Nghị sĩ Ấn Độ kêu gọi tăng cường mối quan hệ mật thiết với Đài Loan
Một phái đoàn quốc hội Ấn Độ sẽ đến thăm Đài Loan trong 10 ngày để thể hiện sự ủng hộ đối với hòn đảo vào thời điểm mà ĐCSTQ đang tăng cường sự ảnh hưởng đối với cả Ấn Độ và Đài Loan. Thành viên thượng viện Ấn Độ Suji Sujeet Kumar cho biết, chính phủ Ấn Độ nên xích lại gần Đài Loan và ‘suy nghĩ lại’ về chính sách Một Trung Quốc.
Các nghị sĩ Ấn Độ thăm Đài Loan trong 10 ngày
Ông Suji Sujeet Kumar đến Đài Loan vào ngày 2/10 trong chuyến thăm kéo dài 10 ngày, trở thành nghị sĩ Ấn Độ đầu tiên đến thăm hòn đảo kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan trước chuyến đi, ông chỉ ra rằng mối quan hệ giữa Ấn Độ và Đài Loan hứa hẹn sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển hợp tác, bao gồm thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục và chính trị.
Ông Kumar nói: “Tôi nghĩ Ấn Độ và Đài Loan xích lại gần nhau hơn là điều cần thiết, vì cả hai bên đều là những nền dân chủ đáng tự hào”.
Ông cho rằng Ấn Độ và Đài Loan có nhiều điểm để học hỏi lẫn nhau, dựa trên nguồn gốc Phật giáo, du khách Đài Loan cũng rất thích hợp để đến Ấn Độ du lịch, thậm chí hai bên có thể thành lập “thành phố kết nghĩa”. Quan trọng hơn cả là hai bên nên tăng cường trao đổi chính trị chặt chẽ hơn nữa, đồng thời chia sẻ thông tin tình báo và kiến thức chuyên môn về an ninh để đối mặt với những thách thức từ ĐCSTQ.
Ông Kumar tin rằng việc thiết lập quan hệ chặt chẽ giữa Ấn Độ và Đài Loan sẽ giúp duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
“Đối với cả Ấn Độ và Đài Loan, ĐCSTQ là kẻ khiêu khích và bắt nạt. Tất cả chúng ta đều thấy những gì Trung Quốc đã làm ở Eo biển Đài Loan và biên giới Ấn Độ”, ông nói.
Tuy nhiên, Ấn Độ cũng đang duy trì quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Ông Kumar trả lời rằng, ông không có ý định chất vấn quan điểm “chính sách Một Trung Quốc” của chính phủ Ấn Độ, nhưng cá nhân ông không ủng hộ chính sách này, chưa nói đến việc công nhận Đài Loan và Tây Tạng là một phần của ĐCSTQ.
Ông nói: “Theo ý kiến cá nhân tôi, chính phủ Ấn Độ nên suy nghĩ lại về ‘chính sách Một Trung Quốc’. ĐCSTQ là kẻ bắt nạt, và chúng ta càng dung túng cho họ bao nhiêu, thì họ sẽ càng trở nên hung hăng bấy nhiêu”.
Mặt khác, ông Kumar nhớ lại lần cuối ông cùng một phái đoàn nghị sĩ Ấn Độ đến thăm Đài Loan cách đây 4 năm, điều này khiến ông rất buồn.
Ông Kumar là một trong những thành viên sáng lập của nền tảng nghị viện xuyên quốc gia ủng hộ Đài Loan “Câu lạc bộ Formosa”. Ngay từ năm 2009, ông đã đến thăm Đài Loan với tư cách là một học giả.
Mục đích chính của “Câu lạc bộ Formosa” là kêu gọi các nghị sĩ quốc hội trên toàn thế giới công nhận các giá trị phổ quát như tự do, dân chủ và nhân quyền, đối mặt với môi trường quốc tế biến đổi nhanh chóng thông qua đối thoại và tương trợ đối với Đài Loan.
Khi đến Washington vào giữa tháng 9 để tham dự hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Liên minh Nghị viện Đa Quốc gia về Trung Quốc (IPAC), ông nói với giới truyền thông rằng ông sẽ đề nghị chính phủ Ấn Độ cử một phái đoàn dân biểu tới thăm Đài Loan để bày tỏ sự ủng hộ đối với hòa bình ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Các nghị sĩ Ấn Độ tham dự Diễn đàn Yushan
Ông Kumar sẽ tham dự Diễn đàn Yushan vào ngày 7/10 và “Đối thoại Đài Loan-Ấn Độ” vào ngày 8/10. Sau đó, ông sẽ thăm Tổng thống Thái Anh Văn, Bộ trưởng Ngoại giao Ngô Chiêu Nhiếp, các doanh nhân và học giả của các viện nghiên cứu và thăm hai trường đại học ở Đài Trung. Tại Diễn đàn Yushan, ông Kumar sẽ thảo luận về vai trò của Đài Loan trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn và kinh tế kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, ông sẽ tìm hiểu khả năng Ấn Độ-Đài Loan ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), cho phép quan hệ kinh tế hai bên ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn. Ông cũng hy vọng rằng các nhà sản xuất Đài Loan có thể đầu tư vào Ấn Độ, đặc biệt là trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông Kumar chỉ ra rằng Đài Loan có chính sách “Hướng Nam mới”, thì Ấn Độ cũng có chính sách “Hướng Đông”. Ấn Độ và Đài Loan nên tìm cách rút ngắn khoảng cách để hai bên cùng phát triển.
Ông nói: “Tôi nghĩ đã đến lúc Ấn Độ cần tăng cường hợp tác với Đài Loan và tôi tin chuyến thăm này sẽ giúp ích cho điều đó”.
Ông Kumar cho biết, lý do khiến ông ngưỡng mộ Đài Loan là, mặc dù Đài Loan có quy mô nhỏ và dân số chỉ 22 triệu người, nhưng hòn đảo đã đạt được những kỳ tích về kinh tế, dân chủ và công nghệ. Việc Đài Loan trao tặng khẩu trang, vật dụng y tế và các hành động nhân ái khác trong suốt thời kỳ đại dịch cho nhiều quốc gia là minh chứng cho thấy tinh thần nhân văn của chính quyền và người dân hòn đảo.
Ông nói rằng ngay cả dưới sự đe dọa của ĐCSTQ, Đài Loan vẫn sẽ tiếp tục phát triển và lớn mạnh hơn nữa, đồng thời kêu gọi các nước trên thế giới nên học hỏi từ Đài Loan và tăng cường hỗ trợ cho hòn đảo.
Huyền Anh
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói HIMARS là yếu tố thay đổi cuộc chơi ở Ukraine
Việc Ukraine sử dụng hệ thống HIMARS do Mỹ cung cấp là một yếu tố “thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến chống Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên CNN hôm Chủ nhật.
Hoa Kỳ đã viện trợ nhiều Hệ thống Tên lửa Cơ động Cao M142 (HIMARS), một hệ thống phóng tên lửa có tầm bắn xa hơn các tên lửa khác trong lực lượng pháo binh của Ukraine. HIMARS được ghi nhận là đã cho phép quốc gia Đông Âu bảo vệ lãnh thổ của mình tốt hơn và thậm chí hỗ trợ các nỗ lực phản công của Ukraine để giành lại lãnh thổ bị chiếm đóng trước đây tại Kharkiv và Kherson.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cho biết việc Kyiv đã sử dụng HIMARS là “cách đúng đắn” để tăng cường khả năng phòng thủ chống lại Moscow.
Ông khen ngợi các lực lượng phòng thủ Ukraine đã sử dụng hữu dụng tên lửa để tiến hành các cuộc tấn công vào những thứ như kho hậu cần, chỉ huy và kiểm soát của Nga.
“Những gì chúng ta đang thấy bây giờ là một thứ thay đổi cuộc chơi trên chiến trường,” ông Austin nói thêm. “Họ đã làm rất, rất tốt ở khu vực Kharkiv… Cuộc chiến ở khu vực Kherson diễn ra chậm hơn một chút, nhưng họ đang tiến bộ.”
John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine và Uzbekistan, nói với tờ Newsweek hôm Chủ nhật rằng việc Ukraine sử dụng HIMARS có ý nghĩa “quyết định” trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga, đồng thời cho phép Ukraine tiến hành phản công. Tuy nhiên, ông nói rằng Mỹ nên cung cấp cho Ukraine những vũ khí mạnh hơn để giúp duy trì chiến thắng của họ.
“Tôi tin tưởng rằng nếu chúng ta cung cấp cho Ukraine hầu hết những gì họ yêu cầu, họ sẽ có thể, chắc chắn trong vòng một năm, năm rưỡi, nhưng thậm chí có thể trong vài tháng, lấy lại tất cả những gì mà Nga đã chiếm giữ kể từ tháng Hai, có thể thậm chí tất cả mọi thứ mà Nga đã chiếm giữ kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào năm 2014, không ngoại lệ cả Crimea,” ông nói.
Ông đặc biệt chỉ ra ATACMS, máy bay tiêm kích F-16 và tên lửa tầm xa là những vũ khí có thể giúp Ukraine hơn nữa. Herbst cho biết ông tin rằng TT Putin không có kế hoạch dừng lại ở Ukraine, và việc cung cấp cho Ukraine thêm viện trợ để ngăn chặn nỗ lực của nhà lãnh đạo Nga có thể là chìa khóa trong việc ngăn Moscow nhắm mục tiêu vào các quốc gia NATO như Estonia và Latvia.
Javed Ali, cựu quan chức chống khủng bố của Mỹ và là giáo sư tại Đại học Michigan, nói hôm Chủ nhật rằng việc Ukraine sử dụng HIMARS đã cho phép Ukraine cân bằng với “sức mạnh quân số” của Nga trên chiến trường và tấn công quân Nga từ khoảng cách xa hơn và chính xác hơn.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc hôm thứ Tư đã công bố một gói an ninh mới trị giá 1,1 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm 18 hệ thống HIMARS, gấp đôi số lượng các hệ thống mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine.
Ông Austin cũng đề cập đến các mối đe dọa hạt nhân gần đây của ông Putin, được đưa ra sau khi Nga sáp nhập bất hợp pháp các vùng của Ukraine vào tuần trước.
Ông Putin đã cam kết bảo vệ những khu vực mới sáp nhập này “với tất cả các lực lượng và phương tiện theo ý của chúng tôi.” Nhận xét này được phương Tây giải thích là một lời đe dọa rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ các vùng lãnh thổ đã sáp nhập.
Ông Austin nói: “Đó là một tuyên bố bất hợp pháp. Đó là một tuyên bố vô trách nhiệm.”
Ông nói thêm rằng ông mong đợi được thấy người Ukraine tiếp tục “tiến lên phía trước” và rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ họ bất chấp những mối đe dọa này.
Nỗi lo hạt nhân một lần nữa gia tăng trong bối cảnh Nga đang phải hứng chịu nhiều tổn thất hơn. Bất chấp việc sáp nhập các vùng lãnh thổ này và huy động 300.000 quân dự bị, Điện Kremlin tiếp tục chứng kiến thất bại ở Donetsk khi Ukraine đã lấy lại được trung tâm giao thông quan trọng ở Lyman vào thứ Bảy. Tổn thất này đã khiến đồng minh chủ chốt của TT Putin thúc giục ông tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Ukraine.
Ngân Hà (theo Newsweek)
Nga trả về một nửa số quân động viên vì không đủ tiêu chuẩn
Chính ủy quân sự trong vùng Khabarovsk thuộc vùng Viễn Đông của Nga vừa bị cách chức sau khi phân nửa số lính dự bị mới được huy động bị trả về do không đáp ứng tiêu chuẩn, tờ Reuters dẫn lời Thống đốc Mikhail Degtyarev hôm 3/10.
“Trong 10 ngày, vài nghìn nam giới của chúng tôi nhận lệnh triệu tập và đến các văn phòng đăng ký nhập ngũ. Khoảng phân nửa số này bị trả về vì họ không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để tham gia chiến đấu”, Thống đốc Degtyarev viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram hôm 3/10.
Lần động viên đầu tiên của Nga kể từ Thế chiến II, do Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố vào ngày 21/9, đã dẫn đến sự bất bình rộng rãi trong giới chức và người dân nước này.
Theo đó, lệnh điều động một phần đã huy động 300.000 người có kinh nghiệm quân sự và chiến đấu nhập ngũ để tới chiến trường Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định lệnh động viên này là hợp lý và cần thiết trong tình hình chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hiện nay.
Cũng theo Thống đốc Mikhail Degtyarev, Chính ủy quân sự vùng Khabarovsk – ông Yuri Laiko đã bị cách chức sau khi một nửa số quân dự bị động viên bị trả về. Ông Degtyarev khẳng định việc cách chức chính ủy Laiko sẽ không ảnh hưởng kế hoạch động viên quân sự do Tổng thống Vladimir Putin ban hành.
Tờ Reuters đưa tin, một số người đã khiếu nại về việc quân đội gửi giấy động viên nhập ngũ cho những nam giới không đủ tiêu chuẩn.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin này.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, những người được miễn trừ lệnh động viên gồm sinh viên, nhân sự công nghệ, ngân hàng, nhà báo, nhân viên ngành công nghiệp quốc phòng, người không đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe, có ít nhất 4 con hoặc phải chăm sóc người thân tàn tật.
Hôm 29/9, Tổng thống Vladimir Putin thừa nhận rằng Nga cần phải sửa chữa tất cả những ‘sai sót’ xảy ra trong quá trình động viên quân nhân Nga, đánh dấu lần thừa nhận công khai đầu tiên rằng ‘lệnh động viên một phần’ mà ông công bố vào tuần trước đã diễn ra không mấy suôn sẻ.
“Quá trình điều động này đã đặt ra nhiều câu hỏi. Chúng ta phải sửa chữa những sai sót và đảm bảo chúng không tiếp tục tái diễn”, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp với Hội đồng An ninh Nga hôm 29/9, theo tờ Reuters.
Ông Putin đề cập đến các trường hợp có thể được miễn nhập ngũ như những người là trụ cột của gia đình đông con, người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc người quá tuổi nhập ngũ.
“Nếu mắc sai sót, sai sót đó phải được sửa chữa và những người bị triệu tập mà không có lý do chính đáng phải được về nhà”, ông Putin nói thêm.
“Trong khi đó, những người không có giấy gọi nhưng muốn tình nguyện nhập ngũ lại bị từ chối”, lãnh đạo Nga nói.
Ngày 21/9, ông Putin ban hành sắc lệnh động viên một phần hôm 21/9, theo đó 300.000 quân dự bị Nga sẽ được gọi nhập ngũ, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn.
Ngay sau lệnh động viên của ông Putin, lưu lượng giao thông tại các ngã ba biên giới với Phần Lan tăng vọt, các chuyến bay rời khỏi Nga đã cháy vé và ô tô bị tắc nghẽn ở các trạm kiểm soát biên giới. Bên cạnh đó, xuất hiện các báo cáo về việc người dân xếp hàng dài 48 giờ tại biên giới đường bộ duy nhất tới Gruzia, nước láng giềng thân phương Tây hiếm hoi cho phép công dân Nga nhập cảnh mà không cần thị thực, tờ Reuters đưa tin.
Lam Giang