Xuân Hoa
Cảnh sát trong trang phục bảo hộ, tay cầm súng, ở sân bay Tây Song Bản Nạp, tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc, ngày 04/10/2022. (Ảnh: The Epoch Times chụp màn hình)
Cả trong và ngoài Trung Quốc đang lan truyền mạnh mẽ đoạn video cho thấy cảnh sát Trung Quốc cầm súng máy để trấn áp du khách, không cho họ lên máy bay tại sân bay huyện Tây Song Bản Nạp, tỉnh Vân Nam.
Ngày 04/10, rất nhiều khách du lịch đã bị mắc kẹt tại sân bay sau khi chính quyền Tây Song Bản Nạp bất ngờ phong tỏa thành phố Cảnh Hồng (thủ phủ của huyện Tây Song Bản Nạp). Họ hô vang: “Chúng tôi muốn về nhà!”.
Sau đó, một số cảnh sát đã xuất hiện tại sân bay; họ mặc đồ bảo hộ và cầm súng máy. Không rõ súng của họ có được nạp đạn thật hay không. Có thể nghe thấy một vị khách du lịch hét lên: “Các người sẽ giết tất cả chúng tôi sao?”.
Tây Song Bản Nạp là một huyện thuộc tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc, giáp với cả Myanmar và Lào. Đây là điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch Trung Quốc bởi nó nổi tiếng với rừng mưa nhiệt đới, một trong những khu rừng lớn nhất châu Á, và là nơi sinh sống của voi châu Á, hổ Đông Dương và công xanh.
Ngày 02/10, thành phố Cảnh Hồng được báo cáo là nơi bùng phát dịch COVID-19. Trong khi đó, tính đến ngày 04/10, thành phố này chỉ ghi nhận tổng cộng 1 trường hợp không có triệu chứng và 2 trường hợp có triệu chứng.
Ngày 06/10, chính quyền tỉnh Vân Nam cho biết tính đến nửa đêm ngày 05/10, thành phố Cảnh Hồng chỉ có 1 trường hợp không có triệu chứng và 3 trường hợp có triệu chứng.
Thành phố Cảnh Hồng, với dân số 642.737 người, đã bị phong tỏa vào ngày 04/10. Bắt đầu từ 2 giờ chiều, các chuyến bay và đường sắt cao tốc tại Cảnh Hồng bị đình chỉ hoạt động, các tuyến đường cao tốc bị phong tỏa và một số lượng lớn hành khách bị mắc kẹt.
Lời kể của khách du lịch
Ông Song (hóa danh), một du khách đang bị mắc kẹt ở Cảnh Hồng, nói với The Epoch Times vào ngày 05/10 rằng ông đã có mặt ở sân bay khi cảnh sát vũ trang ập đến để đối phó với “cuộc biểu tình” của những du khách bị cấm lên máy bay.
Ông kể lại rằng các du khách khi ấy đang ở sảnh khởi hành của sân bay Tây Song Bản Nạp. “Chúng tôi thấy máy bay hạ cánh rồi cất cánh mà không cho hành khách lên máy bay, vì vậy một số người đã lao ra cổng lên máy bay, hy vọng có cơ hội rời đi”. Sau đó, cảnh sát đã đến với những khẩu súng trên tay để trấn áp cái gọi là “cuộc biểu tình”.
Theo hãng thông tấn trung ương Đài Loan CNA, vào ngày 04/10, đã có hơn 1.000 hành khách bị mắc kẹt tại sân bay Tây Song Bản Nạp khi cảnh sát – với quần áo bảo hộ, súng và lá chắn – đối đầu với những người lên tiếng phản đối.
Ông Song cho biết tất cả các chuyến bay đã bị hủy sau 2 giờ chiều mà không có thông báo nào được đưa ra. “Chúng tôi đã phản đối cho đến nửa đêm nhưng không nhận được câu trả lời nào từ chính quyền [về việc] khi nào chúng tôi có thể rời đi”.
Ông Song đã về lại một khách sạn ở Cảnh Hồng. “Không ai biết Cảnh Hồng sẽ bị phong tỏa trong bao lâu, giá vé của các chuyến bay trong tương lai đã tăng lên đáng kể”, ông nói.
Ông cho biết du khách phải tự trả tiền ăn ở tại khách sạn. “Chúng tôi rời sân bay sau nửa đêm và khách sạn đã tính phí 260 CNY (37 USD) mỗi đêm. Một số khách du lịch bị tính phí 300 CNY (42 USD) mỗi đêm”. Khách sạn đã tăng phí đối với những người mới đến.
“Hiện tại, tất cả các chuyến bay đã bị hủy và các chuyến tàu cao tốc bị dừng hoạt động, chúng tôi không thể đi đâu cả”. Ông nói với The Epoch Times rằng một số du khách muốn đổi khách sạn nhưng không thể rời đi được nữa vì các phương tiện giao thông công cộng đều đã bị cấm hoạt động.
Bà Lin (hóa danh) là một du khách đến từ Thâm Quyến. Bà nói rằng mong muốn của bà là được về nhà càng sớm càng tốt.
“Trước đây, chính quyền địa phương nói với chúng tôi rằng thành phố sẽ bị phong tỏa cho đến ngày 06/10, nhưng sau đó họ đã kéo dài thời gian đến ngày 09/10. Chính quyền cũng yêu cầu chúng tôi thực hiện 3 lần xét nghiệm PCR trong thời gian 5 ngày phong tỏa”, bà Lin nói với The Epoch Times.
Bà cho biết có khoảng 1.000 du khách đến từ Thâm Quyến đang bị kẹt lại ở Cảnh Hồng. Một số người vẫn ở lại sân bay sau cuộc phản đối.
“Chúng tôi đã gọi điện cho chính quyền Thâm Quyến, nói với họ về tình hình của chúng tôi. Chúng tôi đã hỏi liệu họ [các quan chức tỉnh Thâm Quyến] có thể giúp thuê máy bay bằng tiền của chúng tôi để đưa chúng tôi trở lại Thâm Quyến hay không”. Bà Lin không nói rõ liệu chính quyền thành phố Thâm Quyến có giúp đỡ người dân hay không.
Bà cho biết thêm rằng đã có các “cuộc biểu tình” của khách du lịch vào ngày 04/10 tại một chợ đêm; cảnh sát đã đến và đánh những người biểu tình.
“Những người lên tiếng phản đối là khách du lịch vì chúng tôi bị nhốt ở đây, nhưng 3 bệnh nhân COVID lại là người dân địa phương, không phải khách du lịch. Vậy mà người dân địa phương có thể đi lại trong phạm vi gần, trong khi khách du lịch bị cô lập”, bà Lin nói.
Theo một thông báo ngày 04/10 của Ban chỉ huy phòng chống và kiểm soát đại dịch thành phố Cảnh Hồng, tất cả mọi người phải cách ly trong 5 ngày và phải xét nghiệm PCR 3 lần trong thời gian cách ly. Chỉ những người có 3 kết quả xét nghiệm âm tính và không có triệu chứng COVID mới được phép rời khỏi huyện.
Hãng thông tấn trung ương Đài Loan CNA tin rằng các chính quyền địa phương tại Trung Quốc đang thắt chặt hơn nữa chính sách “zero-COVID” hà khắc. Họ muốn ngăn chặn sự lây lan của COVID đến Bắc Kinh khi Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ đang đến gần.
Xuân Hoa