Đổi ‘đất vàng’ thiệt hại hơn 186 tỷ đồng: Cựu Phó chủ tịch TP.HCM bị y án 5 năm tù
HĐXX phúc thẩm bác kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự của bị cáo Nguyễn Thành Tài, giữ nguyên bản án 5 năm tù mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên, trong vụ sai phạm hoán đổi “đất vàng” 185 Hai Bà Trưng.
Sau 3 ngày xét xử phúc thẩm và nghị án, chiều 7/10, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên án đối với các bị cáo trong vụ sai phạm hoán đổi “đất vàng” 185 Hai Bà Trưng (quận 3, TP.HCM).
HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo, sửa một phần bản án đối với bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn (SN 1952, cựu Phó giám đốc Sở TN-MT) giảm từ 4 năm 6 tháng tù xuống còn 3 năm tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
HĐXX tuyên y án chung thân đối với bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (SN 1948, Giám đốc Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
HĐXX cũng tuyên y án bị cáo Nguyễn Thành Tài (SN 1952, cựu Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM) 5 năm tù; bị cáo Nguyễn Thành Rum (SN 1953, cựu Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM) 4 năm tù, cùng về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bản án sơ thẩm thể hiện, tài sản 57 Cao Thắng đã được Công ty Diệp Bạch Dương thế chấp tại Ngân hàng Agribank TP.HCM từ năm 2008 đến nay chưa được giải chấp.
Tuy nhiên, năm 2010, bà Diệp vẫn thực hiện hoán đổi tài sản này để lấy tài sản 185 Hai Bà Trưng.
Sau khi có tài sản 185 Hai Bà Trưng, bà Dương Thị Bạch Diệp không đưa vào thay thế tài sản thế chấp tại Agribank như thỏa thuận với ngân hàng, mà tiếp tục dùng tài sản này thế chấp vay 160 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Phương Nam (nay là Sacombank), gây thiệt hại hơn 186 tỷ đồng của Nhà nước.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 11/2021, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp án chung thân, bị cáo Tài 5 năm tù, bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn 4 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thành Rum 4 năm tù.
6 bị cáo còn lại trong vụ án lãnh mức án từ 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo, tới 4 năm 6 tháng tù. Sau án sơ thẩm, có 4/10 bị cáo có đơn kháng cáo.
Phạm Toàn
Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương: Bắt, khởi tố 2 cảnh sát PCCC
Hai cảnh sát PCCC thuộc công an TP. Thuận An (Bình Dương) bị khởi tố về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tối ngày 7/10, báo chí nhà nước dẫn nguồn tin từ công an tỉnh Bình Dương cho biết cơ quan này đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 cán bộ cảnh sát PCCC thuộc công an TP. Thuận An.
Hai cảnh sát PCCC bị khởi tố về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, liên quan đến vụ cháy quán karaoke An Phú (phường An Phú, TP. Thuận An).
Hai người gồm: Trung tá Nguyễn Duy Linh, Đội trưởng Đội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ và Đại úy Nguyễn Văn Võ, Cán bộ Đội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Công an tỉnh Bình Dương cũng thực hiện tước danh hiệu công an nhân dân đối với 2 cảnh sát PCCC trên.
Liên quan đến vụ cháy này, trước đó, công an tỉnh Bình Dương cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Anh Xuân, chủ cơ sở karaoke An Phú, để điều tra về hành vi vi phạm quy định về PCCC.
Quán karaoke An Phú xảy ra cháy vào 20h15 ngày 6/9. Do lửa cháy ở khu vực lầu 2 của quán nên nhiều khách và nhân viên không thể thoát ra ngoài. Một số người nhảy từ trên cao xuống đất bị thương.
Hỏa hoạn đã khiến 32 người (16 nam, 16 nữ) mắc kẹt trong các tầng của quán karaoke, thiệt mạng. Một nạn nhân khác nhảy từ lầu cao xuống đất bị chấn thương sọ não, tử vong tại bệnh viện.
Ngoài ra, vụ cháy khiến 17 người bị thương.
Đến chiều 11/9, toàn bộ 32 nạn nhân tử vong trong vụ cháy đều đã xác định được danh tính và bàn giao cho gia đình mai táng.
Với 33 người thiệt mạng, vụ cháy gây thiệt hại về người lớn thứ hai trong lịch sử chỉ sau vụ cháy một trung tâm thương mại ở TP.HCM cách đây 20 năm.
Quán karaoke An Phú được thiết kế với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 1.500m2, gồm 3 tầng (1 trệt, 2 lầu và 1 sân thượng). Quán có 30 phòng.
Hoạt động từ năm 2016 đến nay, quán có đăng ký chứng nhận hộ kinh doanh, đủ điều kiện về an ninh, trật tự, chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, giấy phép kinh doanh karaoke, biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở vào các năm 2019, 2021, 2022.
Công an tỉnh Bình Dương cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án “vi phạm về quy định phòng cháy chữa cháy” xảy ra tại quán karaoke An Phú theo Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trần Ba
Công nhân bức xúc vì không được nhận trợ cấp thất nghiệp dù đóng bảo hiểm gần 14 năm
Năm 2021, cả nước có 801.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng hơn 37.000 người bị từ chối giải quyết, trong đó có lý do vướng quy định “tháng liền kề”.
Theo VnExpress, vợ chồng chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên là một trong số người bị từ chối giải quyết do vướng quy định “tháng liền kề”.
5 năm trước, vợ chồng chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên được Công ty TNHH Asia Garment (quận 12) nhận vào làm công nhân, hợp đồng lao động một năm, sau đó là không xác định thời hạn. Hàng tháng, chị đều bị công ty trừ gần 600.000 đồng tiền lương để đóng các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp. Nữ công nhân nói rằng thu nhập mỗi tháng hơn 6 triệu đồng, thấy trừ nhiều cũng tiếc nhưng nghĩ đến quyền lợi lâu dài nên chấp nhận, cố gắng tăng ca bù vào.
“Thế nhưng khi đụng chuyện mình không được bất cứ quyền lợi gì”, chị Tiên nói. Giữa năm 2020, chị sinh con nhưng chờ mãi không thấy tiền thai sản. Đầu năm sau khi đi làm lại, công ty liên tục chậm lương. Nhiều người bức xúc ngừng việc, khiếu nại cơ quan chức năng mới biết công ty nợ bảo hiểm xã hội hơn 8 tỷ đồng. Trong 4 năm làm việc, vợ chồng chị được công ty đóng đủ các khoản bảo hiểm hơn 1,5 năm. Thất vọng, anh chị và 400 công nhân khác nghỉ việc.
Mất việc vừa lúc đợt dịch thứ 4 bùng phát ở TP.HCM, vợ chồng chị Tiên không tìm được việc mới. “Con nhỏ, lương bị nợ, dịch đến, khó khăn bao vây”, chị nói. Nhớ đến quá trình 1,5 năm đóng bảo hiểm thất nghiệp, chị đến Trung tâm dịch vụ việc làm chi nhánh quận 12 hỏi thủ tục với hy vọng mỗi người sẽ nhận được ba tháng trợ cấp. Tuy nhiên hồ sơ của vợ chồng chị bị loại “từ vòng gửi xe”. Cán bộ tiếp nhận yêu cầu chị đến cơ quan bảo hiểm xã hội chốt quá trình đóng với yêu cầu tháng liền kề trước khi nghỉ việc phải tham gia đầy đủ.
“Vợ chồng tôi không thể đáp ứng được yêu cầu này vì công ty nợ bảo hiểm nên bỏ cuộc”, chị Tiên nói. Mấy tháng thất nghiệp, thành phố lại phong tỏa, vợ chồng chị vay mượn khắp nơi để cầm cự. Quá mệt mỏi nên khi các lệnh giãn cách được gỡ bỏ, cả nhà liền kéo nhau về Đồng Tháp. Giờ đây, chị xin vào làm công nhân một xưởng may gần nhà, không muốn quay lại thành phố.
Tương tự, anh Nguyễn Xuân Nghị, 50 tuổi, có 22 năm làm việc tại Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT), quận 1, nhưng đến khi mất việc không nhận được một đồng nào từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Cuối năm ngoái, công ty liên tục chậm lương nên anh xin nghỉ việc. Kiểm tra trên ứng dụng VssiD của ngành bảo hiểm, anh Nghị thấy rõ quá trình đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp của mình đến tháng 7/2020, tương đương 13 năm 6 tháng. Theo Luật Việc làm, anh nhận được 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, mức tối đa cho người thụ hưởng. Tuy nhiên, khi liên hệ trung tâm dịch vụ việc làm, anh bị từ chối do tháng liền kề trước khi nghỉ việc công ty để nợ bảo hiểm.
Anh Nghị nói rằng miệt mài đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp bao năm qua, nếu được giải quyết cũng chỉ nhận được 12 tháng, tức 12 năm như vậy người tham gia đã chịu một phần thiệt. Đằng này với lý do công ty không đóng hai năm, cơ quan quản lý lại từ chối không chi trả cho người thất nghiệp là “quá bất công”.
Văn Đồ
Thái Nguyên: Chủ nợ mạo danh người nhà, nhờ cô đưa học sinh về ‘gặp bố lần cuối’
Mạo danh là dì của một học sinh ở Thái Nguyên, chủ nợ gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm nhờ đưa học sinh về nhà để “gặp bố lần cuối”. Những ngày sau đó, nhà trường liên tục bị đe dọa, bị đưa bình gas đến dọa đốt gây sức ép buộc phải cho học sinh thôi học.
Trường Tiểu học Đội Cấn (Thái Nguyên), nơi xảy ra sự việc khủng bố tâm lý học sinh, giáo viên, hiệu trưởng để đòi nợ phụ huynh. (Ảnh: thdoican.pgdtpthainguyen.edu.vn)
Công an phường Hoàng Văn Thụ (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đang củng cố hồ sơ để báo cáo lên Công an TP Thái Nguyên về trường hợp mạo danh phụ huynh, người nhà học sinh nhờ cô giáo đưa học sinh về nhà, điều xe cứu thương và bình gas đến trường để đòi nợ, xảy ra tại Trường Đội Cấn 1 (phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên).
Theo đó, sự việc xảy ra vào sáng 21/9, một giáo viên chủ nhiệm lớp 5 của Trường Đội Cấn 1 nhận được cuộc gọi từ số máy lạ xưng là dì của em học sinh N. Người này nói bố cháu bị tai nạn, đang hấp hối, gia đình đang rất bối rối, không có ai đến đón cháu được nên nhờ cô đưa cháu về giúp để cháu nhìn mặt bố lần cuối.
Sau đó, cô giáo gọi điện về cho mẹ của học sinh N. để xác minh nhưng không được. Nghĩ gia đình đang có việc gấp nên cô vội vàng đưa cháu về nhà. Khi cô giáo đến nhà, cả cô giáo và chị P. (phụ huynh học sinh N.) đều bất ngờ vì không có chuyện gì xảy ra.
Vài ngày sau, những người đòi nợ tiếp tục gọi điện đến cửa hàng gas gần trường đặt hai bình gas, yêu cầu mang đến trường. Bảo vệ cho đưa gas vào trường vì nghĩ rằng bếp ăn nhà trường hết gas nhưng nhà bếp không nhận.
Nhân viên cửa hàng gas liên hệ lại với số điện thoại đặt gas, đầu dây yêu cầu nói chuyện với lãnh đạo nhà trường, yêu cầu nhà trường cho em N. nghỉ học. Người này còn đe dọa nếu không cho em N. nghỉ học, họ sẽ thuê người đến phát nổ bình gas, đốt trường.
Phía nhà trường cho biết gia đình học sinh N. nói có vay vài chục triệu qua mạng. Sau đó, từ đầu số điện thoại này liên tục có người nhắn tin, gọi điện để đòi nợ.
Mặc dù, nhà trường và gia đình em N. đã trình báo lên cơ quan chức năng, chủ nợ vẫn thách thức, gây áp lực tinh thần bằng nhiều lời lẽ đe dọa. Những người này liên tục mạo danh giáo viên gọi ship đồ ăn, bánh sinh nhật… nhằm hạ uy tín của cô giáo và hiệu trưởng; gọi xe cứu thương đến trường học gây áp lực buộc nhà trường cho học sinh thôi học.
Tại Trường Tiểu học Đội Cấn 2 – nơi cháu thứ 2 nhà chị P. đang theo học, giáo viên chủ nhiệm và cô hiệu trưởng cũng bị chủ nợ gọi điện đe dọa, uy hiếp bằng những lời lẽ khiếm nhã. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình, họ hàng và đồng nghiệp của chị P. cũng bị những người này đe dọa.
Chủ tịch phường Hoàng Văn Thụ cho biết các số điện thoại nhóm này sử dụng đều là sim rác nên ông khuyến cáo các trường học, phụ huynh khi có thông tin, tin nhắn lừa đảo, đe dọa… hãy báo cho lực lượng chức năng.
Khánh Vy