Để làm giàu thêm “kho” dự trữ ngoại hối, các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia bắt đầu bán phá giá trái phiếu Mỹ để giữ vị thế đồng nội tệ của mình. (Ảnh: Getty Images)
Các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia bắt đầu bán trái phiếu kho bạc Mỹ trong kho dự trữ ngoại hối của mình, đổi thành tiền nội tệ, vừa để giữ vị thế đồng nội tệ (đảm bảo tỷ giá không tăng vọt) vừa để trích trữ tiền mặt cho những biến động vĩ mô ngày một xấu.
Khi đồng USD tiếp tục mạnh lên trong thời gian gần đây, nhiều đồng tiền khác trên thế giới đang rớt giá ở các cấp độ khác nhau. Trước sự “rớt giá không ngừng” của đồng Yên so với đồng USD, ngày 22/9, Chính phủ Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường ngoại hối lần đầu tiên sau 24 năm, khơi mào cho “cuộc chiến tiền tệ”.
Theo dữ liệu mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã bán ra 29 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 5/10, mức bán tháo lớn nhất kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19 vào tháng 3/2020. Trong 4 tuần qua, lượng bán trái phiếu kho bạc Mỹ từ các NHTW khắp toàn cầu đã lên tới 81 tỷ USD, và tựu chung, lượng nắm giữ của Kho bạc Mỹ sụt giảm xuống còn 2,91 nghìn tỷ USD.
Hiện đồng USD đã cán mốc cao nhất trong 20 năm, làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế, và không có gì ngạc nhiên khi các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu tích trữ “kho” dự trữ ngoại hối của mình. Giờ đây, Nhật Bản, Chile và các quốc gia khác cũng bắt đầu can thiệp vào thị trường ngoại hối, bán đồng USD trực tiếp để giữ vị thế đồng nội tệ của mình.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Lou Crandall của Wrightson ICAP lưu ý rằng đợt bán tháo ồ ạt của các ngân hàng trung ương khắp toàn cầu vào tháng 9 mang tính chất đề phòng nhiều hơn.
Về vấn đề này, ông Alex Etra, chiến lược gia cấp cao tại Exante Data, đồng ý rằng việc bán trái phiếu kho bạc Mỹ và xây dựng vị thế tiền mặt có nghĩa là các quốc gia đang chuẩn bị cho “viên đạn bạc” cần thiết để bảo vệ đồng nội tệ của họ.
Đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, dự trữ ngoại hối của nhiều quốc gia ngày càng giảm sút. Vishnu Varathan, Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), cho biết: “Với thực trạng như hiện nay, dự trữ ngoại hối của Thái Lan rất đáng lo ngại, tương tự đối với Philippines, Ấn Độ, Indonesia và thậm chí cả Malaysia, vốn được cho là tương đối khả quan”.
Trong tháng 9 dự trữ ngoại hối của Malaysia và Indonesia sụt giảm xuống mức chưa từng có kể từ năm 2020. Dự trữ ngoại hối của Thái Lan cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm, khiến quốc gia này rơi vào hàng ngũ các nước châu Á mới đổi đang phải đối mặt với nguy cơ suy yếu.
Dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho thấy dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm mạnh nhất trong gần 14 năm vào tháng 9/2022.
Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Nhật Bản chỉ còn 1,24 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 9/2022, giảm 54 tỷ USD so với tháng trước. Tuy nhiên, lượng trái phiếu trị giá 1,04 nghìn tỷ USD mà Nhật Bản đang nắm giữ đã giảm còn 985 tỷ USD trong tháng 8/2022, dấu hiệu cho thấy Tokyo đã bán tài sản định giá bằng USD thu về tiền mặt để can thiệp vào nền kinh tế.
Theo báo chí đưa tin, sự can thiệp của Chính phủ Nhật Bản vào thị trường ngoại hối lần này có thể lên tới 3 nghìn tỷ Yên, cán mốc cao nhất trong lịch sử.
Mức dự trữ ngoại hối an toàn là mức dự trữ tối thiểu phải đáp ứng khả năng thanh toán ngoại tệ cho ít nhất 12 – 14 tuần nhập khẩu hàng hoá của cả nền kinh tế đó, theo IMF. Hiện tại, dự trữ ngoại hối của các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á (trừ Trung Quốc) đã giảm trong khoảng 7 tháng liên tiếp. Dự trữ ngoại hối đã xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Các quốc gia châu Á mới nổi đang cạn kiệt nguồn dự trữ “đạn dược” để bảo vệ đồng tiền của họ.
Huyền Anh