Nga liên tục tập kích Ukraine bằng tên lửa tầm xa để trả thù cho vụ nổ cầu Crimea, nhưng tốn kém quá nhiệu và có thể khiến kho dự trữ cạn kiệt, trong khi Kiev tăng sức mạnh phòng không.
Quân đội Nga từ ngày 10/10 liên tục tiến hành các vụ tập kích nhắm vào nhiều thành phố Ukraine cùng cơ sở hạ tầng chiến lược nhằm trả thù cho vụ nổ cầu Crimea. Đây là đợt tấn công tên lửa dữ dội nhất của Nga ở Ukraine trong vài tháng qua.
Giới chuyên gia cho rằng hành động này không phải thể hiện chiến lược quân sự mới, mà là màn “phô diễn sức mạnh” vào thời điểm quân đội Nga gặp nhiều khó khăn, khi phải vất vả ngăn cản bước tiến của Ukraine trên mặt trên miền đông và miền nam.
“Đây là lần đầu tiên trong nửa năm qua Nga tiến hành các cuộc tập kích bằng vũ khí tầm xa với quy mô lớn như vậy”, Jeff Hawn, chuyên gia về quân sự Nga kiêm cố vấn của Viện New Lines ở Mỹ, nói. “Họ muốn chứng minh mình vẫn có khả năng phát động các cuộc tấn công trừng phạt quy mô lớn trên khắp Ukraine và tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng”.
Tuy nhiên, Hawn cho rằng đợt tập kích vừa qua đặt ra một số vấn đề cho Moscow: các tên lửa hành trình, đạn đạo đắt tiền của họ chỉ có thể triển khai theo từng đợt, bởi đây là một khoản đầu tư quân sự đáng kể, nhưng chúng hiếm khi đánh trúng mục tiêu có giá trị cao.
Chỉ riêng ngày 10/10, Nga đã phóng khoảng 84 tên lửa vào Ukraine, trong đó hơn 40 quả bị hệ thống phòng không của Kiev bắn hạ, theo quân đội Ukraine.
“Ngành công nghiệp quốc phòng Nga được cho là có thể sản xuất 100-200 tên lửa mới mỗi năm. Vấn đề hiện nay với họ là bổ sung kho dự trữ. Tình hình rất khó khăn, bởi Nga có thép, có thuốc nổ, nhưng thiếu các hệ thống dẫn đường điện tử tinh vi cho tên lửa tầm xa”, Tướng Christian Quesnot, cựu chánh văn phòng tổng thống Pháp, cho biết.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt với Nga đã khiến ngành công nghiệp vũ khí nước này gặp nhiều khó khăn trong tìm nguồn cung linh kiện điện tử. Trong bối cảnh đó, Moscow buộc phải giảm mạnh hoặc thậm chí ngừng xuất khẩu vũ khí, thậm chí còn phải tìm kiếm nguồn cung từ bên ngoài.
Ngoài tác động của lệnh trừng phạt, ngành công nghiệp quân sự Nga còn chịu nhiều ảnh hưởng từ những thiếu sót trong công tác quản lý, điều này phần nào được bộc lộ khi nước này thi hành lệnh động viên lính dự bị vừa qua, theo Hawn. Tổng thống Putin đã thừa nhận những bất cập trong hệ thống tuyển quân và quản lý của bộ máy quân sự, đồng thời yêu cầu Bộ Quốc phòng nhanh chóng khắc phục.
“Moscow có lượng lớn thiết bị quân sự, nhưng một số không thể sử dụng bởi yếu kém của những người chịu trách nhiệm bảo quản. Một số lính dự bị Nga khi tòng quân đã phải tự mua sắm trang bị, đồ lạnh, áo giáp cho mình”, Hawn nói.
Trong những tháng gần đây, những phàn nàn càng xuất hiện nhiều hơn. “Người Nga cần tên lửa để yểm trợ hỏa lực cho những người lính ở tiền tuyến”, tướng Michel Yakovleff, cựu phó tham mưu trưởng tại Trụ sở Tối cao Lực lượng đồng minh châu Âu (SHAPE), nói. “Trong khi binh sĩ đang chật vật chiến đấu trên chiến trường, các tướng Nga lại ra lệnh khai hỏa những tên lửa quý giá đó vào các mục tiêu không nhiều giá trị ở Ukraine”.
Dù các cuộc tập kích đầu tuần này của Nga gây ra tình trạng mất điện ở nhiều thành phố Ukraine, chúng không ngăn được lực lượng của Kiev tiếp tục phản công. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 12/10 tuyên bố lực lượng nước này đã giành lại 5 khu định cư ở Kherson, khu vực mà Moscow tuyên bố sáp nhập vào cuối tháng 9.
Nga thời gian tới có thể phải đối mặt thêm nhiều thách thức khi theo đuổi cách đánh “mưa tên lửa” trên đất Ukraine. Hệ thống phòng không của Kiev hiện phụ thuộc chủ yếu vào các thiết bị thời Liên Xô như Buk và S-300. Tuy nhiên, kho vũ khí của Ukraine ngày càng được bổ sung thêm nhiều hệ thống hiện đại của phương Tây. Hơn thế nữa một số nước Tây Phương hứa hẹn sẽ cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine. Hệ thống phòng không của Đức và Mỹ sẽ đến Ukraine trong vài tuần tới.
Kiev nhiều tháng qua đã vận động Mỹ và các nước châu Âu hỗ trợ thêm vũ khí. Sau các cuộc tấn công của Nga hôm 10/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine và cam kết sẽ chuyển các hệ thống mới cho nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov ngày 11/10 hoan nghênh sự xuất hiện của hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T mà Đức chuyển cho Ukraine, xem đây là mốc đánh dấu cho “kỷ nguyên mới” cho phòng không của Kiev. Các lãnh đạo G7 cũng tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev, trong đó có các hệ thống phòng không mới.
Ukraine sẽ có một khẩu đội IRIS-T gồm ba bệ phóng gắn trên xe tải mang theo 24 tên lửa với tầm bắn 40 km, được điều khiển bởi phương tiện chỉ huy ở cách đó 20 km. Radar của hệ thống này đặc biệt nhạy cảm và có thể phát hiện tốt các tên lửa tàng hình bay thấp như Kalibr mà Nga đang sử dụng, theo Denys Smazhnyi, trưởng nhóm huấn luyện của lực lượng tên lửa phòng không Ukraine.
Bằng cách triển khai nhiều khẩu đội, Ukraine có thể thiết lập một tuyến phòng thủ dài tới 100 km, bao phủ các hướng tấn công tên lửa chính của Nga. Hệ thống IRIS-T của Đức còn tích hợp dữ liệu radar từ các trạm mặt đất và máy bay, giúp một khẩu đội có thể tấn công mục tiêu ngay cả khi chưa nhìn thấy chúng.
Nga tốn bao nhiêu để chi cho tập kích hàng loạt thành phố của Ukraine?
Tạp chí Forbes Ukraine ước tính Nga có thể đã chi 400 – 700 triệu USD cho cuộc tập kích nhằm vào các thành phố Ukraine hôm 10/10.
Forbes Ukraine hôm nay đưa tin Nga đã phóng 84 tên lửa hành trình và triển khai 24 máy bay không người lái thực hiện loạt cuộc tập kích vào các thành phố Ukraine hôm 10/10.
Theo dữ liệu tạp chí thu thập, quân đội Nga đã sử dụng tên lửa Kh-101 (13 triệu USD/quả), tên lửa Kalibr (6.5 triệu USD/quả), tên lửa Iskander (3 triệu USD/quả), tên lửa Onyx (1,25 triệu USD/quả), tên lửa Kh-22 (1 triệu USD/quả) và tên lửa Tochka-U (300.000 USD/quả).
Loạt máy bay không người lái Nga sử dụng trong cuộc tập kích hôm 10/10 cũng có giá trị hàng triệu USD. Forbes Ukraine ước tính Nga chi 400 – 700 triệu USD cho loạt cuộc tập kích này.