Sau khi giành lại được Lyman, Ukraina nói sẽ bắt đầu giải phóng Luhansk
Ông Serhii Haidai, Cục trưởng Cục Quân sự Luhansk, nói rằng việc giải phóng khu vực này sẽ bắt đầu sau khi thành phố Lyman ở Donetsk được lấy lại, theo Pravda.
Ông Haidai cho biết trên bản tin quốc gia 24/7 ngày 1/10 theo giờ địa phương:
“Sau khi quân xâm lược rời khỏi thành phố Lyman, cuộc giải phóng Luhansk sẽ bắt đầu. Tất cả chúng tôi đang chờ đợi điều này, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng”.
Ông Haidai cũng lưu ý rằng chỉ có quân đội mới biết được khi nào cuộc giải phóng sẽ bắt đầu và nó sẽ được tiến hành như thế nào. Ông nói thêm những lính Nga đã đăng video phàn nàn về việc bị bỏ rơi và không biết phải làm gì.
Trước đó, vào ngày 1 tháng 10, một lá cờ Ukraine được treo ở lối vào thành phố Lyman ở Donetsk
Bộ Quốc phòng Nga đưa tin về việc rút quân khỏi Lyman. Tuy nhiên, bà Hanna Maliar, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, tuyên bố rằng giao tranh vẫn tiếp diễn ở khu vực.
Trong một diễn biến khác, một công ty tình báo của Israel mới đây đã phát hiện ra “sự hiện diện bất thường” của các máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Nga gần Phần Lan, theo NTDTV.
Căn cứ không quân Olenya gần Phần Lan vốn trống không vào ngày 12/8, theo hình ảnh vệ tinh do công ty tình báo ImageSat International (ISI) của Israel chụp. Nhưng vào ngày 21/8 hình ảnh cho thấy đã có 4 máy bay ném bom chiến lược tầm xa siêu thanh Tupolev Tu- 160 xuất hiện ở đó, ngày 25/9 phát hiện 3 máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-95 và 3 máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160.
Trước đó, chỉ có căn cứ Không quân Engels là căn cứ duy nhất cho các máy bay ném bom chiến lược của Nga đóng quân gần Ukraine kể từ 24/2, đồng thời là căn cứ của Trung đoàn Máy bay ném bom hạng nặng số 121 của nước này (121TBAP).
Các máy bay ném bom, có khả năng mang tên lửa hành trình và vũ khí hạt nhân chiến lược , đã hoạt động trong cuộc chiến ở Ukraine kể từ tháng Hai. Nhưng trong suốt cuộc chiến chống Ukraine, Không quân Nga đã không thể giành được ưu thế trên không và bị mất nhiều máy bay.
Hiện vẫn chưa rõ lý do tại sao các máy bay ném bom lại được chuyển đến Căn cứ Không quân Olenia , nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục đe dọa phương Tây rằng ông có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược.
Tối 30/9, sau khi sáp nhập 4 vùng của Ukraine, ông Putin lại đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu lãnh thổ Nga bị tấn công.
Theo một cuộc họp báo hồi tháng 1 của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với khoảng 6.257 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ cho biết họ có 5.550 đầu đạn hạt nhân.
Trần Phong
Tướng Mỹ: Ông Putin ‘không còn gì để điều động’ ở Ukraina
Theo Tướng quân đội Mỹ về hưu Mark Hertling, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang không còn nhiều lựa chọn trong cuộc chiến ở Ukraine
Ông Hertling, Tổng chỉ huy Quân đội Hoa Kỳ ở Châu Âu từ năm 2011 đến năm 2012, đã xuất hiện trên CNN hôm thứ Bảy 1/10 để thảo luận về những diễn biến mới nhất trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Bất chấp những tuyên bố gần đây và nỗ lực của TT Putin trong việc tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraina, quân đội Nga gần đây đã phải đối mặt với một bước thụt lùi lớn khi các lực lượng Ukraine tái chiếm Lyman, một thành phố ở khu vực ly khai Donetsk
Ông Hertling nói rằng TT Putin ngày càng mất liên lạc với thực tế và rằng ông “không còn gì để điều động” ở Ukraine. Vị tướng Mỹ nhận định rằng những nỗ lực của TT Putin để thôn tính và tuyên bố chiến thắng là “tâm thần”.
Ông Hertling nói: “Ông Putin đã bị lên án trên trường thế giới, ông ấy thua trên chiến trường, nền kinh tế của ông ấy đang suy giảm. Ông ta vẫn đang ngoan cố. Ông ta chưa thành công trong bất kỳ mục tiêu chính trị, chiến lược hoặc hoạt động nào của mình”
Tướng Hertling còn nói rằng tuyên bố gần đây của nhà lãnh đạo Nga rằng Matxcơva sẽ sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine là bất hợp pháp và vi phạm luật pháp quốc tế. Việc chiếm lãnh thổ của Ukraina diễn ra sau khi Nga tổ các cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý, mà ông Hertling cũng cho là bất hợp pháp, ông cáo buộc Điện Kremlin đã ra lệnh làm giả các phiếu bầu.
Trần Phong
Nguồn: Newsweek
Pháp sắp gửi lựu pháo Caesar mà Đan Mạch từ chối cho Ukraine?
Ukraine được cho là có thể nhận tới 12 khẩu lựu pháo Caesar từ Pháp, loại vũ khí vốn được sản xuất dành cho Đan Mạch, theo tờ Le Monde của Pháp đưa tin ngày 1/10 vừa qua.
Cụ thể, Pháp được cho là đang chuẩn bị chuyển giao vũ khí mới cho Ukraine, có thể bao gồm từ 6 đến 12 lựu pháo tự hành Caesar. Theo tờ báo, các loại pháo này ban đầu dành cho Đan Mạch, nhưng Copenhagen cho rằng không phải tất cả chúng đều đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết.
Cũng theo Le Monde, thỏa thuận chuyển giao lựu pháo Ceasar là kết quả của các cuộc đàm phán kéo dài giữa Pháp, Ukraine và Đan Mạch, đồng thời cho biết thêm rằng Kyiv ban đầu đã yêu cầu 15 xe lựu pháo. Theo tờ báo Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã phản đối ý tưởng cung cấp lựu pháo từ kho vũ khí của quân đội cho Ukraine vì Paris trước đó đã gửi 18 khẩu Caesar tới Kyiv, chiếm gần 1/4 tổng kho vũ khí gồm 76 khẩu Ceasar của Pháp.
Thay vào đó, Pháp quyết định cung cấp cho Ukraine những khẩu lựu pháo được Đan Mạch đặt hàng từ năm 2017, trong khi Copenhagen đã đồng ý từ bỏ đơn hàng vì các loại pháo được đặt hàng vẫn đang trong quá trình kiểm định kỹ thuật và ít nhất một số trong số đó không đáp ứng các thông số kỹ thuật yêu cầu do phía Đan Mạch đưa ra.
Ban đầu, Kyiv còn do dự trong việc chấp nhận các lựu pháo Ceasar mà Đan Mạch từ chối, nhưng cuối cùng đã đồng ý tiếp nhận chúng. Các chi tiết của việc chuyển giao vẫn đang được hoàn thiện, nhưng đã đạt được một thỏa thuận chính trị giữa Tổng thống Macron, Tổng thống Ukraine Zelensky và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen.
Tờ Le Monde cho hay rằng những khẩu Ceasar dành cho Đan Mạch nặng gần gấp đôi những chiếc mà Pháp sử dụng (32 tấn so với 18 tấn). Ngoài ra, điểm khác biệt còn là chúng được lắp trên xe 8 bánh chứ không phải xe 6 bánh, có thể chở tới 36 viên đạn pháo thay vì 18 viên và cabin của chúng có lớp giáp nặng hơn. Cả Điện Elysee và Bộ Quốc phòng Pháp đều chưa bình luận về thông tin nêu trên.
Ngày 30/9, các nhà lãnh đạo của hai nước cộng hòa tự xưng Donbass và của các vùng Kherson và Zaporozhye (thuộc miền Nam Ukraine) đã ký hiệp ước gia nhập Nga tại Moscow. Ukraine và các nước đồng minh, NATO và Liên Hợp Quốc đã bác bỏ việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine.
Trước đó, phía Moscow tuyên bố sẽ bảo vệ lãnh thổ của mình bao gồm cả những vùng mới sáp nhập bằng mọi phương tiện, đồng thời nhiều lần cảnh báo rằng các nước phương Tây không nên gửi thêm vũ khí hỗ trợ cho Ukraine.
Phan Anh
Nga – Mỹ đối đầu về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, Elon Musk có vũ khí bí mật?
Hoa Kỳ ủng hộ các lựa chọn phi hạt nhân hóa, bao gồm cả việc triệt hạ ông Putin tại Điện Kremlin. Quân đội Mỹ cũng đã chuẩn bị cho việc ném bom hạt nhân trên không và trên biển. Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng đã chuẩn bị máy bay ném bom B52 có thể treo đầu đạn hạt nhân và đưa chúng đến các căn cứ ở châu Âu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một văn bản chính thức vào ngày 30 tháng 9, tuyên bố rằng bốn khu vực ở miền đông Ukraine là lãnh thổ của Nga. Mỹ và châu Âu cho biết họ sẽ không bao giờ công nhận sự sáp nhập của Nga và sẽ làm việc với các đồng minh để áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Mỹ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng, một khi ông Putin vượt qua lằn ranh đỏ “vũ khí hạt nhân”, sẽ có hai bộ kế hoạch để hạ gục ông. Các chuyên gia cho rằng Elon Musk cũng có một ” vũ khí bí mật ” để chống lại các nỗ lực sử dụng vũ khí hạt nhân của ông Putin . Bộ Ngoại giao Nga nói rằng họ sẵn sàng thảo luận trực tiếp về hiệp ước vũ khí hạt nhân với Hoa Kỳ.
Ngày 29/9, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham và Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Richard Blumenthal công bố đề xuất lưỡng đảng, theo đó sẽ cấm Hoa Kỳ viện trợ cho bất kỳ quốc gia nào công nhận việc ông Putin sáp nhập lãnh thổ của Ukraine.
Ông Blumenthal nói với các phóng viên: “Bất kỳ quốc gia nào hỗ trợ và tiếp tay cho TT Putin trong hoạt động hoàn toàn bất hợp pháp này đều phải chịu trách nhiệm về sự đồng lõa của mình: đối với bất kỳ quốc gia nào công nhận sự sáp nhập này, Hoa Kỳ không có hỗ trợ tài chính, cũng như không cung cấp viện trợ quân sự. Thật đáng xấu hổ, đó là ăn cướp”.
Ngày 28/9, Bộ Quốc phòng Nga công bố thông tin về cơ cấu lực lượng, cho thấy tàu ngầm hạt nhân Nga “Prince Oleg” và tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân “Novosibirsk” đã được biên chế vào Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga. Đội hình như vậy gây áp lực lên vùng Viễn Đông, Tây Thái Bình Dương và Vòng Bắc Cực, đồng thời đã gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với châu Âu và Hoa Kỳ.
Theo Newsweek, những người quen thuộc với vấn đề này cho biết ông Biden nói rằng Hoa Kỳ sẽ đáp trả mạnh mẽ mối đe dọa hạt nhân của Nga. Chính quyền ông Biden hiện đang thảo luận về cách hiệu quả nhất để giáng một đòn thảm khốc vào Nga mà không cần dùng đến chiến tranh hạt nhân.
Các quan chức Mỹ cho biết Washington không muốn sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc tấn công phủ đầu và nếu Nga vượt qua “lằn ranh đỏ hạt nhân”, ông Biden sẽ có thể có một “lựa chọn phi hạt nhân hóa” hơn là một “lựa chọn hạt nhân”.
Giáo sư Chương Thiên Lượng trong Chương trình “Khoảnh khắc quan trọng” phân tích rằng nếu ông Putin vượt qua ranh giới đỏ và sử dụng vũ khí hạt nhân, Mỹ đã chuẩn bị hai bộ kịch bản: một là hành động tấn công triệt hạ, hai là quân đội Mỹ tấn công hạt nhân Nga.
Chương trình phân tích rằng Hoa Kỳ ủng hộ các lựa chọn phi hạt nhân hóa, bao gồm cả việc triệt hạ ông Putin tại Điện Kremlin. Quân đội Mỹ cũng đã chuẩn bị cho việc ném bom hạt nhân trên không và trên biển. Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng đã chuẩn bị máy bay ném bom B52 có thể treo đầu đạn hạt nhân và đưa chúng đến các căn cứ ở châu Âu.
Cố vấn an ninh Mỹ Sullivan cho biết trước đó Mỹ đã gửi thông điệp tới ông Putin qua các kênh riêng về ý nghĩa của việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông Sullivan nói rằng Hoa Kỳ sẽ đáp trả ngay lập tức, nếu ông Putin tấn công hạt nhân.
Ông Chương Thiên Lượng, một chuyên gia quân sự, cũng cho rằng ông Putin không dám sử dụng vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, ông Chương cũng đề cập đến việc tỷ phú Hoa Kỳ Elon Musk nói rằng nếu Nga muốn sử dụng vũ khí hạt nhân, ông ấy sẽ tìm cách đưa vũ khí hạt nhân trở lại điểm phóng, vì nơi phóng vũ khí hạt nhân cần có hệ thống định vị.
ông Chương Thiên Lượng cho biết: “Ông Musk có thể làm sai lệch tín hiệu vệ tinh, đưa ra các thông số kỹ thuật sai và cuối cùng để tên lửa bay về quê hương của nó… Hoa Kỳ đang giám sát chặt chẽ các hầm chứa của Nga. Nếu các hầm chứa bị mở, Hoa Kỳ có thể tấn công phủ đầu. Khả năng thành công của ông Putin là rất nhỏ và ông có thể không sử dụng (vũ khí hạt nhân)”
Bộ Ngoại giao Nga ngày 29/9 cho biết Nga đang nghiên cứu khả năng đàm phán trực tiếp với Hoa Kỳ về hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân, Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới giữa Nga và Mỹ.
Trần Phong
Nguồn: Sound Of Hope