Cái Giá Cho Dối Trá: Alex Jones Sẽ Phải Bồi Thường Gần 1 Tỷ Đô La
Gia đình của các nạn nhân trong vụ thảm sát trường tiểu học Sandy Hook đã giành được gần 1 tỷ đô la (Mỹ kim) bồi thường thiệt hại từ ‘trùm tung tin nhảm’ Alex Jones, theo NYTimes đưa tin ngày Thứ Tư, 12 tháng 10 năm 2022.
Bồi thẩm đoàn tòa tiểu bang ở Waterbury đã đưa ra phán quyết sau ba tuần nghe lời khai của nguyên đơn. Số tiền bồi thường vượt xa số tiền 49 triệu đô la mà bồi thẩm đoàn ở Texas ra lệnh Jones phải bồi thường trong vụ kiện tương tự hồi tháng 8.
Không rõ chính xác mỗi gia đình sẽ được bồi thường số tiền cụ thể là bao nhiêu. Chỉ biết người được bồi thường nhiều nhất là Robbie Parker với 120 triệu đô la. Trong nhiều năm, trên cả trang web và trong chương trình Infowars, Jones đã chỉ đích danh Parker, người có con gái Emilie chết trong vụ xả súng Sandy Hook, đã ‘diễn tuồng’ khi nói về con gái Emilie trên truyền hình một ngày sau vụ việc, và rêu rao rằng điều này là “kinh tởm.”
Từ đó, Parker đã phải chịu đựng bạo lực trực tuyến, quấy rối và dọa giết, cũng như trở thành trung tâm của vụ kiện ở Connecticut. Ông kể: “Mỗi lần tới phòng xử án đó, chúng tôi đứng lên và nói ra sự thật. Việc nói sự thật không nên quá khó khăn và đáng sợ như vậy.”
Parker nói thêm: “Những ai vẫn còn mù quáng tin lời người đàn ông đó, hãy tự hỏi bản thân, ông ta mang tới cho quý vị cái gì?”
Alex Jones có thể sẽ không có đủ tiền để bồi thường. Tháng 8, một kinh tế gia ước tính rằng tổng tài sản của Jones trị giá tối đa là 270 triệu đô la. Tuy nhiên, cũng trong tháng đó, Jones đã tuyên bố phá sản đối với công ty Free Speech Systems của mình. Jones đổ lỗi rằng khoản nợ 54 triệu đô la đã khiến ông vỡ nợ.
Nhưng trong những năm gần đây, mỗi năm Jones kiếm được tới 50 triệu đô la từ việc bán hàng trên các chương trình phát sóng của mình. Jones cũng rất biết ‘tận dụng’ các vụ kiện tụng, phiên tòa ở Connecticut cũng như ở Texas để kêu gọi quyên góp và tăng doanh số bán hàng.
Các gia đình vụ Sandy Hook đã phản đối việc phá sản tại tòa án, cho rằng đó chỉ là một nỗ lực để tránh phải bồi thường.
Jones vẫn rất ngoan cố, đi phát trực tiếp phán quyết hôm Thứ Tư trên chương trình Infowars của mình và hùng hồn nói rằng “Họ đã bao che, lấp liếm sự thật, nên bây giờ tôi là kẻ ác. Thật tự hào khi tôi bị tấn công tới mức này.”
Khoảng bồi thường 965 triệu đô la được chia cho 15 nguyên đơn trong vụ kiện Connecticut, bao gồm cha mẹ, anh chị em, con cái và vợ/chồng của 8 nạn nhân và một đặc vụ FBI bị dính líu đến các thuyết âm mưu nói rằng các gia đình nạn nhân chỉ là những diễn viên trong một vở kịch của chính phủ, nhằm dễ bề kiểm soát súng đạn, và rằng chẳng có vụ thảm sát nào cả.
Norman Pattis, luật sư của Jones, phản biện rằng bên nguyên đơn không đưa ra đủ bằng chứng về thiệt hại cụ thể. Pattis cũng đề nghị bồi thẩm đoàn bỏ qua những ảnh hưởng chính trị ngầm trong vụ này.
Theo các gia đình nạn nhân, suốt nhiều năm nay Jones đã phớt lờ những lời cầu xin của họ về việc ngừng lan truyền những tin đồn thất thiệt về vụ thảm sát Sandy Hook, bởi vì chúng thúc đẩy doanh số bán hàng của Infowars. Tại tòa, các nhân chứng đã kể lại những câu chuyện đau lòng, họ bị quấy rối, đe dọa bởi những người tin vào thuyết âm mưu và những lời dối trá của Jones. Có người bị dọa giết, dọa hãm hiếp, dọa làm ô uế và đào mồ người thân.
Mãi cho đến vụ kiện vào cuối năm 2018, Parker vẫn giữ im lặng trước những bạo lực và đe dọa từ những kẻ cuồng tin tưởng Jones, vì lo ngại nếu phản kháng sẽ càng khích động họ. Vào đêm sau khi vụ xả súng xảy ra, Parker đã đồng ý gặp một người mà ông tưởng là phóng viên để kể lại câu chuyện về con gái mình. Đối mặt với một rừng camera, ông cười nhẹ một cái vì ngại ngùng, nụ cười mà Jones lôi ra để hết lần này tới lần khác để chế giễu Parker và châm ngòi cho hàng loạt lời đe dọa chết chóc và bạo lực từ những người theo thuyết âm mưu, những người tin rằng Parker đang diễn.
Giữa năm 2018, gia đình của 10 nạn nhân đã đệ trình 4 vụ kiện phỉ báng riêng biệt đối với Jones, sau đó được gộp lại thành 3 vụ. Ngoài việc ngăn cản những trò dối trá của Jones, các gia đình cho biết các vụ kiện còn nhằm thu hút dư luận chống lại những thông tin sai lệch tai hại và những câu chuyện thất thiệt được lan truyền bởi những người nổi tiếng trên mạng trực tuyến, những người này lại chẳng mấy khi phải chịu trách nhiệm.
Từng là một người dẫn chương trình radio ‘quèn’ hay nói về thuyết âm mưu ở Austin, Texas, Jones đã thu hút được sự chú ý của cả nước từ sau vụ Sandy Hook, khi sự hăng hái bảo vệ Tu Chính Án Số 2 đã đưa ông ta lên nhiều phương tiện truyền thông chính thống.
Sự ủng hộ nhiệt thành dành cho cựu Tổng thống Donald J. Trump, người đã xuất hiện trong chương trình của Jones khi còn là ứng cử viên Đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống, đã đưa Jones từ phe cực đoan trở thành trung tâm của chính trị Đảng Cộng Hòa thời Trump.
Ông ta giữ vai trò phát tán hầu như mọi lời nói dối làm dấy lên bạo lực để thống trị các trang tin tức trong thập niên qua, bao gồm cả vụ Pizzagate, tung tin tào lao rằng Đảng Dân Chủ đã buôn bán trẻ em từ một tiệm bánh pizza ở Washington; thuyết âm mưu về “sự thay thế vĩ đại” (great replacement theory) đã kích động bạo lực tân phát xít chết người ở Charlottesville; Vắc xin COVID dối trá; và những giả dối trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã mang bạo loạn đến Điện Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021.
Ngày nay, gần 1/5 người dân Hoa Kỳ tin rằng các vụ xả súng hàng loạt nổi tiếng đều là những kịch bản, những câu chuyện do chính phủ dựng ra.
Jones hiện đang chịu sự giám sát của Bộ Tư Pháp và Ủy Ban 6 Tháng 1 vì vai trò của ông ta trong việc lên kế hoạch cho các sự kiện dẫn đến vụ bạo loạn Capitol Hill.
Nhiều năm nay, Jones đã từ chối cung cấp dữ liệu phân tích, hồ sơ kinh doanh hoặc lời khai theo lệnh của tòa án trong các vụ kiện ở Texas, nơi có trụ sở của Infowars, và hiện nay là ở Connecticut. Cuối năm ngoái, các thẩm phán ở cả hai tiểu bang đã ra phán quyết ông ta phải chịu trách nhiệm pháp lý, trao lại công lý cho các gia đình nạn nhân.
Phiên tòa xét xử thiệt hại thứ ba và cuối cùng – trong một vụ kiện tội phỉ báng được đệ đơn bởi Lenny Pozner và Veronique De La Rosa, người có con trai Noah Pozner bị giết hại trong vụ Sandy Hook – dự kiến sẽ được lên lịch xét xử vào cuối năm nay, chưa ấn định ngày giờ cụ thể.
Phần lớn thời gian ngắn ngủi ở Connecticut, Jones ở bên ngoài tòa án, tuyên bố rằng các vụ kiện là một nỗ lực của “chính quyền ngầm” (Deep State) để bịt miệng ông ta. Thực tế, ông ta đã mất khả năng yêu cầu sự bảo vệ của Tu Chính Án Số 1 vì không chịu cung cấp hồ sơ và lời khai theo lệnh của tòa án trong quá trình điều tra.
Thẩm phán cấm cả Jones và luật sư của ông ta nói về chính trị hoặc khả năng tài chánh của ông trước tòa. Trong phiên tòa trước đó ở Austin, Jones cũng đã bị thẩm phán phạt vì tuyên bố dối trá về việc phá sản.
Trong phiên tòa, Jones đã được xem toàn bộ cuộc phỏng vấn của Parker, xem clip Parker hồi tưởng về kỹ năng nghệ thuật của con gái mình, sự ấm áp của con bé khi làm chị gái, và lòng trắc ẩn của gia đình Parker đối với gia đình của tay súng.
Christopher M. Mattei, luật sư của các gia đình, nói với Jones rằng: “Robbie Parker đang ở đây. Ông ấy là thật, phải không? Nhiều năm nay, ông đã khiến ông ta thành mục tiêu bị chỉ trích, bắt bớ, phải không? Giống như ông đã làm với mỗi phụ huynh và những người thân của họ đang ngồi đây.”
Jones đáp trả bằng cách lặp lại một bình luận của luật sư Pattis: “Ủa đây là một phiên đấu tố hả? Chúng ta đang ở Trung Quốc hả?” rồi nói thêm rằng “Tôi đã nói tôi xin lỗi. Lời xin lỗi tôi đã nói xong rồi mà.”
Việt Báo
TT Putin tìm cách khơi dậy tình cảm chống phương Tây của nhà lãnh đạo châu Á
Tổng thống Vladimir Putin đã tận dụng bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo châu Á hôm 13/10 nhằm phát triển một chủ đề mà ông muốn nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình quân sự của Nga không mấy khả quan: Rằng Moscow đang chiến đấu với phương Tây để thiết lập một thế giới công bằng hơn.
Trong khi các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đang không ngừng siết chặt, ông Putin đã chuyển trọng tâm từ chiến đấu với những bên bị ông cáo buộc là ‘phát xít’ ở Kyiv sang đối đầu với “tập thể phương Tây” đang vũ trang cho Ukraine. Ông vẫn luôn lên án động thái này là nhằm mở rộng ảnh hưởng của phương Tây và thu hẹp ảnh hưởng của Nga.
Tổng thống Putin nhận định: “Thế giới đang trở nên thực sự đa cực. Và châu Á, nơi các trung tâm quyền lực mới đang xuất hiện, đóng một vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là chủ chốt trong đó.”
Tại Hội nghị về Tương tác và các Biện pháp Xây dựng Lòng tin ở châu Á (CICA) tại thủ đô Astana của Kazakhstan, ông Putin đã mô tả phương Tây là một thế lực thực dân mới muốn kìm hãm sự phát triển của phần còn lại của thế giới và bóc lột các nước nghèo hơn.
“Giống như nhiều đối tác của chúng tôi ở châu Á, chúng tôi tin rằng cần phải sửa đổi hệ thống tài chính toàn cầu, vốn trong nhiều thập kỷ đã cho phép cái gọi là ‘tỷ phú vàng’ tự xưng, những kẻ đã đưa tất cả các dòng vốn và công nghệ chảy vào túi họ để sống sung sướng trong khi những người khác phải trả giá,” ông Putin nói thêm.
Tuy nhiên, các quốc gia thành viên CICA có chương trình nghị sự đa dạng của riêng họ, và ngày càng trở nên có giá trị hơn đối với Nga khi họ là khách hàng mua dầu, khí đốt và các mặt hàng khác mà Nga khó bán được cho phương Tây.
Tổ chức này bao gồm một số quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ vốn coi Nga là ông chủ thuộc địa cũ của họ – cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Ả rập và Đông Nam Á, vốn hưởng lợi từ giao thương chặt chẽ với phương Tây và Nhật Bản.
Thuật ngữ ‘tỷ phú vàng’ đã trở nên phổ biến trong ngôn từ chính trị Nga vào những năm 1990 và nằm trong lý thuyết cho rằng các nước phương Tây âm mưu bóc lột tài nguyên của các nước khác, nhất là là Nga, trong khi khiến các nước này nghèo mãi và tẩy não người dân của họ.
Lý thuyết này cũng ủng hộ mục tiêu mà ông Putin tuyên bố là khôi phục vị thế cường quốc toàn cầu của Nga bằng cách phản đối những gì ông coi là phe cánh do Mỹ lãnh đạo.
Kyiv và phương Tây đã bác bỏ việc họ có ý định đe dọa hoặc làm giảm sức mạnh nước Nga. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 13/10 còn mô tả cuộc chiến ở Ukraine là một phần trong “cuộc thập tự chinh” của Nga chống lại nền dân chủ tự do.
Nhật Minh Ngọc (Theo Reuters)
Liên minh châu Âu: ‘Quân đội Nga sẽ bị tiêu diệt’ nếu họ sử dụng vũ khí hạt nhân
Một quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) hôm thứ Năm (13/10) cảnh báo, quân đội Nga sẽ bị các lực lượng phương Tây “tiêu diệt” nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
“Bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào chống lại Ukraine đều sẽ có câu trả lời. Không phải đáp trả bằng hạt nhân mà là phản ứng quân sự mạnh mẽ đến mức quân đội Nga sẽ bị hủy diệt”, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu Josep Borrell tuyên bố hôm thứ Năm (13/10) tại buổi khánh thành Học viện Ngoại giao ở Brussels, Bỉ.
“Đây là một thời khắc then chốt trong lịch sử và chúng ta phải thể hiện sự đoàn kết, sức mạnh và quyết tâm của mình. Hoàn thành quyết tâm”.
Trong một bài phát biểu vào tháng trước, ông Putin nói rằng ông “không nói đùa” và khẳng định ông sẽ bảo vệ “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Nga bằng “mọi cách theo mong muốn của Nga”, ám chỉ việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Bất chấp những lời đe dọa được đề xuất, các quan chức Mỹ tuần trước cho biết không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy Điện Kremlin sẽ phóng vũ khí hạt nhân sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố thế giới phải đối mặt với nguy cơ hạt nhân lớn nhất kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
“Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông ấy không nói đùa. Cần phải nói rõ rằng những người ủng hộ Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) cũng như các nước thành viên, Mỹ và NATO cũng không nói đùa”, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại EU Josep Borrell cho biết.
‘Chúng tôi không muốn nổ ra Chiến tranh Thế giới’
Bình luận của ông Josep Borrell được đưa ra chỉ vài giờ sau khi xuất hiện các bình luận có phần ôn hòa hơn từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã viết trên Twitter rằng “Chúng tôi không muốn nổ ra Chiến tranh Thế giới”.
“Học thuyết hạt nhân của Pháp dựa trên lợi ích cơ bản của quốc gia”, ông Macron cũng nói với các hãng tin Pháp hôm 13/10. “Chúng được xác định rõ ràng và sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp, nếu chẳng hạn như có một vụ tấn công hạt nhân tên lửa ở Ukraine trong khu vực”.
Ông Macron nói thêm: “Trước hết, ông Vladimir Putin phải dừng cuộc chiến này, tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và quay lại bàn đàm phán. Vào một lúc nào đó, Kyiv sẽ đàm phán với Nga. Đó là lý do tại sao tôi luôn từ chối vị thế tối đa”.
Nhưng ông Macron nói rằng Pháp sẽ cung cấp hệ thống phòng không cho quân đội Ukraine sau một loạt cuộc không kích của Nga hồi đầu tuần nhằm đáp trả một vụ đánh bom cây cầu ở Crimea.
“Chúng tôi sẽ cung cấp… radar, hệ thống và tên lửa để bảo vệ họ khỏi các cuộc tấn công này”, ông Macron nói với truyền thông địa phương và nói thêm rằng 6 đơn vị pháo tự hành Caesar khác cũng có thể được gửi tới Ukraine.
Lam Giang
Theo The Epoch Times
Nga chuẩn bị rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen
Moscow đã đệ trình lên Liên Hợp Quốc những lo ngại về một thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen và sẵn sàng từ chối gia hạn thỏa thuận này vào tháng tới, trừ khi các yêu cầu của họ được giải quyết, Đại sứ Liên Hợp quốc tại Geneva của Nga nói với Reuters hôm thứ Năm (13/10).
Thỏa thuận do Liên Hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hồi tháng 7 đã mở đường cho Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng ở Biển Đen đã bị đóng cửa kể từ khi Nga xâm lược. Moscow được đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của chính mình.
Thỏa thuận đã giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Nga và Ukraine là hai trong số các nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới và Nga là nhà xuất khẩu phân bón số một. Tuy nhiên, Moscow đã nhiều lần phàn nàn về việc thực hiện thỏa thuận, cho rằng họ vẫn gặp khó khăn trong việc bán phân bón và thực phẩm.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Reuters, ông Gennady Gatilov, đại sứ Nga tại Liên Hợp quốc tại Geneva, cho biết Moscow đã gửi một lá thư cho Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres hôm 12/10 đề ra một danh sách các khiếu nại. Các quan chức Liên Hợp Quốc sẽ có mặt tại Moscow vào ngày 16/10 để thảo luận về việc gia hạn thỏa thuận.
Ông nói: “Nếu chúng tôi thấy không có gì xảy ra với phía Nga trong thỏa thuận – xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga – thì xin lỗi, chúng tôi sẽ phải nhìn nhận vấn đề theo hướng khác”.
Khi được hỏi liệu Nga có thể ngừng hỗ trợ cho việc đổi mới thỏa thuận ngũ cốc vì những lo ngại hay không, ông nói: “Có khả năng … Chúng tôi không phản đối việc cung cấp ngũ cốc nhưng thỏa thuận này nên bình đẳng, nó phải công bằng và được thực hiện bởi tất cả các bên”.
Ông Gatilov từ chối cung cấp một bản sao của lá thư.
Phát ngôn viên Liên Hợp quốc Stephane Dujarric cho biết: “Chúng tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên với các quan chức Nga, cũng như với các quan chức từ Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ nhằm tháo gỡ những trở ngại cuối cùng, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga”.
Ông cho biết Tổng thư ký Liên hiệp quốc Guterres đã cam kết thực hiện những nỗ lực đó và có một Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được gia hạn và mở rộng.
Ông Gatilov, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp từng là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trước khi đảm nhận chức vụ ở Geneva, nói rằng ông thấy triển vọng đang mờ dần về một thỏa thuận thương lượng đối với cuộc chiến kéo dài gần 8 tháng ở Ukraine.
Ông trích dẫn những gì ông gọi là “hành động khủng bố” chẳng hạn như một vụ nổ trên một cây cầu đến Crimea.
Ông nói: “Tất cả những điều này khiến việc đạt được một giải pháp chính trị trở nên khó khăn hơn”.
Washington nói việc Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán về tương lai của chiến tranh chỉ có “tính cách giả tạo” khi nước này tiếp tục tấn công các thành phố của Ukraine.
Khi được hỏi về triển vọng cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Gatilov nói rằng điều đó là không khả thi với mức độ hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine. Ông nói: “Việc này khiến Mỹ trở thành một phần của cuộc xung đột”.
Tuy nhiên, ông tỏ ra lạc quan hơn về các kết quả thương lượng khác như tiếp cận viện trợ và trao đổi thêm tù nhân, gọi đây là “một khả năng.” Ông cho biết một phái đoàn của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đã họp với Bộ Quốc phòng Nga ở Moscow gần đây về một sự hoán đổi có thể xảy ra, nhưng không cho biết thêm chi tiết. ICRC không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Trước khi Nga bắt đầu cuộc chiến với Ukraine vào ngày 24/02, hai nước đã cung cấp gần ⅓ lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu.
Việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc đang được giám sát bởi Trung tâm Điều phối chung (JCC) ở Istanbul, nơi các nhân viên Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc cùng làm việc.
Lam Giang
Hãng Apple nhận thêm án phạt tại Brazil
Hôm 13/10 vừa qua, Tòa án bang Sao Paulo (Brazil) đã ra phán quyết xử phạt hãng Apple của Mỹ số tiền 100 triệu REAL (tương đương 19 triệu USD), đồng thời yêu cầu tập đoàn này phải bán mẫu sản phẩm điện thoại thông minh iPhone mới ra mắt kèm theo bộ sạc pin, theo hãng tin Reuters.
Phán quyết của Tòa án bang Sao Paulo được đưa ra sau khi Hiệp hội người tiêu dùng của bang này đệ đơn kiện hãng Apple với cáo buộc tập đoàn công nghệ của Mỹ đã có hành vi lạm dụng và lừa dối khách hàng khi bày bán sản phẩm iPhone mà không đi kèm bộ sạc. Đại diện Apple cho biết tập đoàn công nghệ này sẽ kháng cáo phán quyết trên của Tòa án bang Sao Paolo.
Hồi tháng trước, Chính phủ Brazil đã yêu cầu Apple ngừng bán tại quốc gia Mỹ Latinh này tất cả các mẫu sản phẩm điện thoại thông minh iPhone mà không đi kèm bộ sạc pin. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp Brazil cũng xử phạt Apple 12,2 triệu REAL (2,38 triệu USD) với lý do “Táo khuyết” đang cung cấp một sản phẩm chưa hoàn thiện cho người tiêu dùng.
Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Brazil (Procon-SP) vào tháng 10/2021 đã xử phạt 1,9 triệu USD đối với Apple, sau khi xem xét hành vi của tập đoàn này trong việc bán iPhone 13 không đi kèm bộ sạc tại Brazil.
Hồi tháng 10/2020, Procon-SP đã bắt đầu xem xét việc Apple bán iPhone 12 không bao gồm bộ sạc. Cơ quan này nhận định, Apple không thể chứng minh được quan điểm về bảo vệ môi trường từ chính sách mới của hãng. Đến tháng 12/2020, Procon-SP đã thông báo việc bán iPhone ở nước này mà không có bộ sạc trong hộp là vi phạm Luật Người tiêu dùng.
Vào thời điểm đó Apple lập luận rằng người dùng đã có rất nhiều cục sạc điện thoại của hãng, do đó có thể dùng cục sạc cũ cho iPhone 12, đồng thời, việc này giúp hạn chế lượng rác thải điện tử thải ra môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, Procon-SP nhận thấy lập luận trên của Apple không đủ tính thuyết phục, bởi việc mua điện thoại kèm bộ sạc là thứ thiết yếu, trong khi đó, Apple lại không chịu trách nhiệm nếu người dùng sạc iPhone bằng cục sạc của bên thứ 3.
Phan Anh
Nhiều quốc gia NATO tham gia chương trình ‘Lá chắn bầu trời châu Âu’
Hơn mười thành viên NATO đã ký kết một sáng kiến nhằm xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không của châu Âu, trong bối cảnh Nga tiếp tục làn sóng tấn công hàng loạt vào các mục tiêu dân sự ở Ukraine.
Ngày 13/10, Phần Lan cùng 14 đồng minh NATO đã nhất trí phát triển “Sáng kiến Lá chắn Bầu trời Châu Âu”, có thể cân nhắc mua hệ thống phòng không Arrow của Isarel hoặc Patriot của Mỹ hay tên lửa phòng không IRIS-T của Đức. NATO nêu rõ trong một thông cáo rằng sáng kiến này sẽ tăng cường Hệ thống Phòng thủ Tên lửa và Phòng không Tích hợp (IAMD), một sứ mệnh hoạt động để ổn định và bảo vệ không phận NATO.
14 đồng minh NATO đã ký kết Sáng kiến Lá chắn Bầu trời Châu Âu bao gồm Đức, Bỉ, Bulgaria, Séc, Hungary, Latvia, Hà Lan, Na Uy, Romania, Slovakia, Slovenia, Anh, Lithuania và Estonia.
“Cam kết này thậm chí còn quan trọng hơn, khi mà chúng ta chứng kiến các cuộc tấn công tên lửa tàn nhẫn và bừa bãi của Nga ở Ukraine, giết chết dân thường và phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng. Trong bối cảnh này, tôi hoan nghênh việc lãnh đạo của Đức khởi động Sáng kiến Lá chắn Bầu trời Châu Âu,” Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana nhấn mạnh trong một tuyên bố. “Các khí tài mới, hoàn toàn có thể tương tác và tích hợp liền mạch trong hệ thống phòng không và tên lửa của NATO, sẽ nâng cao đáng kể khả năng của chúng ta trong việc bảo vệ Liên minh khỏi mọi mối đe dọa tên lửa và trên không.”
Nga đã thực hiện một loạt các cuộc tấn công tên lửa vào các trung tâm dân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp Ukraine trong tuần này. Đáng lưu ý, Tổng thống Nga Vladimir Putin coi đó là hành động trả đũa vụ nổ ở Cầu Kerch nối đất nước ông với bán đảo Crimea bị chiếm đóng. Ông Putin đổ lỗi cho Ukraine về vụ nổ, gọi đây là hành động “khủng bố”, cho dù Ukraine chưa công khai nhận trách nhiệm về vụ việc.
Trong thông tin cập nhật được đăng trên Telegram vài ngày qua, Cơ quan Tình trạng khẩn cấp Nhà nước Ukraine đã thông báo về tình trạng mất điện, nước và khí đốt. Cơ quan này cho biết hôm 11/10, số người chết trong các cuộc tấn công đã lên tới 19 người và hơn 100 người khác bị thương. Đến nay, tổng số thương vong vẫn chưa được công bố rõ ràng.
Trong khi NATO dự định xây dựng hệ thống phòng không của riêng mình ở châu Âu, Ukraine cũng kêu gọi các đồng minh phương Tây trang bị thêm thiết bị giúp họ có thể bảo vệ không phận của mình trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga.
“Ukraine rất cần các hệ thống phòng không và tên lửa. Chúng tôi cần chúng ngay tại đây và ngay lúc này,” Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đăng tweet hôm thứ 12/10.
Sau các cuộc tấn công của Nga, Đức tuyên bố cung cấp hệ thống phòng không IRIS-T đầu tiên trong số 4 hệ thống phòng không IRIS-T mới cho Ukraine trong vòng vài ngày tới.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 10/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng “cam kết tiếp tục cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ cần thiết để tự vệ, bao gồm các hệ thống phòng không tiên tiến”, theo một thông báo của Nhà Trắng.
Minh Ngọc (Theo AFP)
Nga, Ukraine trao đổi thêm 40 tù nhân theo thỏa thuận mới
Ngày 13/10, Moscow và Kyiv thông báo, họ đã trao đổi 20 tù binh của mỗi bên theo thỏa thuận mới nhất của mình.
Trợ lý tổng thống Ukraine Andriy Yermak viết trên Telegram: “Một cuộc trao đổi tù nhân khác, một khoảnh khắc vui mừng khác. Chúng tôi đã giải phóng thêm được 20 người.”
Trong số đó có “14 binh sĩ của quân đội Ukraine, 4 thành viên của lực lượng bảo vệ lãnh thổ, một sĩ quan Vệ binh Quốc gia và thành viên của hải quân Ukraine”.
Ngoài ra vẫn còn có “những người bị Nga đã giam giữ trong nhà tù Olenivka và trong các khu vực tạm thời bị chiếm đóng của các vùng Zaporizhzhia và Kherson,” ông cho biết thêm.
Ông Yermak đã đăng hai bức ảnh và một đoạn video ngắn cho thấy hình ảnh các tù binh được trả tự do mặc quân phục ngồi trên xe buýt, lưu ý rằng các binh sĩ này đang được kiểm tra sức khỏe.
Bộ Quốc phòng Nga cũng cho hay trong một tuyên bố trên Telegram: “Hai mươi binh sĩ Nga đã trở về từ lãnh thổ Ukraine do Kyiv kiểm soát” và đang nhận được sự trợ giúp về mặt y tế và tâm lý mà họ cần.
Nga và Ukraine trao đổi tù nhân lần cuối vào ngày 11/10, Kyiv xác nhận 32 binh sĩ của họ đã được trả tự do.
Minh Ngọc (Theo AFP)