Minh Đăng – Thanh Đoàn
Chúng ta đang ở trong một thời kỳ hỗn loạn, đầy biến động. Đại dịch, chiến tranh, các thị trường tài sản tài chính lao dốc, nợ kỷ lục khu vực công và tư, khủng hoảng tiền tệ và nguy cơ vỡ nợ công đã xuất hiện tại hàng chục quốc gia khắp toàn cầu. Báo cáo mới ra của IMF đã cảnh báo khủng hoảng kép và rằng nỗ lực phân bổ tiền dự trữ của họ tới các nền kinh tế yếu đang trở nên vô nghĩa…
Nợ công và tư toàn cầu tăng cao hơn nhiều so với giai đoạn khủng hoảng toàn cầu 2008
Theo báo cáo thường niên ra ngày 4/10/2022 của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), cơ hội phục hồi kinh tế toàn cầu đã biến mất; nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái gia tăng do căng thẳng địa chính trị và căng thẳng xã hội leo thang cùng lúc đói nghèo và bất bình đẳng. Lạm phát tại nhiều quốc gia cũng đang bùng phát mạnh mẽ, được gia cường thêm bởi một lạm phát giá cả hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, năng lượng, thiếu hụt nhân lực và cả nguồn cung gián đoạn.
Nợ công và nợ tư nhân tiếp tục vươn tới một kỷ lục mới. Dư địa chính sách tài khóa và ngân sách của các chính phủ ngày một eo hẹp. Các chính phủ ngày một khó khăn vì đồng thời giải quyết lạm phát vừa đối diện với các rủi ro bất ổn và tăng trưởng đình trệ.
Chiến tranh Ukraine đang tạo thêm sự khó khăn cho tài chính công kể cả ở những đất nước đang hồi phục hồi sau đại dịch. Những chính sách hỗ trợ riêng biệt trong suốt thời gian dịch nhằm ổn định thị trường tài chính cũng như bơm tiền cho tiêu dùng và khu vực kinh tế thực; tất cả với hy vọng các nền kinh tế có thể nhanh chóng phục hồi sau đại dịch.
Nhưng kết quả là, các nền kinh tế không thể tăng trưởng sau Covid-19 như kỳ vọng. Dòng tiền rẻ đổ vào nền kinh tế qua chính sách tiền tệ và tài khoá nới lỏng quá mức chỉ làm tăng nợ, thúc đẩy nhanh hơn quá trình suy thoái kinh tế toàn cầu.
Dựa theo dữ liệu nợ toàn cầu của IMF, tổng nợ nhảy vọt thêm 28 điểm phần trăm đến 256% của GDP trong năm 2020. Nợ chính phủ chiếm khoảng nửa trong số này, với sự còn lại từ các tổ chức phi lợi nhuận và hộ gia đình.
Khối nợ toàn cầu, cả công và tư, đang lớn hơn nhiều so với quy mô nợ khi xảy ra khủng hoảng toàn cầu 2008. Biểu đồ ghi nhận nợ theo % GDP theo nợ công, nợ hộ gia đình và nợ tổ chức phi tài chính. (Ảnh: NTDVN chụp màn hình ngày 06/10/2022)
Các chính phủ hiện đang phải vật lộn với giá nhập khẩu tăng và hóa đơn nợ trong một môi trường không chắc chắn với lạm phát tăng cao và tăng trưởng chậm lại.
Đình – Lạm: một cái bẫy khó gỡ
Đình – lạm, thuật ngữ chỉ tình trạng nền kinh tế rơi vào tăng trưởng đình trệ trong khi lạm phát tăng cao; đây là một cái bẫy khó gỡ với bất kỳ chính phủ nào.
Khi các NHTW khắp toàn cầu buộc phải theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát, chi phí đi vay của chính phủ sẽ tăng lên, thu hẹp phạm vi chi tiêu của chính phủ và gia tăng các khoản nợ dễ bị tổn thương, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Để làm phức tạp thêm vấn đề, mức độ nợ phải trả và các điều khoản của chúng trong nhiều trường hợp không được biết đầy đủ.
Để giải quyết vấn đề nợ không bền vững, G20 và Câu lạc bộ Paris đã đạt được một thỏa thuận vào tháng 11 năm 2020 về một Khung khổ chung cho các Xử lý Nợ ngoài Sáng kiến Đình chỉ Dịch vụ Nợ (DSSI) trước đó, nhằm giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán và các vấn đề thanh khoản kéo dài trong điều kiện các quốc gia bằng cách giảm nợ phù hợp với nhu cầu chi tiêu và khả năng thanh toán của con nợ.
Tuy nhiên, những gì IMF hay WB nỗ lực hướng tới để tái cấu trúc nợ công cho các nền kinh tế cũng thể giải quyết vấn đề của đình – lạm. Bởi vì nợ khu vực tư nhân và các thị trường tài sản tài chính có nguy cơ nổ bong bóng vì lãi suất tăng mới là rủi ro lớn nhất. Điều này có thể thúc đẩy đổ vỡ theo hiệu ứng ‘domino’ trên các thị trường tài chính khắp toàn cầu. Tương lai về một một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với quy mô và chi phí lớn hơn nhiều khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đang hiện hữu.
Minh Đăng – Thanh Đoàn
Tham khảo: Báo cáo IMF 2022.