý tẩy chay lễ khai mạc Thế vận hội Olympic 2008 tại Bắc Kinh.
Sau đó, bà kêu gọi EU gây áp lực lên nhà cầm quyền này để tránh xảy ra xung đột xuyên eo biển. Việc bà Meloni có lẽ sẽ nhậm chức thủ tướng trong thời gian ngắn sắp tới sẽ làm tăng thêm lo ngại ở Bắc Kinh. Một trong số những mối bận tâm đó là khả năng Ý sẽ quay ngoắt 180 độ đối với dự án nổi danh “Một Vành đai, Một Con đường” của Trung Quốc.
Năm 2019, Ý là quốc gia G-7 đầu tiên ký tuyên bố về ý định hướng tới cái gọi là “Con đường Tơ lụa Mới”, một sai lầm nghiêm trọng theo quan điểm của bà Meloni. Thỏa thuận ban đầu có hiệu lực đến năm 2024.
‘Hầu như không có bất kỳ điều kiện chính trị nào’ để gia hạn bản ghi nhớ
Trong một số cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Đài Loan, bà nói rõ rằng bà thấy có một số lý do để không gia hạn bản ghi nhớ. Trong số đó, bà chỉ trích những hành động của nhà cầm quyền cộng sản ở Hồng Kông, Tân Cương, cũng như nhiều lần đe dọa bạo lực đối với Đài Loan. Ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times trích lời bà Meloni cho biết:
“Nếu tôi gia hạn bản ghi nhớ này vào sáng mai, tôi sẽ thấy hầu như không có bất cứ điều kiện chính trị nào cho nó.”
Thay vào đó, bà Meloni muốn củng cố chương trình “Global Gateway” (“Cửa Ngõ Toàn Cầu”) mà EU mới ra mắt. Mục tiêu của dự án này, ban đầu dự kiến sẽ hoạt động từ năm 2021 đến năm 2027, là xây dựng và mở rộng cơ sở hạ tầng trên toàn cầu. Với chương trình này, Brussels muốn đưa ra một đề nghị thay thế cho “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Họ tin rằng, các quốc gia phụ thuộc vào “Vành đai và Con đường” — và do đó chịu ảnh hưởng kéo theo của ĐCSTQ — sẽ có thể tận dụng đề nghị này.
EU nên thể hiện tình đoàn kết rõ ràng hơn với Đài Loan
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn trung ương Đài Loan (Central News Agency, CNA), bà Meloni nhấn mạnh rằng Đài Loan “chắc chắn sẽ là một vấn đề quan trọng đối với Ý.” Bà đã mô tả mối quan hệ giữa Ý và Đài Loan là “tình bằng hữu chân thành.” Đồng thời, bà dõi theo các mối đe dọa ngày càng tăng của nhà cầm quyền cộng sản ở Bắc Kinh đối với hòn đảo này “một cách ái ngại.” Về những căng thẳng gần đây ở Eo biển Đài Loan, bà nói:
“Đây là hành vi không thể chấp nhận được từ phía Bắc Kinh, mà chúng tôi cùng tất cả các nền dân chủ trong thế giới tự do lên án mạnh mẽ.”
EU phải sử dụng “tất cả các vũ khí chính trị và ngoại giao mình có” để chống lại chế độ này. Brussels nên “gây càng nhiều sức ép càng tốt” để ngăn Trung Quốc leo thang tình hình về mặt quân sự.
Bà Meloni đã có nhiều năm kinh nghiệm ở cấp độ chính trị Âu Châu. Bà là lãnh đạo của Đảng Bảo thủ và Cải cách Âu Châu (ECR) tại Nghị viện Âu Châu kể từ năm 2020.
Chống lại các nỗ lực bành trướng của Bắc Kinh
Bà Meloni cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Đài Loan như một đối tác thương mại chiến lược đối với Ý và Âu Châu. EU phải nhận thức được rằng điều đó cũng rất quan trọng đối với chính quyền Bắc Kinh. Bà cũng phải tận dụng lợi thế đó, chính trị gia này nhấn này mạnh:
“Chúng ta không được quên rằng EU cũng là một thị trường bán hàng quan trọng đối với Trung Quốc, vốn có nguy cơ bị đóng cửa nếu họ quyết định tấn công Đài Loan.”
Bà hy vọng rằng Bắc Kinh “theo thời gian sẽ dịu lại giọng điệu của mình và làm điều gì đó chắc chắn về phương diện tôn trọng nền dân chủ, nhân quyền, và tính hợp pháp quốc tế.” Tuy nhiên, sự tin tưởng của bà đối với niềm hy vọng này là có hạn.
ĐCSTQ đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình ở Tây Balkan và một số khu vực ở Phi Châu, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và Châu Mỹ Latinh. Bà Meloni cho biết, chống lại những bước tiến này cũng sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ bà.
Nữ thủ tướng vừa đắc cử nhấn mạnh rằng bà muốn bảo vệ chủ quyền của Ý trước mọi nỗ lực can thiệp. Đây không chỉ là một vấn đề về quân sự, mà còn là một vấn đề đòi hỏi sự cảnh giác trong lĩnh vực an ninh mạng và tự do thông tin.
Bà Meloni nhận thấy những dấu hiệu của việc hợp tác chặt chẽ hơn với Đài Loan
Bà Meloni đã nói rõ với Reuters rằng dưới sự lãnh đạo của bà, Ý sẽ không phải là “mắt xích yếu” trong liên minh phương Tây. Về phía mình, Ý “không có ý chí chính trị để chấp thuận sự bành trướng của Trung Quốc sang Âu Châu.” Thay vào đó, Ý phải thoát khỏi hình ảnh của “spaghetti và đàn măng cầm (mandolin)” để trở thành một yếu tố quan trọng trên trường quốc tế.
Cuộc chiến Ukraine chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” khi nói đến những nỗ lực nhằm thay đổi trật tự thế giới. So với Nga, chế độ cộng sản ở Trung Quốc hành động “lặng lẽ hơn, nhưng nỗ lực gây ảnh hưởng của họ vươn tới mọi nơi.”
Bà Meloni cũng muốn giảm số lượng quảng cáo xe điện ở Âu Châu. Hầu hết các loại pin cần thiết cho loại xe này sẽ được sản xuất tại Trung Quốc. Điều này có thể tạo ra một sự phụ thuộc mới cho Âu Châu.
Mặt khác, bà Meloni nhận thấy có vô số khả năng hợp tác chặt chẽ hơn với Đài Loan. Bà nói với Reuters:
“Chúng tôi dự kiến một sự hợp tác mới và chuyên sâu hơn: giao lưu văn hóa, du lịch, quản lý và phòng ngừa khủng hoảng y tế, nghiên cứu khoa học và các dự án trong lĩnh vực then chốt của vi mạch, mà trong đó Đài Loan là nước dẫn đầu thế giới.”
Reinhard Werner
Việt Phương biên dịch