Tin thế giới trưa thứ Ba: Moderna từ chối chuyển giao công nghệ vắc-xin mRNA cho Trung Quốc

Financial Times: Moderna từ chối chuyển giao công nghệ vắc-xin mRNA cho Trung Quốc

Tờ Financial Times tại Anh trích dẫn nguồn tin cho biết, công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ đã từ chối chuyển giao công nghệ vắc-xin mRNA COVID-19 của họ cho Trung Quốc, dẫn đến việc đàm phán mua bán vắc-xin này ở Trung Quốc bị phá vỡ.

Theo một báo cáo được Reuters trích dẫn, Financial Times đã có được thông tin từ người nắm được tình hình từng tham gia các cuộc đàm phán từ năm 2020 đến năm 2021 rằng Trung Quốc đã yêu cầu Moderna chuyển giao toàn diện công nghệ vắc-xin mRNA, coi đây như điều kiện tiên quyết để Moderna bán sản phẩm vắc-xin này ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Moderna đã từ chối yêu cầu của Trung Quốc vì lý do thương mại và an ninh, vì vậy trước đó công ty này đã “từ bỏ” việc thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Theo thông tin từ người quen thuộc với vấn đề này cho biết, Moderna có trụ sở tại tiểu bang Massachusetts (Mỹ) vẫn “tha thiết” muốn bán sản phẩm cho Trung Quốc. Giám đốc y tế của Moderna, ông Paul Burton, hồi đầu tháng Chín cho biết, công ty rất mong muốn hợp tác với Trung Quốc để cung cấp cho Trung Quốc vắc-xin COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA. Mặc dù hiện tại vẫn chưa triển khai bất kỳ hoạt động nào, nhưng chúng tôi giữ thái độ khá cởi mở về vấn đề này.

Vào tháng 9, Giám đốc điều hành của Moderna, ông Stephane Bancel, cho biết rằng các cuộc thảo luận về việc cung cấp vắc-xin COVID-19 đã được tiến hành với chính quyền Bắc Kinh, nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra. Theo báo cáo, Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa phê duyệt bất kỳ loại vắc-xin COVID-19 nào được phát triển ở nước ngoài, mà chỉ dựa vào một số loại vắc-xin được sản xuất trong nước.

Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết các quản lý cấp cao của Moderna không muốn giao công thức vắc-xin cho đối tác Trung Quốc, chủ yếu là vì họ sợ đối tác địa phương mắc sai lầm trong quá trình sản xuất, gây thiệt hại về uy tín.

Một số công ty dược phẩm trong nước Trung Quốc đã có vắc-xin được sản xuất bằng công nghệ bất hoạt, nhưng công nghệ vắc xin mRNA mà Moderna và Pfizer sử dụng có khả năng bảo vệ mạnh hơn và lâu dài hơn.

Chính quyền Bắc Kinh đã cung cấp hai kênh cho các nhà sản xuất vắc-xin COVID-19 nước ngoài để bán tại Trung Quốc, “thực hiện chuyển nhượng toàn diện công nghệ cho các nhà sản xuất thuốc nội địa Trung Quốc” hoặc “thiết lập các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc với các đối tác địa phương, đồng thời duy trì sự kiểm soát đối với công nghệ nền tảng”. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp nào là tùy thuộc vào chính phủ Trung Quốc phê duyệt và Moderna được yêu cầu thực hiện phương án đầu tiên.

BNT của Đức đã được phê duyệt phương án thứ 2. Họ đã đạt được thỏa thuận với Fosun Pharma của Trung Quốc để giữ quyền kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ, tiến hành các thử nghiệm lâm sàng vào năm 2020 và thương mại hóa vắc-xin. Theo quan hệ đối tác, Fosun Pharma đã đồng ý cung cấp một nhà máy có khả năng sản xuất hơn 1 tỷ liều vắc-xin mỗi năm.

Ngoài ra, công ty công nghệ sinh học Canada là Providence Therapeutics cũng đã đạt được thỏa thuận với Shanghai-based Everest Medicines, liên quan đến chuyển giao toàn bộ công nghệ. Theo đó, Everest Medicines sẽ có được toàn bộ công nghệ vắc-xin mRNA của công ty Canada này.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cho đến nay vẫn chưa phê duyệt bất kỳ sản phẩm mRNA, hơn nữa việc sản xuất hàng loạt vắc-xin mRNA sẽ phức tạp hơn so với vắc- xin bất hoạt của Sinopharm, Sinovac hiện có của Trung Quốc.

Vương Quân, Vision Times

Vương quốc Anh sẽ sát cánh cùng Ukraine cho đến khi giành chiến thắng

Ngoại trưởng James Cleverly (BBC)

Ngoại trưởng James Cleverly tuyên bố hôm 3/10, Vương quốc Anh sẽ sát cánh với Ukraine cho đến khi họ giành thắng lợi trong cuộc chiến với Nga.

Anh là một trong những quốc gia thể hiện sự ủng hộ quốc tế mạnh mẽ nhất với Ukraine khi chuyển giao gần 7.000 vũ khí chống tăng, hàng trăm tên lửa và xe chiến đấu bọc thép cho Kyiv. Họ cũng hỗ trợ huấn luyện binh sĩ Ukraine.

Trong bài phát biểu trước hội nghị của Đảng Bảo thủ cầm quyền, Ngoại trưởng Cleverly nhấn mạnh, người Anh không phải là “nhà bình luận” về các sự kiện thế giới mà là “người trong cuộc”. Ông tin rằng những kẻ xâm lược phải bị trừng phạt khi xâm phạm láng giềng của họ.

“Đây là lý do chúng tôi sát cánh cùng những người Ukraine đang dũng cảm bảo vệ quê hương của họ. Anh có đủ khả năng chiến lược để giúp Ukraine vượt qua để đi đến chiến thắng,” theo trích đoạn bài phát biểu của ông Cleverly được Đảng Bảo thủ công bố.

Bài phát biểu còn nêu rõ: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ cho đến khi chiến thắng cuộc chiến này. Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ cho đến khi chủ quyền của họ được khôi phục. Chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận việc sáp nhập Luhansk, Donetsk, Kherson, Zaporizhzhia hay Crimea. Những nơi này là của Ukraine. Và khi Ukraine chiến thắng trong cuộc chiến này, chúng tôi sẽ hỗ trợ họ xây dựng lại nhà cửa, nền kinh tế và xã hội.”

Tân Thủ tướng Anh Liz Truss cũng thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của bà đối với Ukraine. Hồi đầu tháng 9, trong cuộc điện đàm đầu tiên trên cương vị với một nhà lãnh đạo nước ngoài là Tổng thống Volodymyr Zelensky, bà Liz Truss đã nhận lời mời đến thăm Ukraine.

Nhật Minh (Theo Reuters)

Trong 9 tháng, Thái Lan đón lượt khách quốc tế cao gấp 3.6 lần Việt Nam

Tính riêng sân bay Suvarnabhumi đã đón 3,25 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp 2 lần tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng. (Ảnh: Shutterstock)

Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết trong 9 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 1,65 triệu lượt, tương đương 33% kế hoạch năm 2022. Còn quốc gia gần Việt Nam là Thái Lan vừa cho biết đã đón hơn 6 triệu lượt trong 9 tháng, cao hơn gấp 3.6 lần.

Cụ thể, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào tháng 9/2022 đạt 431.000 lượt. Tính chung 9 tháng của năm 2022, con số này là 1,65 triệu lượt, đạt 33% kế hoạch (5 triệu lượt khách quốc tế là mục tiêu mà Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đề ra hồi tháng 3/2022).

Trong đó, ước tính trong tháng 9/2022, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 389.000 lượt người, tương đương khoảng 90,3%; bằng đường bộ đạt hơn 42.000 lượt người, chiếm 9,7%

Khách thuộc thị trường châu Á chiếm số lượng lớn đến Việt Nam với hơn 313.000 lượt người, chiếm 72,6%. Trong đó chủ yếu vẫn là khách Hàn Quốc (119.636 lượt người), Nhật Bản (24.639 lượt), Malaysia (24.521 lượt), Campuchia (22.640 lượt), Thái Lan (21.812 lượt),…

Tiếp sau thị trường châu Á là khách đến từ thị trường châu Âu. Trong tháng 9/2022, có khoảng hơn 53.800 lượt khách từ thị trường châu Âu đến Việt Nam. Trong đó khách từ Anh, Đức, Pháp chiếm số lượng nhiều nhất.

Thị trường khách đến từ châu Mỹ là 44.335 lượt người, trong đó khách đến từ Mỹ 37.166 lượt người.

Cũng theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam vừa công bố, lượng khách du lịch nội địa tháng 9/2022 ước đạt 7 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 4,6 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng số khách du lịch nội địa 9 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 86,8 triệu lượt khách.

Tổng thu từ khách du lịch 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 394.200 tỷ đồng.

Thái Lan đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế trong 9 tháng, cao gấp 3.6 lần Việt Nam

Theo tờ Bangkok Post, Thống đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) – Yuthasak Supasorn cho biết từ ngày 1/1 – 1/9/2022, Thái Lan đã đón 6,01 triệu lượt khách quốc tế.

Trong đó, ông Yuthasak cho biết hầu hết là người Malaysia với 972.699 du khách (chiếm 16,1%); tiếp theo là 561.656 người Ấn Độ (chiếm 9,3%); hơn 410.560 lượt đến từ Lào; 311.567 người Singapore và hơn 309.000 đến từ Campuchia.

Sân bay Suvarnabhumi (Bangkok) có số lượng du khách cao nhất với 3,25 triệu người, tiếp theo là sân bay Phuket, sân bay Don Mueang (Bangkok), trạm kiểm soát nhập cư Sadao ở Songkhla và trạm kiểm soát nhập cư Nong Khai với lần lượt là 828.684; 442.603; 348.121 và 180.023 du khách, ông Yuthasak nói.

“Điều này cho thấy nhiều khả năng Thái Lan sẽ đạt được mục tiêu chào đón ít nhất 10 triệu lượt du khách vào cuối năm nay”, Thống đốc nói. Theo dự báo của TAT, Thái Lan sẽ đón 1,5 triệu lượt khách quốc tế mỗi tháng còn lại của năm 2022.

Thái Lan cũng đã gỡ bỏ hầu hết các biện pháp liên quan đến phòng ngừa dịch từ ngày 1/10 và loại trừ COVID-19 khỏi danh sách các bệnh bị cấm nhập cảnh.

Đức Minh

Triều Tiên phóng tên lửa lần thứ 5 bay qua lãnh thổ Nhật Bản

Ngày 4/10, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo vào biển Đông và bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Giới chức Tokyo đã cảnh báo người dân nên ẩn nấp và tạm dừng các hoạt động tàu hỏa ở miền Bắc nước này.

Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc và lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đã báo cáo về vụ thử tên lửa được phóng ở ngoài khơi bờ biển phía Đông của Triều Tiên. Tên lửa được xác định phóng từ Mupyong-ri ở phía Bắc tỉnh Jagang của Triều Tiên vào lúc 7:23 (giờ địa phương) và bay qua lãnh thổ Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản cảnh báo, người dân nên sơ tán hoặc vào hầm trú ẩn khi tên lửa dường như đã bay qua lãnh thổ của họ trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Tuy nhiên, họ không sử dụng bất kỳ biện pháp phòng vệ nào để phá hủy tên lửa.

TV Asahi dẫn nguồn tin chính phủ giấu tên cho biết, Triều Tiên có thể đã bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và nó rơi xuống vùng biển cách Nhật Bản khoảng 3.000km.

Đài truyền hình Nhật Bản NHK đưa tin, cuộc thử nghiệm đã khiến Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản tạm dừng các chuyến tàu ở nhiều khu vực phía Bắc.

Đây là vụ phóng tên lửa thứ năm của Bình Nhưỡng chỉ trong vòng 10 ngày, sau khi Hàn Quốc và Mỹ kết thúc cuộc tập trận chung hải quân có sự tham gia của tàu sân bay USS Ronald Reagan. Ngoài ra, hải quân Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng vừa hoàn thành cuộc tập trận chống ngầm chung vào ngày 30/9.

Mới đây, Hàn Quốc đã tiến hành buổi trình diễn vũ khí tiên tiến của riêng mình hôm 1/10 để kỷ niệm Ngày Lực lượng Vũ trang của họ, bao gồm nhiều bệ phóng tên lửa, tên lửa đạn đạo, xe tăng chiến đấu chủ lực, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu F-35.

Theo các nhà lập pháp Hàn Quốc, Triều Tiên đã hoàn tất việc chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân, khả năng sẽ diễn ra trong thời gian đại hội đảng của Trung Quốc vào tháng 10 hoặc bầu cử giữa kỳ của Mỹ tháng 11.

Minh Ngọc

Các vụ buôn lậu viên nang nhau thai từ Trung Quốc đến Hàn Quốc

Bắt đầu từ năm 2021, Hàn Quốc một lần nữa phát hiện vụ buôn lậu viên nang thịt người từ Trung Quốc Đại Lục. Ngày 28/9, Yonhap News Agency TV đã đưa tin về vụ việc này. (Ảnh chụp màn hình video)

Sau khi biến mất 2 năm, vụ việc người Trung Quốc buôn lậu viên nang thịt người vào Hàn Quốc lại tái xuất hiện vào năm 2021. Dư luận cho rằng điều này không chỉ phá hoại luân thường, đạo lý, mà còn tiềm ẩn những nguy cơ an ninh nghiêm trọng.

Viên nang thịt người được làm từ bào thai chết (chết tự nhiên hoặc chết do chuyển dạ). Một số người cho rằng bào thai có tác dụng đại bổ, nên xuất hiện thị trường cung và cầu.

Theo thông tin do Nghị sĩ Kim Yeong-seon của Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) Hàn Quốc có được từ Cục Hải quan ngày 28/9 cho thấy nước này đã phát hiện 6 trường hợp buôn lậu viên nang thịt người trong vòng 6 năm, từ năm 2016 – 2021.

Tổng cộng hơn 1.000 viên thuốc con nhộng được tìm thấy trong đồ đạc của khách du lịch nhập cảnh vào Hàn Quốc. 5 trường hợp được phát hiện từ năm 2016 – 2018, và không có sự kiện liên quan nào được tìm thấy trong 2 năm tiếp theo, nhưng một vụ khác được phát hiện vào năm 2021.

Vụ bắt giữ viên nang thịt người đầu tiên tại hải quan Hàn Quốc là vào năm 2011, khiến xã hội nước này khi đó náo động. Để tìm hiểu sự thật của vụ việc trên, đài truyền hình SBS của Hàn Quốc đã đến Trung Quốc âm thầm điều tra, và quay lại quá trình các bệnh viện Trung Quốc cấu kết với nhân viên chợ đen để bán xác thai nhi làm thành viên nang. SBS tiết lộ thông tin trên truyền thông vào tháng 8/2011.

Bối cảnh chuyến thăm không báo trước của đài truyền hình SBS là một thành phố vừa và nhỏ ở Trung Quốc. Theo báo cáo, các nhân viên chợ đen đã lấy xác thai nhi đông lạnh (bào thai từ 6 – 8 tháng tuổi) từ bệnh viện, dùng máy sấy khô, sau đó gửi đến một nhà máy chuyên cắt nhỏ và đóng gói để làm thành viên nang.

Các viên nang thịt người được bán trên thị trường chợ đen của Trung Quốc như một loại thuốc bổ dưỡng, được người dân tộc Triều Tiên ở Trung Quốc mua và nhập lậu sang Hàn Quốc bán với giá cao.

Năm 2011, Viện Điều tra Khoa học Quốc gia Hàn Quốc đã phân tích thành phần của một số viên nang thịt người bị hải quan thu giữ, và phát hiện có những thứ giống như tóc trong đó. Kết quả kiểm tra chứng minh, trình tự gen hoàn toàn giống với con người, thậm chí có thể phân biệt được giới tính.

Các cuộc điều tra chính thức của Hàn Quốc cho thấy từ năm 2011 – 2013, có hơn 100 vụ buôn lậu viên nang thịt người ở Hàn Quốc, và hơn 60.000 viên nang đã bị thu giữ.

Tháng 10/2013, một nữ du học sinh Trung Quốc đã bị cảnh sát Hàn Quốc tạm giữ vì vi phạm Luật Dược sĩ khi bán viên nang thịt người ở đảo Jeju dưới danh nghĩa là thuốc ăn kiêng.

Tháng 5/2013, một người đàn ông dân tộc Triều Tiên ở Trung Quốc cũng bị bắt vì bán viên nang thịt người. Người này đã buôn lậu viên nang thịt người từ Trung Quốc sang Hàn Quốc bắt đầu từ đầu năm 2004.

Ông Lee Seung Won, Chủ tịch Hiệp hội Đạo đức Ghép tạng Hàn Quốc (KAEOT), nói với Epoch Times rằng thịt người được bán dưới dạng viên con nhộng trên thị trường chợ đen Trung Quốc, và liên tục được nhập lậu vào Hàn Quốc.

Ông nhấn mạnh rằng xã hội Hàn Quốc nên “tiếp tục thảo luận cởi mở về các vụ việc nêu trên, và gây áp lực để ngăn chặn sự xuất hiện của hoạt động chế biến thịt người, và buôn bán bí mật ở Trung Quốc.”

Viên nang thịt người không chỉ phá hoại đạo đức, mà còn tồn tại những nguy cơ nghiêm trọng về an toàn và sức khỏe.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc tiết lộ viên nang thịt người là vật phẩm nguy hiểm, có thể lây nhiễm vi khuẩn. Kết quả kiểm tra của Cục vào năm 2012 cho thấy trong một viên nang thịt người có thể phát hiện 18,7 tỷ vi khuẩn, virus viêm gan B cũng được tìm thấy trong đó.

Ông Kim Yeong-seon kêu gọi: “Vì sự an toàn của công dân Hàn Quốc, trong quá trình thông quan, các mặt hàng không phù hợp nên bị ngăn chặn hoàn toàn vào Hàn Quốc.”

Theo Ngô Hoan Tâm, Epoch Times

Related posts