Tin VN sáng thứ Bảy: Đình chỉ Phó giám đốc Trung tâm hành chính để điều tra về hành vi hiếp dâm

Đình chỉ Phó giám đốc Trung tâm hành chính công ở Quảng Ninh để điều tra về hành vi hiếp dâm

Phó giám đốc Trung tâm hành chính công huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) bị đình chỉ công việc để nhà chức trách điều tra về hành vi hiếp dâm.

Ngày 30/9, theo thông tin từ huyện ủy Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh), cơ quan này vừa ra quyết định đình chỉ công việc chuyên môn, sinh hoạt đảng đối với ông Đ.Q.B. – Phó giám đốc Trung tâm hành chính công của huyện này.

Trước đó, hôm 29/9, một thiếu nữ 19 tuổi (tạm trú tại TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) đã trình báo Công an huyện Hải Hà (Quảng Ninh) về việc mình bị ông Đ.Q.B. hiếp dâm tại một khách sạn ở địa phương.

Sau khi nhận được thông tin, huyện uỷ Đầm Hà đã đình chỉ công việc chuyên môn, sinh hoạt đảng của ông B.; đồng thời yêu cầu các cơ quan chuyên trách thực hiện các bước xem xét kỷ luật ông B. tương ứng với hành vi vi phạm.

Liên quan đến vụ việc, Công an huyện Hải Hà đã tạm giữ ông B. để điều tra.

Trong ngày 30/9, ông Đ.Q.B đã bị xoá tên khỏi Cổng thông tin điện tử huyện Đầm Hà.

Mạnh Hùng

Hàng loạt thủy điện, hồ thủy lợi xả lũ, người dân hạ du ‘chạy lụt’

Tính đến chiều 30-9, tại các huyện Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Yên Thành, thị xã Hoàng Mai… đang có hơn 8.000 nhà dân bị ngập lụt. (Ảnh: Doãn Hoà/Tuổi Trẻ).

Nhiều nhà máy thủy điện, hồ thủy lợi ở Nghệ An vận hành xả lũ, người dân tại các khu vực dân cư hạ du ngập lụt hối hả di dời tài sản.

Theo nghi nhận của báo Tuổi Trẻ, 3h30 chiều 30/9, mặc dù mưa đã ngớt nhưng nước từ sông Hoàng Mai đoạn qua thị xã Hoàng Mai, Nghệ An vẫn tiếp tục dâng cao, tràn qua bờ đê vào khu vực dân cư bên trong.

Được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng mưa lớn từ hoàn lưu cơn bão số 4 (bão Noru) nên người dân ở đây đã chủ động dọn các tài sản có giá trị lên cao, chuẩn bị lương thực, thực phẩm phòng trường hợp bị nước lũ chia cắt nhiều ngày.

Vừa mang chiếc ti vi thông minh gửi sang nhà hàng xóm, bà Trương Thị Minh – 53 tuổi, ngụ phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai – cho hay do nhà nằm gần sông nên cứ vào mùa mưa lũ, gia đình bà đều đem ti vi, tủ lạnh, xe máy qua nhà hàng xóm xây kiên cố hai tầng để gửi tạm.

“Chỉ mới sáng nước ở mấp mé sân nhưng trưa nay nước đã vào nhà, ngập nửa bụng rồi. Cũng may nước lên ban ngày nên gia đình tôi có sự chuẩn bị, hạn chế thấp nhất thiệt hại”, bà Minh nói.

Đến trưa 30/9, nhiều đoạn đường trên quốc lộ 1 ở huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai bị ngập sâu, khiến các phương tiện giao thông ùn ứ.

Theo Xí nghiệp thủy lợi Hoàng Mai, do tổng lượng mưa 3 ngày qua hơn 200mm và rạng sáng 30/9 tiếp tục mưa to, mực nước hồ Vực Mấu hiện lên nhanh, vượt cao trình mực nước dâng bình thường.

Để đảm bảo an toàn hồ chứa nước và các vùng thượng lưu, hạ du, xí nghiệp dự kiến mở từ 4 cửa tràn của hệ thống cống xả lũ hồ Vực Mấu với lưu lượng xả dự kiến 10 – 800m3/s.

Ngoài hồ Vực Mấu – hồ thủy lợi lớn nhất của tỉnh Nghệ An, hiện tại 7 nhà máy thủy điện, hồ thủy lợi khác tại tỉnh này cũng đang xả lũ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Noru, ngày 27-29/9, nhiều huyện thị Hà Tĩnh và Nghệ An mưa 200-600 mm.

Tại Nghệ An, mưa lớn nhất là Quỳnh Lưu hơn 600 mm; Thanh Chương 510 mm; huyện Nam Đàn, Đô Lương, thị xã Thái Hòa hơn 400 mm; thị xã Cửa Lò, TP Vinh, huyện Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn, Anh Sơn và Con Cuông 300-390 mm; khu vực huyện Tương Dương, Quỳ Hợp và Quỳ Châu từ 150 đến 220 mm.

Trong số hơn 8.100 nhà ở Nghệ An bị ngập, nặng nhất là Quỳnh Lưu với hơn 5.500, huyện Yên Thành hơn 1.000; Thanh Chương hơn 770; Anh Sơn hơn 220. 2 người chết, 3 người mất tích. Một số nơi nước đang rút.

Bà Rịa – Vũng Tàu: 12 người Trung Quốc tử vong trên tàu, 9 người nguy kịch

Trung tâm Quân dân y Côn Đảo – nơi tiếp nhận các thuyền viên. (Ảnh: giadinhonline).

Chiều 30/9, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác nhận, tàu Wuzhou 8 từ Thái Lan đến Trung Quốc, khi tới vùng biển Côn Đảo thì có 21 thuyền viên có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm. Trong đó 12 người đã tử vong, 9 người nguy kịch đang cấp cứu tại bệnh viện ở huyện Côn Đảo.

Cụ thể theo báo VnExpress, lúc 14h30, Đồn Biên phòng Côn Đảo tiếp nhận thông tin từ máy bay trực thăng cứu hộ đáp tại sân bay Cỏ Ống (Côn Đảo) về sự cố xảy ra trên tàu MV. Wuzhou 8 (quốc tịch Trung Quốc) nằm cách Côn Đảo hơn 63 hải lý (hơn 110km) về hướng đông nam.

Theo thông tin từ trực thăng cứu hộ, trên tàu 21 thuyền viên bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 10 người tử vong. 11 người còn lại được máy bay đưa vào Côn Đảo cấp cứu. Trên đường vào sân bay, thêm một người tử vong, một người không qua khỏi khi được đưa đến Trung tâm quân dân y Côn Đảo. 9 nạn nhân còn lại trong tình trạng nguy kịch.

Hiện, tàu của VungTau MRC đóng tại Vũng Tàu trên đường ra lai dắt tàu bị nạn đến vị trí an toàn. Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, dự kiến trong đêm 30/9 sẽ tiếp cận tàu của Trung Quốc.

Huệ Liên

Tước danh hiệu 3 công an đánh 2 thiếu niên

Hình ảnh đại úy Châu Minh Trung đánh một trong 2 thiếu niên.

Liên quan clip CSGT – Trật tự Công an TX.Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đánh 2 thiếu niên gây phẫn nộ dư luận. Hôm nay (30/9) Đại tá Lâm Thành Sol, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, 3 cảnh sát đánh hai thiếu niên đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân, một người khác bị cách chức.

Chiều 30/9, kết thúc cuộc họp của Công an tỉnh Sóc Trăng, Đại tá Lâm Thành Sol, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 3 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đánh, đập 2 thiếu niên vi phạm giao thông, gồm: đại úy Châu Minh Trung; trung úy Nguyễn Quang Thái và thượng úy Đoàn Tấn Phong.

Đại úy Trần Minh Đời, người chứng kiến vụ việc, bị kỷ luật cảnh cáo. Riêng đại úy Thái Trường An, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự và Cơ động của Công an thị xã Vĩnh Châu, bị giáng chức xuống làm cán bộ.

Trước đó, mạng xã hội đã xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh công an đánh 2 thiếu niên đi xe máy. Theo đó, sau khi bị 2 công an (1 người mặc áo vàng, 1 người mặc áo xanh) đuổi kịp, 2 thiếu niên đã bị 2 cán bộ xuống xe, dùng tay, chân, nón bảo hiểm đánh người cầm lái.

Sau đó, một xe chuyên dụng khác tới và 2 người mặc áo xanh cũng tới, 1 trong 2 người tiếp tục đánh 1 thiếu niên. Đoạn clip chia sẻ nhanh chóng trên một số nền tảng mạng xã hội, người dùng mạng phẫn nộ, bất bình sau khi xem đoạn clip.

Thái Học

Vụ thuốc giả: Nộp thêm nửa tỷ đồng, cựu Thứ trưởng Y tế được giảm 1 năm tù

Ông Trương Quốc Cường tại phiên tòa phúc thẩm. (Ảnh: vov.vn)

Tòa phúc thẩm đánh giá ông Trương Quốc Cường đã nộp thêm 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả nên quyết định giảm án cho bị cáo từ 4 năm tù còn 3 năm tù.

Chiều 30/9, sau 3 ngày xét xử và nghị án, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết với cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 9 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada.

Tòa phúc thẩm quyết định giảm án cho bị cáo Trương Quốc Cường từ 4 năm tù còn 3 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Lý do, bị cáo Cường đã cùng gia đình nộp thêm 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả (giai đoạn sơ thẩm đã nộp 1,8 tỷ đồng) và nộp hơn 50 giấy khen, bằng khen, huân chương…

Ngoài ông Cường, tòa phúc thẩm cũng giảm 1 năm tù cho bị cáo Phạm Anh Kiệt (cựu Tổng Giám đốc Công ty Dược Sài Gòn) từ 14 năm xuống còn 13 năm tù về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.

8 bị cáo còn lại có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng đều bị tòa phúc thẩm bác bỏ.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2007 nhóm bị cáo tại công ty VN Pharma cùng Công ty TNHH thương mại hàng hải Quốc tế H&C cấu kết để làm giả các hợp đồng mua bán thuốc, đánh tráo vỏ thuốc Helix Canada thành thuốc nhãn mác Health 2000 Canada; sau đó nộp hồ sơ xin cấp số đăng ký cho 7 loại thuốc mang nhãn Health 2000 Canada.

Thời điểm này, ông Trương Quốc Cường giữ chức Cục trưởng Quản lý dược kiêm Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng xét duyệt thuốc Bộ Y tế, được giao quản lý hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định việc cấp số đăng ký thuốc.

Tuy nhiên, ông Cường và các cựu cán bộ tại Cục Quản lý Dược đã để xảy ra nhiều sai phạm, dẫn đến các bộ hồ sơ từ VN Pharma trình lên không đủ điều kiện nhưng vẫn được thẩm định. Việc này khiến lô thuốc giả có tổng trị giá hơn 148 tỷ đồng được nhập khẩu, tiêu thụ hết tại Việt Nam.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 19/5, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt ông Trương Quốc Cường 4 năm tù. 9 bị cáo còn lại từ 2 năm đến 16 năm tù.

Phạm Toàn

Ngày 30/9, tỷ giá đồng nội tệ của Việt Nam vượt mức 24.000 đồng/USD

Tỷ giá đồng nội tệ của Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) vượt ngưỡng 24.000 đồng/USD vào sáng ngày 30/9. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm tăng thêm 29 đồng, với biên độ dao động 3%, một số ngân hàng thương mại lập tức đồng loạt nâng giá USD lên cả chiều mua và bán.
Ngày 30/9, tỷ giá đồng nội tệ của Việt Nam so với đồng đô ly Mỹ vượt mức kỷ lục 24.000 đồng đổi 1 USD. (Ảnh chụp màn hình/Sacombank.com.vn)

Cụ thể, NHNN quy định tỷ giá trung tâm ở mức 23.400 VND đổi 1 USD, tăng 29 đồng so với ngày hôm qua (29/9). Với biên độ dao động là 3%, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng là 24.100 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.700 đồng/USD.

NHNN sáng ngày 30/9 đã tiến hành điều chỉnh tỷ giá bán USD tại Sở Giao dịch từ 23.700 đồng/USD lên mức 23.925 đồng/USD. Như vậy, từ đầu năm đến nay, NHNN đã tăng tỷ giá tham khảo ở chiều bán ra thêm 905 đồng.

Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt tăng mạnh, vượt ngưỡng kỷ lục 24.000 đồng.

Theo đó, ngân hàng Sacombank bán ra ở mức 24.050 đồng/USD và mua vào với giá 23.730 đồng.

Còn ngân hàng ACB bán và mua ở mức 23.650 – 24.000 VND/USD, giảm 10 đồng ở chiều mua nhưng tăng 40 đồng ở chiều bán ra so với phiên hôm qua

Ngân hàng Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 23.500 – 23.960 VND/USD (mua vào – bán ra), tăng 30 đồng ở chiều mua vào và tăng 60 đồng ở chiều bán ra so với phiên hôm 29/9.

Sáng ngày 30/9, ngân hàng Vietinbank giao dịch USD ở mức 23.665 đồng (mua vào) và 23.965 đồng (bán ra), tăng 50 đồng/USD ở chiều mua vào và tăng 70 đồng ở chiều bán ra so với phiên liền trước.

Trên thị trường thế giới, đồng USD sáng nay (30/9) quay đầu giảm nhẹ. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (gồm: EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) lúc 9h ngày 30/9 (giờ Việt Nam) ở mức 112,01 điểm, giảm 0,22%.

Tuy vậy, chỉ số DXY đã tăng hơn 16% so với mức đầu năm, cao nhất trong vòng 2 thập kỷ qua. Điều này bị tác động một phần bởi chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Cơ quan này cho biết chấp nhận nguy cơ suy thoái nền kinh tế để kiềm chế lạm phát.

Đức Minh

Đồng Nai: 2 cán bộ quản lý thị trường ‘vòi’ tiền nhận án treo

Một cán bộ quản lý thị trường tại tỉnh Đồng Nai kiểm tra hàng hóa của tiệm tạp hóa trong chợ, tháng 7/2021. (Ảnh minh họa: dongnai.dms.gov.vn)

Tự ý kiểm tra cửa hàng đồ chơi và nhận 20 triệu để che giấu số hàng không rõ nguồn gốc, hai cán bộ thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai vừa bị tuyên phạt mỗi người 1 năm tù treo.

Ngày 29/9, TAND TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã mở phiên xét xử đối với bị cáo Lê Huỳnh Nhân (SN 1977) và Mai Đức Anh (SN 1992) về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Ông Nhân và ông Đức Anh là cựu cán bộ Đội quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai.

Theo cáo trạng, ngày 5/1/2022, dù không được phân công, không thuộc địa bàn phụ trách nhưng ông Nhân và ông Đức Anh vẫn đến kiểm tra cửa hàng bán đồ chơi trên đường Nguyễn Ái Quốc (phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa) do anh M. làm chủ. Tại đây, 2 người yêu cầu chủ cửa hàng tắt camera để làm việc.

Khi kiểm tra, anh M. không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Ông Nhân và ông Đức Anh nói sẽ lập biên bản tạm giữ số hàng hóa. Sợ bị tịch thu hàng, anh M. hứa đưa ông Nhân và ông Đức Anh 10 triệu đồng xin bỏ qua.

Cả hai đồng ý nhưng nói sẽ thu một nửa số hàng. Anh M. tiếp tục nài nỉ, hứa đưa 20 triệu đồng để không bị thu giữ hàng hóa thì ông Nhân và ông Đức Anh đồng ý, không tịch thu hàng.

Do không có tiền mặt, anh M. ra cây ATM rút 12 triệu đồng đưa cho 2 người trên, còn 8 triệu anh M. hẹn đến tối cùng ngày sẽ đưa đủ. Sau khi giao tiền xong, anh M. làm đơn tố cáo đến Công an tỉnh Đồng Nai.

Biết tin bị tố giác, ông Nhân và ông Đức Anh nhờ một cán bộ quản lý thị trường khác mang 12 triệu đồng trả cho anh M., song người này đã giao nộp tiền cho cơ quan công an.

Tại phiên tòa, 2 bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo khai đã nhận tiền khi chủ cửa hàng xin đưa tiền “bồi dưỡng” để không bị tịch thu hàng hóa không có hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ.

Theo hội đồng xét xử, trong quá trình xét xử, 2 bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Mỗi bị cáo bị tòa tuyên phạt 1 năm tù treo.

Khánh Vy

Chi cục trưởng Chi cục Dự trữ nhà nước Mộc Châu (Sơn La) bị bắt

Ông Nguyễn Văn Miên – Nguyên Chi cục trưởng Chi cục dự trữ Nhà nước Mộc Châu khi nghe lệnh khởi tố, ngày 29/9. (Ảnh: congan.sonla.gov.vn)

Nguyên Chi cục trưởng Chi cục dự trữ Nhà nước Mộc Châu và một chuyên viên của Cục Dự trữ Nhà nước Khu vực Tây Bắc vừa bị bắt với cáo buộc lập khống hồ sơ để bòn rút tiền bốc xếp nhập, xuất kho gạo dự trữ. Vụ việc trên nối tiếp sau hàng loạt quan chức cao cấp ngành dự trữ, từ Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng đến Trưởng phòng… tại Sơn La, Thái Bình bị bắt giữ.

Ngày 29/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Miên – nguyên Chi cục trưởng Chi cục dự trữ Nhà nước Mộc Châu và bà Nguyễn Thị Nga – chuyên viên Cục Dự trữ Nhà nước Khu vực Tây Bắc.

Theo thông tin điều tra ban đầu, từ đầu năm 2020 đến tháng 6/2020, với vai trò là Chi cục trưởng Chi cục Dự trữ Nhà nước Mộc Châu, ông Miên đã trực tiếp chỉ đạo, thống nhất với bộ phận kế toán lập khống hồ sơ thanh toán tiền bốc xếp nhập, xuất kho gạo dự trữ quốc gia cao hơn thực tế chi trả, gây thất thoát cho Ngân sách Nhà nước.

Bà Nga với vai trò là Kế toán trưởng Chi cục Dự trữ Nhà nước Sơn La, bị xác định từ đầu năm 2020 đến tháng 6/2021, đã làm theo sự chỉ đạo của Chi cục trưởng, lập khống hồ sơ thanh toán tiền bốc xếp nhập, xuất kho gạo dự trữ quốc gia của Chi cục dự trữ Nhà nước Sơn La cao hơn thực tế chi trả gây thất thoát cho Ngân sách Nhà nước.

Theo kết luận của cơ quan công an tỉnh, các hành vi trên đủ yếu tố cấu thành tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 356 Bộ Luật Hình sự 2015.

Thông tin về số ngân sách bị thất thoát trong vụ việc trên không được Công an tỉnh Sơn La công bố tại bản tin trên trang web. Cơ quan này cho hay vụ việc đang tiếp tục được điều tra.

Bà Nguyễn Thị Nga, Kế toán trưởng Chi cục Dự trữ Nhà nước Sơn La khi nghe lênh khởi tố, ngày 29/9. (Ảnh: congan.sonla.gov.vn)

Theo đó, trong hơn 2 tháng qua, hàng loạt lãnh đạo, cán bộ ngành dự trữ liên tiếp bị khởi tố do lập khống hồ sơ, chứng từ để bòn rút ngân sách nhà nước.

Tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Sơn La, ngày 17/8, bà Trần Việt Anh – Phó Chi cục trưởng phụ trách cùng 4 thuộc cấp gồm Nguyễn Thị Huyền Trang – kế toán Chi cục Dự trữ Nhà nước Sơn La; Ngô Thị Hiền Lương – thủ quỹ Chi cục Dự trữ Nhà nước Sơn La; Nguyễn Thị Bình – cán bộ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Bắc, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Dự trữ Nhà nước Mộc Châu và Nguyễn Quang Ngọc – Trưởng bộ phận Tài vụ quản trị kiêm Kế toán trưởng, Chi cục Dự trữ Nhà nước Mộc Châu bị bắt với cáo buộc nâng khống hóa đơn bốc vác gạo dự trữ, với tổng số tiền trên 1,7 tỷ đồng từ năm 2020 đến 2022.

Ngày 21/7, ông Lê Văn Sáu – Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình cùng 7 thuộc cấp gồm: Vũ Văn Tại – Cục phó Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình; Mai Lâm Hoàn – Trưởng phòng tài chính kế toán Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình; Phạm Văn Dân – Chi cục trưởng dự trữ huyện Vũ Thư, Bùi Xuân Cường – Chi cục trưởng dự trữ huyện Đông Hưng; Đặng Huy Tuân – Trưởng phòng kỹ thuật bảo quản; Phạm Văn Đông – Chi cục trưởng dự trữ huyện Tiền Hải và Phạm Ngọc Nam – Chi cục trưởng dự trữ huyện Hưng Hà bị bắt với cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước.

Khánh Vy

Related posts