Con trai bà Nguyễn Phương Hằng gửi đơn xin giảm hình phạt cho mẹ
Con trai bà Nguyễn Phương Hằng vừa gửi đơn đến các cơ quan chức năng xin giảm nhẹ hình phạt cho mẹ, với lý do bà có nhiều hoạt động thiện nguyện, nhân đạo, nhất là trong đại dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Quang Tuấn (SN 1990, quận 7, TP.HCM) vừa gửi đơn đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an, VKSND, TAND TP.HCM xin giảm nhẹ hình phạt cho mẹ là bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ Phần Đại Nam).
Trong đơn, ông Tuấn trình bày lý do từ trước đến nay bà Nguyễn Phương Hằng đã có nhiều đóng góp trong hoạt động từ thiện, nhân đạo, nhất là trong đại dịch COVID-19.
Ông Tuấn cũng liệt kê một số bằng khen, giấy khen, giấy tri ân, thư cảm ơn của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi tặng bà Nguyễn Phương Hằng và Công ty Đại Nam, Quỹ Hằng Hữu.
Trước đó, hôm 24/3, bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng. Đến ngày 21/6, bà Hằng bị gia hạn tạm giam thêm 2 tháng.
Ngày 18/8, VKSND TP.HCM nhận kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Hằng từ cơ quan cảnh sát điều tra công an TP.HCM
Theo kết luận điều tra, bà Hằng đã thông qua 12 tài khoản mạng xã hội, tổ chức nhiều buổi phát sóng trực tiếp (livestream) qua mạng Internet để xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều người.
Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định các buổi livestream của bà Hằng còn có sự hỗ trợ, giúp sức của các ông H.C.T., bà L.T.T.H, bà N.T.M.N, ông Đ.A.Q, ông N.Đ.K.
Đối với những cá nhân liên quan, tham gia giúp sức, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định các nội dung liên quan nhưng chưa có kết quả.
Ngày 6/9, bà Hằng tiếp tục bị gia hạn tạm giam. Cùng ngày, VKSND TP.HCM trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án, đề nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi đồng phạm của những người liên quan, tham gia giúp sức cho hoạt động của bà Hằng.
Đầu tháng 10, công an TP.HCM thông báo bà Nguyễn Phương Hằng có 3 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong phiên tòa sắp tới.
Trong đó, có 1 luật sư thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội, 2 luật sư Đoàn luật sư TP.HCM.
Đáng chú ý, trong 3 luật sư, có 1 luật sư từng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong vụ ly hôn ngàn tỷ với bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Phạm Toàn
Tổng Thanh tra Chính phủ: Khó thu hồi tài sản tham nhũng do ‘tội phạm không có tài sản’
Ông Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay một trong những nguyên nhân khiến hạn chế thu hồi tài sản tham nhũng là do số tiền thu hồi lớn song tội phạm không có tài sản hoặc tài sản giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc kéo dài nên tài sản bị tẩu tán, che giấu.
Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo gửi các đoàn đại biểu Quốc hội về kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Theo kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long, TP.HCM, Chính phủ cần xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức tham nhũng; đồng thời quy định khung hình phạt nặng hơn; hoàn thiện hành lang pháp lý để ngăn chặn triệt để việc tẩu tán tài sản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng.
Ngoài ra, cử tri các tỉnh kiến nghị cần biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản của cán bộ, đặc biệt là thu nhập của cán bộ không tương xứng với tài sản hiện có của họ. Chính phủ được đề nghị giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức; ngăn chặn ngay khi phát hiện có tài sản không minh bạch, không để những cán bộ vi phạm phân tán tài sản cho người nhà.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Thanh tra Chính phủ cho hay thu hồi tài sản tham nhũng là “vấn đề lớn trong khắc phục hậu quả các vụ án tham nhũng”. Các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của người phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả.
Thanh tra Chính phủ đánh giá kết quả thu hồi tài sản “năm sau cao hơn năm trước”.
Mặc dù vậy, cơ quan này thừa nhận thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là “một trong những hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng”. Nguyên nhân chủ yếu là do “số tiền phải thu hồi rất lớn, song người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc kéo dài nên tài sản bị tẩu tán, che giấu…”
Ngoài ra, nguyên nhân khác là các vướng mắc về cơ chế, thế chế trong việc xử lý tài sản, ảnh hưởng đến quá trình thi hành án. Trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp còn gặp nhiều khó khăn…
Sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập?
Đưa ra giải pháp để nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho hay sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, xử lý dứt điểm trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng; nâng cao tính trung thực trong kê biên tài sản.
“Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong việc chậm thi hành một số bản án có điều kiện thi hành; việc tổ chức bán đấu giá nhiều tài sản bị mất giá (so với giá thị trường)” – Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Trong giao dịch thì đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt trong việc giao dịch mua, bán các tài sản có giá trị lớn để thuận tiện trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán.
Đáng lưu ý, Thanh tra Chính phủ cho hay hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và quyết định phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Tổng Thanh tra Chính phủ nhận định “đây là cơ sở dữ liệu quan trọng trong phòng, chống tham nhũng nói chung và việc thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng”. Hiện cơ quan này đang xây dựng kế hoạch triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia này trong phạm vi cả nước.
Nguyễn Quân
TP.HCM có hơn 300 dự án ‘treo’; có dự án ‘treo’ đến 30 năm
Theo thống kê, hiện TP.HCM còn 302 dự án quá thời hạn 3 năm kể từ khi được phê duyệt nhưng chưa thể thu hồi đất. Những dự án này ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của nhiều hộ dân.
Tại buổi làm việc với Ban Đô thị HĐND TP.HCM hôm 4/10, Sở TN-MT TP.HCM cho biết từ năm 2016 đến nay, HĐND TP đã thông qua 11 nghị quyết cho phép thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 1.445 dự án.
Tuy nhiên, hiện có 402 dự án đã hoàn thành (chiếm 28%), 741 dự án đang triển khai (chiếm 51%), còn lại 302 dự án đã quá thời hạn 3 năm mà chưa thực hiện thu hồi đất.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP, nhận xét số lượng dự án treo như vậy là quá lớn, có địa phương còn đến 30% số dự án chưa thực hiện.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, nói những nguyên nhân chính khiến hơn 300 dự án này bị treo là do phụ thuộc vào việc cân đối nguồn vốn ngân sách, tài chính của chủ đầu tư để bồi thường và thực hiện dự án; khó khăn trong công tác bồi thường, giá đền bù…
Phía Sở đang tiếp tục rà soát để huỷ các dự án quá 3 năm chưa triển khai. Trước đó, năm 2020 đã có 61 dự án được thông qua đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất.
Theo ông Thắng, việc các dự án được quy hoạch nhưng chậm triển khai ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nhiều hộ dân; kể cả những dự án khi được bỏ ra khỏi kế hoạch sử dụng đất mà chính quyền chưa điều chỉnh quy hoạch, thì quyền lợi về nhà đất của người dân trong khu vực vẫn chưa được thực hiện.
Có dự án treo đến 30 năm
Tại TP.HCM, có những dự án treo đã hàng chục năm, điển hình như dự án khu đô thị du lịch, sinh thái Bình Quới – Thanh Đa (quận Bình Thạnh).
Nằm ở vị trí đắc địa gần trung tâm thành phố, có sông ngòi bao quanh, năm 1992, bán đảo Thanh Đa – Bình Quới được phê duyệt quy hoạch thành khu đô thị hiện đại bậc nhất TP.HCM. Thế nhưng 30 năm qua, dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy.
Nhiều người dân ở khu Bình Quới – Thanh Đa không nhớ rõ nơi đây bắt đầu chịu cảnh quy hoạch treo từ bao giờ. Người dân đã chịu đựng lâu lắm rồi, từ đời ông sang đời cha đến đời con mà quy hoạch khu đô thị sinh thái Thanh Đa vẫn chưa được triển khai.
Bà Phan Thị Thanh Thủy ở tổ 34, khu phố 3, phường 28, quận Bình Thạnh mua 100m2 đất vườn nhưng không được chuyển thành đất ở, không được cấp phép xây dựng. Gia đình có đến 8 người, không đủ tiền để thuê nhà ở nên bà Thủy cất một căn nhà trái phép trên đất vườn để ở.
Căn nhà của bà Thủy đã bị cưỡng chế tháo dỡ 3 lần. Tháo xong vài ngày, bà Thủy dựng lại nhà bằng vài cây gỗ và tôn cũ, ván ép, mái nhà cao hơn đầu người vài tấc… cho gia đình 8 người tá túc.
“Khi tôi lớn lên đã biết khu vực này bị quy hoạch treo. Đến khi tôi sinh con, giờ có cháu nội mà vẫn chưa thoát được”, bà Thủy nói, theo báo Tuổi Trẻ.
Được biết, dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa trước đây được giao cho Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư. Theo đồ án quy hoạch 1/2000 của Bitexco được phê duyệt năm 2015, dự án này có quy mô là 450 ha, dân số 45.000 người.
Cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa. Dự án khoảng 427 ha, gồm toàn bộ phường 28, quận Bình Thạnh, vốn đầu tư trên 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2017 nhà đầu tư đến từ Dubai bất ngờ tuyên bố rút lui khỏi dự án này.
Hiện nhà cửa tại khu vực này phần lớn đều lụp xụp, xuống cấp, nhiều căn chỉ quây tôn và lợp mái lá đơn sơ. Những con đường nhỏ quanh co, nhưng mặt đường hư hỏng.
Ngoài dự án trên, dự án khu dân cư Vĩnh Lộc có quy mô 110 ha ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, được phê duyệt từ năm 1999, đến nay vẫn ì ạch.
Tương tự, dự án công viên Tam Phú (TP. Thủ Đức) có quy mô 126 ha được phê duyệt quy hoạch từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn đang nằm trên giấy. Trong khi đó, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng nhà cửa, giấy tờ đất đai.
Ngọc Long