TT Marcos đề xuất mua nhiên liệu Nga và gợi ý cách tiếp cận mới với Myanmar
Ngày 5/10, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr cho biết, quốc gia của ông có thể cần phải quay sang Nga để đáp ứng các nhu cầu nhiên liệu của mình trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu tăng cao. Động thái này được cho là chống lại sức ép từ các đồng minh phương Tây muốn các nước xa lánh Nga.
Phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Hải ngoại Manila, Tổng thống Marcos, cũng là bộ trưởng nông nghiệp, tiết lộ , Philippines cũng có thể giao dịch với Nga về việc cung cấp phân bón.
Tổng thống Marcos lưu ý: “Chúng tôi cho rằng chúng tôi có một quan điểm rất công bằng bởi vì sự thật của vấn đề là, chúng tôi có thể phải giao dịch với Nga về nhiên liệu, về phân bón.”
Philippines giống như nhiều quốc gia khác đang gặp nhiều khó khăn với lạm phát tăng cao, do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Philippines, một đồng minh quốc phòng của Hoa Kỳ, đã không áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Nga.
Tổng thống Marcos là con trai của nhà lãnh đạo quá cố bị lật đổ, người đã cầm quyền Philippines trong hai thập kỷ. Tổng thống Philippines cho hay, ông muốn muốn đất nước của mình đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình trong khu vực, trong bối cảnh các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên và mối quan hệ căng thẳng Trung Quốc – Đài Loan đang gây ra những thách thức trong khu vực.
Ông bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng sẽ là một trong những người dẫn đầu, những người đang dẫn đầu nỗ lực vì hòa bình.”
Ông tuyên bố, ông sẽ đề xuất cách tiếp cận mới đối với cuộc khủng hoảng ở Myanmar tại cuộc họp sắp tới của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tháng 11. Đề xuất này có thể liên quan đến việc cho phép chính phủ quân sự Myanmar tham gia trực tiếp vào các cuộc họp của ASEAN.
Chính quyền quân sự cầm quyền của Myanmar đã bị cấm tham gia các hội nghị thượng đỉnh khu vực do họ không thực hiện thỏa thuận hòa bình 5 điểm mà họ đã nhất trí với ASEAN vào tháng 4 năm ngoái, sau khi tình trạng hỗn loạn bạo lực bùng phát ở nước này sau cuộc đảo chính quân sự của quân đội.
Các tướng lĩnh Myanmar đã tỏ ra tức giận trước quan điểm cứng rắn bất thường của ASEAN. Họ tuyên bố, họ có ý định tuân thủ thỏa thuận đã nhất trí với ASEAN, nhưng sẽ không đồng ý với lời kêu gọi tổ chức đối thoại với phong trào phản kháng ủng hộ dân chủ mà họ gọi là “những kẻ khủng bố”.
Tổng thống Marcos kêu gọi: “Đã đến lúc cùng nhau tập hợp lại, để đưa ra một số đề xuất cụ thể về những gì chúng ta có thể làm, để ít nhất cũng đưa các đại diện của chính quyền quân sự [Myanmar] đến bàn đàm phán, từ đó chúng ta có thể bắt đầu thảo luận về những điều này.”
Hôm thứ Tư (5/10), Campuchia – chủ tịch ASEAN hiện tại, xác nhận với Reuters rằng ASEAN đã gửi một yêu cầu đến Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC – tên gọi của chính quyền quân sự Myanmar), về việc đề cử một nhân vật phi chính trị đại diện cho Myanmar tham gia hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo sắp tới của ASEAN.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry than phiền: “Một lần nữa, SAC đã từ chối cử bất kỳ ai tham dự hội nghị thượng đỉnh.”
Gia Huy (Theo Reuters)
Lầu Năm Góc: Hệ thống HIMARS cung cấp cho Ukraine có khả năng vươn tới Crimea
Bà Laura Cooper, quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề Nga, Ukraine và châu Âu của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết rằng HIMARS (Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao) mà Washington cung cấp cho Kyiv có khả năng tấn công hầu hết các mục tiêu, trong đó có mục tiêu ở Crimea.
“Chúng tôi nhận thấy với năng lực tên lửa GIMLRS từ HIMARS và với việc chúng tôi đang cung cấp loại vũ khí này nhiều hơn, các tên lửa có thể tấn công hầu hết các mục tiêu trên chiến trường”, theo Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Laura Cooper.
Ngày 4/19 vừa qua, nữ quan chức này thông báo chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ triển khai thêm một gói viện trợ quân sự trị giá 625 triệu USD cho Ukraine.
“Tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng Mỹ đã cam kết viện trợ an ninh hơn 17,5 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm hơn 16,8 tỷ USD kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine vào ngày 24/2”, bà Laura cho hay.
Hồi tuần trước, Mỹ đã công bố gói vũ khí trị giá 1,1 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có 18 HIMARS, đạn dược đi kèm cùng nhiều loại máy bay không người lái và hệ thống radar.
Ngay sau khi Moscow phát động cuộc tấn công nhắm vào Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã phản ứng bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga cũng như tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Về phần mình, Moscow đã nhiều lần chỉ trích phương Tây về việc cung cấp vũ khí cho Kyiv. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo bất kỳ loại vũ khí và chuyến hàng vũ khí nào trên lãnh thổ Ukraine đều bị quân đội Nga coi là mục tiêu hợp pháp.
Phan Anh
NYT: Tình báo Mỹ cho biết người Ukraine đứng sau vụ giết Dugina
Theo New York Times (NYT), các cơ quan tình báo Hoa Kỳ tin rằng một bộ phận của chính phủ Ukraine đứng sau vụ đánh bom ô tô gần Moscow vào tháng 8 khiến Darya Dugina, con gái của một nhà dân tộc chủ nghĩa Nga nổi tiếng, thiệt mạng.
Tờ báo hôm thứ Tư đưa tin, đánh giá về sự liên quan của Ukraine đã được chia sẻ trong chính phủ Mỹ vào tuần trước.
Các quan chức Mỹ nói về thông tin tình báo không tiết lộ rõ bộ phận nào của chính phủ Ukraine được cho là đã ủy quyền để thực hiện nhiệm vụ này và ai là người thực hiện vụ tấn công, hay liệu Tổng thống Volodymyr Zelensky có ký tên đồng ý vụ tấn công hay không.
Dugina, bình luận viên 29 tuổi của kênh truyền hình Nga theo chủ nghĩa dân tộc, đã thiệt mạng khi một quả bom phát nổ trong xe hơi vào tháng 8. Nga đã đổ lỗi cho Ukraine thực hiện vụ đánh bom.
Chính phủ Ukraine đã phủ nhận sự liên quan vào thời điểm đó, và khi được hỏi về đánh giá của tình báo Mỹ, cố vấn của ông Zelensky là Mykhailo Podolyak đã lặp lại những lời phủ nhận đó.
“Một lần nữa, tôi nhấn mạnh rằng bất kỳ vụ giết người nào trong thời chiến ở nước này hay nước khác đều phải mang một ý nghĩa thiết thực nào đó”, ông Podolyak nói với The New York Times. “Nó sẽ thực hiện một số mục đích cụ thể mang tính chiến thuật hoặc chiến lược. Một người như Dugina không phải là mục tiêu chiến thuật hay chiến lược của Ukraine”.
Các quan chức Mỹ cũng nói với tờ báo rằng họ thiếu một bức tranh toàn cảnh về các trung tâm quyền lực cạnh tranh trong chính phủ Ukraine, bao gồm quân đội, cơ quan an ninh và văn phòng của ông Zelensky. Điều này có thể giải thích tại sao một số bộ phận của chính phủ Ukraine có thể không biết về âm mưu này, tờ báo nói thêm.
New York Times cho biết Mỹ không tham gia vào cuộc tấn công, không hề biết trước về nó và sẽ phản đối vụ giết người nếu họ biết về kế hoạch này.
Cha của Dugina, Alexander Dugin, là một người theo chủ nghĩa cực đoan nổi tiếng và là người ủng hộ trung thành cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, và một số người tin rằng ông mới là mục tiêu được nhắm tới.
Truyền thông Nga cho biết ông Dugin đã đổi xe với con gái ngay trước khi vụ nổ xảy ra, khiến chiếc Toyota Land Cruiser bị nổ tung khi cô đang lái xe qua ngoại ô Moscow sau khi tham dự một lễ hội văn hóa. Dugina cũng là một người ủng hộ mạnh mẽ cuộc xâm lược Ukraine, được gọi là ‘hoạt động quân sự đặc biệt’ ở Nga.
Theo New York Times, Nga chưa đưa ra bất kỳ hành động trả đũa cụ thể nào đối với vụ giết người, nhưng Mỹ lo ngại rằng những cuộc tấn công như vậy có thể kích động Moscow thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các quan chức cấp cao của Ukraine.
Cơ quan tình báo của Nga, FSB, cho biết một phụ nữ Ukraine, nhập cảnh vào Nga vào tháng 7 và thuê một căn hộ nơi Dugina sống, đã đứng sau vụ đánh bom. Người này đã bỏ trốn khỏi Nga sau vụ tấn công, theo cơ quan này.
Lê Vy
Thanh niên Đài Loan được giải cứu khỏi Campuchia kể ‘sống không bằng chết’
Một thanh niên (20 tuổi) người Đài Loan vừa được giải cứu khỏi Campuchia gần đây đã kể chuyện anh tận mắt chứng kiến một nạn nhân khác bị đánh chết tại Campuchia.
Theo TVBS News, “A Trung” (hóa danh), một nam thanh niên chưa đầy 20 tuổi ở Chương Hóa, đã tin nhầm vào một quảng cáo trên Facebook và đi Campuchia vào cuối tháng 6 năm nay. Khi đến địa điểm làm việc ở Campuchia, ông chủ người Trung Quốc lập tức lấy hộ chiếu, điện thoại di động của anh, và buộc anh phải làm công việc lừa đảo. Có ít nhất 100 người trong một văn phòng, bao gồm cả những người đến từ Đài Loan, Trung Quốc và Malaysia.
A Trung nói rằng chỉ cần không nghe lời, ngủ gật và kết quả công việc không tốt, thì sẽ bị chích điện, bị đánh bằng gậy. Chính vì vậy, anh đã từng dành 24 tiếng mỗi ngày suốt cả tuần để ngồi trước máy tính làm việc, và anh cũng đã tận mắt chứng kiến một nam thanh niên Đài Loan khoảng 20 tuổi bị người chủ và cấp dưới dùng dùi cui điện và ống tuýp sắt đánh mạnh vào đầu ít nhất hơn 10 phút, đầu bị đánh nát và tử vong. Anh cũng nghe nói rằng một người là nam giới không rõ quốc tịch đã bị chôn sống vì đã lỡ lời nói sai gì đó.
A Trung nói chủ người Trung Quốc yêu cầu họ tìm ít nhất 3 cư dân mạng ở các nước có thu nhập cao như Mỹ và Đan Mạch để trò chuyện trong vòng một ngày, sau khi làm quen thì người Trung Quốc ở đường dây phía sau để tiếp tục lừa đảo. Anh từng bị đưa vào “căn phòng nhỏ tối đen” vì làm việc không đạt yêu cầu, bị chích điện, đánh đập, còng tay. Anh từng bị nhốt trong căn phòng đó hơn 1 tháng, sống không bằng chết.
Trong thời gian A Trung ở Campuchia, gia đình anh đã vay nợ ngân hàng ngầm hơn 1 triệu Đài tệ (khoảng 31.700 USD) để cứu anh, tuy nhiên tiền đã được chuyển đi nhưng người thì vẫn được thả về. Cho đến mấy ngày nay, do tin tức về nạn lừa đảo này được làm lớn lên, nên quan chức địa phương mới bắt tay vào dọn dẹp, chủ người Trung Quốc sợ bị phát hiện, nhưng do không kịp bán lại người [bị lừa], ông ta và những người khác nhân lúc hỗn loạn đã bỏ trốn. Về sau, người dân địa phương giúp đỡ gọi xe để anh trốn vào khu vực thành phố thì mới tìm được người Đài Loan tốt bụng giúp đỡ trở về.
A Trung nói chủ người Trung Quốc lại tiếp tục tìm người để lừa đảo sau khi tránh được sóng gió. Anh và những người đi cùng vì lo tính mạng nên đã tích cực liên lạc với người nhà để gửi tiền mua vé máy bay về Đài Loan, nhưng anh không có tiền mua vé máy bay. May mắn thay, cuối cùng anh cũng quay trở về Đài Loan nhờ sự trợ giúp của Quỹ Happy Paradise.
A Trung nói rằng anh chỉ còn 10 Đài tệ trên người khi nhập cảnh, cảnh sát yêu cầu anh rời đi sau khi hoàn thành ghi chép lời khai, anh không biết phải làm gì và rất đói nên đã đến siêu thị để mua đồ uống để làm dịu cơn đói và cơn khát. May mắn thay, Quỹ Happy Paradise đã liên hệ với ứng cử viên ủy viên hội đồng thành phố Đào Viên – ông Hoàng Quốc Yến – của Đảng Nhân dân. Ông Hoàng đã nhanh chóng đến siêu thị để tìm anh và giúp anh có một bữa ăn no, sau đó tiếp tục hỗ trợ đưa anh đến Quỹ Happy Paradise để bố trí cách ly kiểm dịch ở nhà.
Thật không dễ dàng để trở về Đài Loan, A Trung cảm thán rằng bản thân mình rất may mắn, bởi vì “vẫn còn nhiều người không thể quay lại”. Anh đã đứng ra và kể lại câu chuyện mà mình gặp phải, chính là để mong rằng không ai còn bị lừa nữa!
Theo báo cáo của PTS NEWS, cho đến nay cơ quan cảnh sát đã giải cứu được 285 người Đài Loan và trở về nước. Ngoài ra, các vụ án liên quan cũng giảm, từ đỉnh điểm 258 vụ hồi tháng 7, đã giảm còn 58 vụ vào tháng 8, và chỉ xảy ra 1 vụ vào tháng 9.
Cơ quan cảnh sát cũng đã điều tra 4.679 người đã đến Campuchia trong những năm gần đây nhưng không trở về Đài Loan. Tính đến ngày 28/9, đã khai thác được 310 người nghi là nạn nhân và hiệp hội liên bộ đã phối hợp để giải cứu 285 công dân Đài Loan trở về nước. Nhà lập pháp Ngô Lệ Hoa, người đã nhiều lần hỗ trợ thanh niên đến Campuchia gặp nạn, kêu gọi thành lập chuyên án tư vấn tâm lý và việc làm cho các nạn nhân.
Lý Giai Tuệ, Vision Times