Lam Giang
Siêu du thuyền của người bạn thân giàu có của Tổng thống Nga Vladimir Putin lộ diện ở Hong Kong hôm 7/10 và chính quyền Hong Kong từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với con thuyền này. Mỹ cảnh báo rằng động thái này sẽ đe dọa vị thế của Hong Kong trên trường quốc tế.
Siêu du thuyền của tỷ phú người Nga xuất hiện ở Hong Kong
Theo tờ AFP, một siêu du thuyền dài 142 mét có tên “North” đã được phát hiện xuất hiện trên vùng biển Hong Kong hôm 7/10. Siêu du thuyền trị giá 500 triệu USD có cabin sang trọng, hai sân bay trực thăng và một rạp chiếu phim.
Có thông tin cho rằng chiếc siêu du thuyền hạng sang thuộc sở hữu của tỷ phú công nghiệp Alexey Mordashov, người bạn thân giàu có nhất của ông Putin.
Ông Aleksei Mordashov là chủ tịch của công ty khai khoáng và thép Severstal có 54.000 nhân viên tại 69 quốc gia. Ông này có tài sản ròng ước tính 18,7 tỷ USD trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, nhưng hiện đã giảm xuống còn 8,7 tỷ USD, theo Chỉ số tỷ phú Bloomberg.
Sau khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, vị tỷ phú người Nga bị Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đưa vào danh sách trừng phạt.
Các quốc gia bao gồm Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Fiji và nhiều nước khác cũng thực thi lệnh trừng phạt và tịch thu du thuyền sang trọng của các nhà tài phiệt Nga đậu tại cảng của họ. Đây được cho là nỗ lực nhằm gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin và những người thân cận của ông.
Chính quyền Hong Kong cho biết, họ sẽ chỉ hành động theo lệnh cấm của Liên Hợp Quốc, chứ không phải các biện pháp trừng phạt “đơn phương” mà các nước phương Tây áp đặt đối với siêu du thuyền của các tỷ phú Nga cập cảng Hong Kong.
Tờ Bloomberg dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, một số người có thể sử dụng Hong Kong như một nơi trú ẩn an toàn để tránh các lệnh trừng phạt ở nhiều khu vực pháp lý, đặt ra câu hỏi về tính minh bạch của môi trường kinh doanh địa phương. Vị phát ngôn viên nói thêm rằng danh tiếng của Hong Kong như một trung tâm tài chính quốc tế cũng sẽ phụ thuộc vào việc tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn quốc tế.
Có những lo ngại rằng các nhà tài phiệt Nga có thể trốn tránh các lệnh trừng phạt do Mỹ và các đồng minh phương Tây áp đặt bằng cách chuyển tài sản đến Hong Kong.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã thẳng thắn tuyên bố rằng các công ty Mỹ ngày càng thận trọng về môi trường kinh doanh ở Hong Kong, đồng thời nói thêm rằng động thái của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu quyền tự chủ của Hong Kong đã làm trầm trọng thêm mối lo ngại về vấn đề này. Mỹ khuyến khích tất cả các khu vực pháp lý hành động phối hợp hơn để hỗ trợ thực hiện các biện pháp trừng phạt.
Mỹ trừng phạt 11 quan chức Trung Quốc
Bộ Tài chính Mỹ thông báo vào ngày 7/8/2020, rằng họ sẽ trừng phạt 11 quan chức Trung Quốc và Hong Kong, bao gồm cả Trưởng đặc khu hành chính khi đó là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-ngor), vì đã phá hoại quyền tự trị của Hong Kong. Trong danh sách cũng có ông Lý Gia Siêu (Li Jiachao), hiện là Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong.
Trước khi nhậm chức vào tháng 6 năm nay, ông Lý Gia Siêu nói rằng ông đã chế giễu cái gọi là các biện pháp trừng phạt, đồng thời nhấn mạnh rằng Hong Kong sẽ tiếp tục bảo vệ “an ninh và chủ quyền quốc gia”.
Chính quyền Bắc Kinh đã thực hiện một cách đầy đủ luật an ninh quốc gia ở Hong Kong, đàn áp các quyền tự do chính trị và áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt trong suốt thời kỳ đại dịch COVID-19. Điều này đã làm suy yếu vị thế của Hong Kong như một trung tâm tài chính toàn cầu trong những năm gần đây.
Theo bảng xếp hạng mới nhất của Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu (GFCI), Singapore đã chính thức thay thế Hong Kong và thăng hạng lọt top 3 trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu thế giới, chỉ đứng sau New York và London.
Ngoài việc đánh mất vị thế là một trung tâm tài chính quốc tế, vị thế của một trung tâm hàng không quốc tế của Hong Kong cũng đang bị đe dọa. Sau tuyên bố rút khỏi Hong Kong của Virgin Atlantic, có thông tin cho rằng một số hãng hàng không lớn của châu Âu và Mỹ cũng tính đến việc rút khỏi Hong Kong và chuyển hướng sang các nước châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, … Nguyên nhân là do họ không hài lòng với các biện pháp kiểm dịch nhập cảnh nghiêm ngặt của chính quyền Hong Kong.
Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Hong Kong thực hiện với gần 4.000 thành viên công bố vào cuối tháng 9 cho thấy, 86% công ty được khảo sát báo cáo rằng các hạn chế đi lại và yêu cầu kiểm dịch có tác động từ cao đến rất cao đối với hoạt động của công ty. Điều đó khiến họ phải thu hẹp quy mô hoạt động kinh doanh của mình ở Hong Kong. 73% công ty cho biết họ sẽ xem xét thay đổi hoặc cân nhắc lại quyết định rời khỏi Hong Kong nếu các biện pháp phòng chống dịch được nới lỏng. Tuy nhiên, 8% người được hỏi chỉ ra rằng họ sẽ không bao giờ ở lại Hong Kong.
Lam Giang