Tin thế giới trưa thứ Tư: NATO sắp tiến hành cuộc tập trận hạt nhân

Phòng không Ukraina vô hiệu hóa 32 cuộc tấn công của Nga trong một ngày

Các cuộc tấn công tên lửa hôm thứ Hai ở Ukraina đã thúc đẩy các đồng minh phương Tây tiếp tục cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến mà Ukraina thiếu.

Hôm thứ Ba, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraina thông báo rằng các lực lượng Ukraina đã dẹp tan 32 cuộc tấn công của Nga đến từ các hướng khác nhau bao gồm 21 tên lửa có cánh và 11 máy bay không người lái.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine viết trong một bài đăng trên Facebook rằng: “Trong ngày hôm nay, những kẻ xâm lược đã một lần nữa tiến hành một cuộc tấn công tên lửa hàng loạt, phóng gần 30 tên lửa có cánh trên khắp đất nước chúng ta, thực hiện bảy cuộc không kích và bắn khoảng 25 phát từ hệ thống hỏa lực phản lực. Không thành công, kẻ thù tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công tên lửa và triển khai … các cuộc tấn công nhằm tác động đến cơ sở hạ tầng và khu dân cư quan trọng của các thành phố của đất nước chúng ta”.

Thông báo được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh thực hiện một loạt các cuộc không kích chết người nhằm vào ít nhất 11 thành phố của Ukraina bao gồm cả thủ đô Kyiv, hôm thứ Hai. Các cuộc tấn công mà Tổng thống Nga Putin nói là để đáp trả vụ nổ vào cuối tuần trên cây cầu nối Crimea với Nga. Tổng thống Nga Putin đã cáo buộc mà không có bằng chứng về vụ nổ cầu là một “hành động khủng bố” của các lực lượng Ukraina.

Các cuộc tấn công tên lửa hôm thứ Hai ở Ukraina đã thúc đẩy các đồng minh phương Tây tiếp tục cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến mà Ukraina thiếu trong bối cảnh Nga xâm lược.

Vài giờ sau vụ tấn công, Đức tuyên bố sẽ gửi hệ thống phòng không IRIS-T đầu tiên tới Ukraina trong vòng vài ngày. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cam kết cung cấp cho Ukraina “các hệ thống phòng không tiên tiến” để khắc phục hậu quả của các cuộc không kích. Các quan chức Ukraine cũng đã thúc giục các đồng minh cung cấp “hệ thống phòng không và tên lửa” để bảo vệ bầu trời Ukraine.

Hôm thứ Ba, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã yêu cầu lãnh đạo các quốc gia G7 trang bị thêm “hệ thống phòng không hiện đại và hiệu quả” để chống lại các máy bay không người lái của Iran đang được lực lượng Nga sử dụng.

Trong khi động thái mới nhất của Tổng thống Nga Putin là cuộc tấn công lớn nhất vào lưới điện của Ukraina kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, các chuyên gia cho rằng việc nhắm mục tiêu bừa bãi của các cuộc tấn công ” chỉ ra những điểm yếu của Nga ” và cho rằng Nga sẽ khó duy trì các cuộc tấn công dày đặc như vậy.

Trần Phong

NATO sắp tiến hành cuộc tập trận hạt nhân

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Ảnh: Alexandros Michailidis/Shutterstock)

Hôm 11/10 vừa qua, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố rằng khối quân sự này sẽ tiến hành một cuộc tập trận hạt nhân vào tuần tới, theo hãng tin Reuters.

Phát biểu họp báo trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO, Tổng thư ký Stoltenberg cho biết cuộc tập trận hạt nhân này có tên “Steadfast Noon”, diễn ra định kỳ hàng năm và thường kéo dài khoảng một tuần. Tham gia diễn tập gồm máy bay chiến đấu có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, nhưng không mang theo bom thật, cùng nhiều nhiều loại máy bay khác.

Theo dự kiến, có 14 trong số 30 quốc gia thành viên NATO sẽ tham gia tập trận. Một quan chức NATO cho hay rằng phần lớn cuộc diễn tập sẽ diễn ra cách Nga hơn 1.000 km.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký NATO cho biết đang thảo luận với các nước thành viên và công ty quốc phòng về cách thức đẩy sản xuất vũ khí và bổ sung kho dự trữ. Tại hội nghị ngày 12/10, các bộ trưởng quốc phòng NATO sẽ đánh giá nỗ lực tăng cường sản xuất vũ khí và đạn dược cũng như đưa ra quyết định tiếp theo để duy trì mức dự trữ của các nước trong khối.

Ở một diễn biến khác, hôm 2/10 vừa qua, nguyên thủ của 9 nước thành viên NATO ở châu Âu đã ra tuyên bố chung ủng hộ việc Ukraine gia nhập liên minh an ninh do Mỹ dẫn đầu, đồng thời kêu gọi toàn bộ 30 quốc gia NATO tăng cường viện trợ quân sự cho Kyiv.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có một động thái bất ngờ hôm 30/9 khi nộp đơn xin được đẩy nhanh quá trình xét duyệt gia nhập NATO, nhằm đáp trả việc Nga sáp nhập bốn khu vực bị chiếm đóng của nước này.

“Chúng tôi đã thể hiện năng lực của mình phù hợp với tiêu chuẩn của liên minh. Chúng tôi đang thực hiện bước quyết định là ký đơn xin sớm gia nhập NATO”, ông cho hay.

Được biết, tư cách thành viên của NATO cần có sự chấp thuận của tất cả 30 thành viên và Ukraine khó có thể sớm gia nhập tổ chức. Đặc biệt, Ukraine đang là một quốc gia có chiến tranh và yêu cầu gia nhập liên minh này sẽ càng phức tạp hơn.

Phan Anh

Nga phá hủy một phần ba cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina trong hai ngày

Khoảng 30% cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina đã bị tên lửa Nga bắn trúng kể từ thứ Hai, ngày 10 tháng 10.

Bộ trưởng Năng lượng Ukraina Herman Halushchenko cho biết khoảng 30% cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina đã bị tên lửa Nga bắn trúng kể từ thứ Hai, ngày 10 tháng 10.

Trao đổi với CNN, Bộ trưởng Halushchenko cho biết “lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu chiến tranh,” Nga đã “nhắm mục tiêu mạnh mẽ” vào cơ sở hạ tầng năng lượng.

Ông cho rằng một trong những lý do là việc xuất khẩu điện của Ukraina sang châu u “giúp các nước châu u tiết kiệm khí đốt và than đá của Nga”.

Bộ trưởng Halushchenko nói thêm rằng Ukraina đang cố gắng “nhanh chóng khôi phục nguồn cung cấp từ các nguồn khác.”

Trả lời câu hỏi về việc liệu Ukraina có nhận thêm năng lượng từ châu u hay không, ông Halushchenko nói đây là “một trong những lựa chọn đang được xem xét.”

Bộ trưởng cũng lưu ý hệ thống năng lượng của Ukraina “vẫn ổn định”, nhưng kêu gọi các đối tác cung cấp “hệ thống phòng không thực sự có thể giúp chúng tôi bảo vệ cơ sở hạ tầng của mình.”

“Chúng tôi đang gửi thông điệp sau đến các đối tác của mình: chúng tôi cần bảo vệ bầu trời. Người Nga không chơi một số trò chơi với luật pháp quốc tế. Họ không quan tâm đến bất kỳ loại thỏa thuận hoặc công ước quốc tế nào.”

Vào ngày 10-11 tháng 10, Nga đã tiến hành các cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, cụ thể là lĩnh vực năng lượng, ở thủ đô và nhiều khu vực khác nhau của Ukraina. Các nhà chức trách Ukraina đã kêu gọi người dân trên cả nước “hạn chế” sử dụng năng lượng.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, mục tiêu của các cuộc tấn công không chỉ là quân đội Ukraina, mà còn là các cơ sở năng lượng dân sự.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ám chỉ rằng đây là hành động trả thù cho vụ nổ trên cầu Crimea mà chính quyền Nga đổ lỗi cho cơ quan mật vụ Ukraina.

Trần Phong

Ngoại trưởng Lavrov: Nga sẵn sàng đàm phán với phương Tây, Mỹ thực chất đã tham chiến

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov họp báo sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Ukraine tại Antalya, ngày 10/3/2022, 15 ngày sau khi Nga tiến hành ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ vào Ukraine. (Ảnh: Ozan Kose/Getty Images)

Hôm 11/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow sẵn sàng đàm phán với phương Tây về vấn đề Ukraine nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ lời đề nghị nào. Ông cũng khẳng định rằng, Mỹ thực chất đã tham chiến từ lâu.

Hãng tin Reuters hôm 11/10 đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga sẵn sàng đàm phán với Mỹ để chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine, trong bối cảnh cuộc chiến đã bước sang tháng thứ 8 kể từ thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự hôm 24/2.

Các quan chức Mỹ, bao gồm cả phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby, tuyên bố rằng Washington sẵn sàng đàm phán về cuộc chiến Nga-Ukraine, nhưng Nga đã từ chối đàm phán. Về vấn đề này, ông Lavrov nói: “Đây là một lời nói dối, chúng tôi đã không nhận được bất kỳ lời đề nghị nghiêm túc nào”.

Ngoại trưởng Lavrov cũng cho biết Nga sẽ không từ chối cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào giữa tháng 11 ở Indonesia và sẽ xem xét đề xuất này nếu Nga nhận được lời đề nghị.

“Chúng tôi nhiều lần nói rằng chúng tôi không bao giờ từ chối các cuộc đàm phán. Nếu có một lời đề nghị, chúng tôi sẽ xem xét nó”, ông nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Washington “rất ít tin tưởng” rằng Nga đang đưa ra lời đề nghị đàm phán nghiêm túc vì bình luận của Ngoại trưởng Lavrov được đưa ra trong vòng vài giờ sau vụ tấn công tên lửa của Nga khiến dân thường ở Ukraine thiệt mạng.

“Chúng tôi thấy đây là lời đề nghị giả tạo. Chúng tôi không coi đây là một lời đề nghị nghiêm túc, mang tính xây dựng nhằm đối thoại và ngoại giao để chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo này”, ông Price nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.

Các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh cuối cùng sẽ phải diễn ra giữa Ukraine và Nga, ông Price nói thêm.

“Nếu người Nga muốn báo hiệu rằng họ nghiêm túc trong đối thoại và ngoại giao … có lẽ bước đầu tiên là họ nên ngừng kiểu tấn công tàn bạo này”, ông nói.

Trong một cuộc phỏng vấn, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng Mỹ thực sự đã tham chiến từ lâu trong cuộc chiến Nga-Ukraine.

“Theo tôi, người Mỹ thực sự đã tham gia vào cuộc chiến này từ lâu. Cuộc chiến này đang được kiểm soát bởi người Anglo-Saxon”.

Bình luận về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nga và phương Tây, Ngoại trưởng Lavrov nói Moscow sẽ sẵn sàng lắng nghe bất kỳ đề xuất nào, nhưng không thể nói trước liệu điều này có dẫn đến kết quả hay không.

Ông cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ có cơ hội đưa ra đề xuất với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi cả hai đến thăm Kazakhstan trong tuần này.

Vào cuối tháng 3, các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine đã đổ vỡ. Cuối tháng 9, Nga tuyên bố sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine nên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tuyên bố loại trừ khả năng đối thoại với ông Putin.

Lam Giang

Ukraine tuyên bố nhận được hệ thống phòng không IRIS-T do Đức viện trợ

Hệ thống phòng không IRIS-T. (Ảnh: Sergey Kohl/Shutterstock)

Ngày 11/10, phía Ukraine thông báo đã nhận được hệ thống phòng không IRIS-T do Đức viện trợ, theo hãng tin Reuters.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Đức cho biết lô đầu tiên trong tổng số 4 hệ thống phòng không IRIS-T đang được nước này chuyển giao cho Ukraine.

“Các vụ tấn công bằng tên lửa nhắm vào Kyiv và các thành phố khác cho thấy tầm quan trọng của năng lực phòng không đối với khả năng tự vệ của Ukraine”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho hay.

Được biết, IRIS-T là hệ thống phòng thủ đất đối không do tập đoàn công nghiệp quốc phòng Diehl Defense của Đức chế tạo, trang bị bằng các loại tên lửa tầm ngắn. Đây là vũ khí lợi hại, có khả năng đánh chặn các loại tiêm kích, trực thăng, tên lửa hành trình, pháo phản lực, máy bay không người lái, tên lửa và bom phản radar. Ngoài ra, nó có thể bắn hạ các loại phương tiện ở độ cao 20 km, tầm xa 40 km.

Giới chức trách của Đức nhận định rằng IRIS-T có khả năng bảo vệ toàn bộ các thành phố lớn của Ukraine khỏi các cuộc tấn công tầm xa.

Ở một diễn biến khác, Ukraine đã tố cáo Nga là một “quốc gia khủng bố” tại cuộc họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 10/10 sau các cuộc tấn công mới nhất của Moscow.

Ông Sergiy Kyslytsya, đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc nhận định: “Nga đã chứng minh một lần nữa rằng đây là một quốc gia khủng bố cần phải được ngăn chặn bằng những cách mạnh mẽ nhất có thể. Thật không may, chúng ta khó có thể có được một nền hòa bình ổn định và lành mạnh, nếu như một chế độ độc tài bất ổn và điên rồ vẫn đang tồn tại ngay gần mình”.

Phan Anh

Hãng Nissan của Nhật Bản bán tài sản cho nhà nước Nga với giá… 1 EUR

Logo của hãng sản xuất ô tô Nissan của Nhật Bản. (Ảnh: JuliusKielaitis/Shutterstock)

Ngày 11/10, Bộ Công Thương Nga cho biết hãng sản xuất ô tô Nissan (Nhật Bản) đã bán tài sản ở Nga cho Viện nghiên cứu khoa học ô tô thuộc sở hữu của nhà nước Nga (NAMI) với giá… 1 EUR, trong đó phía Nissan có quyền mua trở lại các tài sản này trong vòng 6 năm tới, theo hãng tin Reuters.

Cụ thể, các tài sản được Nissan chuyển giao bao gồm các cơ sở sản xuất và nghiên cứu ở St. Petersburg, cũng như trung tâm bán hàng và tiếp thị tại Moscow.

Tập đoàn Nissan cho biết họ đã quyết định rút khỏi thị trường Nga dù phải gánh chịu khoản lỗ khoảng 100 tỷ Yen (686,72 triệu USD).

Hãng này đã phải tạm ngừng hoạt động của nhà máy lắp ráp tại St. Petersburg hồi tháng 3, chỉ vài tuần sau khi Nga phát động cuộc tấn công nhắm vào Ukraine hôm 24/2. Ban đầu, hãng Nissan có kế hoạch ngừng sản xuất tại St. Petersburg trong 6 tháng. Tuy nhiên, tới tháng 9 vừa qua, công ty này thông báo hoạt động trên sẽ tiếp tục bị đình chỉ tới cuối năm 2022. Nguyên nhân của quyết định này được cho là nằm ở việc nhà máy của Nissan gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung từ phía châu Âu và Nhật Bản.

Được biết, Nissan không phải doanh nghiệp ô tô đầu tiên bán tài sản tại Nga với giá tượng trưng cho Chính phủ Nga, sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra. Hồi tháng 5 vừa qua, hãng xe Renault của Pháp cũng đã bán cổ phần trong nhà máy liên doanh Avtovaz cho Chính phủ Nga với giá tượng trưng là… 1 Ruble.

Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.org. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.

Hồng Kông trở thành “kinh đô mới” an toàn cho các nhà tài phiệt Nga?

Du thuyền có tên là “Nord” thuộc về người giàu thứ ba ở Nga, Alexei Mordashov, đang đậu ở cảng Hongkong hôm thứ Sáu tuần rồi (Reuteurs)

Hồng Kông cũng bị cuốn vào những tranh chấp về cuộc chiến Nga-Ukraine. Ngày 5/10, Nord – chiếc du thuyền lớn của Nga bị nhiều nước châu Âu và Mỹ trừng phạt, đã thả neo ở vùng biển Hồng Kông. Liệu Hồng Kông có trở thành nơi trú ẩn an toàn cho giới tài phiệt Nga?

Ngày 5/10, chiếc du thuyền lớn Nord của Nga bị nhiều nước châu Âu và Mỹ trừng phạt, đã thả neo ở vùng biển Hồng Kông. (Ảnh: Getty Images)

Sau cảnh báo từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chính quyền đặc khu Hồng Kông đã đưa ra 2 tuyên bố riêng từ chối trục xuất chiếc du thuyền này. Học giả Hồng Kông, ông Thẩm Húc Huy (Simon Shen), phân tích rằng “Hồng Kông mới tươi đẹp” đang trở thành nơi trú ẩn an toàn cho giới tài phiệt Nga.

Từ ngày 5/10/2021, chiếc du thuyền “Nord” siêu sang trọng của ông trùm thép Aleksei Mordashov, bạn tốt của ông Putin, đã được thả neo ở vùng biển giữa Thị trấn Kennedy và đảo Stonecutters.

Theo Agence France-Presse, “Nord” đã được người dân địa phương ở Hồng Kông phát hiện. Siêu du thuyền trị giá 500 triệu USD, có cabin sang trọng, 2 sân bay trực thăng và 1 rạp chiếu phim.

Các nước bao gồm Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Fiji và những nước khác đã thực thi lệnh cấm trừng phạt và bắt giữ các du thuyền sang trọng của các nhà tài phiệt Nga đậu tại cảng của họ trong nỗ lực gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin và những người thân cận của ông.

Vụ việc khiến Hoa Kỳ không hài lòng, đồng thời hy vọng chính quyền đặc khu Hồng Kông sẽ hợp tác với các biện pháp trừng phạt mà châu Âu và Hoa Kỳ áp đặt, xua đuổi du thuyền ra khỏi vùng biển Hồng Kông.

Về vấn đề này, chính quyền đặc khu Hồng Kông đã 2 lần từ chối yêu cầu của Hoa Kỳ, với lý do “các biện pháp trừng phạt do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra đã được thực thi và chấp hành đầy đủ. Đối với từng quốc gia có thể dựa trên cân nhắc của riêng mình mà áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với một số địa điểm, chính quyền đặc khu không có quyền lực, cũng như không thể thực thi các biện pháp trừng phạt đơn phương do các khu vực tài phán khác áp đặt.”

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nếu Hồng Kông được sử dụng để trốn tránh các lệnh trừng phạt quốc tế, ngoại giới sẽ càng đặt câu hỏi về tính minh bạch của môi trường kinh doanh của đặc khu này, và phủ bóng đen lên danh tiếng của Hồng Kông với danh nghĩa là một trung tâm tài chính quốc tế.

Ông Thẩm Húc Huy, một học giả, kiêm nhà bình luận về quan hệ quốc tế, cho rằng cách đây vài tháng, đã có dự tính rằng Hồng Kồng sẽ trở thành “găng tay trắng” của Nga.

Ông nói rằng kể từ khi Nga bị phương Tây trừng phạt nghiêm khắc, các hành vi buôn lậu vốn, bỏ trốn, rửa tiền, v.v. đều phải “thiết kế lại đường đi nước bước”. “Hồng Kông đã trở thành một thành phố Đại Lục bình thường và có các nguồn lực (quốc tế), nên đương nhiên sẽ trở thành công cụ cho các nhà tài phiệt.”

Ông tiếp tục đề cập đến một bài viết đăng trên tờ “Globe and Mail” của Canada vào tháng Sáu năm nay, thảo luận về cách Hồng Kông trở thành điểm nóng tiếp theo cho các nhà tài phiệt Nga tích trữ tài sản của họ. Bài báo dẫn lời các chuyên gia cho biết trong vài tháng qua, giới tài phiệt Nga đã “dời đô” đến một địa điểm mới – Hồng Kông, một cách đáng ngạc nhiên.

Vị chuyên gia này chỉ ra rằng Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh, là nơi tiên phong trong lĩnh vực tài chính ra nước ngoài. Mặc dù những người Nga giàu nhất thế giới không chỉ coi trọng riêng Hồng Kông, nhưng khi Nga bị châu Âu và Hoa Kỳ trừng phạt, họ sẽ không còn khả năng tháo chạy vốn qua London và New York.

Ngay cả việc giữ tiền ở những nước như Ý cũng không còn an toàn. Hồng Kông hấp dẫn hơn những “thiên đường rửa tiền” như Dubai và Quần đảo Cayman (lãnh thổ hải ngoại của Anh ở phía tây vùng biển Caribbe, chỉ cách Miami (Mỹ) và Cuba một giờ bay.)

Các chuyên gia tiếp tục chỉ ra rằng mặc dù Dubai cũng kinh doanh “chất xám”, nhưng cơ sở vật chất của họ, như nhà ở và giáo dục, không tốt bằng Hồng Kông. Hồng Kông còn giữ được cơ sở hạ tầng gần như hoàn hảo từ thời thuộc địa, điều này hấp dẫn các nhà tài phiệt Nga, những người khao khát cuộc sống của phương Tây.

Trong những năm đầu, các tỷ phú Nga đã đầu tư tập thể vào London. Họ không chỉ bị thu hút bởi hệ thống tài chính của Anh, mà họ còn thích văn hóa, lối sống và thể chế xã hội của vương quốc này.

Hiện các nhà tài phiệt này đang tìm kiếm các giải pháp thay thế, vì vậy Hồng Kông là lựa chọn hàng đầu. Ông Thẩm Húc Huy nói, huống hồ Hồng Kông mới dưới sự cai trị của ĐCSTQ còn có thể đảm bảo an toàn cho những nhà tài phiệt Nga này.

Một chuyên gia khác của Viện Hudson, Hoa Kỳ cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng Hồng Kông có “dịch vụ hệ thống chuyển tiền thanh toán tự động”, có thể xử lý các giao dịch hàng tỷ USD, mà không cần liên quan đến hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ. Do vậy, Hồng Kông là một lựa chọn hiển nhiên cho các nhà tư bản trốn tránh lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ông Thẩm Húc Huy cho rằng hệ thống tài chính của Hồng Kông được thiết lập từ thời thuộc địa, đã được các nước phương Tây công nhận; tới nay hệ thống này đã bị lạm dụng thì rất có thể sẽ không còn được phương Tây công nhận, nếu không, thì điều này đã đi ngược lại logic và lý trí.

Gần đây, Cục trưởng Cục Tài chính Đặc khu hành chính, ông Trần Mậu Ba (Paul Chan Mo-po), đã đề cập rằng Hồng Kông phải có lối tư duy cơ bản, và sẵn sàng vũ khí hóa tiền tệ khi đối mặt với Hoa Kỳ. Điều này dường như ám chỉ rằng Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Hồng Kông.

Ông Thẩm Húc Huy cho rằng ngày Hồng Kông được hưởng đặc quyền sẽ không còn nữa. Nói cách khác, Hồng Kông không thể vừa giúp Nga chạy vốn, rửa tiền, Nga xâm lược Ukraine, lại vừa được hưởng lợi từ thị trường tài chính châu Âu và châu Mỹ. Do đó, giới tài chính ở Hồng Kông cần có động thái chuẩn bị.

Theo bảng xếp hạng mới nhất của “Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu” (GFCI), Singapore đã chính thức thay thế Hồng Kông 3 bậc liên tiếp, trở thành 3 trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu thế giới, chỉ đứng sau New York và London.

Bình Minh

Related posts