Người sáng lập tập đoàn TSMC Đài Loan là ông Morris Chang cho biết nếu chiến tranh nổ ra thì mọi thứ sẽ lập tức bị phá hủy, sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và theo đó là tình hình ảm đạm kinh tế.
Gần đây, người sáng lập tập đoàn chất bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan là ông Morris Chang (Zhang Zhongmou, Trương Trung Mưu) đã trả lời phỏng vấn chương trình “60 Minutes” của Đài CBS (Mỹ): “TSMC cung cấp chip cho nhiều nước trên thế giới, nếu mục tiêu hàng đầu của kẻ xâm lược [Đảng Cộng sản Trung Quốc/ĐCSTQ] là ổn định kinh tế thì họ có thể kiềm chế sử dụng vũ lực. Nhưng nếu xảy ra chiến tranh giữa hai bờ eo biển thì TSMC sẽ phá hủy, đồng nghĩa tất cả đều bị phá hủy”.
Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin nhà nghiên cứu Vương Tú Văn (Shiow-Wen Wang) tại Viện An ninh Quốc phòng Đài Loan chỉ ra trong tình hình hiện nay, TSMC là biện pháp phòng thủ kinh tế tốt nhất của Đài Loan. Ông Morris Chang đã khéo léo đặt ra tiền đề rằng nếu ĐCSTQ coi trọng phát triển kinh tế thì không mang quân đội đến xâm lược Đài Loan, nhưng mấu chốt là ĐCSTQ có thể có những cân nhắc khác.
“Tôi nghĩ rằng ông Morris Chang đang kêu gọi phía bên kia không cần thiết phải chiến tranh, mọi người có thể kiếm tiền trên toàn thế giới bằng cách làm việc cùng nhau, nếu bạn bắt đầu chiến tranh thì cũng như ‘đánh chuột bể bình’”, bà Vương Tú Văn trích dẫn câu cách ngôn ám chỉ rằng phía ĐCSTQ không thể vì đánh chuột mà tự phá hủy chiếc bình quan trọng (kinh tế) của họ.
Một nhà nghiên cứu khác, ông Kiết Trọng (Chieh Chung) tại Quỹ Chính sách Quốc gia Đài Loan (National Policy Foundation), chia sẻ rằng ĐCSTQ có mục tiêu quốc gia là trước năm 2049 trở thành cường quốc đứng đầu thế giới, theo đó ổn định và kinh tế là những nhiệm vụ quan trọng. Chắc chắn ĐCSTQ không thể đạt được mục tiêu nếu có chiến tranh xung quanh Trung Quốc, vì vậy đối với chính sách Đài Loan, ông Tập Cận Bình vẫn ưu tiên “thống nhất trong hòa bình”.
Ông phân tích: “Nếu không thể đạt được kế hoạch thống nhất Đài Loan vào năm 2049 thì có thể ĐCSTQ sẽ điều chỉnh chiến lược ưu tiên xâm lược Đài Loan bằng vũ lực. Nhưng ở giai đoạn này, ngoài mặt theo đuổi mục tiêu quốc gia thì còn vấn đề nữa là ĐCSTQ cũng không chắc về sức mạnh quân sự của họ, đây cũng là yếu tố then chốt. Nếu đột nhiên ĐCSTQ cảm thấy tình hình xuyên eo biển trở nên nhạy cảm đặc biệt, ví dụ xu thế quan hệ Đài Loan và Mỹ vượt quá phạm vi mà ĐCSTQ có thể chịu chấp nhận thì có thể xảy ra chiến tranh ngay cả khi ĐCSTQ thấy chưa chắc chắn về quân lực.”
Vào ngày 11/10, người đứng đầu cơ quan tình báo truyền thông của Anh là “Tổng bộ Truyền thông Chính phủ” (Government Communications Headquarters, GCHQ), ông Fleming (Jeremy Fleming) cho biết nếu ĐCSTQ muốn trở thành cường quốc thế giới thì đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa. Bản thân ĐCSTQ cũng nhận thức rõ sự kỳ diệu của công nghệ và cố gắng đạt được lợi thế chiến lược trong hệ sinh thái công nghệ định hình thế giới ngày nay.
Theo Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), vào ngày 11/10 Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan Ershui (Vương Mỹ Hoa) đã được tổ chức tư vấn “Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế” (CSIS) của Washington mời phát biểu. Bà Ershui cho biết trong thị trường toàn cầu chất bán dẫn thì xưởng đúc wafer của Đài Loan chiếm 62,9%, thị trường chip bán dẫn tiên tiến dưới 7 nanomet chiếm 73%, và hơn 60% chất bán dẫn của Đài Loan được xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông. Nếu buộc phải ngừng sản xuất có thể tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu và các ngành công nghệ cao, trong đó Trung Quốc khó tránh chịu ảnh hưởng.
Bà nói nếu Trung Quốc muốn trở nên mạnh hơn hoặc trở thành cường quốc, thì họ nên suy nghĩ kỹ về việc gây hấn với Đài Loan.
Bà Ershui cũng lưu ý rằng chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Đài Loan trải qua hơn 40 năm nỗ lực mới được đi đầu thế giới như ngày nay. Đài Loan vẫn đang không ngừng cải thiện hệ sinh thái chuỗi cung ứng của mình nên rất khó để sao chép hoàn toàn hoặc thay thế được vị thế của Đài Loan.
Trạch Húc, Vision Times