Quang Nhật
Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) đang chịu rất nhiều chỉ trích về chính sách tăng lãi suất cơ bản theo phong cách diều hâu. Thị trường kỳ vọng Fed tăng chậm lại lãi suất điều hành nhờ giá năng lượng giảm. Nhưng quyết định của OPEC+ như một quả bom thả vào thị trường tài chính Mỹ, Fed có lý do để ‘diều hâu’ hơn nữa trong chính sách của mình.
OPEC+ thả bom: cắt giảm 2% cung dầu thô toàn cầu
5/10/2022, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh sản xuất dầu mỏ — được gọi là OPEC+ — thông báo sẽ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày — tương đương 2% nguồn cung toàn cầu.
Việc cắt giảm sẽ bắt đầu vào tháng 11/2022.
Các quyết định được đưa ra “do sự không chắc chắn xung quanh triển vọng kinh tế và [triển vọng] thị trường dầu mỏ toàn cầu, và sự cần thiết tăng cường chỉ đạo dài hạn cho thị trường dầu mỏ”, theo thông báo cho biết.
Thời điểm tháng 11/2022 cũng là thời điểm diễn ra cuộc họp quyết định mức lãi suất sẽ tăng lần thứ 4 liên tiếp trong năm 2022 của Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed). Vấn đề ở chỗ, các quyết định với lãi suất cơ bản của Fed đều phụ thuộc vào diễn biến của lạm phát. Mà lạm phát Mỹ bùng phát cao nhất trong 41 năm qua vì giá năng lượng tăng vọt. Sự suy giảm của giá dầu thô trong vài tháng trở lại đây nhờ cầu yếu đã khiến thị trường chỉ trích Fed về chính sách tăng lãi suất diều hâu. Dù vậy, Fed kiên định với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ là kéo lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Tuy nhiên, quyết định của OPEC+ ngày hôm qua rõ ràng đã ‘ép buộc’ Fed phải tăng tốc lãi suất điều hành, như một quả bom thả vào lạm phát Mỹ. Quả bom này, thậm chí, có thể kích nổ một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tồi tệ hơn năm 2008.
Đây có lẽ là lý do Nhà trắng lập tức chỉ trích OPEC+ là đưa ra chính sách vì lợi ích của Nga, một kiểu chính sách mang mầu sách chính trị chứ không phải vì các lý do kinh tế, theo Financial Times.
Fed chỉ có thể ‘diều hâu’ hơn nữa
Lần gần đây nhất, trong cuộc họp vào tháng 9/2022, Fed tăng lãi ở mức 0,75%, đẩy lãi suất cơ bản đồng bạc xanh lên 3% – 3,25%. Trước thời điểm OPEC+ có quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, thị trường dự báo Fed sẽ tăng lãi suất với tốc độ giảm dần, chỉ ở mức 0,5% vào kỳ họp tháng 11/2022 mà thôi.
Lý do là lạm phát của Mỹ đã giảm từ 9,1% (mức kỷ lục trong hơn 4 thập kỷ) hồi tháng 6 xuống 8,5% vào tháng 7 và 8,3% vào tháng 8. Mặc dù, lạm phát lõi (đã loại bỏ giá lương thực và năng lượng) của Mỹ vẫn kiên trì tăng cao trong 3 tháng qua, đi ngược lại với xu hướng tăng của lạm phát chung (từ 5,9% tháng 6/2022 lên 6,1% và 6,3% trong tháng 7 và tháng 8/2022). Đồ thị cho thấy mối tương quan giữa lạm phát lõi và lãi suất điều hành của Mỹ. Rõ ràng, Fed đã ra quyết định tăng lãi suất điều hành quá chậm so với đà tăng của lạm phát từ hồi tháng 2/2021 nên Fed đã tăng lạm phát sốc trong suốt năm 2022. (Nguồn: Trading Economics, NTDVN chụp ảnh màn hình ngày 6/10/2022)
Xu hướng này cho thấy lạm phát của Mỹ, dù giá dầu thô duy trì hoặc giảm, thì vẫn khó giảm xuống mức mục tiêu của Fed là 2%. Lãi suất điều hành của Fed dự báo ở mức 4,6% vào năm 2024 và Fed không có ý định giảm lãi suất từ nay cho tới 2024.
Nhưng quyết định hôm qua của OPEC+ đã khiến Fed chật vật hơn trên con đường đạt tới mục tiêu lạm phát 2%. Giá dầu sẽ tiếp tục tăng khi sản lượng giảm. Hy vọng giảm lạm phát nhờ giá dầu giảm của Mỹ trở nên mong manh hơn.
Ngay sau quyết định của OPEC+, giá dầu giao sau WTI đã lập tức tăng 0,15%, dầu thô WTI và Brent tăng lần lượt 8,15% và 6,89% so với tuần trước đó.
Chưa biết giá dầu sẽ tăng đến mức nào sau khi OPEC+ cắt giảm tới 2% nguồn cung dầu toàn cầu; nhưng giá nhất định chỉ có thể duy trì xu hướng tăng, lạm phát Mỹ cũng như EU và khắp toàn cầu tiếp tục trở nên khó kiềm chế hơn bất cứ giai đoạn kinh tế nào trước đó.
Với xu hướng này, dự báo Fed tăng 0,5% lãi suất trong cuộc họp tháng 11/2022 là không còn hợp lý. Để có thể đưa lạm phát về mục tiêu như tuyên bố, khả năng cao là Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75%, ngay cả mức 1% cũng là có thể. Đây cũng là quan điểm của một số chuyên gia kinh tế – tài chính trong nước.
Suy thoái và khủng hoảng tồi tệ?
Suy thoái tăng trưởng kèm lạm phát bùng nổ (tình trạng đình – lạm) đã trở nên rõ ràng; đây sẽ là vấn đề của Mỹ, EU và khắp toàn cầu. Khó có nền kinh tế nào nằm ngoài xu hướng này.
Khi kinh tế rơi vào ‘đình – lạm’, các nhà làm chính sách của chính phủ phải lựa chọn giữa việc: tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát hay bỏ mặc lạm phát để tăng trưởng. Cả hai quyết định này, dù lựa chọn cách nào thì cũng dẫn tới khủng hoảng tài chính. Nếu kiểm soát lạm phát bằng cách nâng lãi suất mà bỏ qua tăng trưởng thì rủi ro khủng hoảng tài chính, vỡ nợ có thể thấp hơn so với việc để lạm phát bùng nổ tự do.
Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế điển hình về đình – lạm, nơi hiếm hoi lựa chọn việc bỏ mặc lạm phát để chạy theo tăng trưởng. Lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng tới 83,45%. Nền kinh tế khi lạm phát phi mã như vậy bào mòn tài sản của khu vực dân cư, các vấn đề kinh tế, xã hội, các bất cân đối lớn ngày một khó giải quyết. Cái giá mà Thổ Nhĩ Kỳ đang phải trả cho việc bỏ mặc lạm phát có thể tồi tệ hơn nhiều so với việc chấp nhận nền kinh tế tăng trưởng chậm lại nhưng cân bằng hơn và ổn định hơn.
Về cơ bản, đình- lạm được ‘sửa chữa’ hoặc ‘vượt qua’ bằng cách nâng cao năng suất phía tổng cung. Nhưng đây lại là vấn đề dài hạn; ít nhất phải mất 3 – 5 năm để thay đổi năng suất của nguồn cung.
Báo cáo ra ngày 4/10/2022 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo về khủng hoảng nợ công, khủng hoảng nợ khu vực kinh tế tư nhân với tiêu đề “khủng hoảng chồng khủng hoảng”.
Các khoản nợ khổng lồ của khu vực công và tư, lớn hơn nhiều so với quy mô nợ hồi năm 2022 sẽ trở nên khó khăn hơn, dễ đổ vỡ hơn khi lạm phát không thể kiềm chế, lãi suất đồng USD tăng cao, USD tăng giá cao nhất trong hơn 20 năm qua và dòng vốn ngoại từ bỏ các nền kinh tế đang phát triển để trở về Mỹ.
Theo IMF, có hơn 30 nền kinh tế có đồng nội tệ mất giá tới 10% so với USD. Cũng theo IMF, mức mất giá 10% trong một năm của đồng nội tệ đã là dấu hiệu cảnh báo sớm khủng hoảng tiền tệ với nền kinh tế đó. Tổ chức này cũng cảnh báo rằng có hơn 40 nền kinh tế đang phát triển có nguy cơ mất khả năng trả nợ như Sri Lanka. Danh sách mất khả năng trả nợ của các chính phủ đang kéo dài, từ Lào, tới Pakistan và xa hơn nữa….
Với tình trạng này, việc Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75% hoặc 1% nữa vào tháng 11/2022 sẽ làm thị trường tiền tệ toàn cầu, thị trường chứng khoán toàn cầu trở nên căng thẳng hơn, các thị trường nợ (cả nợ công và tư nhân) có thể đổ vỡ mạnh hơn… Tất cả có thể thúc đẩy một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ khắp toàn cầu.
Quang Nhật