Tờ Reuters dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ hôm 3/10 cho biết, gói viện trợ quân sự trị giá 625 triệu USD tiếp theo cho Ukraine dự kiến bao gồm 4 bệ phóng Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS), nâng tổng số tiền mà Mỹ viện trợ cho Ukraine lên hơn 16,8 tỷ USD kể từ khi quân đội Nga đổ bộ vào Ukraine hồi tháng 2.
Theo một số nguồn tin, gói viện trợ này dự kiến được công bố sớm nhất vào ngày 4/10. Đây là gói viện trợ đầu tiên kể từ khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 vùng của Ukraine và là lần thứ 2 sử dụng Quyền Rút vốn của Tổng thống Mỹ (Presidential Drawdown Authority – PDA) kể từ giữa tháng 9, theo tờ Reuters.
Bằng việc sử dụng Quyền Rút vốn của Tổng thống, 4 bệ phóng HIMARS và các tên lửa đi kèm, khoảng 200 xe trinh sát quân sự chống mìn (MRAP), đạn dược cho Howitzers và mìn sẽ được gửi tới Ukraine trong những ngày tới.
Quyền Rút vốn của Tổng thống cho phép Tổng thống duyệt kế hoạch chuyển giao khí tài và dịch vụ quân sự từ Bộ Quốc phòng mà không cần Quốc hội phê chuẩn trong trường hợp khẩn cấp. Theo đó, đây là lần thứ 22 Mỹ rút vũ khí và trang bị từ Bộ Quốc phòng để chuyển tới Ukraine.
Đây là gói đầu tiên trong năm tài chính 2023 của chính phủ Mỹ và cho phép Tổng thống Joe Biden rút ra 3,7 tỷ USD viện trợ vũ khí để chuyển cho Ukraine đến giữa tháng 12.
Nhà Trắng từ chối bình luận về gói viện trợ mới này.
Việc Nga tuyên bố sáp nhập theo sau cái mà nước này gọi là trưng cầu dân ý ở các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine. Các chính phủ phương Tây và Kyiv cho biết các cuộc bỏ phiếu vi phạm luật pháp quốc tế và mang tính cưỡng chế.
Các quan chức giấu tên nói rằng gói vũ khí có thể thay đổi về giá trị và nội dung cho đến phút chót.
Mỹ công bố gói viện trợ 1.1 tỷ USD cho Ukraine
Ngày 28/09, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo gói viện trợ mới nhất trị giá 1,1 tỷ USD, bao gồm 18 bệ phóng Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS), các loại đạn dược đi kèm, nhiều loại hệ thống máy bay không người lái và hệ thống radar.
Gói này nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), nghĩa là chính phủ Mỹ phải mua vũ khí từ các doanh nghiệp, thay vì rút chúng khỏi kho vũ khí hiện có của Mỹ.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, 18 Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS) được chế tạo bởi Lockheed Martin Corp, có tầm bắn khoảng 40 dặm (64 km) và có thể tấn công các mục tiêu ở xa với độ chính xác cao hơn. Điều này cho phép Kyiv giảm lợi thế pháo binh của Nga.
Gói hỗ trợ này nâng tổng số tiền mà Mỹ viện trợ cho Ukraine lên hơn 16,8 tỷ USD kể từ khi quân đội Nga đổ bộ vào Ukraine hồi tháng 2.
Huyền Anh