Tiền Tip, Tip hay không Tip?

Đỗ Quân

Mới đây, trên Quora, một diễn đàn hỏi-đáp trên mạng, có một nhân vật tên Ashish Bang đặt câu hỏi: “Tôi vừa mới đi Canada và tất cả các nhà hàng đều đòi một món tiền tip sau thuế. Tại sao thế? Chuyện này có vẻ vô đạo đức.”

Câu hỏi đó đã có hơn 32 ngàn lần xem và một loạt đóng góp. 

Một phụ nữ tên Kathy O, chắc là người Canada, đã trả lời bằng cách hỏi ngược lại. 

Bà O hỏi: “Các nhà hàng, các người phục vụ, các menu có bày tỏ rõ ràng rằng “Chúng tôi muốn tiền tip sau thuế” không?”

Và bà O cho rằng người hỏi bịa chuyện vì chính bà đã đến hàng ngàn nhà hàng ở Canada và chưa bị ai đòi phải tip cả.

Nhưng bà O đã phải đồng ý với một số người rằng nhà hàng có thể đã gợi ý – qua cái máy để trả tiền, là khách hàng “để lại” thêm một khoản tip “sau khi đã đưa ra giá thành tổng cộng của hóa đơn”. Tuy nhiên, bà quả quyết rằng chuyện này không phải riêng ở Canada mà còn tràn lan ở Hoa Kỳ.

Và đúng như vậy thật.

Sau khi no say (hoặc nuốt không nổi những món ăn) ở một nhà hàng, không ít người đã gãi đầu khi nhìn thấy (hoặc phải vội đeo cặp kính lão lên để đọc cho rõ) màn hình xinh xinh của cái máy để trả tiền được đưa cho họ sau bữa ăn ở một nhà hàng.

Sau khi họ bấm OK để đồng ý với giá tiền bữa ăn ở trang thứ nhất, trang thứ hai xuất hiện hàng chữ Add a Tip (thêm một khoản Tip) với 4 lựa chọn: 18%, 20%, 25% và 30%.

Dĩ nhiên đây chỉ là những “lựa chọn” tùy ý (option), nhưng ngay cái lựa chọn đầu tiên 18%, đã cao hơn mức tip tiêu chuẩn 15% hồi nào tới giờ, và lựa chọn cuối cùng cao gấp đôi. 

Và đó là sau khi giá cả các món ăn ở nhà hàng đã vọt lên thêm cỡ 25% nữa so với “ngày trước”, chính xác là từ sau khi Covid xuất hiện.

Nhưng cách trình bày dành hẳn một trang trên máy để trả tiền (được gọi là POS Teminal/trạm POS) không hoàn toàn mang ý nghĩa “tùy chọn” mà nghiêng về phía gợi ý, đề nghị. Tức là “no choice” nếu không muốn bị coi là…đồ bần tiện. 

Giáo sư Simon Pek, trường Kinh doanh thuộc Đại học Victoria ở British Columbia diễn giải một cách nhẹ nhàng hơn trong nghiên cứu của ông. Ông cho rằng đây là một cách trình bày để ảnh hưởng lên khách hàng. 

Ông Pek nói các lựa chọn mặc định (default) như kiểu này là một thí dụ về lý thuyết “kiến trúc chọn lựa” (choice architecture) vì “Con số đầu tiên bạn nhìn thấy hoặc phạm vi bạn nhìn thấy trước mắt ảnh hưởng đến quyết định và nhận thức của mọi người”. Như thế, những gì mà khách hàng nhìn thấy hiện lên trên màn hình của cái trạm POS là thông điệp “đây là điều được mong đợi hoặc là tiêu chuẩn trong bối cảnh cụ thể này.”

Tức là khi thấy những con số đó cao hơn, “chúng ta sẽ nghĩ rằng khoản tip cao hơn là phù hợp hơn trong khung cảnh này.”

Theo Mike von Massow, giáo sư tại Đại học Guelph, một nhà kinh tế thực phẩm, từ việc thay nhớt xe đến nhận thức ăn mang về nhà ăn từ các quầy pick up, “thúc tiền tip” (tip nudge) đã nhanh chóng trở thành một “chuẩn mực xã hội vững chắc” ở Canada. Và hiện tượng tăng mức tiền tip đang trở thành một vấn đề nóng trên toàn quốc.

Von Massow kể chuyện hôm ông đến nhà máy bia thủ công ở địa phương để mua vài lon bia loại ông yêu thích, “khi tôi trả tiền, một người lấy bia từ tủ lạnh ra và đưa cho tôi, họ chỉ làm có thế, và tôi bị nhắc phải cho tiền tip.”

Ngày xưa, chúng ta trả tiền mặt, rồi sau đó bằng cái máy cà thẻ – visa hoặc mastercard. Ngày nay, cách thanh toán đã có tiến bộ nhảy vọt và thuận tiện hơn. Khách hàng được đưa cho một cái máy rất tối tân có màn hình cảm ứng (touch screen), chỉ cần chạm ngón tay vào với nhiều cái nút để bấm chọn lựa. Cái màn hình đó có thể có đến vài ba trang. Loại máy này là trạm (terminal) cuối cùng nằm trong hệ thống thanh toán gọi là POS (Point of Sale / Điểm bán hàng). Nó có thể to như cái monitor ở chỗ các thu ngân viên tính tiền, hay nhỏ như một máy tính bảng, hoặc nhỏ hơn nữa, bằng cái điện thoại thông minh.  

Việc lập trình những cái trạm này rất dễ dàng. Chính “chúng nó” đã giúp các doanh nghiệp dễ dàng đưa ra cho khách hàng lựa chọn mức tip, ngay cả trong những ngành mà trước đây không có chuyện tiền tip. 

Có ép nhau hay không?

Trên mạng TikTok, một cô gái Canada kể lại cảm giác bị ép phải tip khi đi mua cà phê. “Cô hàng cà phê” (barista) khi đưa cho cô cái iPad để bấm trả tiền đã chăm chăm dòm xem cô có bấm vào cái nút tip hay không, và bấm vào nút nào, 15, 20 hay 25%.

Cô đặt câu hỏi rằng các cô hàng cà phê có đáng được tip đến 25% khi chỉ rót cà phê vào ly hay tách rồi thêm vô chút cream, muỗng đường.

Video Tiktok của cô được 1,6 triệu lượt người xem và hàng ngàn bình luận.

Đó mới là chuyện ở Canada, và ở những nhà hàng.

Chuyện ở Mỹ cũng không kém, có vẻ còn kinh hoàng hơn.

Nhà báo Christina Morales của tờ The New York Times kể chuyện một bà Mỹ 66 tuổi, bị “gợi ý” tiền tip khi đến một lò bánh nhận món hàng mà bà đã order trước đó.

Bà Anna Johnson đã sững người khi thấy màn hình của cái trạm POS hiện lên “Add a Tip: 35%”. Món hàng mà bà Johnson đặt mua chỉ là cookies!

“Họ đòi mọi người tới mức đó! Người ta không thể cứ tiếp tục phải trả thêm, thêm và thêm hoài.”

Những câu chuyện về tip trên các diễn đàn của các mạng xã hội và trên báo chí đã có hàng trăm, hàng ngàn “còm”.

Trở lại với cái video mang tên “áp lực phải tip” (the pressure to tip) ở tiệm cà phê.

Một người bình luận dưới video đó, than thở rằng có lần chị ta đã lỡ tay bấm 3 đô tip cho một ly cà phê giá… 3 đô “và cái máy không cho phép tôi sửa lại”.

Một người khác viết: “Một lần, tôi mua hai chai nước và vô tình bấm vào… 20 đô la tiền tip ở mục “custom” (tùy ý).

“Họ không cho phép bạn chạm vào iPad tại (tiệm) Dutch. “Họ ra mặt hỏi bạn có muốn để lại tiền tip không?!” ý kiến của một người khác.

Một vài người đã nhảy vào bênh vực nhân viên quán cà phê.

“Những người này chỉ đang cố gắng làm công việc của họ. Thường thì họ không có quyền gì về những gì hiện lên trên màn hình.”

Một người khác nói thêm: “Các bạn ạ, lệ là sẽ tip cho các baristas (người pha cà phê).”

Nhưng những người chê trách đã không chấp nhận những lý thuyết đó

Một người viết: “Hãy kiếm một công việc khác đi. Không có ai tip hết.”

Và khoảng 99 phần trăm nhận định rằng “gợi ý” tip ở quán cà phê đến 20, 30% là quá đáng.

Có người còn thẳng thừng nói rằng khi họ thấy cái gợi đó, họ đã quyết định dẹp, khỏi tip.

Tip xưa và nay 

Tây có chữ pourboire, Tàu (Chợ lớn) nói lì xì để “dẩm xà” (thưởng, tặng để uống trà). Ta xài cả hai. Nay ở trong nước từ dẩm xà chắc đã chết, pourboire được phiên âm và rút ngắn lại thành “boa” (và thường chỉ dùng ở những nơi không lành mạnh lắm). Cả đến anh chàng google cũng xài chữ “boa”, thế nên khi bạn dùng google translate để dịch chữ tip, bạn sẽ nhận được từ Việt ngữ “tiền boa”.

Tiếng Anh cũng “lịch sự” hơn tiếng Việt khi dùng động từ “leave” thay cho động từ “cho”.  Nghe nhẹ nhàng hơn và ít vẻ ban phát hơn.  

Dân ta ở hải ngoại, đặc biệt là Bắc Mỹ, xài từ tip cho nhanh gọn lẹ và dễ hiểu. Người trong nước cũng đã bắt đầu dùng từ tip của tiếng Anh.

Nói cách nào thì nói, đó là một khoản tiền nhỏ, để bày tỏ hay đi theo một sự biết ơn, ghi nhận công sức, và thường thì tùy theo tấm lòng của người đưa.

Một mạng hướng dẫn du lịch ở Hoa kỳ khuyên người ngoại quốc đến Mỹ: 

“Du khách đến Mỹ thường bị bối rối bởi văn hóa tiền tip của chúng tôi. Đó là sự thật – đó là một con khỉ rừng mà bạn phải học để nhảy tango với nó.

Bạn tip cho rất nhiều người ở Mỹ – người phục vụ, người pha chế rượu, người xách va li/đậu xe, thợ làm tóc, nhân viên mát-xa – bạn thậm chí có thể tip cho cái anh chàng dễ thương tại quán cà phê địa phương nếu bạn thích. Nhưng làm thế nào để bạn biết ai để tip và bao nhiêu? Và tại sao tiền tip lại ăn sâu vào văn hóa ở đó?”

Thực sự thì chẳng khó chút nào cả. Vì ở Mỹ, và bây giờ cũng lan rộng ở Canada, không cần thắc mắc rằng có phải cho tip hay không. Chỗ nào cũng nên cho, cần cho, và thậm chí phải cho. Rồi cho bao nhiêu cũng thế. Ở rất nhiều chỗ, cho rất nhiều trường hợp, đã có sẵn những “gợi ý” với tính cách “mặc định”, tức là chỉ cần nhấn vào là xong. 

Như trên màn hình của các trạm POS vừa được trình bày ở trên.

Không phải là đặc sản Hoa kỳ

Không ai cãi là cái vụ cho tiền mà nay gọi là tip có xuất xứ từ Âu châu. Một phần vì người ta đã có nhiều tài liệu ghi chép đàng hoàng, và không có lục địa nào cãi để giành quyền bảo hộ phát minh cả.

Tuy không có ghi chép rõ ràng về thời điểm tiền tip đầu tiên được đưa cho một người làm công để cảm ơn một dịch vụ/sự phục vụ, thực tế đã cái thông lệ này phổ biến ở thời Trung cổ ở châu Âu. Còn được gọi là “gratuity”, từ chữ gratuité của tiếng Pháp thời trung cổ – có nghĩa là một số tiền nhỏ được trao cho một người một cách tự ý hoặc tự nguyện. Gratuity có vẻ như rất phổ biến trong thời đại đó. 

Trong quyển “Tipping: An American Social History of Gratuities”, một trong những khảo sát lịch sử toàn diện nhất về lệ này, tác giả Kerry Segrave ghi nhận rằng nguồn gốc của tiền tip rất mơ hồ, “nhưng nó có thể bắt đầu từ cuối thời Trung cổ”. Segrave viết rằng ở Anh triều đại Tudor (1485-1603), khi người đến chơi nhà người khác thường đưa một số tiền (được gọi là tiền vails) để trả thêm công cho những người hầu của chủ nhà vì họ đã phải làm nhiều hơn những nhiệm vụ thông thường của họ để phục vụ cho người khách. 

Theo thời gian, hành động tặng tiền thưởng đã bước ra ngoài giới quý tộc để đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống với một chức năng kinh tế: cho phép người mua sự phục vụ thể hiện sự hài lòng với người cung cấp và dịch vụ và hợp đồng đang được cung cấp. Một người hầu bàn hoặc người pha chế rượu chu đáo có thể mong đợi một khoản tiền thưởng dưới dạng một khoản tiền tip lớn, bày tỏ sự hài lòng của khách hàng. Ngược lại, dịch vụ kém hoặc tệ có thể dẫn đến một khoản tip nhỏ hoặc không có tip. Không có quy định, luật lệ gì về việc cho tip và mức tip. Tập tục này phát triển và lan rộng theo thời gian, giải quyết vấn đề thông tin xung quanh các giao dịch. Nói một cách đơn giản, nó cho phép một vòng phản hồi giữa người cung cấp dịch vụ và khách hàng.

Đến đầu thế kỷ 18, việc thưởng tiền đã phổ biến đến mức trong các sách về du lịch đã có hướng dẫn cách thức cho tip và mức tip.

Theo thời gian, tiền tip đã trở thành một thực tế phổ biến đối với vô số dịch vụ – cho bữa ăn trong nhà hàng, cho việc dọn phòng trong khách sạn, cho tiếp viên cabin trên tàu hơi nước, cho người đánh xe ngựa, và như một cách để bày tỏ sự hài lòng cho các màn trình diễn âm nhạc giải trí. 

Video của TikToker Aubrey Grace (@aubreygracep): màn hình Ipad có các lựa chọn mặc định (15 đến 25%); lựa chọn lựa Custom Tip Amount (tùy người khách hàng) và No Tip (không có tip). Khách hàng sẽ thấy “Áp lực phải tip” khi đôi mắt của người thu ngân chăm chăm vào ngón tay của mình

Nước Anh có một nền văn hóa tiền tip lâu đời vào thế kỷ 17 và 18. Việc cho tip đã trở thành một phần thường lệ trong cuộc sống ở Anh từ cuối thế kỷ 17. Trong truyện “Old Curiosity Shop”, nhà văn Charles Dickens ghi lại cảnh nhân vật chính Nell Trent thưởng cho một người lái xe ngựa một “khoản tiền thưởng nhỏ” vì đã tìm được cho cô phòng tại một quán trọ. 

Những người định cư từ châu Âu đã mang tip vào Bắc Mỹ. Tuy không rõ tip bắt đầu du nhập vào Hoa Kỳ từ lúc nào, nhưng báo chí Hoa kỳ đã nói đến nó từ rất lâu trước Nội chiến. 

Ban đầu, lệ này phổ biến khá chậm chạp và trong giới hạn địa lý. Vào đầu thế kỷ 19, các du khách từ châu Âu đến Mỹ nhận thấy rằng chuyện cho tip chỉ có ở các thành phố lớn, trái ngược với sự phổ biến của nó ở Anh.  Đọc thêm

Để rồi đến cuối thập niên 1830, “văn hóa tip” (tip culture) bắt đầu phát ở Hoa Kỳ. Một cuốn sách về phép tắc xã hội (etiquette) của Eliza Leslie, xuất bản ở Philadelphia vào năm 1839, viết rằng tiền tip đã trở thành thông lệ ở các trung tâm đô thị – thậm chí đến mức có quy tắc phức tạp và số tiền cụ thể cho các nhiệm vụ nhất định.

Đến giữa thế kỷ 19, vô số sách hướng dẫn du lịch và sổ tay về phép xã giao đã xuất hiện trên bản in, tư vấn về phong tục và tỷ lệ tiền tip ở các địa phương khác nhau trên thế giới. 

Việc tiền tip đã trở thành tiêu chuẩn ở Hoa kỳ vào thập niên 1900, chắc chắn do nhờ tầng lớp quý tộc mang về sau những chuyến thăm châu Âu để tỏ ra họ có văn hóa và hiểu biết hơn các đồng hương của họ. 

Người Mỹ làm gì cũng quá, thế là họ cho tip quá mức và tiếp tục như vậy cho đến ngày nay, thậm chí bị chính người Âu châu phê phán vì tip quá tay và quá nhiều chỗ. Chứng “làm quá” đó cũng đang được thấy lan tràn ở Canada.

Nói cho ngay, người Mỹ có lý do chính đáng để tip. Luật pháp Mỹ cho phép chủ nhân chỉ trả cho công nhân nhiều doanh nghiệp trong ngành dịch vụ trên 2 đô la một giờ làm việc, họ sống được hay không là tùy vào tip.  

Nhưng ở Canada, mặc dù có quy định lương tối thiểu – khoảng trên dưới 15 đô la một giờ, vẫn phải tip, và tip ngày càng bị kê lên cao, càng lan rộng ra nhiều nơi.

Trên CBC Radio, cô Kate Malcolm kể về kinh nghiệm của cô sau khi từ Anh quốc sang Canada. Cô cư ngụ ở Port Perry, Ontario từ năm 2017, nhưng đến nay cô vẫn thấy khó khăn khi tiếp xúc với “tip culture” của Canada.

“Ở Anh, không có chuyện bạn đưa 10, 20, 30 đô la cho một thợ làm tóc. Giá làm tóc đã quá đắt, rồi lại cũng phải tip cho họ nữa sao? Đó là một khái niệm xa lạ.”

Cô nói khi cha mẹ cô sang thăm lần đầu tiên, họ cũng ngơ ngác không biết lệ tip ở Canada như thế nào, dẫn đến một màn khó xử khi cả nhà đi ăn ở một nhà hàng.

“Họ bỏ mớ tiền lẻ lên bàn, khoảng chừng 2 đô la và bạc cắc, và kiểu như hỏi tôi ‘Làm như vậy đó, phải không?’ Thế là tôi tái xanh, vì làm như thế còn tệ hơn là không tip.”

Cô Malcolm, cũng từng sống và từng làm job phục vụ ở Úc, cho biết (ở Úc) mức lương cao hơn nhiều so với ở Canada, và không có chuyện trông vào tiền tip, cô cảm thấy ít áp lực hơn khi lúc nào cũng phải tỏ ra “siêu thân thiện”.

Mệt mỏi vì tip

Tip, trên hóa đơn này được ghi là gratuity, tính sẵn 20%trên hóa đơn

Covid 19 đã khiến người ta nghĩ nhiều hơn đến những người phải làm những công việc lao động nặng nhọc và chấp nhận những rủi ro về sức khỏe như những người trong ngành kinh doanh thực phẩm – phục vụ, đầu bếp, thu ngân, nhân viên giao hàng… Người ta trở nên rộng rãi hơn. Đối với nhiều khách hàng, tặng thêm 15 phần trăm trở lên cho một phần ăn, hoặc một thùng thực phẩm giao đến nhà là điều ít nhất họ có thể làm để giúp đỡ những người lao động không thể thiếu.

Nhưng khi hoạt động kinh doanh đã trở lại bình thường hơn, nhiều khách hàng và chuyên gia trong ngành phục vụ nói rằng quyết định tặng thêm bao nhiêu tiền tip hoặc có tip hay không, trở thành một quyết định khó khăn hơn. Đặc biệt là với sự xuất hiện của công nghệ mới và các đòi hỏi được tip ở mọi chỗ, mọi nơi trong ngành thức ăn đồ uống, từ tiệm bánh, tiệm cà phê đến xe bán đồ ăn và quầy nước trái cây.

Cách tính tiền tip cũng đã thay đổi ở nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ hơn, nơi cái lọ/bình đựng tiền tip trên quầy đã được thay thế bằng những màn hình touch screen, thứ đã trở nên phổ biến hơn nữa trong thời kỳ đại dịch. Để lại một số tiền không phù hợp với tỷ lệ phần trăm được gợi ý – nghĩa là chọn sang phần tự chọn rồi bấm vào mức/số tiền mình muốn tip, sẽ mất thêm thời giờ và mất thêm công. Đó là chưa kể khi mình còn đang loay hoay, người phục vụ đang đứng nhìn vào.

Sẽ có phản ứng ngược?

Bài điều tra của CBC cho hay các công ty công nghệ tài chính như Square hoặc Moneris không chia sẻ dữ liệu về tần suất người Canada chọn tùy chọn cho tip 30%.

Tuy nhiên, Square đã xác nhận rằng việc cài đặt và đặt mức tiền tip trên các trạm POS là tùy thuộc vào người bán và nhà bán lẻ.

Một số chủ nhà hàng cho biết việc nâng cao các chọn lựa tip cho những khách hàng thanh toán bằng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng có thể gây phản tác dụng.

Jacquie Titherington, một người phục vụ và quản lý tại Blue Star Diner ở Calgary với 26 năm trong nghề nói rằng chuyện đó có thể không có lợi cho công nhân viên, nó sẽ làm cho khách hàng bực bội vì “nó có vẻ quá đáng.” 

Trên các phương tiện truyền thông xã hội đầy rẫy những lời phàn nàn về việc “văn hóa tiền tip đã vượt quá tầm kiểm soát.” Vượt tầm cả ở con số và lẫn ở lãnh vực. Có những post của người tiêu dùng bày tỏ sự bực bội về việc “bị yêu cầu để lại một chút tiền tip” ở những nơi họ chưa từng làm trước đây.

Cô Katherine Cabrera, ở Hialeah (Florida), 23 tuổi, nói với ký giả báo New York Times như thế. Cô nói thẳng rằng mình luôn cho tip người giao hàng và phục vụ bữa ăn tại chỗ, nhưng chỉ thỉnh thoảng ở những nhà hàng fast food hoặc bình dân.

Phục vụ phí (service charge) và tiền nhà bếp (Kitchen charge) được tính sẵn trên hóa đơn một nhà hàng

Brian Wacik, 59 tuổi, một chuyên viên dạy chó ở Tucson, Arizona, cũng nói ông không bao giờ cho tip khi mua và lấy fast food. “Không ai phục vụ tôi, người ta nấu nướng thức ăn ở đó, họ đã được trả tiền. Tôi không bao giờ tip khi lấy hàng.”

Một số thực khách cho rằng tiền tip cho phép các chủ doanh nghiệp giảm bớt trách nhiệm trả lương đủ sống cho người làm thuê cho họ. 

Gabriel Ramirez, người làm việc trong một cửa hàng bán thuốc hút ở Los Angeles, cho biết ông thích thấy chi phí nhân công được tính sẵn vào giá của thực đơn hơn là để khách hàng cho tip. Theo ông xã hội có trách nhiệm và bổn phận “phải bảo đảm cho người đang cho chúng ta ăn đủ ăn. Các chủ nhân không nên nhìn vào lọ tiền tip và nói, ‘Đây là cái sẽ giúp nhân viên của tôi sống được trong tháng này.”

Hoa kỳ là quốc gia có luật quy định lương tối thiểu cho những người lao động trong các khu vực kinh doanh có tip. Tiêu chuẩn Liên bang là $7.25/giờ Basic Combined Cash & Tip Minimum Wage Rate, và Minimum Cash Wage là $2.13/giờ (Fair Labor Standards Act). Một số tiểu bang có quy định Minimum wage before tip cao hơn Liên bang, ở Washington cao nhất nước ($14.99) và thấp nhất ở Arkansas ($2.63).  Mười sáu tiểu bang có mức lương căn bản tối thiểu bằng với mức quy định bởi luật Fair Labor Standards Act của Liên bang, tức là $2.13/giờ. (nguồn: https://www.dol.gov/agencies/whd/state/minimum-wage/tipped)

Với mức lương $2.13, đương nhiên người lao động không thể sống nổi nếu không có thêm thu nhập từ tip. 

Thế nên không khó để hiểu rằng đối với nhiều người lao động thì tiền tip là một nguồn sống. Và có bằng chứng cho thấy đại dịch đã khiến khách hàng nhận thức sâu sắc hơn về nhu cầu đó, vì tình trạng thiếu nhân viên và những thực khách thiếu kiên nhẫn khiến công việc trong ngành phục vụ ăn uống càng trở nên khó khăn hơn.

Nhiều người phục vụ đã lệ thuộc vào hệ thống tip hiện tại. Như cô Valerie Campodall’Orto, ở Tucson, Arizona. Trong một ca làm việc tệ, trung bình cô vẫn có thể nhận được ít nhất 20 đô la tip một giờ, và vào những đêm đẹp trời, có thể được đến 50 đô la một giờ.

Cô Campodall’Orto thú nhận rằng “có thể đó là một quan điểm rất ích kỷ” nhưng “tôi rất thích hệ thống tính tiền tip”. Cô khoe rằng mình cũng tip một cách rộng rãi, kể cả ở những quán cà phê. “Đối với bất kỳ nhà hàng nào, cho dù đó doanh nghiệp gia đình hay chuỗi công ty, việc có thể trả cho một người phục vụ 50 đô la một giờ, là không thể làm được. Muốn thế, phải đổ lên giá cả, để rồi khách hàng sẽ không ăn uống nhiều và kết quả chủ nhân sẽ không đủ sức trả mức lương đó.

Ở Canada, nơi tất cả các tỉnh bang đều có quy định lương tối thiểu khoảng $14 – $15, tip vẫn còn cần thiết, nhưng không đến nỗi phải áp lực lên khách hàng bằng những chọn lựa tip cao đến 30% ngày càng thêm phổ biến. Thậm chí còn cả ở những nơi đã cộng thêm service fee vào hóa đơn.

Đổ tội cho…high tech

Bryan Solar, người quản lý các sản phẩm dành cho các nhà hàng tại Square, một trong những hệ thống hàng đầu về máy tính bảng điểm bán hàng (Point of Sales tablet) trong ngành dịch vụ thực phẩm, cho biết mọi người đã rộng rãi hơn trong việc cho tiền tip vào đầu đại dịch ở Hoa Kỳ. Vào tháng 4 năm 2020, tiền tip trung bình tại một cơ sở kinh doanh fast food là 23,5%, tháng trước đó chỉ là 19,6%.

Nhìn chung, công nghệ màn hình cảm ứng (touch-screen) mới khuyến khích việc tip, Solar thấy như thế. Gần đây, ông đã giúp một nhà hàng Tex-Mex có tuổi đời hàng chục năm mà ông thường lui tới ở Austin, Texas, đặt hệ thống Square. Ông chủ nhà hàng đó báo cáo rằng tiền tip đã tăng 50%.

Theo Solar, công nghệ màn hình cảm ứng mới khuyến khích việc cho tip vì lo lắng và áp lực xã hội đóng vai trò quyết định trong việc tip. Một khách hàng khi đứng trước một người nào đó với cái trạm POS – và thấy rằng người đó biết bạn sẽ tip, không tip hay chuyển sang trang để bấm vào con số mà mình muốn tip, “người ta sẽ dễ tỏ ra hào phóng và cho tip hơn.”

Andrew Moreo, giáo sư quản lý du lịch và khách sạn tại Đại học Quốc tế Florida, cho biết rằng không ít khách hàng cảm thấy căng thẳng trong những lúc như thế này bởi vì “bạn không muốn trông giống như một kẻ ăn cắp vặt”. 

Công nghệ mới cũng loại bỏ một lý do dễ dàng để khách hàng bào chữa cho việc không cho tip: không có tiền mặt.

Lizzie Post, thuộc viện Emily Post Institute, nơi cung cấp các hướng dẫn về phép xã giao, nói khi thấy một lọ để cho khách bỏ tiền tip, hoặc cái trạm POS thay thế cái lọ, khách hàng nên coi đó là tùy ý họ: “Tôi thấy tình huống đó không khác gì việc bạn sẽ bỏ tiền lẻ vào túi của mình hay bỏ vào lọ tiền tip.”

Nói thế nhưng trong cuộc sống hàng ngày, không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy được quyền tùy ý. Janhavi Bodkhe, một sinh viên đại học 21 tuổi ở thành phố Iowa, Iowa, cho biết cô “cảm thấy áp lực xã hội khi cho tiền tip, ngay cả trong những hoàn cảnh có vẻ không nhất thiết phải tip.”

Cách đây vài tháng, khi mua vé xem phim tại một rạp chiếu phim địa phương, cô thấy mình đang nhìn xuống màn hình cảm ứng trên đó có các tùy chọn. Cô bấm tip 15 phần trăm.

“Việc có tip hay không nó nói lên con người của bạn. Tôi muốn được coi là một khách hàng tốt”.

Tuy nhiên, ông Bryan Solar cảnh cáo rằng sự hào phóng của khách hàng sẽ suy giảm khi một doanh nghiệp trở nên quá hung hăng trong việc thúc tiền tip, như khi một số hệ thống POS bắt đầu có các tùy chọn giới hạn ở mức tối thiểu là 25%. “Mọi người sẽ rộng rãi …tới một mức độ nhất định”.

Một số chủ nhà hàng cho biết việc nâng cao tùy chọn tiền tip cho những khách hàng thanh toán bằng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng có thể gây phản tác dụng.

Jacquie Titherington, một người phục vụ và quản lý tại Blue Star Diner ở Calgary với 26 năm trong nghề nói rằng chuyện đó có thể không có lợi cho công nhân viên, nó sẽ làm cho khách hàng bực bội vì “nó có vẻ quá đáng.” 

Tiệm bánh Dough Bakeshop ở Toronto đã thêm một tùy chọn nữa vào các trạm POS của mình sau khi nhân viên và khách hàng đóng góp ý kiến. Đó là câu: “to bypass the tip option please press green” (để bỏ qua tùy chọn tiền tip, vui lòng nhấn màu xanh lá cây).

Dù thế, bà Oonagh Butterfield, đồng chủ nhân của tiệm, cho biết một số khách hàng vẫn thắc mắc về các tùy chọn tiền tip trên máy.

“Đôi khi có một chút, tôi thấy là, họ cáu kỉnh ngay cả với câu hỏi, ‘bạn có muốn tip không?’ Đặc biệt nếu họ chỉ mua bánh mì…”

Mặc dù hiện đang có tùy chọn tiền tip, nhưng Butterfield cho biết bà ủng hộ việc chấm dứt văn hóa tiền hiện tại của Canada, và trả mức lương đủ sống cho công nhân.

Đến chính các công nhân cũng thấy không thoải mái lắm với chuyện phải hỏi tip. 

Madison Hudson, một nhân viên pha đồ uống của một quán cà phê loại drive-through ở Houston cho biết trong đại dịch, ban giám đốc đã bỏ không dùng cái máy PIN thường được đưa cho khách hàng để thanh toán. Thế nên Hudson và các nhân viên khác đã phải hỏi khách hàng tại cửa sổ giao hàng xem họ có muốn để lại tip hay không. Tuy, như đã nói ở trên, tiếng Anh thật lịch sự “leave a tip” thay vì “cho tiền tip”, cô vẫn “luôn cảm thấy ngượng ngùng khi hỏi. Nhưng tiền tip là cách duy nhất để chúng tôi có được mức lương đủ sống ở đó.”

Một số nhà hàng đã áp dụng cách tính thẳng vào hóa đơn một khoản tiền thưởng – gratuity. Những người khác, như Danny Meyer, một chủ nhà hàng, người đã thành lập Union Square Hospitality Group và Shake Shack, đã cố gắng thay thế tip bằng cách tăng giá trên thực đơn và trả cho tất cả công nhân một mức lương giờ vào năm 2015. (Nhưng ông đã phải đổi lại vào năm 2020, nói rằng trong đại dịch, ông không muốn từ chối người lao động khoản bội thu mà tiền tip có thể mang lại.)

Carl Heinrich, một trong các chủ nhân của nhà hàng Richmond Station của Toronto đã loại bỏ tiền tip từ tháng 7 năm 2000. Thay vào đó, nhà hàng này chọn cách tăng giá để trả thêm tiền cho nhân viên. Mức lương mà họ trả cho nhân viên không cố định nhưng đủ sống, và tùy thuộc vào hiệu suất, kinh nghiệm và vị trí của từng người.

Carl Heinrich gọi văn hóa tiền tip của Canada là “một cách trả lương nhân viên rất bất bình đẳng.”

Cho đến nay, cách mà Richmond Station chọn vẫn hiệu quả. 

Nhưng theo Marc Mentzer, một giáo sư kinh doanh của Đại học Saskatchewan, thì ngoài các nhà hàng “rất sang”, nơi khách hàng có thể không thắc mắc về số tiền họ đang chi, nhiều doanh nghiệp đã thay thế tiền tip bằng service fee phí dịch vụ đã không thành công.

Ông nói thêm rằng khách hàng thích ảo tưởng có quyền lực đối với người phục vụ và người phục vụ thích ảo tưởng kiểm soát số thu nhập của chính họ.

“Trong một thế giới lý tưởng, sẽ không có chuyện tip. Đó là một thảm họa về nhân quyền. Nhưng nó đã ăn sâu quá nhiều. Tôi nghĩ chúng ta đang mắc kẹt với nó.”

“Mọi người đều phàn nàn về việc tính tiền tip, nhưng được lựa chọn giữa một nhà hàng áp dụng tính tiền tip và một nhà hàng tính phục vụ phí, tôi không chắc khách hàng sẽ chọn loại nào. Tôi nghĩ rằng nếu được lựa chọn, khách hàng có thể thực sự thích phương pháp để lại tiền tip hơn.”

Vậy là phải sống với nó thôi!

Đỗ Quân 

Related posts