Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm Chủ nhật cho biết các lực lượng của Ukraine đã giải phóng các khu định cư nhỏ Arkhanhelske và Myrolyubivka trong vùng Kherson.
Ông Zelensky đã đề cập đến hai khu định cư nói trên khi nói lời cảm ơn các lực lượng vũ trang Ukraine trong bài phát biểu hàng đêm của mình.
Tuyên bố của ông Zelensky chưa được xác minh độc lập.
Tại một diễn biến khác, Ukraine tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn trung tâm hậu cần phía đông Lyman của Nga. Đây là lợi thế chiến trường quan trọng nhất của nước này trong nhiều tuần qua, tạo tiền đề cho những bước tiến xa hơn nhằm cắt giảm các tuyến đường tiếp tế của Moscow cho các binh sĩ của họ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết việc chiếm được thị trấn Lyman cho thấy Ukraine có khả năng đánh bật lực lượng Nga và cho thấy tác động của việc Ukraine triển khai các vũ khí tiên tiến của phương Tây đối với cuộc xung đột.
Ngoài Lyman, Interfax của Ukraine đưa tin, theo Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của Nhóm Lực lượng phía Đông Ukraine, các lực lượng Ukraine đã tái chiếm Torske, một ngôi làng nhỏ ở vùng Donetsk, cách Lyman khoảng 15 km về phía đông.
Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Bảy cho biết họ rút quân khỏi khu vực Lyman vì có những mối đe dọa bị bao vây. Bộ đã không đề cập đến Lyman trong bản cập nhật hàng ngày về chiến sự ở Ukraine hôm Chủ nhật, mặc dù nói rằng các lực lượng Nga đã phá hủy bảy kho pháo và tên lửa ở các khu vực của Ukraine như Kharkiv, Zaporizhzhia, Mykolaiv và Donetsk.
Các lực lượng Nga đã chiếm được Lyman từ Ukraine vào tháng 5 và sử dụng nó làm trung tâm hậu cần và vận tải cho các hoạt động của lực lượng này ở phía bắc khu vực Donetsk. Việc quân đội Ukraine tái chiếm nó là tổn thất chiến trường lớn nhất của Nga kể từ cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine ở khu vực đông bắc Kharkiv vào tháng 9.
Thống đốc Luhansk, Serhiy Gaidai, cho biết quyền kiểm soát đối với Lyman có thể chứng tỏ một “yếu tố then chốt” trong việc giúp Ukraine giành lại lãnh thổ đã mất ở khu vực Luhansk, nơi mà Moscow đã chiếm được toàn bộ vào đầu tháng 7.
Tổng thống Zelensky tuyên bố quân đội Nga đã hoàn toàn rút khỏi Lyman
Hôm 2/10 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố quân đội Nga đã không còn ở Lyman, chỉ một ngày sau khi Moscow thông báo rút quân khỏi thành phố này, theo hãng tin Reuters.
“Do mối đe dọa bị bao vây đang xuất hiện, quân đội đồng minh đã rút khỏi khu định cư Lyman và triển khai đến các vị trí có lợi hơn”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Quyết định rút khỏi Lyman được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Moscow tuyên bố sáp nhập Donetsk và 3 tỉnh khác của Ukraine vào lãnh thổ nước này, gồm Lugansk, Kherson, Zaporizhzhia.
Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, bất chấp tổn thất, lực lượng Ukraine vẫn đạt “ưu thế đáng kể về nhân lực cũng như vật chất” trong cuộc tấn công.
Mỹ và đồng minh phương Tây phản đối việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine, trong đó tuyên bố rằng hành động của Moscow vi phạm luật quốc tế. Sắc lệnh sáp nhập 4 tỉnh ở Ukraine được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ngày 30/9. Dù vậy, sắc lệnh và các dự luật liên quan cần được Quốc hội Nga xem xét và thông qua.
Lê Vy
IAEA kêu gọi Nga thả lãnh đạo nhà máy điện hạt nhân Ukraine
Người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp quốc đã kêu gọi Nga thả ông Ihor Murashov, Tổng giám đốc nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine càng sớm càng tốt. Ông đã bị Nga bắt cóc vào thứ Sáu tuần trước (30/9).
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, vụ bắt cóc gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng. Vào tối thứ Bảy (1/10), cơ quan này đã đăng một bài viết lên Twitter: “Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi bày tỏ hy vọng rằng ông Mulashov sẽ sớm trở về với gia đình an toàn, nhanh chóng và tiếp tục các nhiệm vụ quan trọng của mình tại nhà máy”.
Người đứng đầu Energoatom thuộc sở hữu nhà nước Ukraine, ông Petro Kotin cho biết trên Telegram rằng, ông Murashov “chịu trách nhiệm chính và độc quyền về an toàn bức xạ hạt nhân” của nhà máy, do đó việc giam giữ ông sẽ “gây nguy hiểm cho sự an toàn của Ukraine cũng như của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu”.
Ông Kotin cho biết ông đã kêu gọi Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Rafael Grossi, hãy “hành động bằng tất cả mọi giá để khẩn cấp giải thoát” ông Murashov.
Đài BBC đưa tin, ông Mulashov đã bị quân đội Nga bắt cóc trên đường từ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đến thành phố Enerhodar vào khoảng 4 giờ chiều ngày 30/9. Đây được cho là một động thái nhằm tăng cường sự kiểm soát của Nga đối với bốn tỉnh mới sáp nhập của Ukraine là Donetsk, Luhansk, Zaporozhye và Kherson.
Công ty điện hạt nhân nhà nước Ukraine Energoatom cho biết, quân đội Nga đã chặn xe của ông Murashov, trùm mũ lên người ông và đưa đến một địa điểm không được tiết lộ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cáo buộc đây là hành động khủng bố.
“Đây là một ví dụ khác về hành động khủng bố rõ ràng của Nga, nhà nước khủng bố này sẽ phải hứng chịu hình phạt ngày càng gia tăng”, ông Zelenskyy nói trong bài phát biểu hàng đêm của mình, theo Reuters.
Ông Petro Kotin nói với đài BBC rằng Nga đang cố gắng chuyển giao nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cho Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Rosatom.
Nga không thừa nhận ngay lập tức vụ bắt cóc. Nhà chức trách Nga cho biết ông Mulashov bị “tạm giữ” để thẩm vấn.
IAEA đã liên hệ với các nhà chức trách liên quan để làm rõ về vụ việc tạm giữ ông, điều mà họ cho rằng có “tác động đáng kể” đối với ông Mulashov cũng như các tiêu chuẩn an ninh và an toàn hạt nhân.
Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cho biết, ông Grossi dự kiến sẽ tổ chức các cuộc đàm phán tại Moscow và Kyiv vào tuần tới về việc thiết lập một khu vực bảo vệ xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng, Ukraine sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển các chuyên gia của IAEA tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Một số chuyên gia của IAEA đã làm việc tại nhà máy điện từ đầu tháng 9.
“Tôi nhấn mạnh rằng Nga phải rút quân và thiết bị quân sự khỏi khu vực này”, ông Kuleba nói trên Twitter.
Nhà máy Zaporizhzhia đã trở thành tâm điểm trong cuộc xâm lược kéo dài 7 tháng của Nga vào Ukraine, khi Moscow và Kyiv cáo buộc nhau pháo kích vào nhà máy này, có nguy cơ gây ra thảm họa hạt nhân.
Sau khi Nga chiếm đóng, các kỹ thuật viên Ukraine đã duy trì hoạt động của nhà máy điện hạt nhân. Họ đóng cửa lò phản ứng cuối cùng vào tháng 9 vì lý do an toàn.
Huyền Anh
NATO nói Nga “đã suy yếu nhưng vẫn nguy hiểm”
Một quan chức cấp cao của NATO đã cảnh báo rằng không nên coi thường Tổng thống Vladimir Putin và các lực lượng vũ trang Nga bất chấp việc họ đang mất một số ưu thế gần đây tại Ukraine.
Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana đã nói trên video tại Diễn đàn An ninh Helsinki hôm thứ Sáu rằng các đồng minh NATO và Liên minh châu Âu phải đối mặt với một mùa đông khó khăn khi lạm phát, khủng hoảng chi phí sinh hoạt và sức ép năng lượng cùng xảy ra vào một thời điểm.
Ông Geoana nói cuộc xâm lược của Nga đã tiến tới “một bước ngoặt”, khi các lực lượng Ukraine tiến về phía đông và đạt được những bước tiến tuy chậm nhưng đáng kể ở mặt trận phía nam.
Ông nói: “Cuộc chiến của Nga cho thấy khả năng răn đe và phòng thủ mạnh mẽ quan trọng như thế nào. “Nga đã suy yếu, nhưng vẫn nguy hiểm. Và chúng ta không thể mất cảnh giác. Chúng ta không thể cho rằng họ sẽ không tấn công nước khác”.
“Nhiều người cho rằng họ sẽ không phát động một cuộc xâm lược quy mô toàn diện vào Ukraine ngay từ đầu. Họ đã sai.”
Ông Geoana bày tỏ sự ủng hộ với việc Phần Lan và Thụy Điển sắp gia nhập NATO, cho rằng sự bổ sung của hai nước sẽ “thay đổi môi trường chiến lược của khu vực” và khiến tất cả các đồng minh có khả năng phản ứng tốt hơn trước sự xâm lược của Nga.
Bài phát biểu của ông Geoana diễn ra khi NATO đưa ra một tuyên bố mới về vụ nghi ngờ phá hoại đường ống Nord Stream. Bốn vụ nổ đã gây ra bốn vụ thủng đường ống Nord Stream 1 và 2 ở vùng biển quốc tế, hai vụ ở vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch và hai vụ ở Thụy Điển.
Các nhà điều tra Đan Mạch, Thụy Điển và Đức hy vọng sẽ tiếp cận được các địa điểm xảy ra vụ nổ trong những ngày tới. Ông Putin đã đổ lỗi cho các đối thủ phương Tây của mình về vụ việc. Các quan chức NATO và Liên minh châu Âu đã kiềm chế không đổ lỗi trực tiếp cho Moscow, mặc dù cho biết họ nghi ngờ sự tham gia của Nga.
NATO bày tỏ “quan ngại sâu sắc”, lưu ý: “Tất cả thông tin hiện có đều chỉ ra rằng đây là kết quả của các hành động phá hoại có chủ ý, liều lĩnh và vô trách nhiệm. Những rò rỉ này gây ra rủi ro cho vận chuyển và thiệt hại môi trường đáng kể. Chúng tôi ủng hộ các cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định nguồn gốc của những thiệt hại này.”
“Bất kỳ cuộc tấn công có chủ ý nào nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của các đồng minh sẽ được đáp lại bằng một phản ứng thống nhất và kiên quyết.”
Ông Geoana nói rằng thảm họa năng lượng của châu Âu đang đặt ra một thách thức nghiêm trọng.
Ông nói: “Chúng ta đã quá phụ thuộc vào dầu khí của Nga trong thời gian dài. “Điều này đang thay đổi nhanh chóng. Điều này cũng khó khăn. Chúng ta phải chân thành và trung thực, đây không phải là một quá trình chuyển đổi dễ dàng. Đây sẽ là một vài tháng khó khăn trước mắt chúng ta. Nhưng đây là điều chúng ta cần phải làm.”
Ông Geoana cũng lên án các cuộc trưng cầu dân ý “giả tạo” của TT Putin, qua đó Điện Kremlin tuyên bố bất hợp pháp đã sáp nhập 4 khu vực bị chiếm đóng ở miền nam và miền đông Ukraine. Động thái này đã bị Ukraine và phương Tây lên án.
Ngân Hà (theo Newsweek)
9 thành viên NATO kêu gọi ủng hộ Ukraine gia nhập liên minh
Nguyên thủ của 9 nước thành viên NATO ở châu Âu hôm 2/10 đã ra tuyên bố chung ủng hộ việc Ukraine gia nhập liên minh an ninh do Mỹ dẫn đầu, đồng thời kêu gọi toàn bộ 30 quốc gia NATO tăng cường viện trợ quân sự cho Kyiv.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có một động thái bất ngờ hôm 30/9 khi nộp đơn xin được đẩy nhanh quá trình xét duyệt gia nhập NATO, nhằm đáp trả việc Nga sáp nhập bốn khu vực bị chiếm đóng của nước này, theo The Guardian.
“Chúng tôi đã thể hiện năng lực của mình phù hợp với tiêu chuẩn của liên minh. Chúng tôi đang thực hiện bước quyết định là ký đơn xin sớm gia nhập NATO,” ông cho hay.
Tư cách thành viên của NATO cần có sự chấp thuận của tất cả 30 thành viên và Ukraine khó có thể sớm gia nhập tổ chức. Đặc biệt, Ukraine đang là một quốc gia có chiến tranh và yêu cầu gia nhập liên minh này sẽ càng phức tạp hơn.
RT đưa tin, các nhà lãnh đạo của Cộng hòa Czech, Estonia, Latvia, Lithuania, North Macedonia, Montenegro, Ba Lan, Romania và Slovakia đã công bố một tuyên bố trên trang web của họ vào 2/10 rằng: “Chúng tôi ủng hộ Ukraine trong việc phòng thủ trước sự xâm lược của Nga, yêu cầu (Nga) ngay lập tức rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và khuyến khích tất cả các đồng minh gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine.”
“Chúng tôi không công nhận và sẽ không bao giờ công nhận những nỗ lực của Nga nhằm sáp nhập bất kỳ lãnh thổ nào của Ukraine.”
Tuyên bố còn nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo “kiên quyết ủng hộ quyết định của Hội nghị thượng đỉnh NATO Bucharest năm 2008 liên quan đến tư cách thành viên trong tương lai của Ukraine trong liên minh”.
Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2008, các thành viên NATO hoan nghênh nguyện vọng tham gia của Ukraine và Gruzia, nhưng không nêu ra thời gian rõ ràng cho việc hai nước có thể chính thức gia nhập.
Trước việc Tổng thống Zelensky đề xuất việc Ukraine có thể nhanh chóng trở thành thành viên NATO, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan nhìn nhận, cách tốt nhất hiện tại trong xung đột Nga-Ukraine là tăng cường viện trợ cho Kiev. Chuyện kết nạp Ukraine vào NATO “nên được thực hiện vào một thời điểm khác”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vào tối 30/9 đã nhắc lại quan điểm không thay đổi của liên minh rằng tổ chức này mở cửa chào đón các thành viên mới, nhưng lại tránh trực tiếp ủng hộ đơn xin gia nhập của Ukraine, theo Reuters.
Trong khi đó, ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga đã chỉ trích động thái này, nói rằng yêu cầu của Zelensky không khác gì “cầu xin NATO đẩy nhanh thời gian bắt đầu Thế chiến III”.
Minh Ngọc (T/h)